Báo cáo tóm tắt kết quả đề tài: “Nghiên cứu khả năng hấp thụ các bon của rừng tự nhiên lá rộng thường xanh, bán thường xanh và rụng lá ở Tây Nguyên”

Chủ trì: GS.TS. Võ Đại Hải

              TS. Đặng Thịnh Triều

I. MỞ ĐẦU

Nhằm ngăn chặn những biến đổi do khí hậu gây ra, tại hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về môi trường và phát triển ở Rio de Janeiro – Braril (tháng 6/1992), với sự tham gia của 160 quốc gia, trong đó có Việt Nam đã ký công ước khung về biến đổi khí hậu toàn cầu (UNFCCC). Để có thể triển khai thực hiện Công ước, tại hội nghị các bên lần thứ 3 tổ chức vào tháng 12 năm 1997, Nghị định thư Kyoto được đệ trình. Mới đây, do không đạt được các thảo thuận khác về mục tiêu giảm phát thải nên tại COP 18 Doha (Qatar) tháng 11/2012, Nghị định thư Kyoto đã được gia hạn đến năm 2020. Ở Việt Nam, vấn đề thương mại hóa các giá trị dịch vụ môi trường rừng bao gồm khả năng hấp thụ CO2 của rừng còn rất mới mẻ nhưng lại rất được sự quan tâm nghiên cứu trong một vài năm gần đây, chủ yếu tập trung vào đối tượng rừng trồng. Rừng tự nhiên là đối tượng có cấu trúc rất phức tạp, do vậy việc nghiên cứu sinh khối và khả năng hấp thụ CO2 cho đối tượng rừng này rất khó khăn và cho tới nay rất ít được tiến hành, do đó chưa cung cấp đủ cơ sở khoa học cũng như thực tiễn cho việc lượng giá khả năng hấp thụ các bon của rừng tự nhiên ở Việt Nam. Vùng Tây Nguyên bao gồm 5 tỉnh: Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng, Kon Tum và Gia Lai có diện tích rừng tự nhiên rất lớn (diện tích 2.639.000,6 ha; chiếm 95,1% tổng diện tích đất có rừng trên toàn vùng), với 3 kiểu rừng chủ yếu là: Rừng tự nhiên lá rộng thường xanh, bán thường xanh và rụng lá (diện tích: 2.080.228,2 ha; chiếm khoảng 78,8 % diện tích đất rừng tự nhiên toàn vùng). Rừng Tây Nguyên có trữ lượng lớn, do đó các trạng thái này có tiềm năng lưu giữ các bon là rất lớn, đóng góp một vai trò quan trọng trong việc chống lại biến đổi khí hậu và giúp Việt Nam tham gia tích cực vào REDD. Để đáp ứng được những nhu cầu thực tiễn đó, đề tài “Nghiên cứu khả năng hấp thụ các bon của rừng tự nhiên lá rộng thường xanh, bán thường xanh và rụng lá ở Tây Nguyên” được tiến hành với mục tiêu chính là:

Góp phần xây dựng luận cứ khoa học cho định giá trị môi trường và định giá rừng của các kiểu rừng lá rộng tự nhiên chủ yếu ở Việt Nam.

+ Xác định được sinh khối và trữ lượng các bon của các kiểu rừng tự nhiên lá rộng thường xanh, bán thường xanh và rụng lá ở Tây Nguyên.

+ Xây dựng được các mô hình toán dự báo sinh khối và trữ lượng các bon của các kiểu rừng tự nhiên lá rộng thường xanh, bán thường xanh và rụng lá ở Tây Nguyên.

+ Đề xuất phương pháp và xây dựng hướng dẫn cách xác định trữ lượng các bon rừng tự nhiên ở Tây Nguyên.

+ Phần mềm máy tính dự tính các bon 3 kiểu rừng tự nhiên ở Tây Nguyên.

2. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU

– Nghiên cứu sinh khối và khả năng hấp thụ các bon của rừng tự nhiên rụng lá ở Tây Nguyên.

– Nghiên cứu sinh khối và khả năng hấp thụ các bon của rừng tự nhiên lá rộng thường xanh ở Tây Nguyên.

– Nghiên cứu sinh khối và khả năng hấp thụ các bon của rừng tự nhiên lá rộng bán thường xanh ở Tây Nguyên.

– Đề xuất phương pháp, xây dựng hướng dẫn cách xác định và xây dựng phần mềm xác định lượng các bon hấp thụ của rừng tự nhiên lá rộng thường xanh, bán thường xanh và rụng lá ở Tây Nguyên.

 L

II. CÁC KẾT QUẢ

– Bảng tra các loài theo nhóm khối lượng thể tích gỗ cho 3 kiểu rừng (rụng lá, lá rộng thường xanh và rừng bán rụng lá ở Tây Nguyên)

– Phần mềm máy tính dự tính sinh khối và các bon 3 kiểu rừng tự nhiên.

– Bộ số liệu về sinh khối và các bon 3 kiểu rừng tự nhiên.

– Hướng dẫn cách xác định lượng các bon đối với rừng tự nhiên.

– Báo cáo tổng kết đề tài

– Viết báo (3 bài)

i) Vũ Đức Quỳnh, Võ Đại Hải (2012), Nghiên cứu sinh khối và khả năng hấp thụ CO2 của các trạng thái rừng rụng lá tại tỉnh Đăk Lăk. Tạp chí NN & PTNT số 2/2012.

ii)Võ Đại Hải, Lục Linh Tuyền (2012), Xác định trữ lượng các bon trong các trạng thái rừng tự nhiên lá rộng thường xanh tại huyện K’bang, tỉnh Gia Lai. Tạp chí NN&PTNT số 200/2012, trang 91-98.

iii) Võ Đại Hải, Đặng Thịnh Triều (2012), Nghiên cứu khả năng hấp thụ CO2 của rừng Khộp tại Tây Nguyên. Kỷ yếu Hội nghị khoa học công nghệ lâm nghiệp miền Trung, NXBNN, 2012, trang 218-227.

– 1 cuốn sách về sinh khối và các bon của 3 kiểu rừng.

– Đào tạo (3 thạc sĩ; 1 NCS đang làm luận án)

Đào tạo NCS (không có trong kế hoạch): 1 nghiên cứu sinh đang làm luận án với các nội dung nghiên cứu của đề tài, cụ thể như sau:

NCS. Vũ Đức Quỳnh khoá 23/2011 của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam: Tên luận án “Điều tra, đánh giá khả năng hấp thụ CO2 của rừng rụng lá làm cơ sở cho việc chi trả dịch vụ môi trường rừng tại các tỉnh Tây Nguyên”. Luận án bắt đầu thực hiện từ tháng 11 năm 2011.

   – Đào tạo thạc sĩ: Đã đào tạo được 3 thạc sỹ lâm nghiệp:

i) Học viên Lê Thị Tú: Luận văn “Xác định trữ lượng CO2 hấp thụ của các trạng thái rừng rụng lá tại tỉnh Đăk Lăk”. Luận văn bảo vệ tháng 10/2011 tại Trường Đại học Lâm nghiệp, kết quả đạt loại giỏi.

ii) Học viên Lục Linh Tuyền: Luận văn “Xác định trữ lượng các bon tích lũy trong các trạng thái rừng tự nhiên lá rộng thường xanh tại huyện K’Bang, tỉnh Gia Lai”. Luận văn bảo vệ tháng 10/2012 tại Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, kết quả đạt loại giỏi.

iii) Học viên Nguyễn Văn Trường: Luận văn: “Xác định trữ lượng các bon trong các trạng thái rừng rụng lá tại tỉnh Gia Lai”. Luận văn bảo vệ vào tháng 12/2012 tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, kết quả đạt loại giỏi.

5. TÁC ĐỘNG KINH TẾ, XÃ HỘI VÀ MÔI TRƯỜNG

5.1. Về khoa học công nghệ: Đề tài đã nghiên cứu và cung cấp cơ sở khoa học cho việc nghiên cứu, xác định sinh khối cũng như hàm lượng các bon cho các loài cây cá thể và cho lâm phần của 3 loại rừng rụng lá, bán thường xanh, thường xanh ở Tây Nguyên. Cung cấp phần mềm ứng dụng cho công tác điều tra sinh khối, các bon cho đối tượng rừng tự nhiên.

5.2. Về mặt kinh tế – xã hội

Dựa trên những kết quả nghiên cứu đạt được của đề tài góp phần vào công tác thực hiện REED ở Việt Nam cũng như phục vụ việc kiểm kê khí nhà kính, định giá và quản lý phát triển rừng bền vững.

5.3. Về mặt môi trường

Kết quả nghiên cứu của đề tài phản ánh rõ hiện trạng rừng tự nhiên ở khu vực Tây Nguyên, góp phần đề xuất các biện pháp kĩ thuật khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh, phục hồi những diện tích rừng bị suy thoái, tăng tính đa dạng sinh học, tăng khả năng hấp thụ khí CO2, giảm hiệu ứng khí nhà kính, cải thiện môi trường sống, điều hòa khí hậu.

6. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

6.1. Sinh khối và khả năng tích lũy các bon của rừng tự nhiên rụng lá ở TN

6.1.1. Sinh khối của rừng tự nhiên rụng lá ở Tây Nguyên

– Cấu trúc sinh khối cây cá thể của 6 loài cây ưu thế trong khu vực nghiên cứu tập trung chủ yếu ở phần thân cây (50,00%), tiếp đến là sinh khối cành (17,11%), sinh khối rễ (15,84%), sinh khối vỏ (13,77%), sinh khối lá chiếm tỷ lệ thấp nhất (3,25%).

– Sinh khối tầng cây cao của rừng rụng lá ở trạng thái rừng giàu đat 192,72 tấn/ha; tiếp đến là trạng thái rừng trung bình (123,93 tấn/ha); rừng nghèo với 59,23 tấn/ha và rừng chưa có trữ lượng là 13,48 tấn/ha.

– Sinh khối cây bụi thảm tươi rừng rụng ở trạng thái trung bình đạt 1,70 tấn/ha; trạng thái nghèo 2,40 tấn/ha, trạng thái chưa có trữ lượng là 2,62 tấn/ha và cao nhất là trạng thái giàu 2,84 tấn/ha.

– Sinh khối vật rơi rụng tập trung nhiều nhất ở trạng thái rừng giàu với 2,26 tấn/ha và thấp nhất là trạng thái rừng trung bình chỉ 1,46 tấn/ha, còn trạng thái rừng chưa có trữ lượng là 1,67 tấn/ha và trạng thái nghèo là 2,03 tấn/ha.

– Tổng sinh khối các trạng thái rừng rụng lá dao động từ 17,77 – 197,83 tấn/ha, đạt cao nhất ở trạng thái rừng giàu và thấp nhất ở trạng thái rừng chưa có trữ lượng (63,66 tấn/ha) và cao nhất ở trạng thái rừng giàu (127,09 tấn/ha).

6.1.2. Khả năng tích lũy các bon của rừng rụng lá

– Lượng các bon của tầng cây cao có sự dao động lớn giữa các trạng thái. Cao nhất ở trạng thái rừng giàu đạt 90,58 tấn/ha chiếm 57,18% trong khi đó đạt thấp nhất là trạng thái rừng chưa có trữ lượng là 6,34 tấn/ha chiếm 11,01%. Ở trạng thái rừng nghèo là 27,84 tấn/ha và trạng thái rừng trung bình là 58,25 tấn/ha.

– Lượng các bon cây bụi thảm tươi ở các trạng thái chênh lệch không nhiều. Ở rừng trung bình đạt thấp nhất 0,80 tấn/ha và cao nhất ở trạng thái rừng giàu là 1,33 tấn/ha. Trạng thái chưa có trữ lượng 1,23 tấn/ha và trạng thái rừng nghèo là 1,13 tấn/ha.

– Lượng các bon vật rơi rụng ở rừng rụng lá đạt cao nhất ở trạng thái rừng giàu là 1,06 tấn/ha, thấp nhất ở trạng thái trung bình là 0,69 tấn/ha. Trạng thái rừng chưa có trữ lượng là 0,78 tấn/ha và trạng thái nghèo là 0,95 tấn/ha.

– Theo kết quả phân tích đất thì hàm lượng các bon có trong đất ở rừng rụng lá dao động từ 0,13-3,67% tùy vào địa điểm và đặc điểm khu vực nghiên cứu. Đối với rừng chưa có trữ lượng, lượng các bon tích luỹ trong đất trung bình là 49,2 tấn/ha; ở rừng nghèo là 57,83 tấn/ha; giá trị này đối với trạng thái rừng trung bình là 50,47 tấn/ha và đối với rừng giàu là 65,43 tấn/ha.

– Tổng lượng các bon tích lũy trong lâm phần rừng rụng lá ở trạng thái rừng chưa có trữ lượng là 57,55 tấn/ha, rừng nghèo 87,75 tấn/ha, rừng trung bình 110,20 tấn/ha, rừng giàu là 158,41 tấn/ha.

6.2. Sinh khối và khả năng tích lũy các bon của rừng bán thường xanh ở TN

6.2.1. Sinh khối của rừng tự nhiên bán thường xanh ở Tây Nguyên

– Sinh khối tầng cây cao rừng bán thường xanh của 2 trạng thái rừng trung bình và rừng giàu đạt 170,43 và 246,40 tấn/ha..

– Sinh khối cây bụi, thảm tươi của rừng tự nhiên bán thường xanh là 5,85 tấn/ha cho rừng trung bình và cho trạng thái rừng giàu là 7,82 tấn/ha.

– Sinh khối vật rơi rụng ở trạng thái rừng trung bình là 10,01 tấn/ha, rừng giàu là 11,42 tấn/ha.

– Tổng sinh khối của rừng ở trạng thái trung bình đạt 200,16 tấn/ha và thấp hơn so với 249,22 tấn/ha của rừng ở trạng thái rừng giàu.

6.2.2. Khả năng tích lũy các bon của rừng bán thường xanh

            – Lượng các bon tích lũy trong tầng cây cao ở trạng thái rừng giàu là 108,14 tấn/ha trong khi đó rừng trung bình là 91,21 tấn/ha.

– Ở trạng thái rừng trung bình lượng các bon tích lũy trong cây bụi thảm tươi là 2,75 tấn/ha còn ở trạng thái rừng giàu là 3,68 tấn/ha.

            – Lượng các bon tích lũy trong vật rơi rụng ở trạng thái rừng giàu đạt trung bình là 5,37 tấn/ha trong khi đó ở trạng thái rừng nghèo là 4,70 tấn/ha.

– Lượng các bon tích trong đất rừng ở trạng thái rừng trung bình là 59,98 tấn/ha và rừng giàu là 62,71tấn/ha

– Tổng lượng các bon tích lũy của rừng bán thường xanh trạng thái trung bình đạt từ 141,54 tấn/ha – 169,95 tấn/ha, trong khi đó tổng lượng các bon của rừng giàu dao động từ 162,47 tấn/ha – 190,22 tấn/ha tùy vào cấp trữ lượng

            – Đề tài đã tiến hành xây dựng được 8 phương trình tương quan dự tính các bon cho 2 trạng thái rừng trung bình và giàu của rừng tự nhiên bán thường xanh và 4 phương trình chung cho 2 trạng thái.

6.3. Sinh khối và khả năng tích lũy các bon của rừng thường xanh ở TN

6.3.1. Sinh khối của rừng tự nhiên thường xanh ở Tây Nguyên

– Ở trạng thái rừng nghèo sinh khối tầng cây cao đạt 136,9 tấn/ha, rừng trung bình là 251,2 tấn/ha, rừng giàu là 312,6 tấn/ha và rừng rất giàu đạt 359,8 tấn/ha.

– Sinh khối cây bụi, thảm tươi của rừng lá rộng thường xanh dao động từ 5,28 – 8,35 tấn/ha.

– Sinh khối vật rơi rụng dưới tán rừng lá rộng thường xanh dao động từ 5,78 – 21,17 tấn/ha.

– Tổng sinh khối của rừng ở trạng thái chưa có trữ lượng là 33,17 tấn/ha, rừng nghèo 152,18 tấn/ha, rừng trung bình 272,03 tấn/ha, rừng giàu là 328,08 tấn/ha và đạt cao nhất ở rừng rất giàu là 383,8 tấn/ha.           

6.3.2. Khả năng tích lũy các bon của rừng thường xanh

– Lượng các bon tích lũy trong tầng cây cao ở từng trạng thái chưa có trữ lượng là 8,51 tấn/ha, rừng nghèo là 64,34 tấn/ha, rừng trung bình 118,06 tấn/ha, rừng giàu 146,92 tấn/ha và rừng rất giàu 169,11 tấn/ha.

– Hàm lượng các bon tích lũy trong cây bụi, thảm tươi ở trạng thái rừng giàu đạt thấp nhất 2,88 tấn/ha và cao nhất là trạng thái rừng trung bình là 3,73 tấn/ha. Ở trạng thái rừng chưa có trữ lượng là 3,67 tấn/ha, rừng rất giàu là 3,51 tấn/ha và trạng thái rừng nghèo là 3,09 tấn/ha.

            – Lượng các bon tích lũy trong vật rơi rụng đạt cao nhất ở trạng thái rừng rất giàu 7,77 tấn/ha, thấp nhất là trạng thái chưa có trữ lượng với 3,42 tấn/ha. Ở trạng thái rừng nghèo đạt 4,09 tấn/ha, rừng trung bình đạt 6,06 tấn/ha và trạng thái rừng giàu là 4,39 tấn/ha.

– Tùy thuộc vào độ sâu của tầng đất, trạng thái rừng và địa điểm cho kết quả hàm lượng các bon tích lũy trong đất rừng lá rộng thường xanh dao động từ 58,62 – 63,89 tấn/ha. Lượng các bon đạt thấp nhất ở trạng thái chưa có trữ lượng là 58,62 tấn/ha, cao nhất ở trạng thái rừng giàu 63,89 tấn/ha. Ở các trạng thái rừng nghèo là 62,16 tấn/ha, rừng trung bình 62,85 tấn/ha, và rừng rất giàu 62,93 tấn/ha.

– Tổng lượng các bon tích lũy của rừng lá rộng thường xanh có xu hướng tăng dần theo cấp trữ lượng. Lượng các bon ở trạng thái chưa có trữ lượng là 74,21 tấn/ha, rừng nghèo là 137,73 tấn/ha, rừng trung bình 190,70 tấn/ha, rừng giàu 218,09 tấn/ha và rừng rất giàu 244,83 tấn/ha.

– Đề tài đã xây dựng được 20 phương trình tương quan dự tính các bon cho 5 trạng thái rừng và 4 phương trình chung cho 5 trạng thái rừng này dựa trên 4 mối quan hệ giữa lượng các bon tích lũy với các nhân tố điều tra.

6.4. Đề xuất phương pháp xây dựng hướng dẫn cách xác định và xây dựng phần mềm xác định lượng các bon tích lũy của rừng tự nhiên lá rộng thường xanh, bán thường xanh và rụng lá ở Tây Nguyên

            – Trên cơ sở kết quả xây dựng phương trình tương quan giữa các nhân tố điều tra với sinh khối và lượng các bon tích lũy của cây cá thể và của lâm phần, đề tài đã xây dựng phần mềm dự tính sinh khối/các bon cho cây cá thể quần thể của các trạng thái rừng tự nhiên lá rộng thường xanh, bán thường xanh là rụng lá ở Tây Nguyên. Phần mềm được chạy trên trên nền tảng ngôn ngữ Java và được tối ưu hóa để không cần cài đặt hay đòi hỏi tài nguyên mạng, tài nguyên phần cứng. Bên cạnh đó, đề tài cũng xây dựng được hướng dẫn phương pháp xác định sinh khối/lượng các bon tích lũy của cây cá thể cũng như của các kiểu rừng tự nhiên lá rộng thường xanh, bán thường xanh và rụng lá ở Tây Nguyên; Xây dựng phương pháp điều tra, lấy mẫu ngoài hiện trường phục vụ công việc tính sinh khối và trữ lượng các bon tích lũy cho các kiểu rừng trên.

6.5. Khuyến nghị

– Cần có thêm những nghiên cứu về sinh khối và trữ lượng các bon của các trạng thái rừng nghèo, rất giàu và chưa có trữ lượng cho kiểu rừng bán thường xanh tại Tây Nguyên.

– Nghiên cứu khả năng tích lũy các bon cần nghiên cứu về động thái tích lũy các bon của rừng theo thời gian.

– Cần mở rộng nghiên cứu lượng các bon tích lũy cho các trạng thái rừng tự nhiên ở các vùng khác trong cả nước.

 

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]