Kết quả đánh giá sinh trưởng của một số loài cây lá rộng bản địa trồng dưới tán rừng Thông mã vĩ và Thông nhựa tại Đại Lải, Vĩnh Phúc

Bùi Trọng Thuỷ, Lê Văn Bình

Trung tâm Khoa học Sản xuất Lâm nghiệp Đông Bắc Bộ

TÓM TẮT

Mục tiêu của nghiên cứu nhằm xác định phương thức kỹ thuật gây trồng, chăm sóc rừng phù hợp cho các loài cây lá rộng bản địa tại Đại Lải – Vĩnh Phúc. Nghiên cứu được tiến hành với các loài cây lá rộng bản địa: Lim xanh, Lim xẹt, Giổi xanh, Re hương, Sao đen trồng dưới tán rừng Thông mã vĩ và Thông nhựa tại Vĩnh Phúc. Kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy sinh trưởng của các loài cây bản địa phát triển tốt nhất ở phương thức trồng theo hàng. Công thức chăm sóc phát dọn thực bì cục bộ quanh gốc, bón 0,2 kg NPK/cây và công thức phát thực bì theo băng rộng 2 m kết hợp bón 0,2kg NPK/cây cho các giá trị về sinh trưởng lớn nhất. Phương thức trồng và độ tàn che chưa có tác động và ảnh hưởng đến các chỉ tiêu sinh trưởng của Lim xanh, Giổi xanh và Re hương tuổi 1. Các kết quả đánh giá góp phần bổ sung cơ sở khoa học cho công tác trồng và chăm sóc rừng cây bản địa dưới tán rừng Thông.

Từ khóa: Sinh trưởng, cây bản địa, trồng dưới tán, phân bón, Thông mã vĩ, Thông nhựa

MỞ ĐẦU

Những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, thực hiện nhiều chương trình, dự án, nhằm đẩy nhanh tốc độ phục hồi và phát triển rừng như chương trình 327 giai đoạn 1992 – 1998, dự án trồng mới 5 triệu ha rừng giai đoạn 1998 – 2010 và đến nay là chương trình bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Tính đến 31 tháng 12 năm 2009, tổng diện tích rừng và rừng mới trồng nước ta là 13.258.843 ha, chiếm 39,1% tổng diện tích đất tự nhiên, trong đó diện tích rừng tự nhiên là 10.339.305 ha, diện tích rừng trồng là 2.919.538ha (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, 2010).

Trong chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng, việc phục hồi rừng bằng trồng cây lá rộng bản địa được đặc biệt chú ý. Việc trồng rừng thuần loài cũng có nhiều ưu điểm như cho sản phẩm nhanh và đồng nhất về quy cách, phục vụ tốt cho chế biến gỗ công nghiệp,… Bên cạnh đó rừng trồng thuần loài cũng bọc lộ không ít nhược điểm như không bền vững, nhiều sâu bệnh hại, khả năng phòng hộ môi trường kém,… Đặc biệt hiện tượng sâu bệnh hàng loạt đã xuất hiện ở các diện tích trồng rừng thuần loài như Thông, Keo, Bạch đàn (sâu róm ở Thông, bệnh đốm lá và cháy lá ở Bạch đàn, phấn hồng và rỗng ruột ở Keo,…). Theo số liệu báo cáo tổng kết công trình điều tra thực địa năm 2008, diện tích rừng trồng thông thuần loài là 327.212,1 ha chiếm 14,08%.Nhằm phát triển rừng theo hướng bền vững, rút ngắn chu kỳ kinh doanh, đa dạng nguồn sản phẩm từ gỗ do việc trồng nhiều loài cây gỗ có giá trị khác nhau, làm giảm nguy cơ cháy rừng; hạn chế được sự phá hại của côn trùng và sự lây lan của các mầm bệnh so với kiểu trồng thuần loài, cải thiện môi trường sinh thái, tăng khả năng phòng hộ của rừng, tiệm cận gần với rừng tự nhiên trong tương lai bằng việc gây trồng các loài cây lá rộng bản địa dưới tán rừng thông là việc làm rất cần thiết.

Bài viết này trình bày kết quả đánh giá sinh trưởng của 4 loài cây Lim xanh, Giổi xanh, Sao đen và Re hương trồng dưới tán rừng Thông mã vĩ và Thông nhựa từ đó đề xuất các phương thức trồng và các biện pháp kỹ thuật lâm sinh phù hợp với các loài cây này. Đây là một nội dung nghiên cứu của đề tài: “Nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật gây trồng một số loài cây lá rộng bản địa dưới tán rừng thông“.

(Kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ Lâm nghiệp giai đoạn 2006-2010, trang 287-296)

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]