Đánh giá thực trạng và đề xuất các loại hình tổ chức sản xuất kinh doanh lâm nghiệp phù hợp với xu hướng quản lý rừng bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế

Lê Quang Trung

Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam

TÓM TẮT

Nghiên cứu đánh giá thực trạng và đề xuất các loại hình tổ chức sản xuất kinh doanh lâm nghiệp phù hợp với xu hướng quản lý rừng bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế có ba mục tiêu chính: Phân tích làm rõ thực trạng hoạt động của các loại hình tổ chức sản xuất kinh doanh trong lâm nghiệp; Đề xuất phát triển các loại hình tổ chức sản xuất kinh doanh lâm nghiệp; Các giải pháp và chính sách nhằm khuyến khích các loại hình tổ chức sản xuất kinh doanh phát triển kinh doanh lâm nghiệp phù hợp với xu hướng quản lý rừng bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế ở Việt Nam. Nghiên cứu đã tiến hành thu thập các thông tin chung và thông tin thực tế tại 6 tỉnh điển hình. Kết quả nghiên cứu cho thấy việc thực hiện các chính sách lâm nghiệp ở cấp địa phương rất yếu kém. Hiện tại có một nửa triệu hộ gia đình người dân địa phương đang quản lý và sử dụng đất lâm nghiệp nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong khi đó có nhiều hộ gia đình có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng những giấy chứng nhận của họ thực sự không có giá trị vì nó không đúng với mẫu quy định của pháp luật. Chất lượng các hoạt động hỗ trợ sản xuất cho hộ gia đình (khuyến lâm, cung cấp cây giống,…) cũng rất yếu kém. Hơn thế tồn tại những nhận thức không đúng về sinh kế của người dân địa phương và không tạo cho họ cơ hội được nói lên những vấn đề của bản thân. Kết quả của những điều này là hộ gia đình vẫn chưa thực sự đầu tư phát triển các hoạt động kinh doanh rừng. Bên cạnh đó, các công ty lâm nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu vẫn đang hoạt động một cách trì trệ sau quá trình chuyển đổi. Các diện tích rừng tự nhiên do các công ty lâm nghiệp của Nhà nước quản lý vẫn đang bị suy thoái. Sự tham gia của khu vực tư nhân vào các hoạt động sản xuất kinh doanh lâm nghiệp vẫn rất nhỏ do không được sự ủng hộ của các cấp chính quyền địa phương và bản thân là khả năng sản xuất của chính họ. Hậu quả của tất cả những điều này là đóng góp của ngành lâm nghiệp cho nền kinh tế rất nhỏ và đang có xu hướng giảm. Mặt khác những mâu thuẫn liên quan đến đất đai và tài nguyên rừng tiếp tục gia tăng ở mọi nơi. Dựa vào thực trạng trên, đề tài đã khuyến nghị Nhà nước cần quan tâm nhiều hơn đến việc tổ chức thực hiện chính sách và đảm bảo các chính sách phải được thực hiện một cách có hiệu quả. Nhà nước cũng cần phải nâng cao chất lượng các hoạt động hỗ trợ. Quan trọng hơn, cần phải có sự đổi mới về tư duy về sinh kế của người dân địa phương, vai trò của người dân trong phát triển lâm nghiệp, tạo cơ hội cho người dân được nói lên nguyện vọng và được thoả mãn những nguyện vọng về phát triển sản xuất kinh doanh lâm nghiệp để nâng cao đời sống, góp phần vảo bảo vệ môi trường và sự phát triển bền vững. Nhà nước cũng cần nhanh chóng ban hành bộ tiêu chí và các hướng dẫn về phát triển rừng bền vững làm cơ sở cho đánh giá và khuyến khích các loại hình tổ chức sản xuất phát triển các hoạt động kinh doanh rừng bền vững.

Từ khóa: Chính sách lâm nghiệp, Tổ chức kinh doanh lâm nghiệp, Quản lý rừng bền vững.

MỤC TIÊU, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

– Ngành lâm nghiệp Việt Nam đã có nhiều thay đổi so với trước thời kỳ đổi mới, cụ thể: Một là, hiện có 5 thành phần kinh tế và những thành phần kinh tế này đã hình thành và phát triển nhiều loại hình tổ chức sản xuất khác nhau trong lâm nghiệp như Lâm trường quốc doanh, hộ gia đình, trang trại lâm nghiệp, hợp tác xã lâm nghiệp, công ty TNHH tư nhân, công ty TNHH nhà nước, công ty TNHH có vốn đầu tư nước ngoài,… thực hiện một hoặc nhiều hoạt động khác nhau của quá trình sản xuất kinh doanh lâm nghiệp. Hai là, diện tích rừng tự nhiên mất đi hàng năm đã giảm đáng kể, trong khi đó diện tích rừng trồng tăng lên khá nhanh.

– Tuy vậy, xét trên bình diện tổng thể thì các hoạt động sản xuất lâm nghiệp vẫn chưa đáp ứng được các yêu cầu về phát triển rừng bền vững, giải quyết những kinh tế – xã hội trong các vùng rừng. Diện tích đất đã và đang quy hoạch cho mục đích lâm nghiệp của cả nước là 14,7 triệu ha (Báo cáo của Chính phủ tháng 4/2006) nhưng giá trị kinh tế được tạo ra từ đây còn rất nhỏ – giá trị đóng góp của các hoạt động lâm nghiệp chỉ khoảng 2-3 % GDP hàng năm (Chiến lược Phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006-2020). Hệ thống LTQD đã trải qua 3 thời kỳ đổi mới, nhưng mới đạt được những kết quả về sắp xếp tổ chức, chưa chuyển các lâm trường thành các đơn vị sản xuất kinh doanh lâm nghiệp có hiệu quả và phù hợp với mục tiêu quản lý rừng bền vững, tăng cường hội nhập quốc tế. Nhiều hộ gia đình được giao đất lâm nghiệp nhưng chưa đưa vào trồng rừng, năng suất và hiệu quả rừng trồng của hộ gia đình thấp. Trang trại và doanh nghiệp tư nhân kinh doanh rừng phát triển rất chậm. Hình thức tổ chức hợp tác trong sản xuất kinh doanh lâm nghiệp chưa phát triển. Quản lý Nhà nước về rừng và quản lý sản xuất kinh doanh lâm nghiệp đang có nhiều lẫn lộn thể hiện rõ cả trong nhận thức và cơ chế quản lý đã ban hành. Khoảng 2,5 triệu ha rừng vẫn chưa có chủ rừng cụ thể. Tình trạng đói nghèo trong các vùng rừng và mâu thuẫn trong sử dụng rừng và đất rừng đang trở nên gay gắt hơn ở nhiều nơi.

(Kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ giai đoạn 2006-2010, trang 555-561)

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]