Xác định đường carbon cơ sở cho rừng phục hồi sau nương rẫy tại Tương Dương, Nghệ An

Trần Quang Bảo

Trường Đại học Lâm nghiệp

TÓM TẮT

Trồng rừng/tái trồng rừng theo cơ chế phát triển sạch đã và đang trở nên phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới. Một trong những tiêu chí để quyết định đầu tư trồng rừng CDM hay không đó là đường carbon cơ sở. Để xác định được đường carbon cơ sở cần căn cứ vào diễn thế tự nhiên của thảm thực vật trên đất hoang hóa. Đối với rừng phục hồi sau nương rẫy ở Tương Dương – Nghệ An, thảm thực vật được chia theo số năm ngừng canh tác nương rẫy trong vòng 10 năm. Kết quả tính toán lượng carbon cho thấy trong khoảng 4 năm đầu phục hồi, lượng carbon chủ yếu tập trung ở lớp cỏ lào, đến năm thứ 4 lượng carbon tích lũy được chia tập trung ở cả 3 lớp (cỏ lào, cây bụi và cây tái sinh) và từ năm thứ 6 đến năm thứ 10, lượng carbon lại tập trung chủ yếu ở tầng cây cao (do cây tái sinh hình thành). Từ số liệu carbon trong các trạng thái đất bỏ hóa khác nhau, đường carbon cơ sở được xây dựng theo dạng hàm liên hệ hồi quy tuyến tính một lớp như sau: Y = 31,622Ln(X) + 17,149 với hệ số tương quan rất cao (R = 0,91).

Từ khóa: A/R CDM, biến đổi khí hậu, đường carbon cơ sở, giảm phát thải, REDD

ĐẶT VẤN ĐỀ

Trồng rừng/tái trồng rừng theo cơ chế phát triển sạch (A/R CDM), hay còn gọi là rừng hấp thụ carbon, là một trong những biện pháp tích cực nhằm bảo vệ môi trường, nhất là trong điều kiện thế giới đang phải đối mặt với biến đổi khí hậu. Hiệu quả của một dự án A/R CDM được đánh giá dựa trên nhiều tiêu chuẩn. Trong đó, đường carbon cơ sở là một tiêu chuẩn quan trọng, là một trong những căn cứ để quyết định đầu tư dự án A/R CDM và là cơ sở để tính toán hiệu quả hấp thụ carbon của dự án.

Đã có nhiều nghiên cứu về khả năng hấp thụ carbon của cây rừng, carbon được tích lũy trong rừng ở nhiều bộ phận khác nhau: sinh khối của cây tầng cao, thực vật tầng thấp, vật rơi rụng và mùn trong đất. Tuy nhiên, tổng sinh khối của cây trên mặt đất là bể chứa carbon quan trọng nhất và trực tiếp bị ảnh hưởng do suy thoái rừng. Vì vậy, ước tính tổng lượng sinh khối trên mặt đất là bước quan trọng trong việc đánh giá tổng lượng carbon và tuần hoàn của nó trong hệ sinh thái rừng. Quy trình đo lường bể chứa carbon được miêu tả cụ thể trong các công trình nghiên cứu của các tác giả như: Post et al., 1999; Brown, 2002; Pearson et al., 2005; IPCC, 2006.

Ở Việt Nam trong thời gian vừa qua, các nghiên cứu về hấp thụ carbon của các thảm thực vật ở Việt Nam đã nhận được sự quan tâm lớn của các nhà khoa học. Ngô Đình Quế (2005) đã tiến hành đánh giá khả năng hấp thụ CO2 thực tế của một số loài rừng trồng như Thông nhựa, Keo lai và Bạch đàn Urô ở các tuổi khác nhau, làm cơ sở cho việc xây dựng các tiêu chí và chỉ tiêu trồng rừng theo cơ chế phát triển sạch ở Việt Nam. Nghiên cứu của Vũ Tấn Phương (2006) về trữ lượng carbon trong sinh khối thảm tươi và cây bụi tại Hoà Bình và Thanh Hoá làm cơ sở để xác định đường carbon cơ sở trong dự án trồng rừng/tái trồng rừng theo cơ chế phát triển sạch ở Việt Nam…, Võ Đại Hải (2008) đã nghiên cứu khả năng hấp thụ carbon của một số dạng rừng trồng chủ yếu ở Việt Nam như: Keo lá tràm, Mỡ, Thông mã vĩ, Keo tai tượng…

Tuy nhiên, cho đến nay những nghiên cứu về đường carbon cơ sở ở các trạng thái rừng phục hồi là chưa nhiều. Một số nghiên cứu đã tiến hành nhưng chưa mô phỏng được diễn biến của carbon hấp thụ theo thời gian. Trong khuôn khổ hợp tác với cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) về khảo sát đất tiềm năng cho trồng rừng theo cơ chế phát triển sạch ở Việt Nam, chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu điểm ở Tương Dương, Nghệ An. Một trong những mục tiêu của nghiên cứu là xác định được đường carbon cơ sở cho các trạng thái rừng phục hồi sau nương rẫy.

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]