Nghiên cứu vai trò của giới trong quản lý và phục hồi rừng cộng đồng tại xã Thượng Quảng, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế

Lê Thị Diên

Trường Đại học Nông Lâm Huế

Võ Đình Tuyên

Văn phòng Chính phủ

TÓM TẮT

Xã Thượng Quảng có diện tích rừng tự nhiên khá lớn 10.105,5ha, trong đó có 913,3ha diện tích rừng tự nhiên đã được giao cho nhóm hộ quản lý bảo vệ rừng. Kết quả nghiên cứu vai trò của giới trong quản lý và phục hồi rừng cộng đồng tại thôn 2 (người Katu) và thôn 6 (người Kinh) tại xã cho thấy: các thành viên của ban quản lý rừng cộng đồng ở cả hai thôn đều là nam giới, nữ giới chỉ là thành viên được cử tham gia luân phiên trong các đợt tuần tra rừng. Nam giới có quyền quyết định hầu hết mọi công việc ngoài xã hội cũng như trong gia đình và dễ dàng tiếp cận với các nguồn lực hơn phụ nữ; đàn ông người Katu có quyền quyết định cao hơn đàn ông người Kinh. Ở cả hai thôn, nữ giới quan tâm đến các loại lâm sản sử dụng hàng ngày, nam giới quan tâm nhiều đến các loại lâm sản có thể bán được. Phụ nữ Katu là đối tượng thu hái và sử dụng LSNG nhiều hơn nam giới. Hoạt động phát dây leo và thu cây giống hầu hết đều do đàn ông đảm nhận, phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong hoạt động ươm cây, trồng mây và lồ ô.

Từ khóa: Quản lý rừng, Giới, Rừng cộng đồng, Tài nguyên rừng

ĐẶT VẤN ĐỀ

Xã Thượng Quảng thuộc huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế là xã miền núi bao gồm người Katu và người Kinh cùng sinh sống. Xã có diện tích rừng và đất lâm nghiệp chiếm tới hơn 60%, tuy nhiên rừng tự nhiên tại địa bàn nghiên cứu đã bị suy giảm cả về diện tích và trữ lượng do nhiều nguyên nhân khác nhau. Vấn đề cấp bách hiện nay là làm thế nào để giải quyết mâu thuẫn cơ bản giữa yêu cầu phải giữ gìn tài nguyên rừng nhằm bảo vệ môi trường sinh thái với thực trạng đời sống nghèo đói của các hộ dân, đặc biệt là dân tộc thiểu số có đời sống phụ thuộc phần lớn vào tài nguyên rừng.

Trước thực trạng đó vấn đề đổi mới hình thức quản lý rừng trên địa bàn xã đã được chính quyền các cấp rất quan tâm, trong đó có nhân tố mới xuất hiện – đó là hình thức quản lý rừng cộng đồng. Cho đến nay các thôn ở xã Thượng Quảng đều được nhận rừng để quản lý dưới hình thức rừng cộng đồng. Có rất nhiều nghiên cứu cho thấy rằng, quản lý rừng cộng đồng được chứng minh là thành công trong việc nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ tài nguyên rừng (Nguyễn Hồng Quân, Phạm Xuân Phương, Vũ Long, 2006; Nguyễn Bá Ngãi và cộng sự, 2009). Tuy nhiên, ở Việt Nam nói chung và địa bàn nghiên cứu nói riêng, bất bình đẳng giới trong quản lý tài nguyên rừng vẫn còn nhiều vấn đề nổi cộm, phụ nữ vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi hơn so với nam giới. Ở khu vực miền núi, do phải chăm lo cho cuộc sống của gia đình mà người phụ nữ thường phải vào rừng phát nương làm rẫy, thu hái hoa quả và các loại lâm sản ngoài gỗ để tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình. Chính vì vậy, sự hạn chế của phụ nữ trong việc tham gia quản lý tài nguyên rừng cũng như quyền ra quyết định đã gây ra rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý và bảo vệ rừng.

Bài viết này nhằm mục đích đánh giá tiềm năng của người phụ nữ trong công tác quản lý và phục hồi tài nguyên rừng cộng đồng để tìm ra giải pháp cân bằng giới nhằm quản lý bền vững tài nguyên rừng cộng đồng trên địa bàn nghiên cứu.

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]