Nguồn nhân lực và công tác đào tạo của các thành phần tham gia dự án 5 triệu ha rừng

Cao Lâm Anh

Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam

Từ trước khi thành lập Bộ NN và PTNT (năm 1995), việc quản lý Nhà nước của ngành lâm nghiệp được sự chỉ đạo tập trung thống nhất từ Trung ương là Bộ Lâm nghiệp xuống địa phương là các Sở Lâm nghiệp hoặc Sở Nông Lâm. Dưới cấp tỉnh có các Hạt Lâm nghiệp hoặc các Phòng Lâm nghiệp trực thuộc UBND huyện. Tại các xã có rừng có Ban Lâm nghiệp do một Uỷ viên UBND xã phụ trách. Sau khi Bộ NN và PTNT được thành lập, việc quản lý Nhà nước của Bộ không chỉ quản lý một ngành đơn thuần mà quản lý nhiều ngành, nhiều lĩnh vực nên tình trạng thiếu cán bộ lâm nghiệp là phổ biến ở các địa phương, nhưng việc bổ sung cán bộ lại rất khó khăn, chế độ tiền lương của cán bộ, công nhân viên chức hiện tại quá thấp lại không có chế độ đãi ngộ ưu tiên, nên không mấy người muốn đến với ngành lâm nghiệp, nhất là công tác trong ngành lâm nghiệp lại ở vùng sâu vùng xa. Đây cũng là một trong những lý do mặc dù ngành lâm nghiệp đã đào tạo được nhiều cán bộ, nhưng nhiều người đã tìm cách chuyển sang công tác ở ngành khác hoặc các công việc khác có thu nhập cao hơn.

Đối với cấp Trung ương, các cơ quan tham gia Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng hầu hết là cán bộ có trình độ đại học và trên đại học có quá trình công tác lâu năm trong ngành nên có những kinh nghiệm trong công tác quản lý, chỉ đạo thực hiện và nghiên cứu ở tầm vĩ mô, hoạch định chính sách. Mỗi Bộ ngành đều có cán bộ chuyên trách đảm nhận công việc nên việc thực hiện dự án 5 triệu ha rừng ở cấp Trung ương nói chung không có vướng mắc lớn. Đối với cấp tỉnh nhiều nơi có cán bộ độ đại học, nhưng nhìn chung còn thiếu về số lượng, và yếu về chất lượng. Trên thực tế, các cơ quan lâm nghiệp đều rất thiếu cán bộ. ở Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), ngoài số ít cán bộ lâm nghiệp bố trí ở Chi cục Phát triển lâm nghiệp (PTLN) hoặc ở Phòng Lâm nghiệp, các phòng ban khác đều không có cán bộ lâm nghiệp, thậm chí có tỉnh chỉ có 1 cán bộ lâm nghiệp bố trí ở phòng kỹ thuật của Sở. ở cấp huyện, chỉ có cán bộ lâm nghiệp làm việc tại các hạt Kiểm lâm, còn ở Phòng NN và PTNT có nhiều nơi không có cán bộ lâm nghiệp.

Số lượng các hộ gia đình tham gia đầu tư vào việc bảo vệ và phát triển rừng ngày càng tăng. Những thay đổi này làm cho hệ thống quản lý hành chính cũng phải thay đổi, đặc biệt ở cấp cơ sở. Cần thiết phải bổ sung lực lượng cán bộ lâm nghiệp cấp xã và ưu tiên đào tạo các dịch vụ khuyến lâm nâng cao vai trò của người dân trong sản xuất lâm nghiệp. Cần thiết phải có một cán bộ làm việc trực tiếp tại địa bàn cấp xã, với nhiệm vụ giám sát quản lý lâm nghiệp, các dịch vụ khuyến lâm cũng như các công việc thúc đẩy kinh doanh các sản phẩm lâm nghiệp. Các cán bộ địa bàn phải có kiến thức về kỹ thuật quản lý rừng cũng như kiến thức về lĩnh vực kinh tế xã hội.

Trình độ và năng lực cán bộ quyết định chất lượng công tác. Nhìn chung, có thể nhận xét đội ngũ cán bộ của ngành như sau:

Cấu thành đội ngũ cán bộ ở cấp vĩ mô còn thiếu những cán bộ đầu đàn giỏi chuyên môn và chưa thích ứng với những đổi mới về chính sách kinh tế trong cơ chế thị trường. Cán bộ ở cấp vi mô chưa hình thành được đội ngũ giỏi về quản lý và tổ chức chỉ đạo nhạy bén với tình hình thực tế của cơ sở. Tuy các đơn vị đã gửi cán bộ đi đào tạo về hành chính, sử dụng máy tính, kỹ thuật lâm nghiệp, các lớp tập huấn ngắn hạn.. và đã lên kế hoạch công tác đào tạo cho các năm tới. Tuy nhiên, các chương trình đào tạo còn hạn chế kinh phí cho nên chưa đáp ứng đầy đủ về nội dung cũng như số lượng cán bộ đào tạo. Công tác đào tạo của ngành NN và PTNT có những khó khăn tồn tại sau đây:

+ Quy mô đào tạo còn nhỏ, hiệu quả đào tạo của các trường trong ngành còn hạn chế nên chất lượng và số lượng chưa đáp ứng yêu cầu.

+ Chưa có chính sách khuyến khích con em lao động ở nông thôn vào học các trường trong ngành và khuyến khích về địa bàn nông nghiệp và nông thôn công tác.

+ Cơ sở vật chất kỹ thuật của các trường tuy gần đây có được Nhà nước quan tâm đầu tư, song còn bất cập so với yêu cầu, nhất là về trang thiết bị học tập.

+ Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên tuy được quan tâm xây dựng, nhưng vẫn tồn tại nguy cơ hụt hẫng. Phương pháp đào tạo chưa đổi mới mạnh mẽ, chủ yếu vẫn giảng dậy theo phương pháp truyền thụ một chiều.

+ Công tác đào tạo và bồi dưỡng sau đại học vẫn còn một số thủ tục hành chính cần phải cải tiến.

+ Công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức Nhà nước chưa thực sự gắn với công tác quy hoạch cán bộ, thực hiện pháp lệnh công chức và cải cách hành chính.

+ Ngành, nghề đào tạo khó tuyển sinh, không hấp dẫn người học

+ Trình độ văn hoá, chuyên môn của nông dân còn thấp, hoàn cảnh kinh tế nói chung khó khăn, không có đủ tiền cho con em đi học, nhất là những tỉnh miền núi vùng sâu vùng xa.

+ Theo số liệu thống kê từ năm 1995 đến năm 1999 số học sinh người miền núi, vùng sâu, vùng xa (KV1) học ở các trường trung học và dạy nghề thuộc Bộ NN và PTNT chiếm tỷ lệ 42%, số học sinh là người dân tộc ít người chiếm 18%.

Từ những khó khăn tồn tại trong công tác đào tạo của ngành NN và PTNT, đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong lĩnh vực lâm nghiệp trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn phải thực hiện được mục tiêu đào tạo đồng bộ đội ngũ cán bộ, công nhân trong các lĩnh vực của ngành để phục vụ cho nhiệm vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn ở các cấp, có đầy đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm với nhiệm vụ to lớn và phức tạp. Xây dựng đội ngũ cán bộ công chức của ngành đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, thạo nghiệp vụ chuyên môn, trung thành với chế độ, tận tuỵ với công việc, xây dựng đội ngũ chuyên gia giỏi về hoạch định chính sách và chuyên gia đầu ngành về khoa học công nghệ.Để đạt được mục tiêu trên, công tác đào tạo cán bộ cho ngành lâm nghiệp cần giải quyết một số vấn đề sau đây:

+ Ưu tiên đầu tư vốn và trang thiết bị cho các trường đại học, trung học chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật lâm nghiệp và các cơ sở đào tạo lâm nghiệp..

+ Quy hoạch hệ thống các trường đào tạo trên toàn quốc để có sự đầu tư thích hợp. Trong đó ưu tiên nghiệp vụ chuyên môn cho lực lượng kiểm lâm, công nhân gây trồng rừng.

+ Nhà nước đầu tư thoả đáng đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước về lâm nghiệp để đến năm 2005 tất cả cán bộ đều được đào tạo cơ bản; cấp học bổng cho con em nông dân theo học để khi học xong trở về phục vụ trong các Ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và công tác ở các cơ quan quản lý lâm nghiệp tại các địa phương.

+ Ưu tiên đào tạo lực lượng lao động trẻ là con em đồng bào các dân tộc, con em cán bộ công nhân trong ngành lâm nghiệp để phục vụ lâu dài trong ngành lâm nghiệp.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế, nhất là các chương trình kinh tế trọng điểm của ngành và tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn, nhu cầu nhân lực cần đào tạo là rất lớn. Bên cạnh đó công tác đào tạo bồi dưõng cán bộ, công chức của ngành cũng đòi hỏi rất lớn. Vì vậy công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực có một tầm quan trọng đặc biệt. Muốn thực hiện được nhiệm vụ trên, việc sắp xếp lại các trưòng, bố trí lại các ngành nghề đạo và đổi mới chưong trình đào tạo là các nội dung chủ yếu của việc đổi mới công tác đào tạo của ngành NN và PTNT.

Những ý kiến đề xuất: Để việc quản lý Nhà nước dự án 5 triệu ha rừng đạt kết quả, cùng với việc kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý các cấp, rà soát lại chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, việc bố trí nhân sự cũng cần được quan tâm đúng mức.

+ Đề nghị bố trí đủ số lượng cán bộ cho các cục chuyên ngành của Bộ, nhất là bố trí cán bộ lâm nghiệp ở các Sở NN và PTNT, ở Phòng NN và PTNT và các cơ quan lâm nghiệp khác của địa phương. Các cán bộ lâm nghiệp bố trí trong các cơ quan quản lý Nhà nước ở các cấp phải có năng lực và phẩm chất tốt.

+ Có chính sách tiền lương và đãi ngộ thoả đáng để khuyến khích cán bộ và lao động nghề rừng công tác ở các vùng rừng núi khó khăn .

+ Để nâng cao trình độ và năng lực công tác của cán bộ, trong công tác đào tạo cần chú ý bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, tiến hành biên soạn lại giáo trình, đổi mới phương pháp giảng dạy để nâng cao chất lượng đào tạo, có chính sách ưu tiên đào tạo con em là dân tộc ít người. Cần chú trọng công tác đào tạo lại và thường xuyên mở các lớp tập huấn, hội thảo, tham quan ở trong nước và nước ngoài để cán bộ có thể tiếp nhận được những kiến thức mới, vận dụng trong công tác của mình tốt hơn.

Tài liệu tham khảo

1. Báo cáo đánh giá dự án cơ sở tại các tỉnh phía Bắc; Báo cáo đánh giá dự án cơ sở tại 3 tỉnh miền Trung; Báo cáo đánh giá dự án cơ sở tại các tỉnh phía Nam

4. Báo cáo kết quả khảo sát tình hình hiện trạng và hoạt động của hệ thống hnàh chính, sản xuất lâm nghiệp ở các tỉnh, huyện, xã.

5. Báo cáo kết quả khảo sát về phân tích tổ chức hành chính lâm nghiệp tại 2 tỉnh ĐăK Lăk và Sơn La

6. Báo cáo kiểm điểm công tác chỉ đạo điều hành năm 1999 và chương trình công tác năm 2000 của Cục Kiểm lâm

7. Báo cáo về công tác tổ chức cán bộ của Cục ĐCĐC và VKTM

8. Báo cáo tình hình tực hiện Nghị quyết TƯ2 (khoá 8) về giáo dục đào tạo các trường thuộc Bộ NN & PTNT

Human resource and the training endeavour of the components participating

in the project on planting new 5 milion hectares of forest

Summary: The shortage of forestry staff is prevalent in various localities but the personnel recruitment is very difficult as the salary and regulated staff number are low and limited respectively. While the areas where forestry activities take place still meet with much hardship and difficulties, there are not as yet any systems of priorities and favourable allowances. This is one of the reasons leading to the staff shortage although great number of personnel has been really trained by the forestry branch. Many trained staff have tried to find jobs in other branches or engage in other activities of higher payment.

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]