Nguyễn Hoàng Nghĩa
Viện Khoa học Lâm nghiệp VN
I. Mở đầu.
Với những cố gắng lớn lao về chọn giống và các biện pháp thâm canh mà năng suất rừng trồng đã tăng lên vượt bực, nhất là đối với bạch đàn (Eucalyptus) ở nhiều nước trên thế giới trong những năm vừa qua. Qua các số liệu tổng kết của Braxin thì có thể thấy năng suất tiềm năng của các rừng trồng bạch đàn đã tăng trên 5% mỗi năm qua một chu kỳ dài 30 năm ở nước này.
Vào năm 1991, Campinhos đã phác thảo những bước tăng năng suất rừng trồng bạch đàn ở Braxin trong suốt 30 năm như sau :
1960 – 1965 : Hạt chất lượng di truyền thấp, năng suất chỉ đạt : 13 m3/ha/năm.
1966 – 1970 : Hạt chất lượng di truyền thấp, có sử dụng phân bón : 17 m3/ha/năm.
1971 – 1975 : Hạt thuần khiết di truyền (chưa cải thiện); bón phân : 22 m3/ha/năm.
1976 – 1980 : Hạt từ rừng giống được chọn lọc, có bón phân : 35 m3/ha/năm.
1981 – 1985 : Hạt được cải thiện và nhân giống bằng hom : 45 m3/ha/năm.
1986 – 1990 : Tiếp tục chọn lọc và nhân giống bằng hom : 60 m3/ha/năm.
Như vậy lợi ích của cải thiện giống (bao gồm chọn giống và thâm canh) là rất rõ ràng và đáng được đầu tư, mặc dầu thế công tác chọn giống cây rừng cũng chứa trong nó vô số nghịch lý và những điều rắc rối.
II. Những nghịch lý cơ bản.
1. Nghịch lý thứ nhất : Muốn có giống tốt nhưng không muốn đầu tư nghiên cứu.
Điều dễ nhận thấy là trong nhiều năm qua, rừng trồng của ta năng suất thường thấp; chưa biết kết hợp việc chọn loài theo lập địa và chọn lập địa theo mục tiêu gây trồng; thiếu thông tin về kết quả nghiên cứu từ các nước và các vùng khác nhau. Trong giá thành trồng rừng nói chung, chi phí cho giống chỉ chiếm một phần rất khiêm tốn, đôi khi chỉ là 5 – 10% hoặc thấp hơn. Giống tốt có giá cả cao hơn song giá trị của nó là không thể phủ nhận và giống tốt cũng đã trở thành nhu cầu thiết yếu đối với phát triển rừng trồng. Thế nhưng trong thời gian vừa qua, nhiều cơ sở không quan tâm đến giống tốt mà chỉ quan tâm đến giống giá rẻ, giống không rõ nguồn gốc nên trồng thành cây mà không thành rừng; đầu tư cho nghiên cứu giống được phó mặc cho Nhà nước và một số cơ quan nghiên cứu. Muốn có giống cao sản phải biết đầu tư đủ lớn cho nghiên cứu và khảo nghiệm. Nhiều loài và xuất xứ được đưa vào khảo nghiệm ở nước ta đã cho thấy chúng không có khả năng thích nghi và bị loại bỏ ngay từ những năm tháng đầu tiên và khoản tiền bỏ ra cho các khảo nghiệm đó không phải là nhỏ. Chỉ cần bố trí 100 ha khảo nghiệm với thời giá 10 triệu đ/ha là đã tốn kém đến 1 tỷ đồng. Riêng tiền nhập giống cũng là hàng trăm, đôi khi cả nghìn đô-la cho mỗi kg hạt giống chuẩn. Hàng chục loài thông (Pinus) đã được khảo nghiệm và loại bỏ như P. tropicalis, P. pinaster, P. occidentalis, P. taeda, P. radiata, P. elliottii v.v. Chỉ có P. caribaea với 3 biến chủng là var. hondurensis, var. bahamensis và var. caribaea và trong một chừng mực nào đó là loài P. oocarpa là rất có triển vọng. Tên tuổi của các loài và xuất xứ yếu kém chỉ còn tìm thấy trong các báo cáo khoa học chuyên đề mà thôi. Từ những năm 1950 đến nay, nước ta đã khảo nghiệm và trồng thử trên 50 loài bạch đàn (Eucalyptus) song chỉ có gần chục loài có triển vọng, đó là E. camaldulensis, E. tereticornis, E. urophylla, E. brassiana, E. pellita, E cloeziana, E. exserta cho vùng thấp, còn E. grandis/E. saligna và E. microcorys cho vùng cao. Từ năm 1985 trở lại đây, riêng Viện Khoa học Lâm nghiệp đã thử nghiệm 112 xuất xứ của 15 loài bạch đàn trong đó E. camaldulensis có 49 xuất xứ và E. tereticornis có 21 xuất xứ, song cũng chỉ tìm được 3 – 5 xuất xứ có triển vọng cho mỗi loài. Khảo nghiệm với càng nhiều loài và xuất xứ, trên càng nhiều dạng lập địa của càng nhiều vùng sinh thái thì kết quả càng đáng tin cậy. Bỏ qua khảo nghiệm để đưa vào gây trồng đã từng có những bài học cay đắng, đó là hàng nghìn ha rừng trồng thông P. silvestris xuất xứ Pháp được xây dựng ở Hungary và hàng nghìn ha thông P. silvestris không rõ nguồn gốc được trồng ở Hoa Kỳ vào những năm 1930 đã không tạo thành rừng như mong muốn. Khoảng 30 nghìn ha rừng thông P. ponderosa đã được trồng ở New Zealand cũng đã từng có số phận tương tự. Chỉ tính chi phí cho xây dựng rừng, bảo vệ và phá chúng đi cũng cho chúng ta một khoản đầu tư đáng suy nghĩ. Giá như người ta chỉ cần đầu tư 10-20 ha khảo nghiệm thì đâu đến nỗi như vậy.
2. Nghịch lý thứ hai : Đừng vội tin vào những kết quả quá sớm.
“Thành công giai đoạn đầu chưa chắc đã tránh khỏi thất bại sau này” được coi là câu châm ngôn cho các nhà nghiên cứu và sản xuất giống. Đây cũng là trở ngại khó khắc phục nhất và xuất hiện ở nhiều dạng phức tạp, khó tiên liệu. Bạch đàn trắng ở nước ta sinh trưởng rất tốt trong 2- 3 năm đầu, song do nhiều lý do (xuất xứ không phù hợp, lập địa không đúng ?) mà ở nhiều nơi, chúng chậm hoặc ngừng sinh trưởng trong những năm sau và tạo nên những những đồi bạch đàn gồm toàn cây trông như những cần câu cá mà không bao giờ trở thành rừng kinh tế. Đôi khi cây có tỷ lệ sống và tốc độ sinh trưởng cao nhưng gỗ lại hoàn toàn không thích hợp cho mục tiêu ban đầu. Chẳng hạn ở vùng ven biển Nam Phi, thông P. caribaea tạo nên gỗ có trọng lượng riêng rất thấp không đạt yêu cầu cho sản xuất giấy và các sản phẩm khác. Song có lẽ phức tạp nhất và gây hại lớn nhất vẫn là việc tấn công bất ngờ của sâu bệnh hại vào các rừng trồng đang bừng bừng sức sống và đầy triển vọng. Các rừng trồng thông P. radiata đầy hứa hẹn ở Braxin và Nam Phi đã bị bệnh Dothistroma tấn công vào tuổi thứ năm và tổn thất lớn đã làm cho người ta không dám trồng loài cây này ở vùng khí hậu có mùa hè ấm ẩm vì Dothistroma rất ưa thích loại khí hậu này. Tại vùng Minas Gerais, Braxin có một loại bệnh đã tấn công cây non 2 – 3 tuổi của một lô hạt bạch đàn E. grandis mà hậu quả là cây chết hoặc sinh trưởng bị hạn chế đáng kể. Trong những năm 1980, keo dậu khổng lồ (Leucaena leucocephala) được coi như là loài cây lý tưởng của vùng Đông Nam á và người ta đua nhau trồng ở khắp mọi nơi. Đầu những năm 1990, loài cây này bị rệp tấn công ở chồi và lá non và làm đau đầu những nhà trồng rừng. Các nghiên cứu hiện nay là tạo cây lai kháng bệnh, nhân giống hom để đẩy mạnh vào sản xuất là một hướng đi hợp yêu cầu của sản xuất. Đầu những năm 1980, sau một loạt các khảo nghiệm, một số xuất xứ bạch đàn trắng đã được đưa vào sản xuất đại trà mà nổi bật là xuất xứ Petford. Song từ cuối những năm 1980, nấm bệnh bắt đầu xuất hiện gây hại cho xuất xứ này ở các tỉnh phía Nam và miền Trung. Đây cũng là điều ngoài mong đợi của các nhà nghiên cứu mà một trong những lý do chính là việc chúng ta đã ồ ạt nhập hạt và đưa trồng tràn lan chỉ một xuất xứ trên phạm vi cả nước, mặc dù nghiên cứu đã đưa ra danh sách của ít nhất 3 xuất xứ có triển vọng của loài này. Việc quan tâm đến sâu bệnh hại khi mở rộng rừng trồng tới hàng chục, hàng trăm nghìa ha là một điều cấp thiết. Ngay đối với trám trắng (Canarium album), một loài cây bản địa có tiềm năng cho nguyên liệu gỗ bóc lạng, cũng bị hạn chế bởi sâu đục ngọn khi được trồng tập trung. Loài thông ba lá (P. kesyia) bản địa ở Đà Lạt, Lâm Đồng cũng đang đứng trước nguy cơ bị tuyến trùng gây hại như đang xảy ra nặng nề ở Nhật Bản và Trung Quốc. Điều đó chỉ chứng tỏ chọn giống và khảo nghiệm giống là cần thiết và phải được coi là công việc liên tục, lâu dài.
3. Nghịch lý thứ ba : Muốn rừng tốt nhưng không chịu đầu tư lớn cho trồng rừng.
Do có sức sản xuất trên một đơn vị diện tích cao hơn nên giống tốt đòi hỏi lập địa cung cấp chất dinh dưỡng và nước nhiều hơn để thoả mãn nhu cầu. Thâm canh cao hơn đồng nghĩa với chu kỳ ngắn lại, đất đai bị quay vòng nhanh hơn, lượng sinh khối bị khai thác hết làm cho dinh dưỡng trong đất bị mất nhiều hơn v.v. Các nghiên cứu ở Braxin cho thấy khi khai thác, con người đã mang đi một lượng chất dinh dưỡng mà cây hút từ đất, nên với chu kỳ 8 – 12 năm cho bạch đàn, riêng lượng Kali đã được họ bón đến 100 kg/ha ở luân kỳ thứ nhất. Mặc dầu thế, lượng Kali vẫn bị thiếu trầm trọng ở luân kỳ hai. Các thông báo khoa học gần đây cho biết chính vì vậy mà ở Braxin, các công ty trồng rừng thường chuyển mùn cưa, lâm sản thừa đem trả lại cho rừng khi khai thác và khi thiết kế trồng rừng thường để lại 25% diện tích ở những chỗ quan trọng đã được quy định (ven khe, dọc sông suối, đầu nguồn v.v.) nhằm duy trì đa dạng sinh học và bảo vệ nguồn nước. Những nguyên tắc cơ bản cần nắm vững là :
· Lập địa xấu không thể cho năng suất cao ngay cả khi dùng giống cao sản. Phải áp dụng đồng bộ các biện pháp thâm canh cao mới hy vọng có được các rừng trồng như mong muốn, song phải tính đến khả năng sinh lời và thu hồi vốn hợp lý.
· Giống tốt mà đầu tư thấp thì lãng phí vốn đầu tư mà hiệu quả không cao, làm hại đến tiềm năng sản xuất của giống và làm hại đất. Khi giống tốt đã vắt sạch nguồn dinh dưỡng của đất thì luân kỳ sau ta định trồng gì ? Các nghiên cứu cho thấy, tăng trưởng của loài ở luân kỳ hai giảm từ 30% đến 60% nếu không có biện pháp đầu tư thích hợp như thường được thấy ở các rừng trồng bồ đề (Styrax tonkinensis) luân kỳ hai và ba.
· Sử dụng giống tốt, năng suất cao thì diện tích trồng thu hẹp lại, đầu tư tập trung, bảo vệ dễ dàng hơn. Việc lựa chọn đúng giống cho đúng lập địa là điều cốt yếu của tăng năng suất rừng trồng. Không nên cho rằng chỉ cần giống tốt là có tất cả.
Các nhà khoa học ở Ôxtrâylia đã chứng minh được rằng với thông P. radiata, bằng quản lý hợp lý rừng trồng mà năng suất tăng lên từ 16 m3/ha/năm lên 33 m3/ha/năm. Các nguyên tắc mà họ tuân thủ là : áp dụng các biện pháp quản lý sao cho ít gây hại cho đất nhất, bồi hoàn các chất dinh dưỡng đã bị cây lấy mất ở luân kỳ thứ nhất, duy trì lượng nước tối đa trong đất, giảm bốc hơi nước, quản lý bảo vệ trong suốt quá trình sản xuất.
4. Nghịch lý thứ tư : Tâm lý mì ăn liền.
Nhiều người khi nói đến giống cây rừng thường kêu rằng chưa nhìn thấy điều gì mới, rằng công việc gì mà chậm thế, nhưng họ không hiểu rằng hàng chục giống mới hiện đang được đưa vào sản xuất đại trà chính là kết quả của quá trình khảo nghiệm lâu dài. Các loài bạch đàn kháng bệnh, các giống keo được trồng khắp cả nước, các giống keo được trồng ở vùng khô ven biển và vùng cao Đà Lạt không phải tự nó đến từ nước Ôxtrâylia hoặc Papua New Guinea mà đã phải qua hàng chục năm thử nghiệm trên toàn quốc. Nếu giống cây rừng mà cũng đưa ra nhanh như giống cây nông nghiệp thì đôi khi gây nên hậu quả khó lường. Nhìn thành quả 40 năm chọn giống của Braxin mới càng thấy vai trò quyết định của giống cao sản và mức đóng góp trí tuệ ngày càng cao của công tác chọn giống vào các giống mới. Vào những năm 60 – 70, cứ 5 năm năng suất chỉ tăng lên được 4 – 5 m3/ha/năm trong khi vào giai đoạn sau, lượng tăng trưởng này là trên 10 m3/ha/năm. Đầu tư cho nghiên cứu giống là đầu tư liên tục, lâu dài song rất có hiệu quả. Người chọn giống không chỉ làm việc với riêng mình mà phải có hiểu biết và hợp tác đa ngành về thâm canh, kỹ thuật lâm sinh, sâu bệnh hại. Một giống mới chỉ tồn tại trong một giai đoạn nhất định cho đến khi nó bị thoái hoá, bị sâu bệnh v.v. do vậy chọn giống cần phải được đầu tư tiếp tục để đón đầu cũng như để giải quyết hậu quả, đặc biệt là đối với cây rừng vì chúng có đời sống dài ngày và sống trong môi trường sống tự nhiên.
III. Hãy quên đi nghịch lý.
Giải pháp hữu hiệu nhất của hiện tại là hãy quên đi những nghịch lý, nhưng quên đi như thế nào và bằng cách nào mới là điều cần bàn. Tâm lý “ăn sổi ở thì”, không chịu đầu tư mà cứ đòi hỏi hoặc bàng quang với giống tốt chỉ làm cho giống tốt trở thành vô tác dụng. Ngược lại quan niệm cho rằng chỉ cần giống tốt là đủ mà bỏ đi mọi thứ khác, quá đề cao giống, phô trương hơn mức hiện có, đòi hỏi đầu tư lớn mà chẳng làm được gì nhiều cũng sẽ mau chóng phá hoại uy tín của công tác đầy khó khăn gian khổ này. Bên cạnh chiến lược và định hướng nghiên cứu chọn giống đúng, thì thông tin, hợp tác triển khai, bảo vệ tốt các khảo nghiệm với các cơ sở trong cả nước; đầu tư liên tục và lâu dài cho nghiên cứu giống, đội ngũ cán bộ có đủ trình độ và mạng lưới cán bộ làm công tác giống từ trung ương đến các địa phương phải được coi là những vấn đề sống còn.
Tin mới nhất
- Hội đồng thẩm định Báo cáo đề nghị công nhận giống Mắc ca thuộc đề tài: “Nghiên cứu chọn giống cho năng suất, chất lượng hạt cao và giải pháp phòng trừ sâu, bệnh hại Macadamia”;
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết đề tài KHCN cấp Bộ: “Nghiên cứu chọn giống Bạch đàn để trồng rừng gỗ lớn cho vùng cao Tây Bắc”.
- Hội đồng thẩm định Báo cáo đề nghị công nhận giống
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết nhiệm vụ Bảo tồn nguồn gen cây rừng (Năm 2023).
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết nhiệm vụ KHCN cấp Bộ: “Nghiên cứu chọn tạo giống Keo lai và Keo lá tràm phục vụ trồng rừng gỗ lớn ở một số vùng sinh thái chính”.
Các tin khác
- Nhân giống một số loài cây rừng bằng phương pháp giâm hom và triển vọng trồng rừng của chúng
- Khả năng tái sinh chồi in vitro ở cây Dó trầm Aquilari crassna. Pierre
- Kết quả bước đầu về phân lập nấm nội cộng sinh với các loài cây gỗ bản địa
- Kết quả bước đầu tuyển chọn một số dòng bạch đàn kháng bệnh tại Đông Nam Bộ
- KếT QUả GIÂM HOM re hương phục vụ trồng rừng bảo tồn nguồn gen