Nghiên cứu quan hệ di truyền của một số loài thuộc họ Dầu (Dipterocarpaceae) ở Việt Nam dựa trên đa hình ADN genome và lục lạp

Các loài cây họ Dầu (Dipterocarpaceae) phân bố nhiều ở khu vực ấn Độ, Malaixia, kéo dài từ đảo Seychelle qua ấn Độ đến Philippin, tất cả gồm có 13 chi và 470 loài. ở Việt Nam họ Dầu có 6 chi và khoảng trên 40 loài. Phía Nam từ Quảng Nam trở vào có 24 loài, khu vực miền Trung từ đèo Ngang đến đèo Hải Vân có 9 loài, ở miền Bắc có 5 loài và 1 loài có ở cả 3 vùng. Ngoài việc cung cấp gỗ, các loài cây họ Dầu còn cho một số sản phẩm khác dùng trong công nghiệp sơn và dầu bóng, trong dân gian nhân dân còn dùng để xảm thuyền [2]

Theo Viện Điều tra quy hoạch rừng (1995) (1), năm 1959 diện tích các loại rừng có cây họ Dầu ở Đông Nam Bộ là 1146 275 ha (Chiếm 49% diện tích toàn vùng). Đến năm 1968 giảm xuống còn 834 050 ha (Chiếm 36% diện tích khu vực), năm 1982 giảm còn 416 900 ha (bằng 18% diện tích) và năm 1992 chỉ còn 183 081 ha (8%). Rõ ràng là việc bảo tồn các loài cây họ Dầu ở nước ta đã trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, nó góp phần vào việc bảo tồn nguồn gen cây rừng đang có nguy cơ tuyệt chủng ở nước ta. Để công tác bảo tồn đạt kết quả tốt, việc nghiên cứu mức độ đa dạng di truyền của các loài cây này là hết sức cần thiết.

Những năm gần đây, sự phát triển trong sinh học phân tử đã cung cấp những công cụ hữu hiệu cho phân tích di truyền, nó đánh dấu bằng sự ra đời của các kỹ thuật chỉ thị phân tử khác nhau như kỹ thuật RAPD, AFLP, SSR v.v. Các chỉ thị này có vai trò quan trọng trong nghiên cứu đa dạng di truyền, sự phát sinh và xác định các loài [3]. Trong nghiên cứu phân loại phân tử và phát sinh loài, các chỉ thị ADN lục lạp (cp DNA) cũng đã được sử dụng để xác định nguồn gốc và phân biệt loài ở thực vật. Các chỉ thị ADN lục lạp có đặc điểm rất quan trọng là tính bảo thủ cao và tần số đột biến thấp hơn so với ADN nhân. Chỉ thị ADN lục lạp thường được sử dụng là các chuỗi không mã và các gen như 16S, rbcL, atpB, matK v.v. Các chỉ thị này đã được sử dụng trong các nghiên cứu về quan hệ phát sinh loài và phân loại của nhiều loài cây như các loài cây cam chanh, các cây họ đậu (Leguminosae), họ Hemerocallidaceaevà họAraliaceae (7, 9, 8, 10,). Đối với cây họ Dầu, việc sử dụng các chỉ thị ADN genome và lục lạp vào nghiên cứu đa dạng di truyền và phát sinh loài cũng đã được một số tác giả công bố (5, 6,).

Trong bài này chúng tôi trình bày những kết quả về nghiên cứu quan hệ di truyền của 17 loài thuộc 6 chi họ Dầu ở Việt Nam dựa vào đa hình ADN genome (RAPD) và lục lạp với mục đích tìm hiểu sự đa dạng di truyền của các loài này nhằm góp phần vào việc bảo tồn nguồn gen.

Nguồn: Kỷ yếu Hội nghị toàn quốc “Những vấn đề nghiên cứu cơ bản trong khoa học sự sống”, Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội, 2005. 1379-1382.

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]