Xác định tuổi sâu non Hypsipyla robusta hại một số loài cây họ xoan bằng kích thước chiều rộng viên phân

Nguyễn Văn Độ

Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam

Sâu đục nõn Hypsipyla robusta thường hại một số loài cây họ xoan đặc biệt là các loài cây thuộc phân họ Swietenioideae trong đó có một số loài có giá trị kinh tế cao như lát (Chukrasia tabularis), xoan mộc (Toona sureni), lát mêhicô (Cedrela odorata), xà cừ (Khaya senegalensis)… Mức độ phá hại nặng của sâu đục nõn H. robusta thường thấy ở các rừng trồng từ 1-3 năm tuổi. Sâu non thường đục chồi và nõn của các loài cây này, đặc biệt là đỉnh sinh trưởng khi bị sâu hại thường chết. Sau đó một thời gian các chồi bên mới phát triển từ phần dưới của đỉnh sinh trưởng đã bị chết. Sự phá hại như vậy thường làm cây hạn chế phát triển chiều cao, thân thường bị dị dạng (không thẳng), do đó làm giảm năng suất và chất lượng gỗ.

Việc phòng trừ loài sâu này đã được một số nước trên thế giới đề cập và nghiên cứu nhưng rất ít hiệu quả vì sâu thường nằm trong nõn cây nên các loại thuốc trừ sâu rất khó tiếp xúc. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu về loài sâu này người ta đã phát hiện thấy sau khi nở từ trứng, sâu tuổi 1-2 thường lang thang bên ngoài ăn các lá non sau đó mới đục vào trong nõn để tiếp tục hoàn thành vòng đời. Nếu việc điều tra xác định tuổi sâu trung bình trên hiện trường làm tốt ta có thể xác định được thời gian xuất hiện sâu tuổi 1-2 và dễ dàng phòng trừ bằng các loài thuốc trừ sâu thông thường.

Vì sâu non thường nằm trong nõn nên việc xác định tuổi sâu phải bóc nõn để quan sát sâu non; điều này rất bất tiện và mất thời gian. Nhưng nếu dựa vào kích thước viên phân đùn ra ở bên ngoài để xác định tuổi sâu bên trong nõn công việc sẽ tiến hành thuận lợi và tốn ít thời gian hơn nhiều. Việc xác định tương quan giữa kích thước phân sâu và kích thước mảnh đầu của sâu non H. robusta sẽ cho phép dựa vào kích thước phân sâu bên ngoài để xác định tuổi sâu non ở bên trong nõn.

2. Vật liệu và phương pháp nghiên cứu.

– Quá trình gây nuôi sâu đục nõn H. robusta trong phòng thí nghiệm cũng như điều tra và quan sát tại hiện trường cho thấy các mẫu phân thu được ở các tuổi sâu non khác nhau có kích thước khác nhau. Tuy nhiên, kích thước chiều rộng phân sâu ở từng tuổi ổn định hơn rất nhiều so với kích thước chiều dài của phân, vì vậy yếu tố chiều rộng của phân được chọn để tiến hành xác định mối tương quan giữa kích thước phân và tuổi của sâu non H. robusta.

– Sâu non các tuổi có kích thước cơ thể và kích thước mảnh đầu khác nhau. Tuy nhiên, kích thước cơ thể sâu non biến động rất lớn, nhưng kích thước chiều rộng mảnh đầu lại có tính ổn định hơn vì vậy trong nghiên cứu côn trùng người ta thường xác định kích thước chiều ngang mảnh đầu để tính tuổi sâu. Do đó số liệu để tính tương quan ở đây là kích thước chiều ngang viên phân các tuổi và kích thước chiều ngang mảnh đầu các tuổi của sâu non.

Phương pháp tiến hành thí nghiệm:

Các nõn cây lát có chiều dài 20- 30 cm được thu thập từ vườn thí nghiệm, sau khi đưa sâu tuổi 1 vào nõn sẽ được nuôi riêng rẽ trong các ống nghiệm thuỷ tinh lớn có đường kính 4 cm; mỗi đợt nuôi gồm 20 đến 30 cá thể sâu.

Hàng ngày thu thập các phân sâu đùn ra đưa vào đĩa petri và chọn ngẫu nhiên khoảng 30-50 viên phân để tiến hành đo chiều rộng. Hai ngày một lần mở các nõn để kiểm tra tình trạng sâu non và thu thập mảnh đầu nếu có. Kích thước chiều rộng của viên phân và mảnh đầu cùng tuổi sẽ được ghi lại để xử lý. Khoảng 4 đến 5 ngày thay nõn mới để bảo đảm thức ăn tươi cho sâu non; việc chuyển sâu sang nõn mới được sử dụng bằng bút lông mềm. Sử dụng phương pháp đánh giá của Mo & Tanton (1995) và xử lý số liệu bằng máy tính trên chương trình Excel 7.0.

Phương pháp trên cũng được tiến hành trên các cây 1-2 tuổi tại vườn thí nghiệm; kết quả cho thấy các số liệu thu được không có sự khác biệt nhiều so với nuôi trong phòng thí nghiệm.

2.Kết quả nghiên cứu và thảo luận

Kết quả

Sau khi thu thập đầy đủ các số liệu tại phòng thí nghiệm và hiện trường, đề tài đã xác định được kích thước chiều rộng viên phân và chiều rộng mảnh đầu tương ứng ở các tuổi sâu. Các kết quả được thể hiện trên bảng sau:

Bảng kích thước chiều rộng phân sâu và kích thước chiều rộng mảnh đầu các tuổi sâu tuơng ứng của sâu đục nõn H. robusta.

Tuổi sâu Kích thước chiều rộng trung bình của viên phân

(mm)

Kích thước chiều rộng trung bình của mảnh đầu

(mm)

Tuổi 1 0,21 ± 0,01 0,81 ± 0,01
Tuổi 2 0,32 ± 0,02 1,03 ± 0,03
Tuổi 3 0,45 ± 0,03 1,24 ± 0,03
Tuổi 4 0,72 ± 0,03 1,53 ± 0,05
Tuổi 5 1,02 ± 0,02 2,77 ± 0,07

Đề tài đã tiến hành phân tích tương quan giữa kích thước chiều rộng viên phân và chiều rộng mảnh đầu tương ứng ở các tuổi, kết quả cho thấy: R tương quan là: 0,89

Với R là: 0,89 thì hệ số tuơng quan giữa kích thước chiều rộng viên phân và kích thước chiều ngang mảnh đầu của sâu non H. robusta là rất chặt chẽ. Vì vậy, có thể sử dụng kích thước chiều rộng viên phân để xác định tuổi sâu và sẽ cho kết quả đáng tin cậy

Biểu đồ tương quan giữa kích thước chiều rộng viên phân và kích thước chiều ngang mảnh đầu của sâu non H. robusta.

Thảo luận

Từ những kết quả trên ta thấy:

– Dựa vào kích thước phân sâu ở bên ngoài tính được ta có thể đánh giá được tuổi sâu đang sống ở trong nõn.

– Trong suốt quá trình sống của sâu đục nõn H. robusta không kể giai đoạn trứng thì chỉ có giai đoạn sâu trưởng thành và sâu non tuổi 1 và 2 sống ở bên ngoài (không ở trong nõn) nên có thể dễ dàng diệt chúng bằng các loại thuốc hoá họct và chế phẩm sinh học. Vì vậy việc xác định chính xác thời gian xuất hiện của sâu trưởng thành và sâu non tuổi 1-2 là rất cần thiết cho việc quyết định khi nào tiến hành phòng trừ. Thông qua điều tra mật độ quần thể sâu hại tại hiện trường, biết được tuổi sâu trong thế hệ và thời gian của các pha phát triển ta có thể xác định thời điểm xuất hiện sâu trưởng thành và sâu non tuổi 1-2.

Như vậy có thể sử dụng phương pháp này để tính được tuổi sâu non H. robusta thông qua chiều rộng phân mà không cần tách các nõn để xác định tuổi sâu. Phương pháp trên sẽ giúp người điều tra xác định nhanh số lượng và tuổi sâu trung bình tại hiện trường từ đó có quyết định phun thuốc hay không và nếu phun thì phun vào lúc nào để có hiệu quả cao nhất.

Tài liệu tham khảo

1- Griffiths M.W. (1996), The Biology and Ecology of Hypsipyla Shoot Borers, International Workshop on Hypsipyla, Kandy, Srilanka, 1996, ACIAR proceedings No.97, 2001, pp. 74-80.

2- Mo-J; Tanton-MT. 1995. Estimation of larval instars of Hypsipyla robusta Moore(Lepidoptera: Pyralidae) by larval frass widths. Australian-Entomologist. 1995, 22: 2, 59-62; 4 ref.

Summary

Shoot borer Hypsipyla robusta is one of the insect species causing much damage to species of Meliaceae family such as Chukrasia tabularis, Toona sureni…. The control of the borers however meets with many difficulties as the larvae usually live inside the shoots, hardly contacted with insecticide, the control is therefore of low efficiency.

Observation on biological characteristics of H. robusta shows that the chrysalis and the instars 1-2 usually live outside the shoot. If the time of these stages can be determined one can control this insect species by ordinary insecticides.

Research has been carried out on correlation between width of the frass and width of the head capsule of various instars. Research result shows that quick determination in the field on the instars ispossible through the width of the frass and combined with the understanding of biological characteristics of H. robusta one can determine on the emergence of the chrysalis and the instars 1-2 for their effective control.

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]