Góp phần cung cấp giống có năng suất cao cho một số loài cây trồng rừng chủ lực

Hà Huy Thịnh

Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam

1. Rừng trồng và công tác giống trong sản xuất lâm nghiệp.

Chuyển từ khai thác rừng tự nhiên sang kinh doanh rừng trồng là xu hướng phát triển tất yếu của sản xuất lâm nghiệp ở tất cả các nước, bao gồm cả những nước đang phát triển của vùng nhiệt đới, của các nước trong khu vực và của Việt nam. Theo ước tính của FAO, diện tích rừng trồng ở các nước nhiệt đới vào năm 1950 mới chỉ vào khoảng 1 triệu ha, vào đầu những năm 80 là 11,5 triệu ha, nhưng đến những năm đầu của thập kỉ 90 thì diện tích rừng trồng ở các nước nhiệt đới đã là 44 triệu ha và có tốc độ tăng trưởng rất nhanh về diện tích.

Bảng 1. Tỷ trọng về diện tích và sản lượng gỗ của rừng trồng

tại một số nước (FAO 1995)

Nuớc Diện tích rừng (triệu ha) Tỷ trọng của rừng trồng
Rừng tự nhiên Rừng trồng Về diện tích (%) Về lượng gỗ(%)
New Zealand 7 1,20 16,1 93
Brazil 566 7,00 1,2 60
Chile 7 1,45 17,1 95
Argentina 34 0,78 2,2 60
Zimbabwe 32 0,07 0,2 50
Zambia 9 0,12 1,3 50
Australia 43 1,00 2,0 50

Mặc dù rừng trồng chiếm một tỷ lệ rất nhỏ so với diện tích rừng tự nhiên, song lượng gỗ khai thác được ở các rừng trồng lại chiếm một tỷ trọng rất lớn (bảng1). Vì thế, ngay cả những nước có trữ lượng gỗ trong rừng tự nhiên lớn như úc, Bra xin, In đô nê sia …, chính phủ các nước này cũng có kế hoạch mở rộng diện tích rừng trồng để đáp ứng nhu cầu về gỗ cho các mục tiêu phát triển.

Một trong những biện pháp thâm canh có vai trò hết sức quan trọng, quyết định năng suất và chất lượng rừng trồng là công tác giống. Nghiên cứu của Davidson (1996) đối với một số loài cây lá rộng mọc nhanh ở các nước nhiệt đới cho thấy, khoảng 60% tăng thu về năng suất của rừng trồng là do nhân tố giống quyết định.

Song do cây rừng có đời sống dài ngày, Một sai lầm hay thành công trong chọn giống cây rừng phải sau 5-7 năm, thậm chí sau hàng chục năm mới thấy. Vì thế, công tác giống thường phải đi trước các chương trình trồng rừng một bước. Mặt khác, muốn đáp ứng được nhu cầu về giống có chất lượng cao cho trồng rừng, chúng ta cần phải xác định được cơ cấu các loài cây trồng rừng chủ lực để lập kế hoạch nghiên cứu và sản xuất giống.

2. Lựa chọn loài cây chủ lực nào cho trồng rừng ở Việt Nam?

Các loài cây trồng như cao su, cà phê, chè, dừa và cọ dừa là những ví dụ điển hình về các loài cây trồng chủ lực được đầu tư nghiên cứu hết sức đồng bộ từ khâu chọn tạo giống, gây trồng, chế biến, thị trường… ; chúng đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các nước nhiệt đới đang phát triển.

Trong lĩnh vực lâm nghiệp, các giống Bạch đàn lai ở Bra xin, Công gô; Thông radiata ở Uc và New Zealand… có thể được xem là những mẫu mực về sự kết hợp giữa công tác giống với trồng rừng, chế biến và tiêu thụ. Năng suất rừng trồng của các loài này có thể đạt từ 20 – 40 m3/ha/năm, vượt gấp 10 – 20 lần so với tăng trưởng bình quân hàng năm của các rừng tự nhiên.

Tại các nước có nền lâm nghiệp phát triển, số lượng các loài cây trồng rừng chính thường rất ít, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư nghiên cứu một cách đồng bộ từ khâu cải thiện giống, lâm sinh đến khai thác, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Tại một số nước trong khu vực và một số nhiệt đới khác, nơi mà tổ thành các loài cây rừng cũng phong phú và đa dạng như ở nước ta, cũng chỉ có một số ít các loài cây được sử dụng để trồng rừng trên diện rộng.

Câu hỏi đặt ra cho chúng ta là: Nên lựa chọn những loài cây nào làm cây trồng rừng chủ lực? Giải quyết vấn đề giống có chất lượng cao cho trồng rừng bằng cách nào?

Theo thống kê của FAO (1993), nhóm các loài cây trồng rừng chủ lực tại các nước ở vùng nhiệt đới là Bạch đàn, Thông, Keo và Teak, riêng ở các nước nhiệt đới của vùng châu á-Thái bình dương thì nhóm các loài cây trồng chủ lực theo thứ từ ưu tiên là các loài Bạch đàn, Keo, Teak và Thông (bảng 2).

Bảng 2. Diện tích rừng trồng của các chi/loài cây trồng rừng chủ lực ở các vùng nhiệt đới (FAO, 1993)

Các vùng

nhiệt đới

Các chi/loài cây trồng rừng (1 triệu ha)
Bạch đàn Thông Keo Teck Các loài khác Tổng cộng

Châu Phi

0,79 0,61 0,25 0,145 1,2 3,0
Châu Mĩ 4,07 2,78 0,015 1,77 8,6
Châu á-TBD 5,20 1,20 3,15 2,03 20,62 32,2
Tổng cộng 10,06 4,59 3,40 2,19 23,59 43,8
Tỷ lệ (%) 23% 10,5% 7,7% 5% 53,8% 100%

Căn cứ vào các điều kiện tự nhiên (đặc biệt là đất đai và khí hậu), kinh tế-xã hội và nhu cầu của thị trường, các loài cây trồng rừng chủ lực ở Việt Nam cần phải đáp ứng được các tiêu chuẩn sau đây:

· Mọc nhanh, có năng suất cao với chu kì kinh doanh ngắn

· Thích ứng với các điều kiện môi trường của Việt Nam và có thể gây trồng trên diện rộng

· Phù hợp với nhu cầu của thị trường (gỗ nguyên liệu làm giấy, MDF, trụ mỏ…)

· Dễ gây trồng và ít bị sâu bệnh.

Dựa vào các tiêu chí nêu trên và kinh nghiệm của một số nước nhiệt đới khác, các loài cây trồng rừng chủ lực của nước ta trong tương lai có thể sẽ bao gồm nhóm các loài cây theo thứ tự ưu tiên sau đây:

1. Các loài Keo bao gồm Keo tai tượng, Keo lá tràm, Keo lá liềm và các giống lai khác loài giữa các loài trên.

2. Bạch đàn bao gồm Bạch đàn urô, Bạch đàn trắng caman, Bạch đàn trắng têrê, Bạch đàn pellita và các giống bạch đàn lai

3. Các loài Tràm gỗ (M. leucadendra) và Tràm gió (M. cajuputi)

4. Một số loài Thông: Thông caribê, Thông nhựa, Thông đuôi ngựa và Thông ba lá.

5. Một số loài Tre – Trúc.

Trong số đó, các loài Keo, Bạch đàn và Tràm là những cây lá rộng, mọc nhanh, có chu kì kinh doanh ngắn và được đầu tư nghiên cứu tương đối toàn diện từ khâu chọn tạo giống, nhân giống đến gây trồng… Sản phẩm của các loài này cũng rất dễ tiêu thụ nên cần phải được quan tâm phát triển trong những năm tới.

3. Tình hình nghiên cứu và sản xuất giống đối với các loài cây trồng rừng chủ lực ở Việt Nam.

Nhóm các loài cây trồng rừng chủ lực bao gồm Keo, Bạch đàn, Thông, Tràm là nhóm cây được đầu tư nghiên cứu nhiều nhất và được rất nhiều các cơ sở sản xuất quan tâm phát triển.

Các nghiên cứu về khảo nghiệm loài và xuất xứ đồng bộ được tiến hành vào đầu những năm 80. Các nghiên cứu về chọn giống, chọn lọc cây trội, cây đầu dòng và nhân giống vô tính trên diện rộng bằng công nghệ mô-hom bắt đầu được tiến hành vào đầu những năm 90. Từ 1993, các nghiên cứu về lai giống nhân tạo và sử dụng giống lai cho trồng rừng cũng bắt đầu được tiến hành và đạt được một số thành tựu đáng kể.

Cho đến nay, một mạng lưới khảo nghiệm giống tương đối đồng bộ (bao gồm các khảo nghiệm loài và xuất xứ, khảo nghiệm dòng vô tính, khảo nghiệm hậu thế và các rừng giống, vườn giống…) đã dược xây dựng tại một số vùng sinh thái chính. Đây là cơ sở để xác định các giống (loài, xuất xứ, dòng vô tính…) có triển vọng cho các kế hoạch trồng rừng trước mắ và là tập đoàn giống công tác rất có giá trị cho các chương trình khảo nghiệm giống và chọn tạo giống tiếp theo.

Trong những năm gần đây, nghiên cứu về lai giống nhân tạo cũng đã được tiến hành thành công cho các loài cây trồng rừng chủ lực (hơn 70 tổ hợp lai nhân tạo của Bạch đàn và hàng chục tổ hợp lai khác loài cho Keo, Tràm và Thông). Kết quả khảo nghiệm bước đầu cho thấy, một số tổ hợp lai có ưu thế lai rất rõ rệt, có năng suất và chất lượng vượt 1,5-2 lần so với giống bố mẹ.

Bên cạnh các nghiên cứu về chọn lọc và lai tạo, các nghiên cứu về nhân giống vô tính cho các giống mới chọn tạo cũng được quan tâm đầy đủ, tạo điều kiện rất thuận lợi cho việc chuyển giao một cách trọn gói các tiến bộ kĩ thuật về giống (bao gồm giống gốc, kĩ thuật nhân giống, thuốc kích thích ra rễ và kĩ thuật vườn ưom…) cho các cơ sở sản xuất.

Nhiều cơ sở sản xuất cây giống trong cả nước đã áp dụng rất thành công công nghệ nhân giống vô tính bằng mô và hom để sản xuất các vật liệu giống có chất lượng cao và đồng đều cho trồng rừng sản xuất.

4. Các giống mới đã được công nhận của một số loài cây trồng rừng kinh tế chủ lực.

Nghiên cứu cải thiện giống cây rừng là một quá trình thường xuyên liên tục, bao gồm rất nhiều bước và trải qua nhiều thế hệ và thông qua đó, năng suất và chất lượng di truyền của giống ngày càng được nâng cao. Song do yêu cầu của thực tiễn trồng rừng nên bên cạnh việc tiếp tục tiến hành các nghiên cứu chọn tạo giống theo định hướng chiến lược đã được vạch sẵn, một trong những nhiệm vụ chính của các tổ chức nghiên cứu chọn tạo giống là phải chuyển giao kịp thời các giống mới có triển vọng, có năng suất và chất lượng cao cho sản xuất sau từng mỗi một giai đoạn.

Từ các kết quả nghiên cứu về khảo nghiệm loài và xuất xứ, khảo nghiệm hậu thế và khảo nghiệm dòng vô tính… đồng thời với việc xây dựng các mô hình rừng rừng có năng suất tại các vùng sinh thái khác nhau, cho đến nay đã có hơn 40 giống của một số loài Keo, Bạch đàn, Thông và Tràm đã được Hội đồng Khoa học của Bộ NN&PTNT công nhận là giống tiến bộ kĩ thuật, trong đó có 3 giống Keo lai được công nhận là giống quốc gia để gây trồng trên diện rộng.

Mặc dù còn nhiều vấn đề còn cần phải giải quyết, phải tiếp tục nghiên cứu và khảo nghiệm cho một số vùng sinh thái khác, song hiện tại, các giống mới này cũng đã và đang được nhiều cơ sở sản xuất lâm nghiệp trong cả nước sử dụng làm vật liệu trồng rừng, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng rừng trồng ở nước ta.

5. Một số tồn tại.

Do nhiều nguyên nhân khách quan khác nhau nên bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, công tác nghiên cứu, sản xuất và cung ứng giống có chất lượng cao cho trồng rừng kinh tế còn một số mặt tồn tại cần phải được khắc phục. Cụ thể là:

· Tỷ lệ giống mới có năng suất cao còn chiếm tỉ lệ rất thấp trong trồng rừng.

· Một số giống mới rất có triển vọng chưa được chuyển giao một cách trọn gói và kịp thời cho các cơ sở sản xuất cây giống.

· Mạng lưới các cơ sở sản xuất cây giống bằng công nghệ mô-hom phân bố không đều và còn thiếu, đặc biệt là cho các vùng có tiềm năng lớn về đất trồng rừng như Tây Nguyên, vùng núi phía Bắc, duyên hải miền Trung và Bắc Trung Bộ.

· Chưa xác định chính xác tập đoàn giống có năng suất cao cho các vùng sinh thái khác nhau.

· Việc quản lý chất lượng giống, đặc biệt là chất lượng di truyền chưa chặt chẽ.

· Các biện pháp kĩ thuật lâm sinh như làm đất, bón phân… chưa được quan tâm đầy đủ nên các giống mới chưa phát huy được hết tác dụng.

6. Một số định hướng về công tác giống cho một số loài cây trồng rừng chủ lực.

Nhằm khắc phục các mặt tồn tại trên và để nâng cao tỷ lệ rừng trồng có năng suất cao từ nguồn giống có chất lượng di truyền được cải thiện cho một số loài cây trồng rừng chủ lực như Keo, Bạch đàn, Tràm… công tác nghiên cứu, chuyển giao và sản xuất giống trong thời gian tới cần phải được tiến hành theo các định hướng sau đây:

1. Hoạt động nghiên cứu, chuyển giao và sản xuất giống có chất lượng cao phải được tiến hành một cách song song, đồng thời và đồng bộ.

2. Xác lập được tập đoàn giống có chất lượng cao cho các vùng sinh thái chính (thông qua mạng lưới khảo nghiệm giống) và kĩ thuật nhân giống cho các giống mới chọn tạo

3. ápdụng một cách đồng bộ các tiến bộ kĩ thuật về lâm sinh như làm đất, bón phân, mật độ, chăm sóc… để xây dựng một mạng lưới các mô hình trình diễn có năng suất cao (25-30m3/ha/năm đối với Bạch đàn và 30-40m3/ha/năm đối với các giống Keo) .

4. Xây dựng một số cơ sở sản xuất cây giống có chất lượng cao bằng giâm hom cho một số vùng trọng điểm có diện tích đất trồng rừng lớn như vùng núi phía Bắc, Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung và Bắc Trung Bộ.

5. Đẩy mạnh công tác tập huấn và chuyển giao kĩ thuật.

6. Xây dựng được mạng lưới giám sát chất lượng giống, đặc biệt là chất lượng di truyền của các giống sử dụng trong trồng rừng.

Tài liệu tham khảo.

FAO, 1993: FAO Forestry Statistics Today for Tomorrow: 1961-1991, 47p.

FAO,1995: Forest Resouces Assessment 1990: Tropical Forest Plantation Resources. FAO Forestry Technical Paper 128. 81p.

Lê Đình Khả và các cộng tác viên: Chọn tạo giống và nhân giống cho một số loài cây trồng rừng chủ yếu (Báo cáo tổng kết đề tài KHCN 08.04), Hà nội 2001, 174 trang.

Nambiar, E.K.S. and Brown A.G. 1997. Management of Soil, Nutrients and Water in Tropical Plantation Forests. ACIAR Monograph No. 43. 571 p.

Summary: Shifting from exploitation of natural forests to forest management plantation as is the necessitated in forestry trend of all countries, including Vietnam.

The most intensive research conducted in Vietnam in the passing years has been focused on

species such as eucalypts, acacias, pines and melalueca are paid attention to by production units for planting in large areas.

As a result of tree improvement research, more than 40 genetically improved cultivars of the above mentioned species have been package-transferred to a large number of production units and this significantly contributed to enhancing forest plantation productivity.In order to improve forest plantation productivity, in our country it is recommended to set up some more nurseries equipped with advanced technology such as cutting propagation and plant tissue culture facilities, particularly for regions having large reforestation areas together with strengthening researches silviculture and tree breeding.

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]