trang trại và những đặc trưng cơ bản của nó

Bùi Minh Vũ, Nguyễn Thị Lai

Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam

 

1. Một số vấn đề về trang trại

Trang trại là cơ sở sản xuất nông nghiệp gắn với HGĐ nông dân. Các nội dung cùng những hoạt động của trang trại chính là những việc làm của người nông dân trên đồng ruộng, của người chủ HGĐ sản xuất kinh doanh nông nghiệp…..

Các Mác đã phân biệt người chủ trang trại với người tiểu nông bằng sự so sánh:

-Người chủ trang trại bán ra thị trường hầu hết các sản phẩm do họ làm ra-Người tiểu nông thì dùng toàn bộ các sản phẩm do họ sản xuất ra, việc mua bán càng ít càng tốt.

Từ những phân biệt đó của Các Mác, nổi lên một số vấn đề kinh tế cần được lưu ý :

Một là sự khác nhau về mục đích sản xuất:

Một nền sản xuất nông nghiệp được chuyển từ tự cung , tự cấp sang sản xuất hàng hoá là chủ yếu. Nông sản được sản xuất ra trước đây là để thoả mãn nhu cầu tiêu dùng trực tiếp thì nay được sản xuất ra để bán nhằm tăng thu nhập và có lợi nhuận.

Hai là về mặt sở hữu cũng có thay đổi theo hướng phát triển của nền kinh tế xã hội.

Ngày nay trong nền kinh tế thị trường, hình thức sản xuất nông nghiệp tập trung về cơ bản được dựa trên quyền sở hữu tư liệu sản xuất hay quyền sử dụng

Ba là trong điều kiện kinh tế thị trường, quy mô kinh tế gia đình ngày càng trở nên phổ biến và chiếm tuyệt đại bộ phận về số lượng các đơn vị sản xuất nông nghiệp tập trung.

Như vậy, có thể nói rằng Trang trại là thuật ngữ gắn liền với hình thức sản xuất nông nghiệp tập trung trên một diện tích đủ lớn với quy mô gia đình là chủ yếu để tạo ra sản phẩm hàng hoá cung cấp cho xã hội phù hợp với đòi hỏi của cơ chế thị trường.

Trang trại ngày nay có nhiều mặt cùng tồn tại

Về mặt kinh tế: Nói lên các hoạt động sản xuất kinh doanh để tạo ra nhiều chủng loại sản phẩm hàng hoá đem lại thu nhập cao và nhiều lợi nhuận.

Về mặt xã hội: Trang trại là một tổ chức cơ sở của xã hội. Quan hệ giữa các thành viên của hộ trang trại, giữa chủ trang trại và người làm thuê là đan xen nhau…

Về mặt môi trường: Về mặt môi trường trang trại có mối quan hệ thể hiện trên nhiều mặt rất đa dạng và gắn bó chặt chẽ với nhau, đồng thời có tác động qua lại nhiều mặt, nhiều chiều của hệ kinh tế sinh thái-nhân văn trong vùng.

Trên thực tế người ta thường chú ý về mặt kinh tế của trang trại nhiều hơn mặt xã hội và môi trường. Điều này cũng dễ hiểu vì kinh tế là nội dung cơ bản, là cốt lõi của trang trại.Từ những vấn đề trên chúng ta có thể định nghĩa Trang trại (hoặc hiểu về trang trại) như sau:

Trang trại là một hình thức tổ chức sản xuất cơ sở trong nông nghiệp (bao gồm cả nông, lâm, ngư nghiệp) mà tư liệu sản xuất thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng của một người chủ độc lập. Sản xuất được tiến hành với quy mô ruộng đất và các yếu tố sản xuất tập trung đủ lớn cùng phương thức tổ chức quản lý sản xuất tiến bộ và trình độ kỹ thuật cao, hoạt động tự chủ để sản xuất ra các loại sản phẩm hàng hoá phù hợp với yêu cầu đặt ra của cơ chế thị trường.

Các hình thức tổ chức sản xuất tập trung trong nông nghiệp dựa trên sở hữu Nhà nước và sở hữu tập thể như các nông, lâm trường quốc doanh, các HTX sản xuất nông nghiệp thì không thuộc khái niệm trang trại. Ngày nay ở nước ta, trang trại đã và đang trở thành một xu thế phát triển tốt, kết quả của nó ngày càng rõ nét trên các mặt: Kinh tế, xã hội và môi trường.

II-Những đặc trưng cơ bản của kinh tế trang trại.

1-Mục đích của trang trại:

Mục đích chủ yếu của trang trại là sản xuất nông sản hàng hoá với quy mô lớn đáp ứng nhu cầu thị trường. Đặc trưng cơ bản của sản xuất hàng hoá có thể được biểu hiện về mặt lượng với các chỉ tiêu chủ yếu sau:

Chỉ tiêu 1:Giá trị sản lượng hàng hoá Nông, Lâm, Thuỷ sản được tạo ra trong năm của trang trại

Chỉ tiêu 2:Quy mô vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh của trang trại

Chỉ tiêu 3:Tỷ suất hàng hoá của trang trại

2-Hoạt động của trang trại:

Hoạt động sản xuất kinh doanh của trang trại được tiến hành trên cơ sở các yếu tố sản xuất, trước hết là ruộng đất và tiền vốn được tập trung với quy mô nhất định theo yêu cầu phát triển sản xuất hàng hoá. Có thể nêu các chỉ tiêu sau đây:

Chỉ tiêu 1:Quy mô ruộng đất của trang trại . Nếu trang trại chăn nuôi thì quy mô đó đựơc tính theo số lượng gia súc gia cầm.

Chỉ tiêu 2:Quy mô vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh của trang trại.

3-Tổ chức và quản lý sản xuất :

Tổ chức và quản lý sản xuất tiến bộ trên cơ sở chuyên môn hoá, thâm canh, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, hạch toán kinh doanh và thường xuyên tiếp cận thị trường.

Mô hình sản xuất rất đa dạng và phong phú, phản ánh những đặc thù, kinh nghiệm và những truyền thống canh tác của địa phương.

4- Chủ trang trại :

– Có khả năng về tổ chức quản lý

– Có kiến thức và kinh nghiệm sản xuất

– Có hiểu biết nhất định về kinh doanh theo cơ chế thị trường

– Có ý chí và quyết tâm cao, dám nghĩ, dám làm, không sợ khó khăn, gian khổ

5- Nguồn nhân lực:

– Nhân lực của gia đình

– Nhân lực đi thuê : Thuê theo thời vụ và thuê thường xuyên

*Nguyên tắc thuê: Thoả thuận giữa chủ trang trại và người lao động làm thuê

*Số lượng lao động thuê mướn phụ thuộc vào loại hình, quy mô và năng lực sản xuất của trang trại

6- Loại hình trang trại :

-Nông trại

-Lâm trại

-Ngư trại

7- Về quan hệ sở hữu:

Quan hệ sở hữu của trang trại được thể hiện bằng hệ thống pháp luật và tạo nên chế độ sở hữu. Chế độ sở hữu bao gồm các quyền :

-Quyền sở hữu

-Quyền quản lý kinh doanh

-Quyền chi phối

-Quyền thực hiện lợi ích kinh tế

Trong 4 quyền đó thì 2 nhóm quyền sở hữu và quyền quản lý kinh doanh là quan trọng nhất. Trong quyền quản lý kinh doanh có quyền sử dụng đất đai.

III. Các tiêu chí nhận dạng ra trang trại :

Được thể hiện cả về mặt định tính và định lượng. Việc kết hợp cả hai mặt đó là điều kiện cần thiết nhằm đơn giản hoá và tạo điều kiện thuận lợi, dễ dàng trong vận dụng các tiêu chí nhận dạng trang trại đồng thời xác định được ai là chủ trang trại

Các đặc trưng cơ bản của trang trại ở đây cần được lưu ý là:

– Sản xuất hàng hoá của trang trại

– Sự tập trung các yếu tố sản xuất

Để phản ảnh được rõ nét các đặc trưng đó, người ta thường sử dụng các tiêu chí nhận dạng ra trang trại. Các tiêu chí đó có thể bao gồm một số chỉ tiêu sau:

Chỉ tiêu 1:Giá trị sản lượng hàng hoá và dịch vụ bình quân tạo ra trong 1 năm

-Đối với các tỉnh phía Bắc và Duyên hải miền Trung từ 40 triệu đồng trở lên

-Đối với các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên từ 50 triệu đồng trở lên

Chỉ tiêu 2:Diện tích đất đai(nếu là trồng trọt) hay số lượng đàn gia súc, gia cầm (nếu là chăn nuôi)

a-Đối với trang trại trồng trọt

(1)Trang trại trồng cây hàng năm

+Từ 2 ha trở lên đối với các tỉnh phía Bắc và Duyên hải miền Trung

+ Từ 3 ha trở lên đối với các tỉnh phía Nam và Tây nguyên

(2) Trang trại trồng cây lâu năm

+Từ 3 ha trở lên đối với các tỉnh phía Bắc và Duyên hải miền Trung

+ Từ 5 ha trở lên đối với các tỉnh phía Nam và Tây nguyên

+Trang trại trồng hồ tiêu 0,5 ha trở lên

(3) Trang trại lâm nghiệp

+Từ 10 ha trở lên đối với các vùng trong cả nước

b-Đối với trang trại chăn nuôi

Chăn nuôi đại gia súc: trâu, bò

+Chăn nuôi sinh sản lấy sữa: có thường xuyên từ 10 con trở lên

+Chăn nuôi lấy thịt: có thường xuyên từ 50 con trở lên

Chăn nuôi gia súc: lợn, dê

+Chăn nuôi sinh sản có thường xuyên đối với lợn hơn 20 con, đối với dê, cừu từ 100 con trở lên

+Chăn nuôi lợn thịt có thường xuyên từ 100 con trở lên

+Chăn nuôi gia cầm: gà, vịt, ngan có thường xuyên từ 2000 con trở lên (không tính số đầu con dưới 7 ngày tuổi)

c-Trang trại nuôi trồng thuỷ sản

Diện tích mặt nước để nuôi trồng thuỷ sản có từ 2 ha trở lên (riêng với nuôi tôm công nghiệp từ 1 ha trở lên)

d-Đối với các loại sản phẩm nông lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sảncó tính chất đặc thù như: trồng cây cảnh, nuôi ong thì tiêu trí xác định là giá trị sản lượng hàng hoá.

*Nội dung các chỉ tiêu 1,2 được quy định trong Thông tư liên tịch số 69/2000/TTLT/BNN-TCTC-Hướng dẫn tiêu chí để xác định kinh tế trang trại

IV-Các điều kiện để hình thành và phát triển kinh tế trang trại :

Có hai loại điều kiện để hình thành và phát triển kinh tế trang trại

Loại điều kiện thuộc về môi trường kinh tế và pháp lý Loại điều kiện thuộc về nội tại của trang trại
1.Tác động của Nhà nước 1.Chủ trang trại
2.Ruộng đất và chính sách ruộng đất 2.Quy mô trang trại
3.Chế biến nông sản 3.Quản lý sản xuất kinh doanh
4.Hạ tầng cơ sở (hạch toán, phân tích kinh doanh)
5.Sản xuất vùng chuyên môn hoá
6.Liên kết kinh tế
7.Môi trường, hành lang pháp lý

Tài liệu tham khảo

1. Kết quả nghiên cứu về trang trại của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, 2000.

2. Tư liệu về kinh tế trang trại của Ban vật giá Chính phủ sản xuất tại TP Hồ Chí Minh, 2000.

3, Nghị quyết 03/CP ngày 2/2/2000.

4. Thông tư liên bộ số 69 ngày 23/6/2000 về tiêu chí xác định trang trại.

5. Kỷ yếu phát triển KT trang trại của tỉnh Yên Bái.

6. Tài liệu tại hội nghị trang trại các tỉnh phía Bắc tháng 6/2000.

7. Tài liệu chương trình 327, 661.

8. GS.TS Nguyễn Đình Hưởng ” Thực trạng và giải pháp phát triển khinh tế trang trại, thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở Việt Nam” Nxb Chính trị Quốc gia, 2000.

Abstract

Farm and its typical features

Farm economies in the world in general and in Vietnam in particular all a long history. The establishment of farms objective necessity in the process of economic development of the countries. The aim of the farms is to produce a great variety of commodities meeting the requirements of the market farm economies differ in scale, form of labour uses, products and consumption markets. Farms are established on necessitated and satisfactory conditions.

*******************************************

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]