Thông tin Luận án Tiến sĩ của Nghiên cứu sinh Đinh Công Trình

Tên đề tài luận án: Nghiên cứu một số đặc điểm lâm học và kỹ thuật gây trồng Chò xanh (Terminalia myriocarpa Huerch et M.A.) vùng Tây Bắc.

Chuyên ngành: Lâm sinh     Mã số:  9620205

Họ và tên nghiên cứu sinh: Đinh Công Trình

Họ và tên cán bộ hướng dẫn 1: PGS. TS Triệu Văn Hùng; hướng dẫn 2: TS. Phạm Đức Chiến

Tên cơ sở đào tạo: Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam

TÓM TẮT NHỮNG KẾT LUẬN MỚI CỦA LUẬN ÁN

  1. Về đặc điểm sinh học của Chò xanh

Chò xanh là cây gỗ lớn, thường có bạnh vè, vỏ màu nâu xám nứt dọc. Lá đơn mọc gần đối,  phiến lá hình trái xoan thuôn, đầu có mũi nhọn, đuôi gần tròn hoặc hình tim, mép lá gợn sóng hoặc có răng cưa mờ, đỉnh cuống có 2 tuyến hình cốc. Quả kín có hai cánh không đều xếp xít nhau trên cuống cụm quả, đường kính quả mang cánh trung bình 12 mm. Chò xanh ra nụ từ tháng 8 – 9 và thời kỳ quả chín từ khoảng 25/12 đến 20/1 năm sau. Chò xanh có biên độ sinh thái khá rộng, ở các tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu phân bố  từ 242 – 1.545m so với mực nước biển, trên địa hình đất dốc từ 150 – 300. Nhiệt độ bình quân năm khoảng 20 – 300C, chịu được giá rét, sương muối và gió lào. Lượng mưa hàng năm 1.400 – 2.000 mm, độ ẩm không khí trên 70%. Chò xanh thường xuất hiện ở trạng thái rừng thứ sinh nhiệt đới thường xanh mưa mùa trên núi thấp cây lá rộng, nơi rừng đã bị tác động mạnh; thường gặp ở các vùng trũng, yên ngựa, ven suối, suối cạn.

  1. Về đặc điểm lâm học của Chò xanh

Tổ thành tầng cây cao các lâm phần rừng tự nhiên có Chò xanh phân bố trong khu vực nghiên cứu khá phong phú, với 16 – 31 loài /OTC 2.500m2, trong đó có 5 – 7 loài tham gia công thức tổ thành. Mật độ Chò xanh trong tầng cây cao từ 24 – 60 cây/ha ở trạng thái rừng IIIA1 và  36 – 48 cây/ha ở trạng thái rừng IIA. Chò xanh tham gia vào công thức tổ thành tầng cây cao của 13/18 ô điều tra với hệ số tổ thành từ 5,05 – 12,29%.

Phân bố N/D, N/H của các lâm phần có loài Chò xanh phân bố có thể mô phỏng bằng hàm Weibull, có dạng lệch trái (b < 3,6). Số cây tập trung ở các cỡ đường kính 24 – 34cm và cỡ chiều cao 12 – 18cm và giảm dần khi cỡ đường kính, chiều cao tăng lên.

Mật độ cây tái sinh tự nhiên trong các lâm phần có Chò xanh phân bố từ 9.625  đến 13.375 cây/ha. Cây có nguồn gốc từ hạt chiếm từ 59,77 – 75,58% và không có sự khác nhau đáng kể giữa các trạng thái rừng. Mật độ tái sinh riêng loài Chò xanh từ 250 – 1.275 cây/ha; trong đó cây có nguồn gốc từ hạt chiếm trên 50% cho thấy loài này có khả năng tái sinh tự nhiên khá mạnh.

3.  Về kỹ thuật nhân giống Chò xanh

Chò xanh có quả nhỏ với 2 cánh, thu hái quả tốt nhất  từ 25 tháng 12 tới 20 tháng 01 năm sau, khi ở phần gốc chùm quả vẫn còn màu hồng tím nhưng phần đuôi đã chuyển sang màu vàng,  có thể đạt độ thuần 88% và tỷ lệ nẩy mầm 75%.

Hạt Chò xanh có thể bảo quảnlạnh ở 5-7oC hoặc bảo quản khô trong chum bịt kín ở nhiệt độ trong phòng; sau 6 tháng tỷ lệ nảy mầm còn 52%. Xử lý hạt bằng nước ấm 450C trong 8 giờ. Chò xanh ở giai đoạn vườn ươm  che sáng 25% là phù hợp, thành phần ruột bầu thích hợp  là 95% đất tầng B dưới tán rừng + 1% NPK + 4% phân chuồng hoai tính theo khối lượng.

Có thể nhân giống cây Chò xanh bằng phương pháp giâm hom, xử lý bằng thuốc kích thích sinh trưởng NAA với nồng độ 1,5% hoặc IBA nồng độ 2% và giâm vào vụ Xuân cho tỷ lệ ra rễ 54,4 – 56,6%.

4. Về kỹ thuật gây trồng

Chò xanh có thể trồng làm giàu rừng theo băng, chiều rộng băng chặt bằng ½ chiều cao tán rừng; băng chừa 3m, mỗi băng trồng 1 hàng Chò xanh, cây cách cây 3 m.

Trồng rừng thâm canh Chò xanh để cung cấp gỗ lớn với mật độ 1.111 cây/ha và bón lót bằng phân NPK (5:0:3) với liều lượng 300gram/cây cho sinh trưởng đến 4 tuổi là tốt nhất.

Thông tin luận án và toàn văn luận án đã được đăng tải công khai trên trang thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo: http://luanvan.moet.gov.vn/?page=1.32&view=33582

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]