Đánh giá thực trạng triển khai chính sách quản lý rừng cộng đồng tại tỉnh Lào Cai

Hà Văn Tiệp

Trung tâm Khoa học Sản xuất Lâm nghiệp vùng Tây Bắc, Sơn La

Bùi Phước Chương

Trung tâm Tư vấn và Nghiên cứu Quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên (CORENARM), Huế

TÓM TẮT

Với tài trợ của tổ chức Oxfam Anh, nhóm nghiên cứu đã tiến hành đánh giá việc triển khai các chính sách có liên quan đến quản lý rừng cộng đồng (QLRCĐ) tại tỉnh Lào Cai. Kết quả cho thấy. (1) Tỉnh chưa thực hiện giao đất lâm nghiệp, giao rừng cho cộng đồng dân cư theo Luật bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 (ngoại trừ 19,3ha ở huyện Văn Bàn). (2) Các hình thức QLRCĐ chủ yếu theo truyền thống, cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng, và quản lý bảo vệ rừng theo nhóm hộ. (3) Quy ước quản lý bảo vệ rừng cộng đồng (RCĐ) đã được xây dựng cho tất cả các thôn bản có rừng trong tỉnh. Các quy ước này ít kế thừa các luật tục tốt của cộng đồng. (4)Nguồn ngân sách hỗ trợ cho QLRCĐ trên địa bàn tỉnh chưa được phân bổ từ nguồn ngân sách địa phương. (5) Chia sẻ lợi ích từ QLRCĐ chưa công bằng. (6)Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực QLRCĐ được lồng ghép vào các chương trình đào tạo phát triển nông lâm nghiệp. (7) Quỹ bảo vệ và phát triển rừng cộng đồng chưa được thành lập. Tuy nhiên, hầu hết các bản vùng cao, đồng bào dân tộc thiểu số hàng năm đều đóng góp tiền hoặc hiện vật cho quỹ bản phục vụ lễ “ăn thề” bảo vệ rừng. (8) Giám sát, đánh giá QLRCĐ thông qua hệ thống quản lý lâm nghiệp trên địa bàn là Kiểm Lâm, UBND xã và Ban quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH). Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, đề xuất các khuyến nghị thúc đẩy QLRCĐ bền vững tại tỉnh Lào Cai.

Từ khoá: Quản lý rừng cộng đồng, Rừng cộng đồng, Lào Cai.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Lào Cai là một tỉnh biên giới phía Bắc. Diện tích đất tự nhiên 638.389,6ha, trong đó diện tích quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp là 418.056,7ha chiếm 65,69% tổng diện tích tự nhiên. Diện tích có rừng 314.870,9ha (rừng tự nhiên 253.812,5ha, rừng trồng 61.558,4ha), diện tích chưa có rừng 103.185,8ha. Tỷ lệ che phủ của rừng đạt 48,53% (UBND tỉnh Lào Cai, 2009). Tổng dân số 60 vạn người (2007), dân số thành thị chiếm khoảng 20%, mật độ bình quân 88 người/km2. Có 25 dân tộc anh em cùng chung sống trên địa bàn toàn tỉnh, gồm dân tộc Kinh, H’Mông, Tày, Dao, Thái, Nùng, Giáy, Phù Lá, Mường, Hà Nhì, La Chí…vv.

Quản lý rừng cộng đồng (QLRCĐ) hiện nay đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh. Đây là một phương thức quản lý rừng mà ở đó, cộng đồng quản lý và sử dụng những khu rừng thuộc quyền quản lý của mình đã được pháp luật thừa nhận (đã được giao) hoặc theo truyền thống (tự công nhận từ lâu đời). Trong phương thức quản lý này cộng đồng vừa là chủ sở hữu vừa là chủ thể quản lý (Vũ Long, 2004). QLRCĐ chịu ảnh hưởng của 2 yếu tố chính là các yếu tố nội sinh (như đặc điểm của cộng đồng, đặc điểm nguồn tài nguyên, nhận thức của cộng đồng về tài nguyên rừng) và yếu tố ngoại cảnh (như sự gia tăng dân số, công nghệ, thị trường và chính sách của Nhà Nước) (Quang, 2006). Một trong các yếu tố bị phá vỡ sẽ làm mất đi tính bền vững của QLRCĐ. Để giảm bớt các yếu tố tác động đến QLRCĐ cần có các giải pháp đồng bộ về chính sách và nguồn lực cho quản lý và phát triển RCĐ. Nhà Nước đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến QLRCĐ để tạo hành lang pháp lý thúc đẩy QLRCĐ phát triển, góp phần ổn định và nâng cao đời sống của các cộng đồng nghèo sống gần rừng ở vùng sâu, vùng xa.

Đánh giá việc triển khai các chính sách liên quan đến QLRCĐ trên địa bàn tỉnh Lào Cai giúp các nhà quản lý nắm được thực trạng, cơ hội và thách thức khi thực hiện chính sách QLRCĐ, trên cơ sở đó, ban hành những chính sách cụ thể, phù hợp với hoàn cảnh địa phương, tạo động lực cho cộng đồng và người dân tham gia bảo vệ phát triển rừng bền vững.

(Tạp chí Khoa học Lâm nghiệp số 2 năm 2010, trang 1302-1308)

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]