Thái Văn Trừng
Viện Sinh học Nhiệt đới
Hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới (HSTRMNĐ) trên thế giới hiện còn 933 triệu ha phân bố ở Nam Mỹ 634 triệu ha, Trung phi 138 triệu ha và Đông Nam á 161 triệu ha, đang bị phá huỷ với một tốc độ kinh khủng (từ 1990 trở đi là 17 triệu ha hằng năm – theo tài liệu của FAO) nhưng vẫn chưa có phương thức tái sinh, tái tạo có hiệu quả. Nếu không có biện pháp tích cực ngăn chặn nạn phá rừng trên thế giới thì đến cuối thế kỷ 21, HST RMNĐ sẽ bị xoá sạch trên hành tinh trái đất và không còn là lá phổi xanh hấp thụ CO2 và nhả O2 vào không khí, cải tạo môi trường sống của con người. Do tích tụ CO2 trong khí quyển nên đã gây nên “hiệu ứng nhà kính” làm nóng lên khí hậu của trái đất, tan các tảng băng ở hai cực, dâng cao mực nước biển làm ngập nước các vùng thấp, là nơi trồng lúa nước nuôi sống hàng trăm triệu con người và đã xây dựng nhiều vùng dân cư đông đúc! Đó là thảm hoạ sinh thái đang đe doạ chúng ta trong thế kỷ 21, nếu nạn phá rừng không ngăn chặn được! Để giảm bớt hậu quả của “hiệu ứng nhà kính”, một mặt buộc các nước công nghiệp phát triển phải giảm việc sử dụng quá nhiều nhiên liệu hóa thạch (than đá, dầu khí) để hạn chế lượng khí CO2 thải ra theo cam kết của Nghị định thư 1997 Kyoto; mặt khác, ngoài việc ngăn chặn được nạn phá huỷ các hệ sinh thái rừng nhiệt đới, một mục tiêu khác không kém phần quan trọng là phục hồi thảm rừng xanh trên các đất trống đồi trọc và sau đó là lập lại hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới đã tồn tại trước đây. Làm như vậy thì mới nói đến lập lại cân bằng sinh thái trong thiên nhiên và giảm nhẹ các thiên tai như lũ lụt, lốc bão, hạn hán là mối đe doạ thường xuyên ở các nước vùng nhiệt đới.
Việt Namlà một nước nhiệt đới của khu vực Đông Namá, chỉ có một diện tích rừng mưa nhiệt đới rất nhỏ so với các nước nhiệt đới khác trên thế giới và trong khu vực. Trải qua 30 năm chiến tranh chống đế quốc (từ 1945 – 1975) diện tích này cũng đã mất đi 5 triệu ha, trong đó có 2 triệu ha rừng bị các chất diệt cỏ màu da cam (agent orange) của đế quốc Mỹ huỷ diệt, và khi đó trên cả 2 miền Nam, Bắc thống nhất cũng chỉ còn 9,5 triệu ha rừng, mức che phủ chỉ còn 29,1%, dưới mức an toàn sinh thái đã đạt được, trước chiến tranh là 14,8 triệu ha, với tỷ lệ che phủ 43,8% (P. Maurand, Lâm nghiệp Đông dương, 1943).
Nhưng trong hoà bình, sau đợt thống kê rừng năm 1983, 1,7 triệu ha rừng đã bị khai hoang để lấy đất nông nghiệp, trồng cây lương thực và cây công nghiệp (cà phê, cao su), nên tỷ lệ che phủ chỉ còn 22,9%, với nhịp độ phá rừng hàng năm là 200.000 ha, mà ngân sách chỉ đủ để trồng 20.000ha, trong đó chỉ có 30% thành rừng. Từ năm 1983 – 1995, chủ yếu là đẩy mạnh phong trào trồng cây phân tán trong nhân dân, do đó mà tỷ lệ rừng che phủ đã giảm xuống dưới 20%. Từ năm 1993, với chương trình 327 phủ xanh đất trống đồi trọc, ngân sách trồng rừng hàng năm đã dự trù đến 60 triệu USD, nhưng chủ yếu là trồng rừng thuần loài cây nhập nội như bạch đàn trắng xuất xứ Pedford, keo lá tràm, keo tai tượng, keo lai để làm nguyên liệu giấy sợi. Năm 1995, sau cuộc cải cách hành chính ở trung ương giảm bớt các Bộ, Bộ Lâm nghiệp đã được nhập vào Bộ NN & PTNT, theo thống kê của Viện Điều tra Quy hoach rừng, tỷ lệ rừng che phủ đã được công bố là 28%.
Trước thời kỳ đổi mới năm 1985, nạn khai thác ồ ạt lấy gỗ để xuất khẩu thu ngoại tệ đã làm mất đi nhiều khu rừng giàu nguyên liệu sao dầu ở Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Vụ phá hoại điển hình Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông- Biển Lạc ở Tánh Linh, Bình Thuận rộng 30.000ha của lâm tặc Đinh Mạnh Hổ để lấy gỗ xuất khẩu bị xử phạt quá nhẹ nên không răn đe được các lâm tặc. Tuy có chỉ thị của Thủ tướng đóng cửa rừng tự nhiên và chỉ cho khai thác trong rừng trồng nhưng vẫn xảy ra nhiều vụ lén lút ăn cắp gỗ quí như pơmu, gõ đỏ, cẩm lai trong các Vườn quốc gia trong khi lực lượng Kiểm lâm quá mỏng, quá yếu nên không thể ngăn chặn được, và nạn phá rừng vẫn tiếp diễn một cách âm thầm ở tất cả các tỉnh còn rừng.
Mục tiêu phấn đấu của các nhà sinh thái rừng và lâm sinh học Việt Namlà tìm được loài cây phủ kín nhanh chóng 10 triệu ha đất trống đồi núi trọc, và tìm phương thức tái sinh tái tạo hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới, họ Sao dầu đã tồn tại trước đây.
Sau năm 1975, cây keo lá tràm (Acacia auriculiformis) đã được phát hiện là một cây họ Đậu, nhập từ úc, có lá giả, phát triển từ cuống lá; rễ có nốt sần cố định đạm và tán lá dày rậm, khép tán sớm nếu trồng dày trên 3000 cây/ ha nên đã giữ độ ẩm tốt cho đất; lá cứng phân huỷ thành mùn hơi chậm, nhưng đã trả độ phì và độ ẩm cho đất bị xói mòn trên các đồi trọc, đã trở thành khô cằn, kiệt màu. Hiện nay, cây keo lá tràm đã được trồng để phủ xanh các đồi trọc ở các tỉnh ven biển miền nam thay cho cây thông 2 lá (Pinus merkusii), mọc rất chậm trên đồi trọc khô cằn, thành rừng thưa, có lớp cỏ dày, bị cháy trong mùa khô và thường bị sâu bệnh nghiêm trọng; đặc biệt thay cây bạch đàn liễu (Eucalyptus exerta) hạt giống nhập từ Trung Quốc, tuy mọc được trên các đồi trọc trung du Bắc bộ, nhưng hút nước rất mạnh, làm khô cạn các ruộng ở chân đồi, nên nông dân đã chặt bỏ. Các tỉnh phía nam nhất định không chịu nhận hạt giống bạch đàn liễu để trồng, nhưng vẫn phát triển cây bạch đàn trắng (Eucalyptus tereticornis) ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Năm 1983, tác giả được giao đề tài “Phục hồi các hệ sinh thái rừng bị chiến tranh hoá học huỷ diệt ở miền Nam Việt Nam”. Đối với các hệ sinh thái rừng ngập mặn và rừng úng phèn, việc phục hồi rừng chỉ cần có đủ hạt giống và tạo lại môi trường đất ngập nước thích hợp. Nhưng đối với hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới họ Sao dầu đã bị huỷ diệt và đốt cháy hàng vạn ha ở Đông Nam Bộ và ở Tây Nguyên, được thay thế bằng những savan cỏ tranh (Imperata cylindrica), cỏ Mỹ (Pennisetum polystachyon) bị cháy trong mùa khô nóng, nên hạt giống và cây giống không còn và không thể nào tái sinh tự nhiên được! Cây keo lá tràm đã được chọn để trồng lại thành rừng và nhờ bộ lá dày rậm sau khi khép tán đã tiêu diệt các loại cỏ tranh, cỏ Mỹ dưới tán rừng. Sau 10 năm đã mở luống để trồng những cây gỗ bản địa họ Sao dầu và họ Đậu có gỗ quý (sao đen, dầu rái, dầu song nàng, vên vên, gõ đỏ, cẩm lai), nhưng chỉ có Sao đen (Hopea odorata) phát triển thành rừng: Đó là Mô hình Đã Đà. Với phương thức nông lâm kết hợp, Xí nghiệp Giống cây rừng phía Nam đã trồng 3 cây họ Sao dầu (sao đen, dầu rái, vên vên), 2 cây gỗ quí (gõ đỏ, lát hoa) với cây đào lôn hột (Anacardium occidentale): Đó là Mô hình Định Quán. Hiện có những cây sao dầu đã 20 năm tuổi, có chiều cao trên 15 m, đường kính trên 20cm, chứng minh là hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới họ Sao dầu với thành phần ít loài cây có thể tái sinh tái tạo được. Năm 1989, tác giả đã thử nghiệm mở luống rộng, chặt hết dần cây keo lá tràm đã 15 tuổi được trồng từ năm 1978 trên đất khô cằn laterit hoá ở Bến Đình (Củ Chi) và trồng 21 loài cây họ Sao dầu (sao đen, dầu rái, vên vên, sến mủ) và cây họ Đậu có gỗ quý (gõ đỏ, gõ mật, trắc, muồng đen), mô phỏng hệ sinh thái rừng ẩm nhiệt đới tự nhiên và đã được nghiệm thu năm 1993, sau đó triển khai trên 50ha đến cuối năm 2000 đã hoàn thành: đó là Mô hình Củ Chi, đang được triển khai trên khu rừng keo lá tràm phủ xanh 3000ha đồi trọc của tỉnh Thừa Thiên Huế và trồng từ năm 1978 ở Lâm trường Phú Lộc, trước Vườn quốc gia Bạch Mã: đó là Mô hình Bắc đèo Hải Vân hiện đang mở luống rộng để trồng những cây bản địa của khu vực (sao đen, dầu rái, kiền kiền, huỷnh, trắc, gụ…) để phục hồi hệ sinh thái rừng ẩm nhiệt đới họ Sao dầu. Tất cả các mô hình kể trên, hiện còn tồn tại trên đất có thể tham quan, khảo sát để nhận thấy được triển vọng là hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới có thể tái sinh tái tạo được, khác với nhận định của nhà sinh thái học Mêhicô Gomez – Pampa: “Rừng mưa nhiệt đới, một tài nguyên không thể tái sinh tái tạo được” (The Tropical Rain Forest, a non – renewable resource, Science 177, 1972).
Với chương trình 5 triệu ha rừng đã được Quốc hội thông qua năm 1997, nếu tập trung ngân sách, vay vốn ODA, viện trợ quốc tế, để trồng cây keo lá tràm phủ xanh các đồi trọc của 9 tỉnh ven biển miền Trung, như mô hình Bắc đèo Hải Vân, trồng dày 4000 – 5000 cây/ ha để rừng chóng khép tán, tỉa thưa lấy củi đun sau 5 năm, lấy nguyên liệu giấy sau 10 năm và lấy gỗ nhỏ gia dụng sau 20 năm, đến năm 2005 sẽ mở luống rộng và chặt hết dần keo lá tràm để trồng cây gỗ lớn bản địa và sẽ hoàn thành đợt 1 chương trình 5 triệu ha rừng. Những khu rừng này là những khu rừng phòng hộ để che chắn hữu hiệu, không cho phát sinh dòng chảy của những trận mưa trút nước do những đợt áp thấp nhiệt đới gây ra, và sẽ giảm nhẹ những thiên tai như lũ lụt, lốc bão, hạn hán, thường xảy ra ở vùng này.
Tài liệu tham khảo
1. UNESCO, UNEP, FAO, 1972 – Ecosystems forestiers tropicaux 740 pp.
2. Gomez Pampa& at, 1972. The tropical rainforest, a non-renewable resource. Science 177.
3. Nguyễn Quang Hà, 1996. Cơ hội đầu tư vào ngành lâm nghiệp Việt Nam. Nông lâm ngư nghiệp Việt Nam.
4. Thái Văn Trừng, 1970 – 1978. Thảm thực vật rừng Việt Nam- NXB Khoa học Kỹ thuật.
5. Thái Văn Trừng, 1996. Thảm thực vật ở Việt Nam, nguy cơ và chiến lược phủ xanh. Nông lâm ngư nghiệp Việt Nam.
6. Thái Văn Trừng, 1999. Những hệ sinh thái rừng nhiệt đới ở Việt Nam. NXB Khoa học Kỹ thuật.
——————–
(*): Bài viết này trình bày tại Hội thảo khoa học Ngành sinh học năm 2001, tổ chức ở Hà Nội từ 2 – 5/ 7/ 2001.*******************************************
Tin mới nhất
- Tạp chí Khoa học Lâm nghiệp
- Ảnh hưởng của mật độ và phân bón đến năng suất rừng trồng Keo lai 9,5 năm tuổi ở Quảng Trị
- Nghiên cứu đặc điểm đất đai tại khu vực loài Trúc đen (Phyllostachys nigra Munro) phân bố tại Sa Pa, Lào Cai
- Phân tích chỉ số đa dạng sinh học của thực vật thân gỗ trong Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà - Tp. Đà Nẵng
- Nghiên cứu đa dạng di truyền cây Dầu rái (Dipterocarpus alatus Roxb.) bằng kỹ thuật RAPD
Các tin khác
- Về quyền sử dụng đất làm nương rẫy của đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi
- Kết quả Nghiên cứu xây dựng mô hình canh tác rẫy theo hướng sử dụng đất bền vững ở Tây Bắc
- Canh tác nương rẫy và vấn đề tham gia quản lý bảo vệ rừng tự nhiên của đồng bào Bahnar ở huyện K’bang, tỉnh Gia Lai (1)
- Canh tác nương rẫy của một số dân tộc thiểu số ở tây nguyên và các chính sách, giải pháp sử dụng hợp lý đất rừng
- Điều tra đánh giá thực trạng canh tác nương rẫy các tỉnh tây nguyên (1998-1999)