Xây dựng mô hình tính toán sinh khối cây cá thể Thông ba lá ở huyện Hoàng Su Phì tỉnh Hà Giang

Vũ Tấn Phương

Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam

TÓM TẮT

Để hỗ trợ cho việc xác định trữ lượng carbon của rừng trồng Thông ba lá, nghiên cứu tiến hành xây dựng mô hình toán và các hệ số chuyển đổi cho tính toán sinh khối làm cơ sở cho việc xác định khả năng hấp thụ carbon của rừng. Nghiên cứu tiến hành tại huyện Hoàng Su Phì tỉnh Hà Giang. Phương pháp chặt hạ và đo đếm trực tiếp sinh khối được áp dụng. Các cây chặt hạ được lựa chọn ở các lâm phần khác nhau, đại diện cho điều kiện đất đai, địa hình và tuổi rừng. Trên cơ sở đo đếm sinh khối của 26 cây cá thể, tiến hành phân tích tương quan giữa sinh khối với các nhân tố điều tra. Kết quả cho thấy các phương trình tương quan giữa sinh khối các bộ phận, tổng sinh khối, sinh khối trên mặt đất và trữ lượng cây cá thể với đường kính ngang ngực được thiết lập đều tồn tại và có hệ số tương quan hầu hết nằm trong khoảng 0,9≤r<1, thể hiện mối quan hệ rất chặt giữa sinh khối và đường kính ngang ngực. Nghiên cứu về hệ số chuyển đổi sinh khối (BEF) cho thấy BEF có xu hướng giảm dần theo tuổi và tương đối ổn định khi rừng đạt tuổi thành thục. Giá trị BEF là 0,737±0,155. Tỷ lệ sinh khối dưới mặt đất so với sinh khối dưới đất (R/S) là 0,177 ± 0,025.

Từ khóa: carbon, sinh khối, Thông ba lá.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu là một trong những vấn đề ảnh hưởng nghiêm trọng tới kinh tế, xã hội, các kế hoạch phát triển và gây đói nghèo ở nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam. Nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu được khẳng định là do sự gia tăng nhanh chóng nồng độ khí nhà kính (chủ yếu là khí CO2) trong khí quyển (UNFCCC, 2007). Schimmel và cộng sự (1995) cũng cho rằng gia tăng nồng độ khí CO2 và các khí nhà kính khác (GHGs) là nguyên nhân chủ yếu gây nên hiện tượng biến đổi khí hậu hiện nay và gia tăng nhiệt độ bề mặt trái đất. Bouman và cộng sự (1999) cho rằng các nghiên cứu để xác định cơ chế hấp thụ carbon trong môi trường đã và đang gia tăng, các nghị định quốc tế về hấp thụ carbon đang được phát triển mạnh mẽ (Brown và cộng sự, 1996). Hấp thụ carbon hiện nay là một cơ chế quản lý rừng được công nhận và đi kèm với các cơ chế kinh tế ở cấp vĩ mô, chủ yếu do sáng kiến “tín chỉ carbon” (Silver và cộng sự, 1996).

Cho đến nay các nghiên cứu về carbon trên thế giới rất đa dạng với việc xác định được khả năng hấp thụ carbon của nhiều kiểu rừng khác nhau. Giá trị hấp thụ carbon thực sự được thừa nhận với sự ra đời của Nghị định thư Kyoto (1997) và sự ghi nhận của Nghị định này đối với vai trò của các hệ sinh thái rừng trong việc hấp thụ carbon, giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu. Trữ lượng CO2 của một cây được hấp thụ từ không khí thể hiện trong sinh khối của cây đó. Tổng hợp các kết quả nghiên cứu về sinh khối của một số loại rừng trồng cho thấy, Thông caribaea ở rừng Hantana có tổng lượng sinh khối là 231 tấn/ha (Mahesh Khadka, 2005), sinh khối trên mặt đất của rừng trồng Tếch (Tecnona grandis) 30 tuổi tại Sri Lanka là 141 tấn/ha (Jha, 1995). Nghiên cứu được thực hiện bởi Negi và Sharma (1985) chỉ ra rằng sinh khối khô trên mặt đất của bạch đàn cao sản (Eucalyptus hybrid) là 121 tấn/ha, trong khi đó một nghiên cứu khác cho thấy sinh khối trên mặt đất của bạch đàn (Eucalyptus grandis) là khoảng 112-130 tấn/ha (Tandon và cs, 1988). Kaul và Sharma (1983) chỉ ra rằng lượng sinh khối khô trên mặt đất của Populus deltoids ở vùng bán nội địa ở Ấn độ là 175 tấn/ha. Shorea robusta, một trong những loài nhập ngoại được trồng phổ biến ở vùng bán lục địa có tổng lượng sinh khối khô là 200-700 tấn/ha ở tuổi 100 (Rana, 1985; Negi và cs, 2003).

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]