Cây diễn trứng

Nguyễn Tử Ưởng

Viện khoa học Lâm nghiệp Việt Nam

Tên Việt Nam: Diễn trứng

Tên địa phương: Mạy puốc ban, Lau ma, Lau viên, Mạy ngụm, Mạy cấy, Mười lay.

Tên khoa học: Sinocalamus latiflorus (Munro) McClure

Tên KH khác: Dendrocalamus latiflorus Munro (1940); Bambusa latiflora (Munro) Kurz (1873)

1. Đặc điểm nhận biết

Diễn trứng là loại tre to, không gai, lá lớn, mọc cụm- thân ngầm dạng củ, thưa cây, thân khí sinh có ngọn cong.

Kích thước cây trung bình: Thân tre cao 15m, đường kính 8cm, ngọn cong dài 1m, lóng dài 38cm, vách thân dầy 1,2cm, thân tre tươi nặng 22kg. (theo tài liệu của Trung Quốc loài này có đường kính 8- 25cm).

Thân cây thẳng, tròn đều từ gốc lên ngọn, độ thon lớn. Thân cây măng có nhiều phấn sáp mầu trắng, thân cây 1-2 tuổi có mầu xanh nhẵn bóng, thân cây 3-4 tuổi có mầu xanh vàng và già hơn nữa thì có nhiều đốm hoa và địa y. Đốt thân không nổi rõ, hai ba đốt sát mặt đất có 1-2 vòng rễ. Phân cành cao – thường từ 1/2 thân về phía ngọn, có một cành chính và 2 hay nhiều hơn cành nhỏ ở hai bên. Cành chính dài tới 2m; đùi gà có khả năng phát triển rễ.

Phiến lá thuôn dài, đầu vút nhọn hình kim, đuôi hình nêm có khi hơi lệch. Phiến là trung bình dài 38cm, rộng 4,5cm cũng có thể có những lá kích thước lớn, dài trên 50 cm rộng trên 10cm. Phiến lá ráp, lá non mầu xanh lá mạ mặt dưới có lông mịn, lá già mầu xanh thẫm.

Bẹ mo hình chuông cao 23 cm đáy rộng 28cm đỉnh hơi lõm, mặt ngoài phía dưới có mầu xanh, phía trên phớt vàng có nhiều lông cứng rặm mầu nâu tím hơi đen, mặt trong nhẵn bóng.Lá mo hình ngọn giáo mầu xanh vàng cao 5cm rộng 3cm, ngang hoặc lật ngược. Tai mo ngắn nhỏ. Thìa lìa cao 2mm xẻ răng cưa.

Hoa tự cành mỗi đốt có 2-3 đến nhiều hoa chét, hoa chét hình nhộng dẹt có 6-8 hoa.

2. Đặc tính sinh học, sinh thái học.

2.1. Điều kiện tự nhiên:

Vùng phân bố của Diễn Trứng có khí hậu nhiệt đới mưa mùa, mùa mưa và nóng từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô và lạnh từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Nhiệt độ bình quân năm là 22,90C, tháng 7 có nhiệt độ bình quân cao nhất lên tới 28,90C, tháng 2 có nhiệt độ bình quân thấp nhất, xuống tới 16,15 0C. Lượng mưa trung bình hàng năm là 1592mm, tháng 5 có lượng mưa cao nhất là 356,5mm, số ngày mưa trên 160 ngày. Độ ẩm bình quân năm là 85% (mùa mưa 88,6%, mùa khô 83,6%). Địa hình là đồi thấp, chỉ có những khe suối nhỏ, thung lũng hẹp, độ dốc không vượt quá 250; độ cao so với mặt biển là 70-80m.

Đất phát triển trên đá mẹ Gneiss, phiến thạch Mica có mầu vàng, đỏ vàng hay đỏ. Độ dầy tầng đất thường trên 1m và có độ ẩm cao. Thành phần cơ giới nặng, tỷ lệ mùn thấp, mức độ phân giải chất hữu cơ mạnh.

2.2. Đặc điểm quần thể, sinh sản sinh trưởng và phát triển.

Diễn trứng thường được trồng với qui mô nhỏ nên không thành rừng. Người ta thường trồng phân tán từng khóm; có thể trồng theo hàng trong rừng phục hồi với các loài cây gỗ thuộc họ Trám (Burceraceae), Dẻ (Fagaceae), Vang (Ceasalpiniaceae), vì vậy diện tích trồng Diễn trứng không được kiểm kê nhưng chỉ đến con số hàng chục ha ở mỗi nơi, hàng trăm ha cho cả vùng. Diễn trứng ra hoa từng cây trong khóm hoặc từng khóm trong lâm phần; sau khi ra hoa thì cây đó chết nhưng những cây khác vẫn sinh trưởng bình thường; tới nay cũng chưa thu được hạt hoặc cây con lên từ hạt! Chukỳ ra hoa của Diễn trứng cũng chưa được theo dõi để xác định. Vì vậy, cho tới nay sinh sản của Diễn trứng chỉ có thể bằng thân ngầm, chét, cành hoặc thân – Đây cũng chính là những bộ phận làm giống để trồng.

Theo dõi một khóm Diễn trứng sau khi trồng thấy rằng:

* Năm thứ nhất: Ra nhiều thế hệ măng, càng về sau kích thước măng càng lớn vì thời gian đầu chất dinh dưỡng chỉ dựa vào gốc giống nên măng nhỏ thấp. Những thế hệ sau, khóm đã có khả năng cung cấp nhiều chất dinh dưỡng nên măng to hơn.

* Năm thứ 2: Thường có 2 vụ măng, vụ măng sau măng cao to hơn vụ trước.

* Năm thứ 3: Có thể vẫn có 2 vụ măng; tuy nhiên, măng vào những tháng cuối năm trời bắt đầu lạnh thì thường nhỏ hơn măng giữa vụ.

* Từ năm thứ 4, Diễn trứng đã “ấm bụi”, mùa măng thường từ tháng 5 đến tháng 9.

* Từ năm thứ 5 đã có thể đưa vào khai thác.

Măng đầu mùa thường to khoẻ, ít chết; tỷ lệ măng chết sau khi lên khỏi mặt đất vào khoảng 50% (tuy một phần măng không phát triển được do bị sâu vòi voi) vì vậy có thể khai thác măng lên cuối vụ mà cũng không ảnh hưởng đến rừng Diễn trứng.

Thời gian từ lúc măng nhú khỏi mặt đất đến khi định hình (ra đuôi én) vào khoảng 100 ngày.

Kết cấu một khóm Diễn trứng ổn định thường có dưới 50 cây, tỷ lệ các cấp tuổi xấp xỉ bằng 1, tuổi thọ của cây từ 8 đến 10 năm.

3. Phân bố

Diễn trứng được trồng ở vùng trung tâm Bắc Bộ và một số nơi phụ cận, có nhiều ở Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái. Có tài liệu viết là “ở Việt Nam, Diễn trứng được phân bố cả miền Bắc và Nam” điều này cần được nghiên cứu thêm.

4. Giá trị sử dụng

Về thành phần hoá học, Diễn trứng có tỷ lệ Xenlulo 53%, Lignin 28,4%, các chất hoà tan trong dung môi cồn benzen là 2,28%, trong NaOH 1% là 21,8%, trong nước lạnh là 3,9%, trong nước nóng là 4,39%. Về hình thái sợi, Diễn trứng có sợi dài trung bình 2,694 mm (tối đa tới 4,034mm) chiều rộng 19,94m, chiều dầy 5,58m, tỷ lệ chiều dài /chiều rộng là 134,7. Vì vậy, nếu dùng Diễn trứng làm nguyên liệu giấy cũng sẽ đạt hiệu quả cao. Từ trước tới nay Diễn trứng thường được dùng làm vật liệu xây dựng và các vật dụng khác như sàn nhà, dát giường, mành tre . . Măng cũng được sử dụng làm thực phẩm nhưng ít được ưa chuộng vì hơi he. Gần đây lá Diễn trứng là một mặt hàng xuất khẩu sang Nhật Bản, Đài Loan . . tạo việc làm có thu nhập đáng kể cho người dân.

5. Kỹ thuật kinh doanh

5.1. Gây trồng:

Giống trồng có thể là: gốc, chét, hom thân, hom cành. Gần đây giống hom cành đã ứng dụng kỹ thuật bó bầu trên cây mẹ đạt hiệu quả cao về số lượng và chất lượng.

Phương thức trồng thuần loại: Người dân có tập quán trồng Diễn trứng trong vườn, xung quanh nhà, chân đồi, ven suối hoặc từng đồi thấp với diện tích nhỏ 1-2ha. Trong thập kỷ 60, Trại thí nghiệm Cầu Hai (nay là Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Lâm sinh Cầu Hai) có thí nghiệm trồng thuần loại thành rừng trên đồi. Tuy chưa theo dõi được dài nhưng khi nghiên cứu về đất dưới rừng trồng Diễn trứng Hoàng Xuân Tý (1973) có nhận định rằng “sau khi trồng tre thuần loại độ phì nhiêu của đất bị giảm đi rõ rệt. Mặc dù rừng tre có làm cho đất bớt chua và làm giảm lượng Al+++ di động song lượng mùn và đạm đều giảm đi và đặc biệt keo sét bị rửa trôi và toàn bộ tính chất vật lý khác đều thoái hoá mạnh mẽ, nên chắc chắn rằng rừng tre đã làm xấu đất”.

Phương thức trồng hỗn giao với cây gỗ: Trong rừng thứ sinh nghèo kiệt sau khi hạ bớt tầng tán chỉ để lại cây nhỡ cây bụi, mở rạch trong rừng phục hồi hoặc trồng xen cây gỗ có thể có nhiều triển vọng nhưng mô hình không được duy trì lâu dài nên chưa có kết luận.

5.2. Khai thác

Có một nghiên cứu nhỏ về cường độ khai thác cho kết quả như sau:

Cùng một loại rừng (đường kính và chiều cao cây, cấp đất) nếu chặt hết từ cây hai tuổi trở lên thì cây tái sinh( măng vụ đầu tiên) có đường kính bình quân ở vị trí 1,3m là 7,02cm, chiều cao cây đứng bình quân là 12,48m, nhưng nếu chỉ chặt từ cây 4 tuổi trở lên thì cây tái sinh (măng vụ đầu tiên) có đường kính bình quân ở vị trí 1,3m là 8,63cm và chiều cao cây đứng bình quân là 17,8m. Kết quả này đã chứng minh rất rõ mức độ ảnh hưởng của lượng cây chặt đến khả năng tái sinh phục hồi rừng sau đó.

Người dân có tập quán khi khai thác chỉ để lại cây non hoặc măng, kiểu chặt này không có lợi vì cây còn lại dễ đổ gẫy, cây tái sinh bị thoái hoá, chu kỳ khai thác phải dài. Nghiên cứu về khai thác Diễn trứng tuy chưa được theo dõi nhiều năm nhưng cũng thống nhất nguyên tắc chung là chặt chọn từng cây (cây 3 tuổi là đã có thể chặt), lượng cây chặt ra bằng với lượng măng sinh ra trong chu kỳ chặt. Thao tác khai thác Diễn trứng không khó khăn vì Diễn trứng không có gai, thưa cây lại trồng phân tán nên chu kỳ có thể là 2,3 năm. Có thể áp dụng chu kỳ 2 năm và chặt cây 4-5 tuổi trở lên hoặc chu kỳ 3 năm và chặt cây 3 tuổi trở lên.

6. Hiện trạng sản xuất

Trước đây, Diễn trứng vẫn là cây trồng phân tán nhưng rất phổ biến trong các gia đình vùng Trung tâm Bắc bộ, giống trồng chủ yếu là giống gốc. Từ thập kỷ 60 phong trào trồng rừng được đẩy mạnh và sau đó là yêu cầu trồng rừng làm nguyên liệu giấy nên có đưa Diễn trứng trồng lên đồi và giống trồng là cành bó bầu trên cây mẹ. Những năm vừa qua, Luồng Thanh Hoá được đưa ra trồng ở Trung tâm Bắc bộ, người dân thấy trồng Luồng có lợi lại được phổ biến kỹ thuật trồng Luồng nên Diễn trứng có trồng ít đi. Gần đây có nhu cầu thu mua lá Diễn trứng cỡ lớn để xuất khẩu, người dân thấy có lợi nên nhiều gia đình lại muốn trồng Diễn trứng.

7. Khuyến nghị

– Diễn trứng là loài cây trồng thích hợp ở vùng Trung tâm Bắc bộ. Thân tre có nhiều giá trị sử dụng ngoài ra còn lấy lá để xuất khẩu. Các gia đình vùng Trung tâm Bắc bộ nên phát triển theo phương thức trồng phân tán. Ngoài việc thu hoạch cây theo chu kỳ thì thường xuyên thu hoạch lá sẽ có việc làm cho mọi người và thu nhập thêm cho gia đình góp phần xoá đói giảm nghèo.

– Trồng Diễn trứng với qui mô lớn nên có cây che phủ, cải tạo đất, có thể trồng xen với cây gỗ nhất là cây họ Đậu để khắc phục hiện tượng “đất dưới rừng Diễn trứng bị xấu đi”; vấn đề này cũng cần được nghiên cứu thêm.

summary:

Dendrocalamus sp. is a large- sized bamboo species, thornless, with big leaves, planted for the culm and leaves. It is advisable to encourage the people in the Mid- region of North Vietnamto plant Dendrocalamus sp in scattered planting system. If concentrated planting is done, Dendrocalamus sp. must be mixed with tree species. Expansion of Dendrocalamus sp. planting will contribute to raw material supply for paper and export commodities production.

Tài liệu tham khảo

1. Trần Nguyên Giảng, 1975. Báo cáo tổng kết nghiên cứu về tre nứa (Báo cáo khoa học).

2. Trần Xuân Thiệp, 1978. Báo cáo kết quả điều tra cây rừng làm nguyên liệu giấy sợi ở Việt Nam(Báo cáo khoa học).3. Hoàng Xuân Tý, 1973. Nghiên cứu sự diễn biến của đất rừng tre Diễn trứng và Tre gai trông thuần loại tại Cầu Hai (Báo cáo khoa học).

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]