Nghiên cứu biện pháp kỹ thuật nâng cao năng suất rừng trồng trên đất bazan thoái hóa tại Tây Nguyên

Hồ Đức Soa

Trung tâm Lâm nghiệp Nhiệt đới

TÓM TẮT

Đất bazan thoái hóa là một đối tượng chủ yếu để trồng rừng sản xuất vùng cao nguyên trung phần Việt Nam. Với nhu cầu về gỗ và các sản phẩm từ rừng trồng và lợi ích kinh tế từ việc trồng rừng lấy gỗ đem lại ngày càng nhiều, nên việc rừng trồng đã và đang được mở rộng tại nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh Lâm nghiệp và nhân dân địa phương. Tuy nhiên do đất đai bị thoái hóa nghèo dinh dưỡng và khí hậu khắc nghiệt cộng tập quán sản xuất quảng canh lạc hậu, khả năng tiếp cận và ứng dụng hiệu quả các tiến bộ kĩ thuật còn rất hạn chế, vì vậy năng suất cây trồng đạt rất thấp (từ 8-10m3/ha/năm), chưa phản ánh đúng tiền năng thực tế. Chính vì vậy việc nghiên cứu các biện pháp kĩ thuật nâng cao năng suất rừng trồng trên đất bazan thoái hóa góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân trong vùng là vấn đề cấp thiết.Để giải quyết vấn đề trên, đề tài đã tiến hành các khảo nghiệm lựa chọn một số loài cây trồng sinh trưởng nhanh, cho năng suất cao phù hợp với điều kiện lập địa và nhu cầu về gỗ của địa phương. Qua 3 năm nghiên cứu, đề tài đã lựa chọn được tập đoàn cây trồng rừng trên đất bazan thoái hóa: Cây trồng lấy gỗ nguyên liệu công nghiệp là các loài Keo lai (Acacia mangium x Acacia auriculiformis), Bạch đàn urô (E. urophylla); Cây trồng cung cấp gỗ lớn là Sao đen (Hopea odorata), Trám trắng (Canarium album), Vên vên (Anisoptera cochinchinesis), Dầu rái (Dipterocarpus alatus).Biện pháp kỹ thuật thâm canh như làm đất bằng cày ngầm theo rạch, bón phân NPK, chăm sóc tỉa cành, tỉa thưa thích hợp đã nâng cao năng suất rừng trồng lên rõ rệt. Năng suất rừng trồng lấy gỗ nguyên liệu tăng 50-70% (đạt 15-18m3/ha năm), các loài cây trồng cung cấp gỗ lớn sống lâu năm và có tác dụng phòng hộ bền vững, sinh trưởng nhanh về D đạt 1,5-2,5cm/năm, H đạt 1,5-2m/năm, đáp ứng mục tiêu trồng rừng cung cấp gỗ lớn.

Từ khóa: Đất bazan thoái hóa; Tây Nguyên; Năng suất rừng trồng.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Tây Nguyên gồm 5 tỉnh, diện tích hơn 5 triệu ha, trong đó diện tích rừng 2,97 triệu ha chiếm gần 60%. Dân số trong vùng khoảng 4,75 triệu người, hơn 85% sinh sống chủ yếu bằng sản xuất Nông Lâm nghiệp, trong đó có trên 40% là đồng bào các dân tộc có trình độ văn hóa và tập quán, tập tục rất khác nhau, tỷ lệ dân số hàng năm tăng lên rất nhanh, do đó nhu cầu về lương thực phẩm và đất đai sản suất ngày càng nhiều. Từ đó nảy sinh lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy, khai thác sử dụng gỗ trái phép,… làm cho tài nguyên rừng trước đây vốn giàu có và đa dạng sinh học đã và đang cạn kiệt.

Để đáp ứng nhu cầu về gỗ ngày càng tăng, việc trồng rừng tuy được tiến hành nhiều năm qua, nhưng do tập quán canh tác lạc hậu của dân địa phương nên năng suất rừng trồng thấp, hiệu quả kinh tế chưa cao. Trong khi đó đất trống trọc hoang hóa bị xói mòn, thoái hóa dinh dưỡng diễn ra nhanh chóng, vì vậy sản xuất Nông – Lâm nghiệp và đời sống nhân dân, đặc biệt ở vùng sâu xa đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.

Xuất phát từ thực tế trên, việc nghiên cứu triển khai ứng dụng các tiến bộ kĩ thuật tăng năng suất rừng trồng là tạo thêm được việc làm, giảm áp lực về đất canh tác, đáp ứng kịp thời nhu cầu về gỗ và lợi ích nhiều mặt khác của xã hội, góp phần từng bước ổn định đời sống nhân dân trong khu vực là vấn đề cấp thiết.

(Kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ giai đoạn 2006-2010, trang 162-170)

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]