Thông tin về luận án Tiến sĩ của NCS Tạ Thị Phương Hoa

Tên luận án: Nghiên cứu nâng cao chất lượng gỗ Trám trắng (Canarium album Lour. Raeush) bằng phương pháp biến tính

Chuyên ngành: Công nghệ Gỗ, Giấy; Mã số: 62 52 24 05

Họ và tên nghiên cứu sinh: Tạ Thị Phương Hoa

Họ và tên cán bộ hướng dẫn: – PGS.TS. Phạm Văn Chương

– PGS.TS. Hoàng Hữu Nguyên

Tên cơ sở đào tạo: Viện Khoa học Lâm Nghiệp Việt Nam

TÓM TẮT NHỮNG KẾT LUẬN MỚI CỦA LUẬN ÁN:

– Xác định ảnh hưởng của xử lý trước (luộc gỗ trong nước ở 700C) đến khả năng thấm dung dịch hóa chất dimethylol dihydroxyethylene urea (DMDHEU), tính chất cơ lý và thành phần hóa học của gỗ Trám trắng;

– Phương trình hồi quythể hiện mối quan hệ giữa tỷ lệ chất xúc tác MgCl2.6H2O hóa chất DMDHEU (x1), thời gian xử lý nhiệt ở 1200C (x2) và độ tăng khối lượng (lượng hóa chất trong gỗ) sau rửa trôi (y) của gỗ Trám trắng biến tính có dạng: y=2,97423+1,4979x1+1,7171x2 – 0,1361x12 – 0,0686x22.

Từ đó xác định thông số công nghệ xử lý gỗ Trám trắng bởi DMDHEU cho độ tăng khối lượng gỗ sau rửa trôi cao nhất: tỷ lệ khối lượng chất xúc tác và hóa chất là 5,5%, thời gian xử lý nhiệt ở 1200C là 12,51 giờ;

– Nâng cao được độ bền sinh học, độ ổn định kích thước, một số tính chất cơ học, khả năng chống chịu môi trường của gỗ Trám trắng bằng phương pháp biến tính bởi DMDHEU. Khối lượng thể tích có thể tăng 19,85%, hệ số chống dãn nở thể tích đạt 57,94%; độ rỗng của gỗ biến tính giảm. Gỗ không xử lý có tỷ lệ diện tích bề mặt biến màu do nấm Aspergillus niger V. Tieghem trên 81%, tương ứng với độ bền ở cấp 5 (cấp thấp nhất), gỗ xử lý DMDHEU nồng độ 20÷40% có độ bền với loại nấm này ở cấp 4, cấp 3 hoặc cấp 2 (tỷ lệ diện tích biến màu 66,73÷15,58%). Gỗ không xử lý có độ bền với nấm Pleurotus ostreatus (Jacq. ex Fr.) Kumm ở cấp độ – không bền (tổn hao khối lượng trên 26%), gỗ xử lý bởi DMDHEU nồng độ 20÷ 40 % có độ bền với nấm mục đạt cấp độ – bền (tổn hao khối lượng nhỏ hơn 5%).Khả năng chống mối Coptotermes formosamus của gỗ không xử lý thuộc loại kém (90% số mẫu có vết mối ăn), của gỗ xử lý hóa chất nồng độ 20÷40% – tốt (44,44÷0% số mẫu có vết mối ăn). Với cùng điều kiện xử lý DMDHEU độ bền sinh học của gỗ cao hơn của gỗ không luộc. Quá trình xử lý gỗ bởi DMDHEU làm tăng độ bền nén dọc 3,48÷16,54%; tăng độ bền nén ngang 27,31÷75,86%; tăng độ cứng tĩnh 15,29÷46,37%; tăng mô đun đàn hồi uốn tĩnh 3,05÷11,12%; giảm độ bền uốn tĩnh 10,46÷20,81%,. Dưới tác động của điều kiện thời tiết nhân tạo trong 168 giờ độ lệch màu của gỗ biến tính thấp hơn gỗ không biến tính. Cấu tạo gỗ biến tính có sự thay đổi khi quan sát dưới kính hiển vi siêu điện tử quét: vách tế bào dày hơn, số lượng và kích thước mao dẫn giảm. Hàm lượng formaldehyde tự do trong gỗ biến tính với độ tăng khối lượng 30,57% là 3,2mg/100g gỗ khô kiệt.

– Luận án đã đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng gỗ Trám trắng bằng phương pháp biến tính bởi DMDHEU làm đồ gỗ nội thất, đồ gỗ ngoại thất không tiếp xúc đất.

Hà Nội, ngày 04 tháng 07 năm 2012

GIÁM ĐỐC

PGS.TS. Triệu Văn Hùng

NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC

PGS.TS. Phạm Văn Chương

NGHIÊN CỨU SINH

ThS. Tạ Thị Phương Hoa

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]