Tiêu chí phân chia rừng phòng hộ đầu nguồn bị suy thoái nghiêm trọng ở Việt Nam

Ngô Đình Quế, Vũ Tấn Phương, Hoàng Việt Anh

Trung tâm Nghiên cứu Sinh thái và Môi trường rừng

TÓM TẮT

Nghiên cứu tiến hành trên bốn lưu vực đầu nguồn là sông Cầu – Bắc Kạn, sông Cả – Nghệ An, sông Thạch Hãn – Quảng Trị và sông Đạ Tẻh – Lâm Đồng. Mục tiêu của nghiên cứu là xây dựng bộ tiêu chí và xác định quy mô rừng phòng hộ đầu nguồn (RPHĐN) bị suy thoái nghiêm trọng ở các lưu vực lựa chọn.

Bộ tiêu chí xác định RPHĐN bị suy thoái nghiêm trọng bao gồm 7 tiêu chí và 23 chỉ số về rừng, hoàn cảnh tự nhiên và điều kiện kinh tế xã hội. Sử dụng phần mềm MAPINFO và công nghệ viễn thám để xác định quy mô RPHĐN bị suy thoái. Tại 4 lưu vực nghiên cứu, bộ tiêu chí đã được áp dụng và quy mô RPHĐN bị suy thoái được xác định. Kết quả cho thấy RPHĐN ở các lưu vực nghiên cứu đang bị suy thoái khá nghiêm trọng. Cấp suy thoái phổ biến của RPHĐN là cấp suy thoái trung bình và suy thoái nghiêm trọng với diện tích chiếm từ 76 – 99%. Bộ tiêu chí này đã được thử nghiệm và cho thấy độ tin cậy của việc xác định các cấp suy thoái RPHĐN đạt từ 70 – 87%.

Từ khoá: Rừng phòng hộ, Tiêu chí, Chỉ số.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Trong hơn 2 thập kỷ qua, vấn đề suy thoái rừng phòng hộ đầu nguồn (RPHĐN) ở nước ta trở nên rất nghiêm trọng, đặc biệt là ở vùng Tây Bắc, Đông Bắc và Tây Nguyên, v.v. Sự suy thoái và mất RPHĐN đã gây ảnh hưởng rất lớn tới môi trường và đời sống của người dân vùng đầu nguồn cũng như ảnh hưởng tới môi trường và cuộc sống của hàng triệu người dân vùng hạ nguồn. Nhiều vấn đề môi trường không những chỉ xảy ra ở riêng một nước mà đã trở thành mối quan tâm chung của các nước trong khu vực và quốc tế, đặc biệt sự suy thoái về tài nguyên rừng được coi là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự ấm lên toàn cầu và biến đổi khí hậu.

Chiến lược Phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006 – 2020 một lần nữa khẳng định vai trò không thể thay thế được của rừng, đặc biệt là vai trò của rừng trong việc duy trì và cung cấp các dịch vụ môi trường. Theo đó, rừng phòng hộ đầu nguồn được xác định là có vai trò then chốt trong chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia. Hệ thống rừng chuyên phòng hộ được quy hoạch đến năm 2020 là 5,68 triệu ha, chiếm 35% diện tích rừng cả nước, trong đó diện tích RPHĐN được quy hoạch là 5,28 triệu ha, chiếm khoảng 93% diện tích rừng phòng hộ toàn quốc. Mặc dù diện tích rừng phòng hộ đã được cải thiện nhưng quan ngại lớn nhất hiện nay là chất lượng rừng phòng hộ. Thực tiễn cho thấy chất lượng rừng phòng hộ hiện nay chưa đáp ứng nhu cầu phòng hộ.

Để có cơ sở cho việc xây dựng hệ thống rừng phòng hộ đầu nguồn đảm bảo khả năng phòng hộ thì cần xây dựng các công cụ xác định các cấp độ suy thoái của rừng phòng hộ phục vụ công tác quản lý, lập kế hoạch và phát triển bền vững. Dưới đây là kết quả nghiên cứu “Xây dựng các tiêu chí và xác định quy mô hệ thống rừng phòng hộ đầu nguồn bị suy thoái nghiêm trọng ở Việt Nam”.

(Kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ Lâm nghiệp giai đoạn 2006-2010, trang 331-338)

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]