Nghiên cứu mối quan hệ di truyền của Keo lá tràm (Acacia auriculiformis) ở Đông Nam Bộ bằng chỉ thị RAPD và SSR

Vương Đình Tuấn

Phân viện Nghiên cứu Khoa học Lâm nghiệp Nam Bộ

TÓM TẮT

Nghiên cứu đa dạng di truyền giữa 100 cá thể vô tính Keo lá tràm trồng ở Đông Nam bộ đã được tiến hành bằng 33 cặp mồi SSR và 12 mồi RAPD. Kết quả cho thấy biến động di truyền giữa các cá thể là thấp. Kết quả phân tích bằng các mồi RAPD và SSR bằng phần mềm POPGENE cho thấy các cá thể nghiên cứu có thể được chia thành 2 nhóm. Nhóm 1 gồm cá thể số 70 và 71 (QLD). Nhóm 2 gồm 98 cá thể còn lại. Trong nhóm 2 lại được chia thành 2 nhóm phụ. Các cá thể có nguồn gốc từ Queensland nằm trong nhóm 1 và nhóm phụ 2b, trong khi các cá thể có nguồn gốc từ Thái Lan nằm trong nhóm phụ 2a. Các cá thể 43, 44, 57 và 58 có chỉ số tương đồng thấp lại được ghi nhận tăng trưởng tốt có thể được chọn làm vật liệu lai tạo.

Từ khóa: Chỉ thị phân tử RAPD, SSR, đa dạng di truyền, Keo lá tràm (Acacia auriculiformis)

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Keo lá tràm (Acacia auriculiformis Cunn. Ex. Benth) còn được gọi làTràm bông vàng, là loài cây mọc nhanh có xuất xứ từ Australia, Papua, New Guinea và Indonesia. Keo lá tràm được du nhập vào Việt Nam từ những năm 60 của thế kỉ XX, với mục đích chủ yếu là cung cấp nguồn nguyên liệu cho sản xuất giấy, làm đồ trang trí nội thất, làm than củi,…. Hiện nay, Keo lá tràm được trồng trên hầu hết các tỉnh ở nước ta, nhưng phổ biến là ở các tỉnh miền Trung và vùng Đông Nam Bộ. Keo lá tràm đóng góp một cách có ý nghĩa trong ngành công nghiệp sản xuất giấy, nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ và góp phần cải thiện thu nhập của nông dân trồng rừng ở nước ta. Vì vậy việc chọn giống Keo lá tràm có năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh là một đòi hỏi hết sức cấp thiết đặt ra cho ngành Lâm nghiệp.

Hiện nay nghiên cứu chọn giống Keo lá tràm ở Việt Nam chủ yếu được tiến hành theo kỹ thuật chọn tạo truyền thống. Vật liệu chọn làm bố mẹ thường được dựa trên những đánh giá về kiểu hình hay về một số đặc điểm sinh học. Chọn lọc cặp lai theo cách này có nhược điểm là chưa phản ánh đúng bản chất di truyền của cá thể. Vì thế, khó có thể đạt mục tiêu tạo giống. Kỹ thuật đánh giá mối quan hệ di truyền của cây trồng nói chung và một số loài keo nói riêng bằng các chỉ thị phân tử đã được nghiên cứu từ vài thập niên trở lại đây và đã chỉ ra rằng một số chỉ thị có thể được sử dụng một cách hữu hiệu trong xác định quan hệ di truyền của các cá thể nghiên cứu.

Nanda và cộng sự (2004) đã dùng 40 mồi RAPD để nghiên cứu mối quan hệ di truyền của 6 loài keo và ghi nhận có sự biến động cao (70%) về mặt di truyền giữa các loài. Sự tương đồng giữa A. auriculiformisA. concinna là 28%. Các tác giả cũng ghi nhận có mối quan hệ rất gần gũi về mặt di truyền giữa các cá thể trong cùng quần thể.

Widyatomoko và Shiraishi (2001) đã chọn được 8 chỉ thị trong số 24 chỉ thị RAPD sử dụng để phân biệt Acacia auriculiformis và A. Mangium. Josiah và cộng sự (2008)đã nghiên cứu biến động di truyền của quần thể Acacia senegal bằng 10 mồi RAPD và 5 mồi ISSR. Các tác giả đã ghi nhận 55 phân đoạn đa hình. Số phân đoạn trung bình là 3,6 trên cặp RAPD+ISSR và ghi nhận khoảng 86% biến động di truyền hiện diện bên trong quần thể và điều kiện địa lý cũng góp phần vào những biến động này.

Mục tiêu của nghiên cứu này là nhằm tìm hiểu mối quan hệ di truyền của các cá thể Keo lá tràm (Acacia auriculiformis) trồng ở vùng Đông Nam Bộ.

(Kỷ yếu Hội nghị Khoa học Công nghệ Lâm nghiệp với phát triển rừng bền vững và biến đổi khí hậu, trang 13-22)

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]