Thông tin Luận án của Nghiên cứu sinh Phạm Quang Tuyến

Tên đề tài luận án: Nghiên cứu đặc điểm thực vật bậc cao có mạch và đề xuất giải pháp bảo tồn một số loài thực vật quý hiếm tại KBTTN Na Hang – Tuyên Quang

Chuyên ngành: Lâm sinh        Mã số: 9 62 02 05

Họ và tên nghiên cứu sinh: Phạm Quang Tuyến

Họ và tên cán bộ hướng dẫn: PGS.TS. Triệu Văn Hùng và TS. Phan Minh Sáng

Tên cơ sở đào tạo: Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam

TÓM TẮT NHỮNG KẾT LUẬN MỚI CỦA LUẬN ÁN:

  1. Kết quả đã xác định được 8 kiểu thảm thực vật rừng tự nhiên và 4 kiểu thảm thực vật nhân tác và xây dựng được bản đồ thảm thực vật cho toàn bộ khu KBTTN Na Hang với độ chính xác kiểm tra ngoài thực địa đạt 90,4%. Chỉ số đa dạng sinh học của một số kiểu thảm thực vật chính có xu hướng giảm dần từ trạng thái rừng giàu đến rừng nghèo và đai thấp lên đai cao: Chỉ số Shannon – Wiener Rừng gỗ tự nhiên núi đá LRTX giàu đai cao ≤700m có chỉ số đa dạng cao nhất (3,94) sau đó giảm dần Rừng hỗn giao tự nhiên núi đá (3,16), Rừng gỗ tự nhiên núi đá LRTX nghèo (2,64). Chỉ số Simpson Rừng gỗ tự nhiên núi đá LRTX giàu đai cao ≤700m là cao nhất (0,98) còn thấp nhất Rừng gỗ tự nhiên núi đá LRTX nghèo đai cao >700m chỉ số đa dạng (0,87). Chỉ số tương đồng Sorensen SI giữa 2 đai cao là 0,22 có sự khác nhau khá lớn về số loài thực vật giữa 02 đai. Cấu trúc tổ thành của một số kiểu thảm thực vật có sự đa dạng phong phú, số lượng loài cây tham gia vào công thức tổ thành thường từ 5-7 loài, chủ yếu là các loài cây đặc trưng cho hệ sinh thái núi đá.
  2. Xây dựng được danh lục thực vật khu bảo tồn với 1374 loài thuộc 676 chi, 168 họ của 5 ngành thực vật bậc cao có mạch. Số lượng loài so với danh lục cũ 2006 đã tăng lên 212 loài, tương đương 18,24 % số loài. Luận án đã xác định được 01 loài mới bổ sung cho danh lục thực vật Việt Nam là loài Nam tinh Liheng, tên khoa học là Arisaema lihengianum J. Murata & S. K. Wu,. Xác định được 10 họ thực vật đa dạng nhất có từ 26 loài trở lên, trong đó họ đa dạng nhất là Thầu dầu (Euphorbiaceae) có 58 loài, chiếm 4,22%. Hệ thực vật trong khu vực bao gồm 5 dạng sống, trong đó nhóm cây chồi trên chiếm tỷ lệ cao nhất 73,94% và thấp nhất là nhóm cây chồi nửa ẩn 2,26%. Trong tổng số 1374 loài thì có đến 1291 loài cây có ích chiếm 93,96% số loài, trong đó 812 loài được dùng làm thuốc, chiếm tỷ lệ cao nhất với 59,23%, sau đó là nhóm cây lấy gỗ chiếm 24,29%, nhóm cây làm cảnh 209 loài chiếm 15,24%, nhóm cây ăn được 205 loài chiếm 14,95%, cây có hoạt tính 99 loài (7,22%), cây thức ăn gia súc 67 loài (4,80%), cây cho sợi 43 loài (3,14%),…
  3. Nghiên cứu về về thực vật quý hiếm, đặc hữu cho thấy trong khu vực nghiên cứu đã xác định được 65 loài thực vật quý hiếm trong Sách Đỏ Việt Nam 2007; 29 loài trong Nghị định 32; 56 loài theo IUCN 2015; các loài thực vật quý hiếm phân bố trên nhiều dạng sinh cảnh khác nhau, tuy nhiên mật độ phân bố thấp, ít gặp.
  4. Các nguyên nhân gây suy giảm chính đến sự đa dạng thực vật và các loài quý hiếm trong khu bảo tồn là: Công tác quản lý còn nhiều chồng chéo; Tình hình vi phậm Luật bảo vệ và Phát triển rừng; Các hình thức khai thác gỗ và lâm sản khó kiểm soát; Hoạt động sản xuất nông nghiệp, chặt phá rừng; Ảnh hưởng của việc phát triển du lịch; Phong tục tập quán của cộng đồng địa phương,… Luận án đề xuất một số giải pháp bảo tồn đa dạng và thực vật quý hiếm: giải pháp về mặt khoa học công nghệ, biện pháp kỹ thuật lâm sinh tác động nâng cao độ che phủ của rừng; công tác quy hoạch, tổ chức, quản lý hiệu quả; chính sách phát triển và sử dụng lâm sản ngoài gỗ thông qua việc giao đất, giao rừng; giải pháp về thương mại, du lịch gắn với phát triển cộng đồng.

Thông tin luận án và toàn văn luận án đã được đăng tải công khai trên trang thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại đường link: http://luanvan.moet.gov.vn/?page=1.32&view=33545

 

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]