CDM – CƠ HỘI MỚI CHO NGÀNH LÂM NGHIỆP

CDM – CƠ HỘI MỚI CHO NGÀNH LÂM NGHIỆP

 

Cao Lâm Anh

Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam

Cơ chế Phát triển sạch (CDM) được quy định tại Điều 12 của Nghị định thư Kyoto thuộc Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC), là một Cơ chếđầu tư liên quan trực tiếp và quan trọng nhất đối với các nước đang phát triển. Mục tiêu của CDM là (1) giúp các nước đang phát triển (trong đó có Việt Nam) đạt được sự phát triển bền vững, đồng thời góp phần vào việc thực hiện mục tiêu cuối cùng của UNFCCC là ổn định nồng độ khí nhà kính trong khí quyển ở mức có thể ngăn ngừa được sự can thiệp nguy hiểm của con người đối với hệ thống khí hậu và (2) giúp các nước phát triển thực hiện cam kết về hạn chế và giảm phát thải định lượng khí nhà kính. CDM cho phép và khuyến khích các doanh nghiệp, công ty, tổ chức Nhà nước và tư nhân của các nước phát triển đầu tư, thực hiện dự án giảm phát thải khí nhà kính với chi phí thấp nhất tại các nước đang phát triển và nhận được tín dụng dưới dạng “Giảm phát thải được chứng nhận” (CERs) – khoản tín dụng này được tính vào chỉ tiêu giảm phát thải của các nước phát triển.

Những hiểu biết khoa học cho đến nay khẳng định Trái đất là hành tinh duy nhất trong hệ Mặt trời tồn tại sự sống. Ngày nay, nhiều người đều ý thức được rằng cân bằng sinh thái trong sinh quyển là điều kiện tiên quyết cho mọi sự phát triển và cân bằng sinh thái là một thế cân bằng động hết sức mỏng manh. Bất kỳ một sự thay đổi nào trong thế cân bằng đó cũng dẫn tới những xáo trộn các tính qui luật không chỉ trong tự nhiên mà ở một góc nhìn rộng hơn nó còn dẫn tới cả những xáo trộn cả về mặt kinh tế – xã hội.

Năng lượng mặt trời là nguồn năng lượng nguyên thuỷ cho tất cả các nguồn năng lượng khác có trên trái đất, kể cả năng lượng của các nguồn nhiên liệu hoá thạch, gió, thuỷ triều, sinh khối và cả năng lượng cơ bắp của động vật và con người…Nguồn năng lượng nguyên thuỷ này liên tục được chuyển xuống trái đất; một phần năng lượng đó phản xạ lại không gian do khí quyển, phần xuyên qua khí quyển làm nóng trái đất và cung cấp năng lượng cho các hoạt động sống.

Năng lượng làm nóng trái đất được phát ra dưới dạng năng lượng sóng hồng ngoại và được hấp thu bởi hơi nước, khí cacbonic và các dạng khí nhà kính khác. Chính những khí nhà kính này giữ nhiệt trong khí quyển tạo nên một hiệu ứng được chúng ta biết đến bằng một thuật ngữ “hiệu ứng nhà kính” (GHE)1 và sự sống trên trái đất phụ thuộc chặt chẽ vào hiệu ứng tự nhiên này. Nếu các khí nhà kính không hấp thu năng lượng và làm chậm bức xạ ngược trở lại của các tia hồng ngoại vào vũ trụ, trái đất sẽ trở lại thời băng hà và tất nhiên không có sự sống. Cân bằng của hiệu ứng nhà kính tự nhiên phụ thuộc rất lớn vào hệ sinh thái rừng và hệ sinh thái biển trên trái đất.

Trong thế kỷ XX, người ta đã nhận thấy rất rõ những biến đổi về khí hậu trên qui mô toàn cầu, đặc biệt là ở những thập kỷ cuối. Nhiệt độ trái đất tăng làm băng tuyết vĩnh cửu ở các cực tan, mực nước biển dâng cao, hiện tượng El-nino, Na-nina…thực sự đã gây ra những thảm hoạ tác động sâu sắc đến sự phát triển chung của nhân loại.

Quá trình sinh trưởng của cây trồng cũng đồng thời là quá trình tích luỹ carbon. Theo Noordwijk (2000), ở Indonesia, khả năng tích luỹ carbon ở rừng thứ sinh, các hệ thống nông lâm kết hợp và thâm canh cây lâu năm trung bình là 2,5 tấn/ha/năm và có sự biến động rất lớn trong các điều kiện khác nhau từ 0,5 đến 12,5 tấn/ha/năm. Ví dụ, rừng quế 7 tuổi tích luỹ được từ 4,49 đến 7,19 kg C/cây (Noordwijk.M. et al; 2000). Tại Philippines, rừng trồng thương mại cây mọc nhanh tích luỹ được 0,5 – 7,82 tấn C/ha/năm tuỳ theo loài cây và tuổi (Lasco, 2003).

Việt Nam là một nước có tiềm năng để thực hiện việc giảm phát thải. Hiện tại, Việt Nam không được xếp vào Phụ lục 1 của thế giới, nghĩa là việc phát thải chung vào thế giới còn quá nhỏ bé, chưa phải bắt buộc giảm, nên rất thuận lợi để các nước phát triển đầu tư vào các dự án phát triển kinh tế Việt Nam, đặc biệt là các dự án CDM, để họ có thể nhận được một chứng chỉ.

Là một trong những nước đang phát triển, Việt Nam nhanh chóng tham gia cam kết với các tổ chức quốc tế, như ký kết Công ước khung, Nghị định Kyoto, tham gia dự án CDM, có chỉ định cơ quan đầu mối quốc gia, phê chuẩn nghị định thư Kyoto v.v… tức là đủ điều kiện theo quy định của tổ chức quốc tế thực hiện xây dựng và thực hiện các dự án CDM.

Với CDM, ngành lâm nghiệp thực sự đã có một cơ hội mới-cơ hội bán dịch vụ môi trường. Khác với những hàng hoá truyền thống là bán gỗ, CDM là cơ hội để những người làm nghề rừng có thể bán được carbon! Từ quang hợp ánh sáng mặt trời, cây xanh đã hấp thu một lượng lớn khí CO2 và người ta đã tính toán rằng, nếu tăng trưởng của rừng đạt được 15m3/ha/năm, tổng sinh khối tươi và chất hữu cơ của rừng sẽ đạt được xấp xỉ 10 tấn/ha/năm; con số này tương đương với 15 tấn CO2. Với giá thương mại carbonic tháng 5 năm 2004 biến động từ 3-5 đôla Mỹ/tấn CO2, một hecta rừng như vậy có thể đem lại từ 45 đến 75 đôla (tương đương 675.000 đến 1.120.000 đồng Việt Nam) mỗi năm (Hoàng Xuân Tý, 2004). Đây là một con số hấp dẫn đối với bất kỳ ai quan tâm tới lĩnh vực này.

Một trong những mục đích của CDM là giúp cho các nước đang phát triển đạt tới sự phát triển bền vững. Chính phủ của các nước đang phát triển chịu trách nhiệm sàng lọc các dự án theo các tiêu chí CDM và loại bỏ những dự án nào không gắn với các mục tiêu phát triển bền vững. Việt Nam cũng đã có nhiều ngành bước đầu nghiên cứu và xây dựng các dự án tiềm năng về CDM trong các lĩnh vực: Bảo tồn và tiết kiệm năng lượng; Chuyển đổi sử dụng thiên liệu hoá thạch; Thu hồi và sử dụng CH4 từ bãi rác và từ khai thác than; ứng dụng năng lượng tái tạo; Phục hồi và tái trồng rừng; Thu hồi và sử dụng khí đốt đồng hành…

Thị trường mua bán phát thải khí nhà kính là một thị trường mới mẻ chưa từng có trong lịch sử phát triển kinh tế từ trước tới nay. Do đó, chưa có được những quy ước, quy định chặt chẽ và rõ ràng trong cơ chế này. Tuy nhiên, đã là thị trường thì đương nhiên phải có người mua và người bán. Người mua ở đây là các nước phát triển được quy định tại Phụ lục 1. Người bán là các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Đã là mua và bán nên phải có “cân đong, đo đếm” rõ ràng. Ngoài việc các bên tham gia thực hiện dự án phải giám sát “cân đo” chặt chẽ, quốc tế còn quy định buộc phải có một tổ chức quốc tế được chỉ định để thẩm tra và đề nghị Ban chấp hành (đại diện của các nước tham gia để công nhận và cấp chứng chỉ, chứng nhận). Đã là mua và bán phải có giá cả. Hiện nay, giá cả chưa hoàn toàn thống nhất, bộ phận nghiên cứu đang đề xuất từ 2 — 10 USD/tấn phát thải CO2 phụ thuộc theo từng dự án.

Do thị trường mua bán giảm phát thải khí nhà kính còn quá mới mẻ, nhiều cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt là các nhà doanh nghiệp còn có quá ít lượng thông tin về thị trường này, do đó mặc dù tiềm năng thị trường Việt Nam là rất lớn, nhưng còn quá ít các doanh nghiệp xây dựng và đăng ký dự án cho đơn vị mình. Chúng tôi thấy, đã đến lúc Nhà nước phải phổ biến rộng rãi hơn, cung cấp nhiều thông tin hơn cho các nhà doanh nghiệp để họ có thể cân nhắc khi tham gia thị trường. Cần khuyến khích các nhà doanh nghiệp tiếp cận càng nhanh càng tốt, vì phần “được” sẽ nhiều hơn nếu là doanh nghiệp đi tiên phong.

Hy vọng các hoạt động CDM có thể đóng góp cho quá trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước về các mặt sau đây:

-Có nhiều nguồn lực hơn để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững

-Tăng cường các cơ hội đầu tư nước ngoài để có thể có được dự án mới

Có nhiều cơ hội việc làm hơn cho cộng đồng và giảm nghèo bằng cách cải thiện và nâng cao thu nhập nông thôn, từ đó cải thiện sinh kế của nhân dân

Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan thực hiện các hoạt động theo UNFCCC mà Việt Nam đã cam kết. Một trong những hoạt động đó là kiểm kê khí nhà kính quốc gia vào các năm 1990, 1993, 1994 và 1998 thuộc các lĩnh vực năng lượng, các quá trình công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, thay đổi sử dụng đất và chất thải; đồng thời đưa ra một dự báo quốc gia về phát thải khí nhà kính đến năm 2020. Kết quả của những hoạt động này được tóm tắt trong các hình dưới đây.

KẾT QUẢ KIỂM KÊ PHÁT THẢI NHÀ KÍNH Ở VIỆT NAM 1994

DỰ BÁO PHÁT THẢI NHÀ KÍNH ĐẾN NĂM 2010

(Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường)

Kiểm kê khí nhà kính quốc gia năm 1994 ở Việt Nam đã được thực hiện phục vụ thông báo quốc gia đầu tiên. Phương pháp kiểm kê của IPCC (đã sửa đổi năm 1996) được sử dụng cho công tác này. Tổng phát thải khí nhà kính ở Việt Nam năm 1994 là 103,80 triệu tấn CO2 tương đương. Do đó, phát thải khí nhà kính tính theo đầu người năm 1994 vào khoảng 1,4 tấn CO2 tương đương.

Ba nguồn khí nhà kính chính trong nước là năng lượng, nông nghiệp, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp. Phát thải khí nhà kính từ lĩnh vực năng lượng năm 1994 là 25,6mt CO2 chiếm 24,7% tổng phát thải quốc gia trong khi từ nông nghiệp, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp là vào khoảng 52,45 và 19,38 mt CO2 tương đương, chiếm 50,5% và 18,7% tổng phát thải quốc gia.

Năm 1999 Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường đã tổ chức Hội thảo “Cơ hội và triển vọng áp dụng CDM ở các nước châu Á – Thái Bình Dương” tại Hà Nội nhằm nâng cao nhận thức về CDM. Tiềm năng về áp dụng CDM ở Việt Nam có thể nhận thấy trong định hướng chiến lược về phát triển ngành Lâm nghiệp như bảo vệ tài nguyên rừng hiện có, trồng rừng và phục hồi rừng tự nhiên, phát triển lâm nghiệp xã hội và đẩy mạnh trồng rừng sản xuất cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp giấy và ván nhân tạo…

Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng là một tiềm năng lớn để áp dụng CDM. Ví dụ, Dự án hợp tác của Trung tâm Nghiên cứu Giống cây rừng vớiTổ chức (International Greenhouse Partnership Office) trong việc cung cấp giống keo lưỡi liềm (Acacia crassicarpa) và bạch đàn (Eucalyptus terreticornis) đã được cải thiện và chọn lọc để trồng 1.600 ha rừng ở miền Trung. Năng suất sinh trưởng tăng 15 — 20% so với giống cũ, tương đương với lượng carbon được cố định thêm là 6.000 tấn/năm(bằng 22.000 tấn CO2).

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Khắc Hiếu, 2004. Thực hiện Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, Nghị định thư Kyoto và CDM tại Việt Nam. Báo cáo tại Hội thảo chuyên đề CDM trong lĩnh vực Lâm nghiệp ngày 25/7/2004 tại Trường Đại học Lâm nghiệp.
  2. Mua — Bán sự phát thải khí nhà kính, một thị trường mới mẻ ở thế kỷ XXI. (Công nghiệp, số 12/2004, tr. 8-10)
  3. Phạm Xuân Hoàn, 2004. Cơ chế phát triển sạch (CDM) và cơ hội mớiđể phát triển ngành lâm nghiệp. Bản dự thảo.
  4. Hoàng Mạnh Hoà, 2004. Tổng quan về Dự án tăng cường năng lực thực hiện cơ chế phát triển sạch taị Việt Nam. Báo cáo tại hội thảo chuyên đề CDM trong lĩnh vực Lâm nghiệp ngày 25/7/2004 tại Trường Đại học Lâm nghiệp.
  5. Đại học Lâm nghiệp, 2004. Nghiên cứu xây dựng thí điểm rừng trồng CDM tại vùng Tây Bắc Việt Nam. Bản dự thảo Dự án.

Tãm t¾t

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn năm 2003, đóng góp của hoạt động lâm nghiệp mới chỉ chiếm 5% tổng thu nhập của cả ngành nông nghiệp. Con số này chủ yếu là giá trị từ xuất khẩu gỗ. Những giá trị phi vật thể mà ngành lâm nghiệp mang lại mặc dù ai cũng hiểu là rất lớn như giá trị du lịch, giá trị bảo tồn, đa dạng sinh học, bảo vệ đất và nguồn nước, bảo vệ môi trường sống…nhưng trên thực tế ngành lâm nghiệp chưa có những cơ hội để định giá những giá trị đó. Như vậy, trên thực tế là chức năng môi trường của rừng chưa được trả tiền và chưa được các ngành các cấp đánh giá đúng mức, trong khi đó chức năng sản xuất của nó lại có quá nhiều yếu tố rủi ro.

1 Green House Effect

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]