Thực trạng lập báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án trồng rừng ở Việt Nam

Hà Thị Mừng

Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam

TÓM TẮT

Đánh giá thực trạng lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của các dự án trồng rừng ở Việt Nam đã được Trung tâm Nghiên cứu Sinh thái và Môi trường rừng – Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam thực hiện năm 2010. Kết quả cho thấy hệ thống pháp lý liên quan đến ĐTM của nước ta khá đầy đủ. Từ năm 2003 đến 2009, Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT đã phê duyệt hàng nghìn báo cáo ĐTM, nhưng không có báo cáo nào cho các dự án trồng rừng. Trong số 3 tỉnh khảo sát (Quảng Ninh, Phú Thọ và Quảng Trị), chỉ có tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt 09 báo cáo ĐTM của loại dự án này. Các báo ĐTM của các dự án trồng rừng đã tuân thủ cấu trúc và nội dung theo hướng dẫn của Bộ TN&MT, nhưng chất lượng chưa cao. Chưa có chế tài ràng buộc trách nhiệm pháp lý đối với cơ quan tư vấn lập cũng như Hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM. Cần tăng cường năng lực lập, thẩm định báo cáo ĐTM và giám sát môi trường cho các chủ dự án và cơ quan liên quan.

Từ khóa: Dự án trồng rừng, đánh giá tác động môi trường

ĐẶT VẤN ĐỀ

Trồng rừng là một trong những hoạt động sản xuất lâm nghiệp quan trọng nhằm xây dựng và phát triển rừng. Trồng rừng vừa chịu tác động của các nhân tố môi trường nhưng cũng vừa có ảnh hưởng trở lại không nhỏ tới điều kiện môi trường xung quanh.Nghị định số 21/2008/NĐ-CP ngày 28/02/2008 của Chính phủ quy định 162 loại dự án phải đánh giá tác động môi trường, trong đó có Dự án trồng rừng diện tích từ 1.000ha trở lên.

Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) là việc phân tích, dự báo các tác động đến môi trường của dự án đầu tư cụ thể để đưa ra các biện pháp bảo vệ môi trường khi triển khai dự án đó. Trong thời gian qua, đa số dự án trồng rừng ở Việt Nam đã triển khai nhưng chưa lập báo cáo ĐTM hoặc đã lập nhưng chất lượng báo cáo chưa cao. Nguyên nhân là do thiếu hướng dẫn kỹ thuật về ĐTM cho loại dự án này. Vì vậy, xây dựng hướng dẫn ĐTM cho các dự án trồng rừng đóng vai trò quan trọng và cần thiết trong việc nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước và trách nhiệm của chính quyền các cấp, các ngành cũng như mọi cá nhân trong việc bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, để bản hướng dẫn sát với thực tế, cần phải đánh giá thực trạng lập báo cáo ĐTM của các dự án trồng rừng ở Việt Nam.

(Tạp chí Khoa học Lâm nghiệp, số 1 năm 2011, trang 1716-1723)

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]