Nghiên cứu khai thác và phát triển nguồn gen cây Dẻ trùng khánh (Castanea mollissima Blume) tại tỉnh Cao Bằng

Ký hiệu khoVI24_612
Chuyên ngànhphát triển nguồn gen, Dẻ Trùng khánh
Địa phươngCao Bằng
Lĩnh vựcphát triển nguồn gen
Đề tài nghiên cứu khoa họcNghiên cứu khai thác và phát triển nguồn gen cây Dẻ trùng khánh (Castanea mollissima Blume) tại tỉnh Cao Bằng
CấpCấp Tỉnh
Mục tiêuMục tiêu nghiên cứu: + Mục tiêu tổng quát: Khai thác và phát triển nguồn gen cây Dẻ trùng khánh (Castanea mollissima Blume) góp phần nâng cao năng suất, chất lượng hạt Dẻ trùng khánh tỉnh Cao Bằng + Mục tiêu cụ thể: - Bình tuyển được cây trội dự tuyển Dẻ trùng khánh. - Phân tích đa dạng di truyền kết hợp chọn giống dựa trên cây phân loại AND. - Xác định kỹ thuật nhân giống sinh dưỡng cây Dẻ trùng khánh (giâm hom, ghép). - Xây dựng được vườn giống phục vụ tuyển chọn và nhân giống. - Xây dựng được mô hình thâm canh cây Dẻ trùng khánh, quy mô 3ha. - Đề xuất giải pháp nhằm khai thác, phát triển nguồn gen và phát triển thương hiệu cho cây Dẻ trùng khánh.
Ngày bắt đầu2018
Ngày kết thúc2020
Chi tiếtTóm tắt nội dung nghiên cứu chính: Nội dung 1: Bình tuyển cây trội và xác định giá trị nguồn gen cây Dẻ trùng khánh. Nội dung 2: Xây dựng vườn giống vô tính Dẻ trùng khánh Nội dung 3: Xây dựng 03 ha mô hình các thí nghiệm trồng rừng thâm canh Dẻ trùng khánh bằng các dòng có năng suất cao Nội dung 4: Đề xuất giải pháp nhằm khai thác, phát triển nguồn gen và phát triển thương hiệu cho cây Dẻ trùng khánh Nội dung 5: Tập huấn, chuyển giao kỹ thuật nhân giống và trồng Dẻ trùng khánh
Phương phápPhương pháp nghiên cứu: Nội dung 1: Bình tuyển cây trội và xác định giá trị nguồn gen cây Dẻ trùng khánh - Khảo sát, đánh giá hiện trạng gây trồng Dẻ trùng khánh: Tiến hành làm việc với các cơ quan lâm nghiệp cấp tỉnh, Trung tâm khuyến nông, Trạm khuyến lâm (Trung tâm dịch vụ) cấp huyện, Hội làm vườn .... nhằm thu thập các tài liệu thứ cấp để biết được đặc điểm chung về thực trạng gây trồng Dẻ trùng khánh qua đó làm rõ những thành công cũng như những tồn tại của các mô hình trồng Dẻ trước đây. - Nghiên cứu bổ sung một số đặc điểm sinh vật học Dẻ trùng khánh (Phân bố, sinh thái, vật hậu …): thông qua việc xác định thực trạng gây trồng Dẻ trùng khánh xác định và lựa chọn các địa điểm để điều tra trên hiện trường. Áp dụng phương pháp điều tra trên các ô tiêu chuẩn ngẫu nhiên, tạm thời để điều tra các đặc điểm lâm học của cây Dẻ. Với mỗi rừng Dẻ hiện có ở các dạng lập địa, các trạng thái rừng và điều kiện gây trồng khác nhau, thiết lập 3 ô tiêu chuẩn. Diện tích ô tiêu chuẩn là 500m2 (20 m x 25 m). Trong mỗi ô tiêu chuẩn tiến hành thu thập các thông tin như độ cao so với mực nước biển, tổ thành các loài cây gỗ, đặc điểm địa hình, đất đai, các đặc điểm về điều kiện sinh thái, đồng thời đo đếm các chỉ tiêu sinh trưởng của Dẻ như: Đường kính thân (đo ở vị trí ngang ngực và đo tất cả các thân trên mỗi gốc), chiều cao trung bình của cây, mô tả hình dạng và đo đường kính tán lá, điều tra tình hình sâu bệnh hại,… Đồng thời trong mỗi ô tiêu chuẩn lập 5 ô dạng bản, mỗi ô có diện tích 4m2 để điều tra tình hình tái sinh của Dẻ, trong đó 4 ô ở 4 góc và 1 ô ở giữa. Trong mỗi ô dạng bản xác định số lượng cây tái sinh, đo đếm các chỉ tiêu sinh trưởng (Doo, Hvn, Dt) và chất lượng cây tái sinh. Để đánh giá vật hậu chọn 5 cây sinh trưởng bình thường không bị sâu bệnh, đã đến tuổi cho hoa quả để theo dõi vật hậu trong 3 năm liên tục. Các chỉ tiêu theo dõi là thời kỳ nảy lộc, ra hoa kết quả, quả chín, chu kỳ sai quả. Mỗi cây quan sát 4 cành tiêu chuẩn trung bình, ở giữa cây, theo 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Định kỳ theo dõi 15 ngày/lần. Đến thời kỳ quả chín, thu hái và đếm tất cả các quả trên các cành được đánh dấu để xác định chu kỳ sai quả. - Bình tuyển cây trội dự tuyển Dẻ trùng khánh: Cây trội dự tuyển Dẻ khánh được bình tuyển theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 8755:2017 và thông tư 30/2018/TT-BNNPTNT, với các chỉ tiêu theo dõi đánh giá là: Hình thái cây, Tuổi cây, Đường kính (D1.3) và chiều cao vút ngọn (Hvn); Chiều cao dưới cành, Hoa, quả (đối với loài cây lấy vật liệu nhân giống bằng hạt) và tình hình sâu bệnh hại; cụ thể:  Độ thẳng thân cây: (i) Cây thẳng, thân tròn đều không xoắn vặn: 5 điểm; (ii) Cây hơi cong, thân tròn đều không xoắn vặn 4 điểm; (iii) Cây hơi cong và thân không tròn đều: 3 điểm; (iv) Cây cong: 2 điểm và (v) Cây rất cong: 1 điểm.  Độ nhỏ cành: (i) Cành rất nhỏ: 1 điểm; (ii) Cành nhỏ: 2 điểm; (iii) Cành trung bình: 3 điểm; (iv) Cành lớn: 4 điểm và (v) Cành rất lớn: 5 điểm  Sinh trưởng: tốt 5 điểm, trung bình 3 điểm, kém 1 điểm.  Kích thước quả: quả to 10 điểm, quả trung bình 7 điểm, quả nhỏ 4 điểm  Kích thước hạt: hạt to 10 điểm, quả trung bình 7 điểm, quả nhỏ 4 điểm.  Độ đồng đều quả hạt: quả hạt đều 10 điểm, tương đối đều 7 điểm, không đều 4 điểm - Phân tích hàm lượng các chất trong hạt Dẻ trùng khánh của các cây trội dự tuyển. Mẫu phân tích được thu hái từ các cây trội dự tuyển, phương pháp lấy mẫu theo hướng dẫn của CODEX số CAC/GL 33-1999 và hướng dẫn tại Thông tư quy định giám sát an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản Số: 08/2016/TT-BNNPTNT ngày 01 tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cụ thể: Mẫu được thu hái từ các cành ở giữa tán theo 4 hướng Bắc Nam Đông Tây mỗi hướng thu 15 quả x 4 = 60 quả, mỗi quả thu 1 hạt ở giữa (Tổng cộng 60 hạt/cây tương đương 0,5 – 0,6 kg/cây) Mẫu thu hái phải đảm bảo (i) Đại diện về mặt phẩm chất cho một mặt hàng; (ii) Mẫu phải có phẩm chất ổ trong suốt thời gian lưu và bảo quản mẫu và (iii) Mẫu phải đúng quy cách, dụng cụ, cách lấy và số lượng lấy từng loại sản phẩm cụ thể theo quy định Việc đóng gói, vận chuyển và bảo quản mẫu phải đảm bảo: (i) được đụng trong các dụng cụ sạch, trơ để tránh sự nhiễm bẩn từ bên ngoài tránh làm hư hỏng mẫu trong khi vận chuyển; (ii) Dụng cụ chứa mẫu phải được niêm phong sao cho có thể phát hiện được trường hợp mở trái phép và gửi ngay đến phòng thí nghiệm càng sớm càng tốt để tránh mất mát hay hư hỏng và (iii) Mẫu lưu phải được bảo quản trong điều kiện khô ráo, sạch sẽ, thoáng mát ở nhiệt độ và độ ẩm của không khí phù hợp Trên mỗi bao gói mẫu sản phẩm phải ghi rõ: (i) Tên và loại sản phẩm; (ii) Mã sản phẩm; (iii) Nguồn gốc sản phẩm (iv) Khối lượng mẫu và (v) Người lấy mẫu, ngày và nơi lấy mẫu Các mẫu được gửi đi phân tích đánh giá và kiểm nghiệm đánh giá tại Công ty TNHH công nghệ NHONHO – Trung tâm kiểm nghiệm Mekong LAB Đánh giá hình dạng, kích thước hạt Dẻ trùng khánh Sử dụng thước kẹp điện tử đo chính xác đến 2 chữ số sau dấu phẩy với đơn vị đo là mm để đo đếm đánh giá hình dáng hạt dẻ theo 3 chiều dài x rộng x cao, với mỗi cây đo đếm 60 hạt và tính trị số trung bình Đánh giá khối lượng hạt Dẻ trùng khánh: Sử dụng cân điện tử có độ chính xác đo đến đơn vị gam để xác định khối lượng, việc cân được đánh tiến hành 3 lần với mỗi cây, mỗi lần cân ngẫu nhiên 20 hạt và tính trị số trung bình Đánh giá giá trị dinh dưỡng hạt Dẻ trùng khánh: được thực hiện tại phòng kiểm nghiệm được chỉ định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của công ty Nho Nho với 5 chỉ tiêu Hàm lượng nước trong nhân hạt dẻ theo tiêu chuẩn FAO 14/7; hàm lượng gluxit trong nhân hạt dẻ theo tiêu chuẩn FAO Food Enegry 02: 2003; hàm lượng glucoza trong nhân hạt dẻ theo tiêu chuẩn MKL-HH723 Ref. AOAC 971.18; hàm lượng lipit trong nhân hạt dẻ theo tiêu chuẩn FAO 14/7; hàm lượng protein trong nhân hạt dẻ theo tiêu chuẩn FAO 14/7; Kết quả phân tích được so sánh đối chiếu với kết quả công bố tại Quyết định số 496/QĐ-SHTT ngày 21/3/2011 của Cục Sở hữu Trí tuệ về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00026 cho sản phẩm hạt dẻ Trùng Khánh. - Đánh giá đa dạng di truyền các giống Dẻ Trùng Khánh. * Vật liệu: Mẫu lá non, lá bánh tẻ của 31 cây trội dự tuyển được tuyển chọn, Các mẫu lấy cách xa nhau về mặt không gian địa lý. Mỗi mẫu lấy 50 gam về phân tích đa dạng di truyền tại Viện Di truyền nông nghiệp. * Hóa chất: Một số hóa chất thông dụng dùng trong sinh học phân tử của các hãng Sigma, Merck,...CTAB, Tris base, Boric acid, NaCl, dNTPs, EDTA, 6X orange loading dye solution, Taq Polymeraza, Ethanol, 2-propanol, Acetic acid glacial, Phenol, Chloroform, isoamyalcohol, Agarose, các mồi ITS, mồi đặc hiệu các gen lục lạp. + Tách chiết ADN tổng số Trong nghiên cứu đa hình hệ gen, chất lượng DNA tổng số đóng vai trò quan trọng trong kết quả nghiên cứu. DNA được sử dụng phân tích đa hình kiểu gen phải tinh sạch không tạp lẫn RNA, protein hoặc dung dịch tách chiết; ngoài ra chất lượng DNA phải đảm bảo không bị đứt gãy ADN tổng số được tách chiết theo phương pháp của Qiang Xu và cộng sự (2004). Các bước tiến hành cụ thể: Mẫu lá dẻ sau khi nghiền mịn bằng ni-tơ lỏng được bổ sung dịch rửa: 100 mM Tris-HCl (pH 8.0). 5 mM EDTA (pH 8.0), 0.35 M glucose, 2% PVP và 4% β-mercaptoethanol. Sau đó mới được bổ sung dịch chiết: 100 mM Tris-HCl (pH 8.0), 1.5 M NaCl, 50 mM EDTA (pH 8.0), 4% β-mercaptoethanol, 3% bột CTAB. Rửa dịch chiết DNA bằng dung dịch 24:1 (Chloroform: isoamylalcohol) hai lần. Tủa DNA bằng ethanol 100%, ủ tủa bằng RNAse 1mg/ml để loại bỏ hoàn toàn RNA tạp nhiễm trong DNA. Hòa tan DNA bằng nước tinh sạch, bảo quản trong tủ -20°C. Kiểm tra chất lượng DNA bằng máy đo NanoDrop và điện di trên gel agarose 1%. Phương pháp PCR-SSR Phản ứng PCR-SSR sử dụng enzyme KOD FX Neo của hãng TOYOBO được thực hiện trong tổng phản ứng 10 µl bao gồm: 5 µl đệm PCR cho KOD FX Neo (2X), 2 µl dNTPs (2mM), 0.5 µL mồi xuôi và mồi ngược (10 pmol / µL) (bảng 3), 1 µL DNA tổng số (50 ng/µl), 0.1 µl enzyme KOD FX Neo (1.0 U/L) 1 µl H2O Phản ứng PCR – SSR được thực hiện với máy PCR Effendorf X50s với chu kỳ: 1 chu kỳ: 94°C - 2 phút; 35 chu kỳ: 94°C – 30 giây, 55°C – 30s và 68°C – 1 phút; 1 chu kỳ: 68°C – 5 phút Sản phẩm PCR-SSR được giữ ở 10°C. Phương pháp điện di polyacrylamide Sản phẩm PCR-SSR được điện di trên gel polyacrylamide sử dụng hệ thống điện di dọc của hãng Cleaver Scientific Power Pro. Gel polyacrylamide được đổ 2 lớp: lớp gel cô và lớp gel phân tách, lớp gel cô có nồng độ gel là 4% và lớp gel phân tách có nồng độ gel là 12%. Điện di trong hệ thống điện di dọc 16 h. Sử dụng redsafe để nhuộm bản gel polyacrylamide và soi bản gel trên máy soi UVP. Kỹ thuật sử dụng và phương pháp xử lý số liệu Ảnh điện di polyacrylamide được xử lý bằng phần mềm PyElph 1.3, phần mềm đánh dấu, xác định và mã hóa băng điện di về dạng ma trận nhị phân (1: có băng, 0: không có băng). Dữ liệu ma trận nhị phân được đưa vào phần mềm NTSYSpc2.1 để tính toán hệ số di truyền và xây dựng mối tương quan giữa các cây trội và xây dựng cây phát sinh chủng loại. Nội dung 2: Xây dựng vườn giống vô tính Dẻ Trùng Khánh - Nghiên cứu bổ sung các biện pháp nhân giống sinh dưỡng: Nhằm phục vụ cho nghiên cứu bổ sung các biện pháp nhân giống sinh dưỡng đề tài thử nghiệm việc nhân giống bằng phương pháp giâm hom và nhân giống bằng phương pháp ghép. + Nghiên cứu bổ sung các biện pháp nhân giống sinh dưỡng bằng phương pháp giâm hom. (i) Các thí nghiệm giâm hom tiến hành tương tự như với một số loài cây trồng rừng khác. Vật liệu nghiên cứu là các chồi bánh tẻ lấy từ cây mẹ Dẻ trùng khánh 4 - 5 năm tuổi hoặc được trẻ hóa. Hom có chiều dài từ 10 -15 cm không có đỉnh sinh trưởng. Các chất kích thích tạo rễ được sử dụng là: IBA, IAA và NAA. Bao gồm các thí nghiệm sau: Thí nghiệm về ảnh hưởng của chất kích thích tới khả năng ra rễ được tiến hành với 3 loại chất kích thích tạo rễ thông dụng là IBA, IAA và NAA. Bố trí thí nghiệm một nhân tố gồm 13 công thức, 3 lần lặp, 30 hom/công thức/lặp, bao gồm: IBA, IAA dạng bột với 4 nồng độ là: 0,5%; 1%; 1,5%; 2% và NAA dạng nước với 4 nồng độ là 500 ppm; 1.000 ppm; 1.500 ppm; 2.000 ppm và 01 công thức đối chứng (không sử dụng thuốc). Số liệu thu thập bao gồm: Tỷ lệ ra rễ (%), Thời gian ra rễ, Số rễ/hom. Thí nghiệm về ảnh hưởng của thời vụ giâm hom được tiến hành ở 4 thời điểm trong năm tương đương với 4 công thức thí nghiệm là tháng 2, tháng 5, tháng 8, tháng 11. Thí nghiệm được bố trí ngẫu nhiên hoàn toàn, 3 lần lặp lại, 30 hom/công thức/lần lặp. Qua tham khảo một số kết quả nghiên cứu đã có về nhân giống sinh dưỡng bằng phương pháp giâm hom đối với cây Dẻ ăn quả, chất điều hòa sinh trưởng IBA 1,5% được sử dụng cho tất cả các công thức. Vật liệu hom và kỹ thuật chăm sóc tương tự như thí nghiệm về ảnh hưởng của các loại chất kích thích tạo rễ. Số liệu thu thập bao gồm: Tỷ lệ ra rễ (%), Thời gian ra rễ, Số rễ/hom. + Nghiên cứu bổ sung các biện pháp nhân giống sinh dưỡng bằng phương pháp ghép: - Dao ghép chuyên dụng (dao thật sắc để cắt không bị dập). - Nilông chuyên dụng để buộc mắt gép hoặc cành ghép (loại nilông của Trung Quốc mềm mỏng). + Gốc ghép: Là những cây gieo ươm từ 12-18 tháng tuổi, cây sinh trưởng phát triển tốt, không bị sâu bệnh, có bộ rễ khỏe, đạt D00= 0,4 - 1,5cm; Hvn ≥ 40cm. + Cành ghép: là những cành lựa chọn từ cây trội nằm ở tầng giữa tán cây trở lên, ở hướng Đông và Đông Nam. Không chọn những cành mang mầm sâu bệnh và cành nằm khuất trong tầng tán, thiếu ánh sáng. Cành ghép phải có nhiều mắt ghép đã chuẩn bị sinh trưởng. Đường kính cành ghép 0,4 - 1,5 cm. Tiêu chuẩn cành ghép: Lấy từ những cành bánh tẻ, ở giữa tán cây, đủ ánh sáng, chọn cành ghép to khoẻ có từ 2 đến 3 mắt ngủ. Có thể lấy cành ghép mang đỉnh sinh trưởng (hom đoạn 1) hoặc không mang đỉnh sinh trưởng (hom đoạn 2). + Vệ sinh gốc ghép: Trước khi tiến hành ghép vệ sinh xung quanh gốc ghép (vặt bỏ các chồi xung quanh gốc, làm cỏ, nhặt rác). Các thí nghiệm nhân giống sinh dưỡng bằng phương pháp ghép • Thí nghiệm về phương pháp ghép: được tiến hành với 3 phương pháp là: Ghép nêm, ghép áp và ghép mắt (100 cây trên một công thức, lặp lại 3 lần. Mỗi phương pháp ghép 300 cây); Các chỉ tiêu theo dõi gồm: (%), Tỷ lệ cây ghép sống (%); tỷ lệ bật chồi và chiều dài chồi (cm). Thí nghiệm được ghép vào tháng 2 năm 2019. + Ghép nêm: là phương pháp ghép cành hiệu quả được nhiều bà con áp dụng trong kỹ thuật nhân giống cây trồng. + Ghép áp: là phương pháp ghép đòi hỏi kỹ thuật tương đối khó và mức độ thành công phụ thuộc vào kinh nghiệm của người thực hiện + Ghép mắt: lấy 1 mắt (chồi) của cây khác mang ghép vào mắt (chồi) hoặc thân của cây cần ghép. • Thí nghiệm về thời vụ ghép: được tiến hành ở 4 thời điểm trong năm tương đương với 4 công thức thí nghiệm là tháng 2 (ghép 100 cây), tháng 5 (ghép 100 cây), tháng 8 (ghép 100 cây), tháng 11 (ghép 100 cây). Phương thức ghép là ghép Nêm. Cành ghép lấy về trong quá trình vận chuyển và quá trình ghép phải được bảo quản lạnh hoặc trong các thùng xốp để cho hom luôn tươi, không bị thoát hơi nước. Sau khi lấy cành ghép phải tiến hành ghép ngay không để thời gian bảo quản quá lâu. Sau khoảng 20 ngày vết ghép liền tiến hành tháo bỏ lớp nilông và cắt bỏ phần thân trên của mắt ghép, cách mắt ghép khoảng 3 cm để kích thích cho mắt ghép nhanh nảy mầm. Sau thời gian khoảng 1 tuần thì mắt ghép bắt đầu nảy mầm. Cắt gốc ghép thật phẳng cách mặt đất từ 20 - 25 cm dùng dao sắc chẻ ở giữa gốc ghép sao cho vết chẻ dài bằng với phần cành ghép cho vào gốc ghép, cành ghép được vát theo hình mũi tên dài 5 - 7 cm, cho cành ghép vào gốc ghép, dùng nilông buộc chắc, kín chỗ ghép và buộc phủ kín nilông lên cành ghép để tránh thoát nước của cánh ghép. Sau khoảng 3 tháng vết ghép bắt đầu liền, phần nilông buộc ở chỗ ghép đến khi cành ghép phát triển bình thường mới được tháo. • Thí nghiệm về đường kính của gốc ghép: Có bốn loại đường kính bao gồm (1) đường kính gốc (Ds) ≥ 0,9 cm, (2) Ds = 0,7-0,8 (0,3) cm, (3) Ds = 0,5-0,6 (0,7) cm và (4) Ds <0,5 cm. • Thí nghiệm đường kính gốc ghép ảnh hưởng đến sinh trưởng và tỷ lệ sống + Công thức 1: D00 ≥ 0,9 cm + Công thức 2: D00 ≥ 0,7 - 0,9 cm + Công thức 3: D00 ≥ 0,5 - 0,7 cm + Công thức 4: D00 ≤ 0,5 Các thí nghiệm được bố trí ngẫu nhiên với ba lần lặp. Mỗi công thức bao gồm 27 gốc ghép, 4 công thức, tổng số 324 gốc ghép. • Thí nghiệm về chiều cao gốc của gốc ghép: Có bốn chiều cao gốc thí nghiệm bao gồm (1) 10 cm, (2) 15 cm, (3) 20 cm và (4) 25 cm. Thí nghiệm chiều cao gốc ghép ảnh hưởng đến sinh trưởng + Công thức 1: H1 =10 cm + Công thức 2: H2 =15 cm + Công thức 3: H3 =20 cm + Công thức 4: H4 =25 cm Các thí nghiệm được bố trí ngẫu nhiên với ba lần lặp. Mỗi công thức bao gồm 27 gốc ghép, 4 công thức, tổng số 324 gốc ghép. Tất cả các gốc ghép được sản xuất từ hạt trong bầu nhựa PE đen có kích thước 10 x 14 cm. Rễ cây được chăm sóc trong vườn ươm như bình thường để đạt đường kính gốc 0,5-1,0 cm. Gốc được chọn là gốc khỏe mạnh, không bị bệnh và có lá vào thời điểm ghép. Ghép nêm được áp dụng trong các thí nghiệm. Mối ghép giữa cành và gốc ghép được bọc bằng nylon mỏng trong suốt để cố định khớp và ngăn nước ngấm vào mối ghép. Việc tưới nước không được tiến hành trong tuần đầu tiên sau khi ghép. Sau đó, cây ghép được tưới nước hàng ngày trừ những ngày mưa nhưng tránh tưới nước vào phần bọc nylon. Trong 20 ngày đầu tiên sau khi ghép, vườn ươm được che chắn 75% ánh sáng mặt trời trực tiếp bằng cách làm khung tre cao 1 m. Ngoài ra, lớp nylon cũng được sử dụng để phủ lên vườn ươm nhằm tránh sự bốc hơi nước và giữ ấm bên trong vườn. Chăm sóc: Tuần đầu tiên sau khi ghép không tưới nước, từ tuần thứ 2 tiến hành tưới hàng ngày, trừ ngày mưa. Cây ghép được che nắng bằng 75% bằng lưới đen trong 20 ngày đầu, sau đó rỡ bỏ lưới che. Bón thúc: 20 ngày/lần, NPK 16.16.8 pha loãng 1%. Sau 5 tháng tuổi ngừng bón, cắt bỏ các chồi mọc dưới cành ghép. Tiêu chuẩn cây ghép đem trồng: + Tuổi cây ghép xuất vườn từ 4 - 6 tháng sau ghép. + Chiều cao từ mặt bầu ≥ 40 cm, chiều dài của cành ghép ≥ 20 cm. + Cây sinh trưởng tốt, vết ghép liền sẹo, cây không cong queo, sâu bệnh. + Cây đã được đảo bầu và giảm tưới nước trước khi trồng 15 - 30 ngày c. Phương pháp thu thập và xử lý số liệu • Những chỉ tiêu theo dõi - Tỷ lệ cây ghép sống (%), tỷ lệ bật chồi (%) và chiều dài chồi (cm), theo dõi 1 tuần/lần, thời gian theo dõi 3 tháng. - Đường kính chồi ghép (D, mm) được đo bằng thước kẹp kính có độ chính xác đến mm và chiều cao chồi ghép (H, cm) được đo bằng thước dây có độ chính xác cm. - Số liệu được thu thập 1 tuần 1 lần gồm các chỉ tiêu sau: tỷ lệ sống (TLS), chiều cao cành ghép (Hvn) và đường kính cổ rễ (D00). Số liệu về tỷ lệ sống được thu thập từ 100 cây ghép ban đầu của các phương pháp ghép khác nhau, chọn ngẫu nhiên 50 cây sống trong số 100 cây ghép để thu thập số liệu về các chỉ tiêu sinh trưởng gồm (Hvn) và (D00). • Phương pháp xử lý số liệu Sử dụng phương pháp thống kê toán học trong lâm nghiệp để xử lý số liệu bằng chương trình SPSS 20.0 và phần mềm Excel 7.0. - Tất cả các số liệu đo đếm về sinh trưởng đường kính (D00, mm), chiều cao (H, cm) của Dẻ trùng khánh ở các giai đoạn tuổi khác nhau trên các phương pháp ghép khác nhau được xử lý bằng phương pháp thống kê. - Sử dụng phần mềm SPSS để tính các đặc trưng thống kê mô tả (giá trị bình quân, phương sai, sai tiêu chuẩn mẫu, biến động...) về đường kính, chiều cao, tỷ lệ sống,... - Tỷ lệ ghép sống: là tỷ lệ % của số cây ghép sống so với tổng số cây đem ghép kiểm nghiệm và được tính theo công thức: Trong đó: S : là tỷ lệ sống Si: là số cây ghép sống N: là tổng số cây ghép - Tỷ lệ bật chồi: là tỷ lệ % của số cây ghép bật mầm so với tổng số cây ghép kiểm nghiệm và được tính theo công thức: Trong đó: Pi : là tỷ lệ bật chồi Ni: là số cây ghép bật chồi N: là tổng số cây ghép - Xây dựng 01 ha vườn giống vô tính tại huyện Trùng Khánh: Vườn giống có diện tích 01 ha, với mục tiêu cung cấp hom giống và mắt ghép phục vụ cho nhân giống vô tính và Xây dựng Vườn cây đầu dòng cũng như chọn cây đầu dòng sau này khi có điều kiện. Xây dựng vườn giống vô tính được thực hiện theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 8761-1:2017; vườn giống được trồng với mật độ 1.000 cây/ha (Cự ly 2 x 5m), Thực bì phát toàn diện băm nhỏ thành đoạn 20 cm xếp gọn không đốt, hố đào cục bộ 50 x 50 x 50 cm trước khi trồng 1 tháng, lấp hố kết hợp bón thúc 5 kg phân chuồng hoai + 200 g NPK (16-16-8) + 100 g lân/cây trước khi trồng 15 ngày. Cây được chăm sóc hàng năm bao gồm phát và xới chăm sóc kết hợp bón thúc 200 g NPK (16-16-8) + 100 g lân/cây, từ năm thứ 2 tiến hành cắt tạo tán. Tiêu chuẩn cây con đem trồng: Cây con đem đi trồng là cây ghép với mắt ghép được lấy tại các cây trội tuyển chọn. Cây con sau ghép đạt 4 - 6 tháng tuổi, Chiều dài chồi trung bình của cành ghép ≥ 8 cm, số lá trung bình từ 6 - 8 lá. Cây không bị sâu bệnh Bố trí vườn giống theo khối 25 dòng vô tính mỗi dòng 40 cây. Bố trí thành 4 lặp mỗi lặp 10 cây/dòng. Nội dung 3: Xây dựng 03 ha mô hình các thí nghiệm trồng rừng thâm canh Dẻ trùng khánh bằng các dòng có năng suất cao Từ các kết quả nghiên cứu đã có về gây trồng cây dẻ ăn hạt và những nghiên cứu bổ sung về đặc điểm sinh vật học …. Tiến hành xây dựng mô hình trồng rừng thâm canh Dẻ trùng khánh tại huyện Trùng Khánh tổng diện tích 03 ha với hai phương thức trồng khác nhau là trồng thuần loài 01 ha và trồng nông lâm kết hợp với cây ngô 02 ha (nhằm tận dụng đất trong giai đoạn đầu khi cây Dẻ chưa khép tán), cụ thể như sau: Mật độ trồng 500 cây/ha (cây cách cây 4 m, hàng cách hàng 5 m), nếu trồng nông lâm kết hợp trồng bổ sung 3 hàng ngô, cây cách cây 1m, trồng 2 vụ/năm, trong 2 năm đầu giữa hai hàng Dẻ. 2kg ngô giống/vụ. Xử lý thực bì: phát toàn diện băm nhỏ thành đoạn 20 cm xếp gọn không đốt. Làm đất: đào hố cục bộ 50 x 50 x 50 cm trước khi trồng 1 tháng, lấp hố kết hợp bón thúc trước khi trồng 15 ngày. Bón lót: 03 kg phân chuồng hoai + 200 g NPK (16-16-8) + 100 g lân/cây. Thời vụ trồng: Mô hình trồng thuần loài trồng vào tháng 6/2020 và mô hình nông lâm kết hợp trồng vào tháng 12/2020; chọn ngày râm mát hoặc có mưa nhỏ để trồng. Trồng dặm: 10% sau khi trồng chính 1 tháng. Chăm sóc: Cây được chăm sóc 2 năm đầu bao gồm phát và xới chăm sóc kết hợp bón thúc 200 g NPK (16-16-8) + 100 g lân/cây. - Thu thập số liệu và xử lý số liệu + Số liệu được thu thập 2 lần vào tháng 6/2020 và 12/2020. Tại mô hình trình diễn, thiết lập 09 OTC, mỗi ô có diện tích 500m2 (25 x 20 m) tại các vị trí ngẫu nhiên chân, sườn, đỉnh (03 OTC/vị trí). + Đo đếm các chỉ tiêu về đường kính gốc (D0, cm) bằng thước palme độ chính xác 0,1cm. Đo chiều cao vút ngọn (Hvn, m), đường kính tán (Dt, m) bằng thước mét, độ chính xác 0,1cm. Đánh giá phẩm chất cây trồng: tốt (A), trung bình (B), xấu (C). + Số liệu sinh trưởng được tính toán, phân tích bằng phần mềm Excel 2016 và phần mềm SPSS 26.0. Nội dung 4: Đề xuất giải pháp nhằm khai thác, phát triển nguồn gen và phát triển thương hiệu cho cây Dẻ trùng khánh - Điều tra đánh giá thị trường tiêu thụ của Dẻ trùng khánh: Sử dụng các phương pháp đánh giá thông thường trong điều tra thị trường như (i) Điều tra, khảo sát (Surveys) bao gồm Phỏng vấn trực tiếp (In-person surveys) thường được tiến hành ở những nơi công cộng như trung tâm thương mại và Khảo sát qua điện thoại (Telephone surveys) (ii) Phỏng vấn nhóm (Focus Groups) (iii) Phỏng vấn sâu (Personal Interviews) (iv) Quan sát hành vi (Observation) (v) sử dụng Internet, mạng xã hội, wifi, Big Data - Đề xuất giải pháp khai thác, phát triển nguồn gen, phương hướng phát triển thương hiệu cho cây Dẻ Trùng Khánh: Trên cơ sở kết quả Nghiên cứu của đề tài, kết quả điều tra đánh giá thị trường tiêu thụ sản phẩm hạt Dẻ trùng khánh tiến hành đề xuất giải pháp khai thác, phát triển nguồn gen, phương hướng phát triển thương hiệu cho cây Dẻ trùng khánh Nội dung 5: Tập huấn, chuyển giao kỹ thuật nhân giống và trồng Dẻ trùng khánh. - Biên soạn tài liệu tập huấn: Tài liệu tập huấn được biên soạn dựa trên kết quả nghiên cứu của đề tài cùng với việc tham khảo có chọn lọc các kết quả nghiên cứu trong và ngoài nước, đề tài tiến hành biên soạn tài liệu tập huấn, chuyển giao kỹ thuật nhân giống và trồng Dẻ Trùng Khánh nhằm khai thác và phát triển nguồn gen cây dẻ trùng khánh hiệu quả nhất có thể - Tập huấn, chuyển giao kỹ thuật nhân giống và trồng Dẻ Trùng Khánh: Đề tài sẽ phối hợp với Hạt Kiểm lâm, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp và UBND các xã để tiến hành tập huấn, chuyển giao kỹ thuật nhân giống và trồng Dẻ Trùng Khánh cho người dân địa phương Số lượng lớp tập huấn: 2 lớp (1 lớp về kỹ thuật nhân giống và 1 lớp về kỹ thuật trồng) Số lượng người tham gia tập huấn: 30 lượt người/lớp x 2 lớp = 60 lượt người. Đối tượng: được tập huấn chủ yếu là nông dân, đây là đối tượng tham gia trực tiếp vào quá trình: Chọn cây trội, nhân giống; Trồng rừng, chăm sóc rừng; thu hái, sơ chế và bảo quản hạt của các hộ gia đình, song đây cũng là đối tượng ít được tiếp cận khoa học kỹ thuật. Ngoài ra, còn có cán bộ khuyến nông, cán bộ kỹ thuật làm công tác trong lĩnh vực nông lâm nghiệp. Giảng viên: Chuyên gia/Nhóm cán bộ thực hiện đề tài. Phương pháp: kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, trao đổi có sự tham gia của học viên.
Chủ nhiệm đề tàiTS. Lại Thanh Hải - Viện nghiên cứu Lâm sinh
Đơn vị
Kết quảCây trội Dẻ trùng khánh Vườn sưu tập giống vô tính Mô hình trồng rừng thâm canh Dẻ trùng khánh Báo cáo chuyên đề Tài liệu tập huấn kỹ thuật nhân giống và trồng Dẻ trùng khánh Báo cáo tóm tắt và báo cáo tổng kết đề tài
Tiến bộ được công nhậnĐịa chỉ và quy mô ứng dụng dự kiến: Kết quả nghiên cứu đề tài làm cơ sở dữ liệu cho Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Phòng nông nghiệp các huyện trong việc phát triển nhân giống và trồng Dẻ Trùng Khánh. - Kết quả nghiên cứu của đề tài làm căn cứ để UBND tỉnh đưa ra được những giải pháp phát triển Dẻ Trùng Khánh trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. - Kết quả nghiên cứu là tài liệu tham khảo nghiên cứu trồng Dẻ ăn quả trên địa bàn tỉnh Cao Bằng và các tỉnh có điều kiện tự nhiên tương đồng. - Các sản phẩm nghiên cứu của đề tài là hiện vật được bàn giao lại cho các hộ dân trên địa bàn để tiếp tục theo dõi chăm sóc bảo vệ để hưởng lợi lâu dài, các sản phẩm là báo cáo khoa học sẽ được bàn giao lại cho Sở Khoa học và công nghệ Cao Bằng quản lý sử dụng theo qui định.
Phạm vi
[logo-slider]