Thành phần loài sâu bệnh hại rừng Đước, đặc điểm nhận biết, đặc điểm sinh học và sinh thái của loài sâu hại chính tại Cần Giờ – Tp Hồ Chí Minh

Phạm Quang Thu, Lê Văn Bình

Phòng Nghiên cứu Bảo vệ Thực vật rừng

Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam

TÓM TẮT

Cây Đước là cây trồng rừng phòng hộ cố định, chắn sóng rừng ngập mặn và bảo vệ môi trường. Hiện nay, cây Đước đã và đang bị sâu bệnh gây hại. Kết quả điều tra thành phần sâu bệnh hại rừng Đước tại Cần Giờ từ năm 2006 đến năm 2007 cho thấy có 16 loài sâu bệnh, có 12 loài sâu và 4 loài bệnh. Trong đó có 3 loài gây hại chính là loài sâu trắng gây u bướu thân, cành, Xyleutes sp, sâu nâu đục dọc thân Zeuzera conferta và xén tóc Trirachys bilobulartus chuyên đục thân, mức độ gây thiệt hại trung bình. Loài Xyleutes sp; thuộc họ Cossidae, bộ cánh vẩy Lepidoptera, con trưởng thành dài trung bình từ 22 đến 28mm, trứng dài trung bình 1mm, sâu non có màu trắng ngà, nhộng dài trung bình từ 27 đến 34mm; vòng đời của chúng ở điều kiện nhiệt độ trung bình 29oC, độ ẩm 88% đạt từ 84 đến 120 ngày và 102 đến 141 ngày ở nhiệt độ trung bình 21oC, độ ẩm 84%; Loài này một năm có 3 thế hệ: thế hệ 1 từ tháng 12 đến tháng 3, thế hệ 2 từ đầu tháng 4 đến cuối tháng 7, thế hệ 3 từ đầu tháng 8 đến đầu tháng 12. Loài Zeuzera conferta Walker, 1856; thuộc họ Cossidae, bộ cánh vẩy Lepidoptera, con trưởng thành dài trung bình từ 22 đến 34mm, trứng dài trung bình 1mm, sâu non có mầu vàng, nhộng dài trung bình từ 23 đến 35mm; Vòng đời của chúng trong điều kiện nhiệt độ trung bình 29oC, độ ẩm 88% đạt từ 113 đến 161 ngày và 121 đến 185 ngày ở nhiệt độ trung bình 21oC, độ ẩm 84%; Loài này một năm có 3 thế hệ: thế hệ 1 từ tháng 1 đến cuối tháng 6, thế hệ 2 cuối tháng 7 đến cuối tháng 12. Loài Trirachys bilobulartus Gressitt & Rondon thuộc bộ cánh cứng Coleoptera, họ Cerambycidae, phân họ Cerambycinae, tộc Cerambycini, giống Trirachys Hope, xén tóc trưởng thành dài trung bình 37mm, sâu non có màu trắng sữa, nhộng trần có màu trắng sữa; Vòng đời của chúng trong điều kiện nhiệt độ trung bình 29oC, độ ẩm 88% đạt từ 221 đến 322 ngày và 241 đến 348 ngày ở nhiệt độ trung bình 21oC, độ ẩm 84%;Loài này 1 năm có một thế hệ bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 5 năm sau.

Từ khóa: Cây Đước, sâu trắng gây u bướu thân cành, sâu đục dọc thân, xén tóc.

I. MỞ ĐẦU

Rừng ngập mặn Cần Giờ có điều kiện môi trường rất đặc biệt, là hệ sinh thái trung gian giữa hệ sinh thái thủy vực với hệ sinh thái trên cạn, hệ sinh thái nước ngọt và hệ sinh thái nước mặn. Rừng Cần Giờ nhận một lượng lớn phù sa từ sông Đồng Nai, cùng với ảnh hưởng của biển kế cận và các đợt thủy triều mà hệ thực vật nơi đây rất phong phú với trên 150 loài thực vật. Gỗ Đước được dùng để làm nhà, đóng đồ mộc, xẻ ván, sản xuất than hầm có nhiệt lượng rất cao, nhựa cây Đước dùng trong công nghệ chế biến vecni, sơn và mực in. Diện tích khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ là 75.740ha, trong đó: vùng lõi 4.721ha, vùng đệm 41.139ha, và vùng chuyển tiếp 29.880 ha. Diện tích có rừng 30.079ha, trong đó có 19.096ha rừng trồng, chủ yếu là rừng đước Rhizophora apiculata, chiếm 63,5% và rừng tự nhiên là 10.982ha, chiếm 36,5%. Tuy nhiên, hiện nay rừng Đước ở Cần Giờ đã và đang bị sâu bệnh gây hại, một số nơi cây đã bị chết như ở tiểu khu 20, tiểu khu 5a, 5b. Các tiểu khu 4, tiểu khu 9 và tiểu khu 15 không bị đắp đập, thủy triều vào, ra rất đều đặn, điều kiện lập địa hoàn toàn phù hợp với sự sinh trưởng của cây Đước. Các kết quả nghiên trước đây như điều tra và giám định sâu hại cho thấy trên các tiểu khu này các loài sâu hại chủ yếu là sâu vàng Zeuzera conferta đục thân, ngọn cây Đước, sâu trắng Xyleutes sp. gây u bướu thân, cành và trang Đước (Phạm Quang Thu et al, 2006) và loài xén tóc Trirachys bilobulartus Grssitt & Rondon đục thân cây Đước (Phạm Quang Thu et al, 2008). Cho nên việc điều tra về thành phần sâu bệnh hại, tỷ lệ bị hại và mức độ bị hại là rất cần thiết từ đó tìm ra những loài gây hại chính cây Đước và tiến hành nghiên cứu đặc điểm sinh học và sinh thái học của chúng để đề xuất các giải pháp bảo vệ, ngăn ngừa là rất thiết thực và cần thiết.

(Kỷ yếu Hội nghị Khoa học Công nghệ Lâm nghiệp với phát triển rừng bền vững và biến đổi khí hậu, trang 321-333)

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]