Trám đen (Canarium nigrum engler)
Đặc điểm hình thái
Câygỗ lớn, cao 25-30m, đường kính tới 90cm. Thân thẳng, phân cành cao. Vỏ màu nâu nhạt khi đẽo ra có mủ màu đen. Toàn thân có mùi thơm hắc. Gỗ nhẹ, mềm, màu xám trắng.
Lá kép lông chim 1 lần lẻ, không có lá kèm. Lá chét hình thuôn trái xoan, dài 6-12cm, rộng 3-6cm, phiến cứng, ròn, mặt trên bóng, mặt dưới sẫm hơn, đầu và đuôi lá hơi lệch. Gân bên 8-10 đuôi. Cuống lá chét dài 0,5cm.
Hoa tự chùm hình viên thuỳ, thường dài hơn lá, hoàn toàn nhẵn. Hoa màu trắng vàng nhạt, cuống lá bắc dạng vảy, cuống hoa dài 1,5-2cm.
Quả hạch hình trứng dài, dài 3,5-4,5cm, rộng 2-2,5cm, nhân 3 ô không đều. Khi chín màu tím đen.
Hình dáng lá cây con thay đổi nhiều, từ lá xẻ thuỳ lên lá đơn, cuối cùng mới sinh lá kép như cây trưởng thành.
Phân bố địa lý — sinh thái
Phân bố trong rừng nguyên sinh và thứ sinh ở hầu hết các tỉnh miền Bắc, nhiều nhất ở Quảng Bình, Nghệ An, Vĩnh Phúc, Bắc Thái…. ở độ cao từ 500m trở xuống. Thường mọc rải rác trong rừng, hỗn giao với các loài: Lim xanh, Xoan đào, Lim xẹt, Ngát, Cồng sữa, Bứa, Gội, Vên vên…. nhưng cũng có khi mọc thành loại hình Trám chiếm ưu thế rõ rệt, hoặc Trám + Vên vên hay Trám + Lim xanh.
Cây ưa sáng mọc nhanh, ưa đất sét pha, tầng đất dày, độ ẩm trung bình, mọc nhiều ở những nơi độ dốc thấp, cá biệt có thể sống được cả trên đất sỏi. Khả năng tái sinh hạt mạnh dưới tán rừng có tàn che 0,3-0,4.
Ra hoa tháng 4-5. Quả chín tháng 10-12.
Giá trị kinh tế
Gỗ dùng xẻ ván, làm nhà, đóng dụng cụ thông thường. Nhựa cây trám đen thơm ngát, dễ cháy, dùng để chế biến sơn, vecni, xà phòng, dầu thơm và làm hương. Quả cây trám đen ăn ngon nhất trong các loại trám, dùng để: kho cá, kho thịt, đồ xôi, có thể muối để ăn dần (thường ngâm trong nước mắm), làm ô mai khô để giải độc, chống ho, ỉa chảy. Quả dùng để ăn. Ngoài ra còn dùng quả trám đen để chữa mắt có mộng. Hạt ép dầu và làm nhân bánh.
Sau 6 năm, nếu trồng trên đất tốt sẽ cho thu hoạch. Cây thành thục có thể đạt 200-300kg quả/cây và cho thu hoạch trong thời gian khoảng 50 năm.
Thu hái hạt giống
Vào cuối tháng 10, 11 khi vỏ quả chuyển sang màu tím đen, người ta dùng câu liêm thu hái quả (không nên thu nhặt những quả rụng dưới gốc cây). Quả thu hái về loại bỏ tạp chất rồi đem ngâm trong nước nóng 70-80oC trong 2-3 giờ, sau đó vớt ra để nguội, dùng dao khía đôi vỏ quả tách lấy hạt. Phần thịt vỏ quả có thể ăn hoặc chế biến làm thực phẩm lâu dài. Hạt đem phơi khô trong râm, thoáng gió để chuẩn bị gieo.
Tiêu chuẩn hạt giống: quả dài 3-4cm, đường kính 1,8-2cm, thông thường 1kg hạt có 220-250 hạt và tỷ lệ nảy mầm cao nhất là 60%.
Bảo quản hạt giống: Nếu chưa gieo ngay cần trộn hạt với cát ẩm theo tỷ lệ 1 hạt + 2 cát, rồi vun thành đống cao 30-40cm, để nơi khô ráo, thông thoáng, phun ẩm thường xuyên.
Tạo cây con
Thời vụ gieo
– Tháng 10-11 để tạo cây trồng vụ thu năm sau.
– Tháng 2-3 để tạo cây trồng vụ xuân năm sau.
Xử lý hạt giống
Ngâm hạt giống trong nước ấm từ 30-40oC trong 8 giờ vớt ra, rửa sạch, có 2 cách ủ cho hạt nảy mầm:
– Cho hạt vào các túi vải, sợi bông đựng 1-2 kg, để nơi ấm, kín gió, hàng ngày rửa chua 2 lần (sáng và tối). Sau 20 ngày, hạt nứt nanh. Ta chọn hạt đã nứt nanh tra vào bầu đất, còn lại tiếp tục chọn cho đến khi hết hạt nảy mầm.
– Rải đều hạt trên lớp đất cát pha (cát non) rồi lấp dày 2-3cm. Sau đó phủ một lớp cây ràng ràng (đã khử nấm bệnh) rồi tới ẩm hàng ngày. Sau 15-20 ngày hạt nảy mầm, ta chọn dần hạt đã nảy mầm tra vào bầu, còn lại tiếp tục tới ẩm.
Kinh nghiệm nhân dân, sau khi ngâm nước, gieo trên nền cát ẩm hoặc đất cát pha, lấp đất bằng chiều dày của hạt, tủ luống bằng rơm rạ đã khử trùng, tới ẩm hàng ngày. Sau 10-15 ngày hạt nảy mầm có thể cấy vào bầu.
Ươm cây
– Khi cây mầm vươn lên khỏi mặt đất 4-6cm, lá mầm từ vàng nhạt chuyển sang màu xanh lục nhạt, có thể cấy vào bầu. Lúc này cây mầm đã có rễ cọc dài 5-6cm.
– Đường kính bầu 9cm dài 18-20cm thủng đáy. Ruột bầu tốt nhất là đất mùn rừng hay đất màu thịt nhẹ, trộn thêm 5-10% phân chuồng hoai và 1-2% supe lân.
– Xếp bầu trên luống. Bầu cách bầu 5-6cm, xếp đợc 44 bầu/m2. Một luống 10m2 xếp được 440 bầu. Vườn ươm nên đặt ở chân đồi nơi quang trống, gần nước, tránh hướng gió bắc và đông bắc.
– Cấy cây vào buổi sáng hay chiều mát. Cây mầm được bảo quản ẩm. Dùng bay nhọn chọc một lỗ ở giữa bầu, cho toàn bộ rễ cây vào lỗ chọc đảm bảo rễ cọc thẳng, vừa kín cổ rễ. Sau đó dùng bay ép chặt đất. Cấy xong phải cắm ràng che bóng và tưới ẩm. Những ngày tiếp theo tưới hàng ngày 4-6 lít/m2. Sau một tuần cây con bén rễ.
Chăm sóc cây ươm trong vườn qua 4 giai đoạn sinh trưởng sau
– Giai đoạn 1: Từ lúc cây có 1 lá mầm đến lúc cây có lá đơn (25-30 ngày) cây sinh trưởng chậm, cần che bóng, tưới ẩm, chú ý phòng bệnh thối cổ rễ.
– Giai đoạn 2: Từ lúc có lá đơn đến có lá kép ở dạng 3 lá chét (70-80 ngày). Cây sinh trưởng nhanh, duy trì tới ẩm. Tỉa thưa bớt ràng ở luống và tùy theo thời tiết mà dỡ một phần hoặc dỡ bỏ toàn bộ ràng ở cuối giai đoạn. Tưới thúc NPK hòa loãng với nước tỉ lệ 1%, tới 4-6 lít/m2, sau khi tưới thúc lại rửa 1 lần bằng nước lã 4 lít/m2. Định kỳ 10 ngày một lần.
– Giai đoạn 3: Từ lúc có lá kép ở dạng 3 chét đến lúc có lá hoàn chỉnh 5-7 lá chét (30-45) ngày. Duy trì tưới ẩm và bón tưới thúc 15 ngày 1 lần, tới 4-6 lít/m2 NPK hòa tỉ lệ 1,5%.
– Giai đoạn 4: Từ lúc có lá thật hoàn chỉnh đến khi xuất vườn cần duy trì tưới ẩm, thúc phân, phòng chống sâu bệnh. Trước khi xuất vườn 1 tháng không tưới thúc phân để hãm cây.
Tiêu chuẩn cây trồng:cao tối thiểu 60-70cm, đường kính cổ rễ 6-8mm, không cong queo, cụt ngọn, tuổi cây 7-8 tháng.
Trồng cây
– Phương thức trồng: Trồng trám đen lấy quả theo phương thức nông lâm kết hợp. Hai ba năm đầu xen cây nông nghiệp: lạc, lúa, đỗ, sắn… Những năm sau xen cây cố định đạm như cốt khí, đậu thiều.
– Làm đất: Phát hết thực bì, thu gỗ rồi đốt. Cuốc hố theo đường đồng mức, vị trí hố so le nhau. Kích thước 40 x 40 x 40cm hoặc 50 x 50 x 50cm. Mỗi hố bón lót 1-2kg phân chuồng hoai có trộn thêm 0,05-0,1kg NPK.
– Mật độ trồng: 400-500 cây/ha với cự li cây cách cây 4-5cm, hàng cách hàng 5m.
– Thời vụ: Vụ Xuân tháng 2-3. Vụ Thu tháng 7-8.
– Kỹ thuật trồng: vào đúng vụ, chọn thời tiết râm mát, bứng cây để trồng rừng. Dùng cuốc đào hố để đặt bầu vừa thấp hơn miệng hố 1-1,5cm. Sau đó rạch vỏ bầu, rút nhẹ đồng thời lấp đất kín quanh bầu, chú ý không làm vỡ bầu. Dùng đất mùn quanh hố lấp bầu thành hình mui rùa có đường kính 0,6-0,8m; đảm bảo đất tơi nhỏ không sỏi đá.
Chăm sóc bảo vệ
Chăm sóc cây trồng ba năm liền.
– Năm thứ nhất: Phát dọn 2 lần + vun xới gốc 2 lần, xới vun gốc với đường kính 0,7-0,8m, tra dặm cho đủ mật độ, không để trâu, bò, dê ăn lá, dế, mối cắn cây.
– Năm thứ 2: Vẫn phát 2 lần + xới vun gốc 2 lần, bón thúc 0,1 kg NPK/cây, tra dặm cho đủ mật độ, phòng tránh gia súc ăn lá, rễ, mối cắn cây.
– Năm thứ 3: Phát dọn 2 lần vào vụ Xuân và cuối Thu. Mở rộng đường kính xới, dãy cỏ lên 1-1,2m, phòng chống gia súc ăn lá.
Đến năm thứ 5, cần tỉa bỏ những cành non sâu bệnh, xới vun gốc và bón thúc thêm mỗi cây 6-8 kg phân chuồng + 1-2kg NPK để tạo điều kiện tốt cho cây phát triển, ra hoa kết quả. Nếu đất tốt, đến năm thứ 6 cây sẽ có quả và cho thu hoạch được 50 năm liên tục, lúc đó cây có chiều cao 25m.
Bảo vệ và nuôi dưỡng rừng
Cần đặc biệt chống gia súc và người phá hại rừng. Qua 3 năm rừng trám đã cao 4-5m. Khi rừng 6-7 tuổi tiến hành chặt cây xấu, cong queo sâu bệnh. Bón thêm phân: một cây bón 6-8kg phân chuồng + 2% NPK hoặc 1-1,5kg NPK. Bón theo 3 hốc cách đều quanh gốc cây.
(Nguồn: Những điều nông dân miền núi cần biết. NXB Nông nghiệp, 2000, tr.26-33. Khoa học Công nghệ Môi trường Hà Nam, 2000, Số 3, tr. 16-17)
Tin mới nhất
- Hội đồng nghiệm thu sản phẩm và tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ cấp tỉnh "Nghiên cứu hoàn thiện kỹ thuật nhân giống và xây dựng mô hình trồng thâm canh Vù hương (Cinnamomum balansae H.Lec) cung cấp gỗ lớn kết hợp lấy tinh dầu tại tỉnh Lào Cai"
- Hội đồng tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ cấp tỉnh: Nghiên cứu trồng rừng thâm canh cây Sồi phảng (Lithocapus fissus Champ. Ex Benth) cung cấp gỗ lớn ở Quảng Ninh
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết đề tài KHCN cấp Tỉnh: Nghiên cứu xây dựng mô hình rừng trồng thâm canh Vù hương (Cinnamomum balansae H.Lec) tại tỉnh Bắc Giang
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết đề tài KHCN cấp Quốc gia: Nghiên cứu bảo tồn và phát triển nguồn gen cây Bách vàng (Xanthocyparis vietnamensis Parjon &N.T.Hiep) ở một số tỉnh miền núi phía Bắc.
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết đề tài KHCN cấp Bộ: Nghiên cứu chọn giống và kỹ thuật trồng rừng thâm canh cây Sấu tía (Sandoricum Indicum Cav) cung cấp gỗ lớn tại các tỉnh phía Nam
Các tin khác
- Quy trình kỹ thuật trồng rừng phi lao
- Bệnh cháy lá, khô ngọn Bạch đàn ở vườn ươm và rừng trồng do nấm Cylindrocldium quinqueseptatum Boedijn & Reitsma
- Một số biện pháp phòng trừ, quản lý bệnh hại keo tai tượng ở lâm trường Đạ tẻ – Lâm Đồng
- Bệnh khô lá thông và một số giải pháp hạn chế ảnh hưởng của bệnh
- Một loài ong lạ mới xuất hiện và gây hại bạch đàn trồng ở Việt Nam