Quyền sử dụng rừng của hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn -Nhìn từ góc độ Luật Dân sự

Vũ Long

Các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn được giao rừng thì được Nhà nước công nhận quyền sử dụng rừng. Theo Luật BV&PTR, quyền sử dụng rừng là quyền của chủ rừng được khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ rừng; được quyền cho thuê quyền sử dụng rừng thông qua hợp đồng theo quy định của pháp về bảo vệ và phát triển rừng và pháp luật dân sự (khoản 6, điều 1). Quyền sử dụng rừnglà một loại quyền tài sản của chủ rừng.

Bộ Luật Dân sự là luật khung, trong đó có quy định quyền, nghĩa vụ của các chủ thể về nhân thân và tài sản trong các quan hệ dân sự, các quan hệ về quyền sử dụng tài sản là quan hệ dân sự, được điều chỉnh bởi Luật dân sự. Vì vậy, xem xét quyền sử dụng rừng dưới góc Luật Dân sự để hiểu rõ hơn về quyền sử dụng rừng là cần thiết đối với chủ rừng.

Theo Luật Dân sự thì rừng tự nhiên, rừng trồng có nguồn vốn từ ngân sách nhà nước là tài sản thuộc sở hữu nhà nước (Điều 200).

Là chủ sở hữu, Nhà nước có đủ 3 quyền đối với rừng, đó là quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt . Quyền chiếm hữu là quyền nắm gĩư, quản lý tài sản, chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình để nắm giữ tài sản, chủ sở hữu có thể uỷ quyền cho người khác chiếm hữu tài sản đó. Quyền sử dụng là quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản. Quyền định đoạt là quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản hoặc từ bỏ quyền sở hữu tài sản đó, chủ sở hữu có quyền bán, trao đổi tặng cho, cho vay, để thừa kế, từ bỏ hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác phù hợp với quy định của pháp luật. Với tư cách chủ sở hữu rừng, Nhà nước quyết định mục đích sử dụng rừng và trao cho hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng thôn được sử dụng đất rừng và khai thác nguồn lợi từ rừng thuộc sở hữu nhà nước.

Nhà nước giao rừng phòng hộ và sản xuất cho hộ gia đình, cá nhân là đã trao những quyền năng nào của quyền sở hữu về rừng? Trước hết, Nhà nước giao cho hộ gia đình quyền chiếm hữu tài sản rừng, phù hợp với mục đích sử dụng rừng đã được xác định (rừng phòng hộ, rừng sản xuất). Thứ hai, trao quyền sử dụng rừng, tức quyền được hưởng dụng hoa lợi trên diện tích rừng được giao (quyền được khai thác, sử dụng rừng, tận thu lâm sản). Thứ ba, Nhà nướccòn giao một phần lớn quyền định đoạt về rừng như: quyền chuyển chuyển đổi, để thừa kế ( đối với rừng phòng hộ), và đối với rừng sản xuất còn thêm các quyền chuyển nhượng, quyền tặng cho, cho thuê, thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng giá trị rừng sản xuất là rừngtrồng và giá trị quyền sử dụng rừng tăng thêm đói với rừng tự nhiên; Nhà nước chỉ giữ lại quyền bán tài sản rừng.

Đối với cộng đồng dân cư thôn thì chỉđược giao quyền chiếm hữu và quyền sử dụng, tức quyền hưởng dụng hoa lợi cho mục đích công cộng và gia dụng cho các thành viên trong cộng đồng.

Như vậy, Nhà nước gần như đã giao trọn quyền chủ sở hữu rừng khi giao rừng rừng cho hộ gia đình, cá nhân.

Thế nhưng vì sao với những quyền được giao rộng rãi như vậy mà hộ gia đình cá nhân vẫn chưa mấy mặn mà với rừng được giao, như khi được giao, khoán đất nông nghiệp? Theo chúng tôi điểm mấu chốt là quyền sử dụng rừng của hộ gia đình và nhân , tứ là quyền hưởng hoa lợi, lợi tức từ diện tích rừng được giao còn hạn chế: nhỏ bé và không thường xuyên. Quyền hưởng lợi này trước mắt lại chủ yếu lệ thuộc vào chính sách bao cấp, hỗ trợ của Nhà nước đói với lâm nghiệp như: được nhận tiền công khoán bảo vệ rừng (50.000đ/ha/năm, nhưng diện tích khoán bảo vệ lại hạn chế), hỗ trợ đâù tư trồng rừng của các chương trình, dự án ( mỗi hộ thường được nhận hỗ trợ 1-1,5 ha,trong thời gian 3 năm đầu). Loại lợi ích này người dân được hưởng thụ ở thời gian đầu, nhưng thường không ổn định, khôngđều đặn. Còn hoa lợi thực thu từ rừng thi lại rất hạn chế, do các nguyên nhân sau đây: (i) diện tích rừng giao cho mỗi hộ nhỏ, phần lớn là rừng nghèo kiệt hoặc rừng non mới phục hồi, chỉ có thể khai thác tỉa phục vụ gia dụng, chưa đến tuổi khai thác chính để có sản phẩm hàng hoá ( trừ rừng tre nứa); những nơi tài nguyên còn giàu thì thường ở vùng sâu vùng xa không có đường vận chuyển, xa thị trường tiêu thu; (ii) Quy chế quản lý khai thác gỗ đối với rừng giao cho hộ gia đình còn quá phức tạp đối với người dân; chính sách hưởng lợi từ rừng lại chưa rõ ràng, khó thực thi. Quyền hưởng lợi này nếu bị xâm phạm thì cũng ít được chính quyền, toà án quan tâm bảo hộ, nhất là đối với lâm sản ngoài gỗ.Thuế tài nguyên rừng là quá nặng, làm giảm thu nhập thực tế của hộ khi có thu hoạch lâmsản. (iii) Người dânmiền núi nghèo muốn làm gì có thu nhập ngay dáp ứng nhu cầu chi dùng hàng ngày, nhưng đối với sản xuất lâm nghiệp lại có chu kỳ dài, muốn hưởng hoa lợi phải có đầu tư công sức, tiền bạc và thời gian, những nguồn lực này đối với nông dân nghèo lại rất có hạn.Nhiều hộ gia đình, cá nhân được giao đất giao rừng đã đã sử dụng rừng và đất được giao để sản xuất nông lâm kết hợp để sớm có thu hoạch và phù hợp với năng lực và tập quán của họ.(iv) Thậm chí, Nhà nước có trao cả quyền bán rừng tức là toàn bộ quyền sở hữu rừng cho hộ gia đình, cá nhân thì họ cũng không có điều kiện thực hiện, vìkhông phải nơi nào cũng có thị trường ( nhất là yêu cầu sử dụng rừng đúng mục đích khi giao).

Như vây có thể thấy rằng: khác với nông nghiệp, mặc dù hộ gia đình, cá nhân được giao đất giao rừng với những quyền hạn khá rộng rãi nhưngvẫn chưa tạo được động lực để họ phát triển sản xuất lâm nghiệp, tương tự như khi họ được giao đất nông nghiệp. Bởi vì, giao đất giao rừng chỉ mới tạo ra tiền đề quan trọng chophát triển sản xuất lâm nghiệp khu vực hộ gia đình, sản xuất lâm nghiệp vốn có những khó khăn của nó, nên họ chưa có thể hưởng được hoa lợi ngay từ rừng được giao; Nhà nước cần có những chính sách trợ giúp cho lâm nghiệp khu vực hộ gia đình phát triển, trước hết là chuyển giao kiến thức, kỹ thuật, hỗ trợ vốn đầu tư và phát triển thị trường. Chỉ khi nào quyền hưởng hoa lợi, lợi tức từ rừng được giao có đóng góp quan trọng vào thu nhập của hộ gia đình thì khi đó người dân mới gắn bó với rừng được giao; các quyền chiếm hữu rừng và một phần lớn quyền định đoạt đối với rừng được giao chỉ có ý nghĩa khi nó làm tăng thêm quyền hưởng thu hoa lợi từ rừng cho họ; khi đó người dân mới thực sự làm chủ rừng./.

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]