Nguyễn Huy Sơn
Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam
Nguyễn Văn Tiến
Cục Kiểm Lâm
TÓM TẮT
Re gừng (Cinnamomum obtusifolium) là loài cây gỗ bản địa, lá rộng thường xanh, có giá trị cả về kinh tế, xã hội và môi trường, là một trong những loài cây trồng rừng chính của nhiều địa phương trong những năm qua ở Việt Nam. Tuy nhiên, việc trồng thành rừng loài cây này chưa nhiều, vì còn thiếu một số cơ sở khoa học từ đặc điểm sinh lý, sinh thái đến kỹ thuật gieo ươm và trồng rừng. Vì vậy, việc nghiên cứu một số đặc điểm sinh lý, sinh thái của cây con trong giai đoạn vườn ươm là cần thiết, nhất là nhu cầu về phân bón và ánh sáng. Kết quả trong phạm vi nghiên cứu này cho thấy bón thúc bằng cách tưới phân NPK (5:10:3) hoà tan trong nước lã với nồng độ 5% cho tỷ lệ sống cũng như khả năng sinh trưởng cả về đường kính gốc và chiều cao của cây con Re gừng cao hơn bón thúc bằng nước phân chuồng ngâm hoặc không bón thúc. Trong giai đoạn 2 tháng đầu kể từ khi gieo ươm, che sáng 50% là phù hợp, tỷ lệ sống và khả năng sinh trưởng về chiều cao ở mức che sáng này đạt cao nhất với các giá trị tương ứng là 99,07% và 21,56cm. Nhưng từ tháng thứ 3 đến tháng thứ 6 che sáng 25% là phù hợp và cây con có tỷ lệ sống cũng như khả năng sinh trưởng chiều cao đạt cao nhất với các giá trị tương ứng là 94,44% và 33,26cm, sau tháng thứ 6 có thể dỡ bỏ dàn che hoàn toàn để huấn luyện cây con trước khi đem đi trồng rừng.
Từ khóa: Cây con Re gừng, Phân bón thúc và chế độ ánh sáng, sinh trưởng.
ĐẶT VẤN ĐỀ
Re gừng (Cinnamomum obtusifolium) là loài cây bản địa, lá rộng thường xanh, gỗ lớn, có giá trị cả về kinh tế, xã hội và môi trường, phân bố khá rộng ở một số nước trong khu vực Đông Nam Á như: Việt Nam, Lào và Campuchia. Ở nước ta, Re gừng có phân bố trong các trạng thái rừng tự nhiên lá rộng thường xanh từ Cao Bằng, Lạng Sơn, Phú Thọ đến các tỉnh vùng Tây Nguyên và tỉnh Đồng Nai, thường ở độ cao dưới 800m so với mực nước biển (Forest Inventory and Planning Institute, 2009). Re gừng là một trong những loài cây trồng rừng chính ở nước ta trong những năm gần đây. Tuy nhiên, trong thực tế trồng rừng loài cây này ở nhiều địa phương trước đây chưa mấy thành công, có thể là do thiếu cơ sở khoa học từ kỹ thuật gieo ươm tạo cây con đến trồng rừng và chăm sóc rừng trồng, nhất là về đặc điểm sinh lý, sinh thái của chúng ở các giai đoạn phát triển khác nhau. Vì vậy, việc nghiên cứu ảnh hưởng của chế độ ánh sáng và phân bón đến cây con Re gừng trong giai đoạn vườn ươm là cần thiết, có nghĩa cả khoa học và thực tiễn sản xuất, làm cơ sở khoa học đề xuất các biện pháp kỹ tạo cây con thích hợp nhằm nâng cao chất lượng cây giống cho trồng rừng. Đây cũng là một mắt xích quan trọng nhằm nâng cao chất lượng rừng trồng loài cây Re gừng.
(Tạp chí Khoa học Lâm nghiệp số 2 năm 2012, trang 2191-2198)
Tin mới nhất
- Tạp chí Khoa học Lâm nghiệp
- Ảnh hưởng của mật độ và phân bón đến năng suất rừng trồng Keo lai 9,5 năm tuổi ở Quảng Trị
- Nghiên cứu đặc điểm đất đai tại khu vực loài Trúc đen (Phyllostachys nigra Munro) phân bố tại Sa Pa, Lào Cai
- Phân tích chỉ số đa dạng sinh học của thực vật thân gỗ trong Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà - Tp. Đà Nẵng
- Nghiên cứu đa dạng di truyền cây Dầu rái (Dipterocarpus alatus Roxb.) bằng kỹ thuật RAPD
Các tin khác
- Kết quả nghiên cứu tỷ lệ nảy mầm, tỷ lệ che sáng và thành phần ruột bầu cây Lò bo (Brownlowia tabularis Pierre) giai đoạn vườn ươm
- Thể lệ viết và gửi bài đăng Tạp chí Khoa học Lâm nghiệp
- Đánh giá khả năng sử dụng hình số tự nhiên để xác định thể tích cho một số loài cây rừng tự nhiên khai thác chủ yếu ở vùng Tây Nguyên
- Nghiên cứu nâng cao độ phì của đất nhằm nâng cao năng suất rừng trồng bạch đàn ở các luân kỳ sau
- Thực trạng gây trồng một số loài cây lâm sản ngoài gỗ ở tỉnh Cao Bằng