Điều tra, đánh giá nhu cầu và khả năng cân bằng gỗ củi tại 2 thôn Nà làng và Nà Cọ xã Khang Ninh – Ba Bể – Bắc Cạn

Võ Đại Hải

Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam

Theo số liệu thống kê khối lượng gỗ được dùng làm chất đốt trên thế giới vẫn ở mức cao, trên 50% khối lượng khai thác và vẫn có xu hướng gia tăng, 28% so với thập niên trước. Tuy nhiên, mức độ sử dụng gỗ củi ở các nước có khác nhau: ở châu Phi 87%, châu á 74%, trong khi đó ở châu Âu chỉ ở mức 15% và châu Đại Dương 22%. Điều này cho thấy ở những khu vực đang phát triển thì gỗ được sử dụng làm củi vẫn là chủ yếu.

Nà Làng và Nà Cọ là 2 thôn miền núi, nằm trong khu vực vùng đệm của Vườn Quốc gia Ba Bể tỉnh Bắc Cạn. Người dân sống ở đây chủ yếu là dân tộc thiểu số Dao và Tày với tập tục canh tác lạc hậu, đời sống thấp, chủ yếu dựa vào rừng. Vấn đề chất đốt ở đây đang là vấn đề cần được quan tâm chú ý vì hiện nay nhu cầu sử dụng gỗ củi của người dân, đặc biệt là cho đun nấu còn rất cao trong khi đó việc khai thác củi lại khó khăn vì rừng đã được quản lý, bảo vệ chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có một đánh giá nào về vấn đề này để đưa ra những giải pháp cần thiết nhằm cân bằng giữa cung và cầu về gỗ củi tại 2 thôn này, giải quyết những bất cập về chất đốt cho người dân địa phương, làm giảm sức ép lên tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là rừng tự nhiên của Vườn Quốc gia Ba Bể. Nghiên cứu này là một hợp phần của dự án “Sử dụng bền vững lâm sản ngoài gỗ” do Chính phủ Hà Lan tài trợ và hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN), được Viện Kinh tế-Sinh thái tiến hành từ tháng 6-9/2000 nhằm những mục tiêu sau đây:

– Đánh giá được nhu cầu gỗ củi của người dân thuộc 2 thôn phục vụ cho các mặt sinh hoạt và sản xuất.

– Biết được các chủng loại và các mục tiêu sử dụng gỗ củi cũng như nguồn cung cấp gỗ củi cho 2 thôn.

– Dự báo được nhu cầu gỗ củi trong tương lai và đề xuất được các giải pháp cần thiết nhằm cân bằng giữa cung và cầu về gỗ củi cho 2 thôn.

I. Vật liệu và phương pháp nghiên cứu

* Số liệu điều tra, phân tích trong dự án này gồm 114 hộ (toàn bộ số hộ trong 2 thôn)

* Phương pháp chung được sử dụng trong dự án

-Phương pháp điều tra, đánh giá nhanh nông thôn có sự tham gia của người dân (PRA), trong đó sử dụng nhiều công cụ khác nhau để đánh giá nhu cầu và khả năng cung cấp gỗ củi cũng như đề xuất các giải pháp cần thiết như phỏng vấn hộ, họp nhóm, họp thôn, thống kê xếp hạng ưu tiên các vật liệu sử dụng làm chất đốt, phân loại kinh tế hộ,…

-Tổ chức các buổi hội thảo chuyên đề để lấy ý kiến.

-Phương pháp tiếp cận chung của dự án là từ trên – xuống và từ dưới – lên.

-Sử dụng phương pháp toán thống kê trong sinh học và các phần mềm máy tính chuyên dụng để phân tích và xử lý số liệu.

* Cách giải quyết vấn đề

Bắt đầu từ các nhân tố chi phối đặc thù như vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội và nhân văn của vùng dự án, để nhận rõ vị trí và vai trò của vấn đề gỗ củi trong đời sống hàng ngày của người dân địa phương và đối với việc bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng của Vườn Quốc gia Ba Bể; tiến đến xem xét các thách thức chủ yếu thông qua bức tranh hiện trạng để đánh giá thực chất của vấn đề. Từ thực trạng đó sẽ đi sâu xem xét các cơ hội tức là các giải pháp có tính khả thi sẽ được đặt ra và áp dụng cũng như hệ thống các biện pháp cụ thể.

II. Kết quả và thảo luận

1. Kết quả điều tra, đánh giá nhu cầu gỗ củi

*Vật liệu sử dụng làm chất đốt:

Cây được sử dụng làm gỗ củi rất đa dạng, bao gồm từ cây gỗ lớn, gỗ nhỡ cho tới cây bụi và cành nhánh,… Những loài cây mà người dân ưa thích sử dụng làm gỗ củi là nghiến, giẻ, thành ngạnh, trẹo, sau sau, xoan ta, bồ đề, tre,… Trước đây, người dân thường chọn những cây gỗ lớn, cháy toả nhiều nhiệt, cho than nhiều, không khói làm gỗ củi. Nhưng ngày nay, kể từ khi Vườn Quốc gia Ba Bể được thành lập, đồng thời có nhiều chủ trương bảo vệ rừng tự nhiên của Nhà nước thì việc khai thác gỗ củi trở nên khó khăn hơn với người dân. Một xu hướng chuyển từ sử dụng cây gỗ lớn sang sử dụng những cây gỗ nhỏ, cây bụi và cành nhánh đang diễn ra trong vùng dự án. Có thể nói người dân đã sử dụng bất kể những vật liệu gì từ gỗ để làm chất đốt, không kể đó là cây gỗ to hay cây gỗ nhỏ. Số liệu điều tra cho thấy trong số gỗ củi sử dụng làm chất đốt được chia ra:

– Cây gỗ lớn chiếm 7% tổng khối lượng củi tiêu thụ.

– Cây gỗ nhỏ chiếm 25%.

– Cây bụi chiếm 45%.

– Cành nhánh cây chiếm 23%.

Kết quả điều tra cho thấy vật liệu chính sử dụng làm chất đốt trong vùng là gỗ củi. Hiện nay trong vùng dự án 100% số hộ gia đình sử dụng gỗ củi để làm chất đốt phục vụ cho các mục đích sinh hoạt khác nhau, trong đó chỉ có 11% số hộ là dùng phụ thêm trấu để đun với mức 10-50% so với tổng nhu cầu chất đốt; 3 hộ dùng than (chiếm 2,6 %) với mức sử dụng khoảng 60%. Số hộ dùng điện và dầu rất ít, mỗi loại chỉ có 1 hộ gia đình sử dụng (xem số liệu bảng 1).

Bảng 1. Vật liệu sử dụng làm chất đốt và mức độ sử dụng

Vật liệu Số hộ sử dụng Mức độ sử dụng vật liệu
Số hộ % (%)
1. Gỗ củi 114 100 80-100
2. Trấu 13 11 10-50
3. Than 3 2,6 60
4. Điện 1 0,9 30
5. Dầu 1 0,9 25

*Mục đích sử dụng gỗ củi:

Kết quả điều tra cho thấy gỗ củi được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau trong cuộc sống của người dân địa phương, bao gồm một số dạng chính sau đây: Nấu cơm, nước, cám lợn, nấu rượu, sưởi ấm, làm bánh,… Tính trung bình khối lượng củi sử dụng cho các mục tiêu trong một gia đình như sau: Đun nấu cơm, nước: 28%; nấu cám lợn: 30%; nấu rượu: 25%; sưởi ấm: 17%. Như vậy, nếu trong gia đình có nuôi lợn, nấu rượu và sưởi ấm thì khối lượng gỗ củi phải sử dụng chiếm tới 72%, còn lượng củi tiêu thụ cho nấu cơm, nước hàng ngày chỉ chiếm 28%. Như vậy, việc sử dụng gỗ củi của người dân địa phương hiện nay là để đáp ứng những nhu cầu thiết yếu hàng ngày. Vì những nhu cầu này không thể bỏ được nên việc tìm kiếm các giải pháp tạo ra nguồn cung cấp gỗ củi và tìm vật liệu khác thay thế là hết sức cần thiết.

* Nhu cầu về gỗ củi và điều kiện thu hái hiện nay:

Hiện nay nhu cầu về gỗ củi trong vùng dự án còn khá lớn và là vật liệu chủ yếu. Tính trung bình mỗi ngày một hộ gia đình cần 25-30 kg gỗ củi; trong một năm nhu cầu về gỗ củi trên một đầu người sẽ là 5,0 ste.

Bảng 2. Nhu cầu về gỗ củi trong vùng dự án

Thôn Tổng nhân khẩu Nhu cầu gỗ củi (ste/khẩu/năm) Tổng nhu cầu gỗ củi (ste/năm)
1. Nà Làng 377 5,3 1.939,7
2. Nà Cọ 246 4,7 1.140,6
Tổng nhu cầu 2 thôn 623 5,0 3.080,3
Toàn xã Khang Ninh 3451 5,0 17.255

Nếu lấy kết quả điều tra gỗ củi 2 thôn Nà Làng và Nà Cọ làm tiêu chuẩn để đánh giá nhu cầu gỗ củi của xã Khang Ninh thì trong một năm toàn xã sẽ cần 17.255 ste gỗ củi. Đây là một con số quá lớn và đáng báo động, cho chúng ta thấy rõ nguy cơ và sức ép đối với rừng tự nhiên của Vườn Quốc gia Ba Bể. Với nhu cầu gỗ củi cao như vậy, tính trung bình một ngày một hộ gia đình phải mất nửa công lao động đi thu hái củi vì nguồn cung cấp gỗ củi chính hiện nay cho các hộ gia đình là rừng tự nhiên, rừng núi đá ở cách nhà rất xa (2-5 km). Trước đây, rừng ở ngay cạnh nhà nên việc lấy củi rất dễ dàng và nhanh chóng, không tốn kém nhiều thời gian. Ngày nay, điều kiện thu hái gỗ củi đã trở nên khó khăn hơn rất nhiều, người dân phải đi chặng đường xa từ 3-4 km (đối với thôn vùng thấp) và từ 2-3 km (đối với thôn vùng cao) mà củi thì cũng không có nhiều như trước đây. Mặt khác, rừng lại được quản lý và bảo vệ chặt chẽ hơn, không được phép chặt cây tươi mà chỉ được phép thu lượm cành khô. Người đi lấy củi trong rừng không ai khác chính là phụ nữ và trẻ em. Phương tiện vận chuyển củi không có nên người dân phải gánh, vác và đội trên đầu.

Đi sâu phân tích số liệu điều tra cho thấy không tồn tại mối quan hệ rõ rệt giữa các hộ giàu, trung bình và nghèo với khối lượng gỗ củi sử dụng mà sự khác biệt chủ yếu nhất giữa các hộ là do mục tiêu sử dụng gỗ củi. Những hộ chăn nuôi lợn hoặc nấu rượu thì cần nhiều gỗ củi hơn. Tuy nhiên, nhu cầu về gỗ củi giữa các hộ ở các thôn vùng thấp và vùng cao là có sự khác biệt: ở thôn vùng thấp Nà Làng mỗi người cần 5,3 ste gỗ củi mỗi năm, trong khi đó ở thôn vùng cao Nà Cọ mỗi người chỉ cần 4,7 ste gỗ củi. Tồn tại mối quan hệ khá chặt chẽ giữa nhu cầu gỗ củi của hộ với số khẩu trong gia đình, số người trong gia đình càng lớn thì nhu cầu sử dụng gỗ củi càng cao. Như vậy, kế hoạch hoá gia đình ngoài việc đảm bảo cho cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc, xã hội văn minh còn là một giải pháp nhằm làm giảm khối lượng gỗ củi tiêu thụ trên địa bàn dự án.

* Nhu cầu gỗ củi trong tương lai:

Qua điều tra, tìm hiểu cho thấy trong những năm tới nhu cầu về gỗ củi của người dân địa phương phục vụ sinh hoạt hàng ngày vẫn không giảm đi. ở thôn Nà Cọ 100% số hộ vẫn sử dụng gỗ củi làm chất đốt, còn ở thôn Nà Làng do đã có điện nên có 5 hộ dự định sẽ chuyển sang dùng thêm điện một phần để nấu cơm, nước, các mục đích sử dụng khác vẫn dùng gỗ củi. Số hộ này là những hộ công chức, có nghề phụ hoặc buôn bán nhỏ. Nguyên nhân các hộ gia đình chưa muốn dùng điện để đun nấu là vì giá điện quá đắt so với thu nhập của người dân. Một số khác trả lời là chưa sắm được các dụng cụ nấu như bếp điện, nồi cơm điện,… Các vật liệu thay thế gỗ củi khác như than, trấu, dầu hoả,… không được người dân đưa vào sử dụng. Các dụng cụ tiết kiệm nhiên liệu như bếp lò cải tiến chưa đến được với người dân

Hiện nay tỷ lệ tăng dân số trong khu vực dự án là 1,72 như vậy tính trung bình cứ sau một năm dân số xã Khang Ninh sẽ tăng thêm 60 người và nhu cầu về gỗ củi sẽ tăng thêm 300 ste. Tình hình này cho thấy trong tương lai gần nhu cầu gỗ củi của 2 thôn vùng dự án nói riêng và của xã Khang Ninh nói chung là không giảm mà có chiều hướng tăng lên chút ít. Việc tìm ra các giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu gỗ củi của người dân địa phương, giảm sức ép lên tài nguyên rừng của Vườn Quốc gia Ba Bể là hết sức cần thiết.

2. Kết quả điều tra, đánh giá khả năng cung cấp gỗ củi

Hiện nay nguồn cung cấp gỗ củi cho người dân địa phương ở 2 thôn rất hạn chế vì những lý do sau đây:

-Tất cả diện tích rừng tự nhiên đều thuộc Vườn Quốc gia Ba Bể quản lý nên không được phép vào thu hái.

-Rừng trồng trong khu vực hầu như không có.

-Vườn nhà và cây trồng phân tán chưa được quy hoạch, chưa có định hướng phát triển.

-Cây bụi mọc trên đất trống đồi trọc bị khai thác thường xuyên nên cạn kiệt.

Như vậy, nhu cầu gỗ củi của người dân trong vùng thì rất cao nhưng nguồn cung cấp lại không có dẫn đến người dân phải vào vườn Quốc gia Ba Bể để lấy củi, gây nên những khó khăn cho công tác bảo tồn nguồn gen và tài nguyên nơi đây. Việc tìm ra các giải pháp cân bằng giữa cung và cầu về gỗ củi là hết sức cần thiết.

3. Đề xuất các giải pháp nhằm cân bằng giữa cung và cầu về gỗ củi

Để đáp ứng nhu cầu gỗ củi trong tương lai cho người dân địa phương cần phải áp dụng đồng bộ các giải pháp sau đây:

* Giải pháp tìm kiếm vật liệu thay thế:Khuyến khích người dân sử dụng các vật liệu ngoài gỗ làm chất đốt như điện, than, dầu, trấu, cành nhánh, lá cây,… Hỗ trợ người dân xây dựng một số bếp ga sinh học.

* Giải pháp tiết kiệm nhiên liệu:Phổ cập và hỗ trợ cho người dân dùng bếp lò cải tiến, chuyển hình thức nấu cám lợn sang cho ăn thức ăn sống.

* Giải pháp về tuyên truyền, phổ cập:Trước hết, cần phổ cập, giới thiệu tác dụng của rừng trong việc cung cấp lâm sản, gỗ củi và các lâm sản ngoài gỗ khác cũng như chức năng bảo vệ môi trường, cải thiện điều kiện sinh thái của rừng. Thông qua việc giới thiệu tác dụng của rừng để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi người dân trong việc bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên của Vườn Quốc gia Ba Bể. Có cách nhìn đúng đắn về vấn đề gỗ củi trên địa bàn hiện nay cũng như tầm quan trọng của việc áp dụng các giải pháp trồng rừng và trồng cây phân tán để lấy gỗ củi, sử dụng các vật liệu thay thế gỗ củi, các giải pháp tiết kiệm nhiên liệu,….Phổ biến chủ trương, đường lối phát triển lâm nghiệp hiện nay của Đảng và Nhà nước ta, nhất là chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên, giao đất giao rừng tới hộ gia đình, quyền lợi và nghĩa vụ của người trồng rừng và bảo vệ rừng,….Phổ cập kỹ thuật và phát động phong trào trồng cây rừng trong nhân dân, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia bảo vệ và phát triển rừng. Tổ chức cho người dân tham quan, học tập các điển hình trồng rừng, các mô hình canh tác bền vững và hiệu quả,… Để công tác tuyên truyền và phổ cập đạt được kết quả cao cần phải áp dụng nhiều hình thức giới thiệu và phổ cập, lồng ghép, phối hợp nhiều chương trình với nhau, nội dung các chương trình phải phong phú, đa dạng, gắn việc phát triển lâm sản ngoài gỗ với việc phát triển gỗ củi; đào tạo đội ngũ phổ cập viên,…

* Giải pháp về phát triển trồng rừng và trồng cây phân tán: Cần đẩy mạnh việc giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất cho người dân, tăng cường trợ giúp kỹ thuật, vốn, giống cây và phân bón, gắn phát triển kinh tế hộ với phát triển nguồn cung cấp gỗ củi và lâm sản, chú trọng biện pháp phục hồi rừng bằng khoanh nuôi. Đây là biện pháp đỡ tốn kém và phù hợp với người dân miền núi với mục đích lấy củi.

* Giải pháp về cơ chế, chính sách:Cần thực hiện tốt chính sách giao đất giao rừng tới hộ gia đình, chính sách cho người trồng rừng vay vốn với lãi suất ưu đãi, đặc biệt là người nghèo, làm rõ quyền lợi và nghĩa vụ (chính sách hưởng lợi) của người trồng và bảo vệ rừng. Trong vấn đề này công tác tuyên truyền, phổ cập có một ý nghĩa rất quan trọng, giúp người dân hiểu được chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Survey on evaluation of firewood demand and possible baland between firewood supply and demand in Na Land and Na Co hamlets, Khang Ninh commue – Ba Be – Bac Kan province

Summary: At present firewood constitutes an urgent problem in many local cities in home country and abroad. Results of the survey in 2 hamlets Na Lang, Na Co in the buffer zone of Ba Be National Park show that the firewood demand of the people is very great: A household needs 25 – 30kg of firewood/ day and a person needs 5 stered/ year of which 28% is for alcohol distillation 17% for heating. To get a balance between firewood demand and supply there must be a package of various measures such as seeking firewood substitutes, Thrifty use of firewood, propaganda to promote forest and scattered trees planting, proper mechanisms and policies.

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]