Điều tra tình hình sản xuất cây con một số loài cây bản địa tại một số vườn ươm ở miền bắc Việt nam và đề xuất biện pháp kỹ thuật gieo ươm

“Điều tra tình hình sản xuất cây con một số loài cây bản địa tại một số vườn ư­ơm ở miền bắc Việt Nam và đề xuất biện pháp kỹ thuật gieo ươm” là một phần trong dự án “phục hồi rừng tự nhiên thoái hoá ở vùng phòng hộ đầu nguồn miền Bắc Việt Nam” mà chủ yếu là vùng hồ Hoà Bình. Theo yêu cầu của Ban điều hành dự án thì công việc này được tiến hành ở Hà Nội và các tỉnh trong vùng với các nội dung chính là:

– Xác định nguồn hạt và khả năng sản xuất cây con của một số loài cây bản địa.

– Đánh giá quá trình sản suất cây con và các thông tin thực tế khác về sản xuất cây con bản địa cho các loài cây nói trên.

– Đề xuất các biện pháp hợp lý sản xuất cây con bản địa.

– Viết phụ lục về đặc điểm sinh học và sinh thái học các loài cây bản địa được đề xuất.

Sản phẩm của công việc này là:

– Một bản báo cáo về tình hình sản xuất cây con ở một số vườn ươm và đề xuất hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cây con cho 19 loài cây bản địa ở miền Bắc Việt Nam (thực tế nhóm công tác đã viết đề xuất cho 21 loài)

– Các phụ lục về nguồn hạt và hướng dẫn sản xuất cây con các loài cây bản địa được đề xuất cùng các ảnh chụp minh hoạ.

Do lối canh tác nương rẫy lâu năm nên rừng ở vùng đầu nguồn của lưu vực hồ Hoà Bình đã bị thoái hoá nghiêm trọng, nhiều mái núi có diện tích hàng chục hecta ở vùng Phù Yên, Bắc Yên chỉ là đất trồng ngô, sau khi thu hoạch thì đất bị trống trọc, không có thực bì che phủ. Nhiều nơi chỉ là đất trống với một số cây bụi, thảm tươi, độ che phủ rất thấp (dưới 10%), trong lúc các sườn núi dọc theo thung lũng hồ Hoà Bình phần lớn lại có độ dốc trên 300, có nơi thậm chí độ dốc trên 500, nên khả năng giữ đất giữ nước chống xói mòn của các đồi núi ở vùng này rất kém. Trong mùa mưa nước hồ có lượng phù sa rất cao, lượng bùn lắng đọng ở lòng hồ sau mùa mưa có thể dày đến 0,5-1,0 cm. Vì thế việc phục hồi rừng bằng các loài cây có khả năng thích ứng cao, sinh trưởng nhanh, có tán rộng lại có lợi ích thiết thực với người dân để họ chủ động trồng rừng và chăm sóc rừng nhằm mau chóng tạo thảm che cần thiết là một trong những biện pháp quan trọng để bảo vệ vùng hồ Hoà Bình, duy trì nguồn nước cho công trình thuỷ điện lớn nhất và quan trọng nhất hiện nay ở Việt Nam.

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]