Sử dụng cây bản địa vào trồng rừng ở Việt Nam (chương 1)

II. cây gỗ lớn, gỗ dán lạng

Cây mỡ

Tên khoa học: Manglietia glauca Bl (M. conifera Dandy).

Họ Mộc lan – Magnoliaceae.

1. Mô tả hình thái

Mỡ là cây gỗ lớn cao tới 25-30m, đường kính ngang ngực đạt tới 50-60 cm. Thân tròn, thẳng. Vỏ xám bạc, thịt màu trắng có mùi thơm nhẹ. Thân đơn trục, cành nhỏ. Tỷ lệ chiều cao dưới cành đạt 2/3 chiều cao. Lá đơn mọc cách, phiến lá hình trứng, gân nổi rõ cả 2 mặt, cuống lá mảnh. Hoa lưỡng tính, mọc đơn độc ở đầu cành, có màu trắng, to. Quả kép hình nón. Hạt có nội nhũ màu đỏ, khi xát hết nội nhũ hạt có vỏ màu đen, có mùi thơm. Hạt có nhiều dầu.

2. Đặc điểm sinh thái

Thường gặp mỡ trong rừng thứ sinh ở Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Mỡ là loài cây lá rộng thường xanh. Mỡ thường sống với các loài giổi, giẻ, trâm, ngát, gội.

Mỡ thích hợp với vùng có lượng mưa: 1400 – 2000 mm/năm. Tháng khô hạn (Lượng mưa nhỏ hơn 50 mm/tháng) không quá 2 tháng.Mỡ thích hợp với nhiệt độ trung bình hàng năm từ 22 -24oC, nhiệt độ tối cao tuyệt đối 42o C, nhiệt độ tối thấp tuyệt đối -1oC.Mỡ ít chịu nắng nóng và giá rét, đặc biệt ở giai đoạn tuổi non (Ngô Quang Đê, 1992). Dưới 18 tháng tuổi, mỡ là cây cần che bóng. Mỡ sinh trưởng tốt nhất ở độ chiếu sáng bằng 1/3 độ chiếu sáng trực xạ tự nhiên.

ánh sáng gay gắt mùa hè và mùa thu không thuận lợi cho sinh trưởng của mỡ. ánh sáng thấp trong mùa đông và ánh sáng tán quang trong mùa xuân thích hợp với sinh trưởng của mỡ (Nguyễn Hữu Thước, Nguyễn Liễn, 1965). Khi mỡ lớn có yêu cầu ánh sáng cao hơn. Tán cây tự nhiên trong băng chừa che băng mỡ trồng (5 tuổi) đứng cạnh (cách 2,5m), mỡ thiếu ánh sáng, mọc yếu, lá úa, thân mảnh, sinh trưởng xấu hơn với các hàng khác (Lâm Công Định, 1965). Mỡ thích hợp đất tốt, sâu ẩm, thoát nước, nhiều mùn. Thành phần cơ giới sét nhẹ đến sét phát triển trên phiến thạch mica, phiến thạch sét, riolit, poóc phia. Mỡ thường xanh quanh năm. Ra hoa vào tháng 3-4. Quả chín vào tháng 8-9.

Tin mới nhất

[logo-slider]