Nguyễn Hoàng NghĩaViện Khoa học Lâm nghiệp VNMở đầuRừng tự nhiên của các nước nhiệt đới có mức độ đa dạng cao về các loài thực vật. Theo nhà khoa học van Steenis (1971) thì vùng Đông Nam á bao gồm cả Việt Nam, có tới 25 000 loài thực vật có hoa, chiếm 10% tổng số loài thực vật có hoa của thế giới, trong đó có tới 40% số loài là loài đặc hữu, nghĩa là chỉ gặp ở riêng vùng này mà thôi.Hệ thực vật rừng Việt Nam cũng có tiếng là phong phú và đa dạng. Theo Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật (1993), chỉ riêng ngành Khuyết thực vật (Ptesidophyta), ngành Hạt trần (Gymnospermae) và ngành Hạt kín (Angiospermae) đã có khoảng 11000 loài của trên 2500 chi, trong đó có khoảng 7 000 loài thực vật bậc cao có mạch.Do nhiều nguyên nhân khác nhau mà trong giai đoạn vừa qua, diện tích rừng của nước ta đã giảm đáng kể, với tốc độ khoảng trên dưới 100 000 ha/năm. Tỷ lệ che phủ của rừng giảm từ 40,7% (13,5 triệu ha rừng) vào năm 1943 (Maurand, 1943) xuống còn 27,1% vào năm 1980 và 26,2% vào năm 1985 (Bộ Lâm nghiệp, 1991). Nhiều tỉnh quan trọng ở miền núi phía Bắc như Sơn La, Lai Châu, Cao Bằng v.v. có tỷ lệ che phủ của rừng rất thấp, chỉ còn trên dưới 10%. Việc phục hồi, tái sinh rừng đang là một nhu cầu bức bách, nhất là cho những khu vực phòng hộ đầu nguồn, ven biển và để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của xã hội, kể cả cho xuất khẩu. Vai trò của các loài cây bản địa trong công tác trồng rừng là rất rõ ràng, song hiện tồn tại vô số nghịch lý ở tầm quốc tế và ở mỗi quốc gia, đòi hỏi các nhà nghiên cứu và quản lý sớm quan tâm, giải quyết.các nghịch lý cơ bản.1. Nghịch lý thứ nhất : Thế giới ưa của ngoại. Nghịch lý này có tầm quốc tế và điều dễ nhận biết nhất đó là việc sử dụng rộng rãi các loài cây nông nghiệp trên phạm vi toàn cầu. Thông thương quốc tế và khu vực từ hàng trăm, hàng nghìn năm qua đã góp phần trao đổi các giống cây trồng quan trọng giữa các vùng và các lục địa khác nhau. Không có nước nào có thể tự cung cấp nổi nguồn tài nguyên ditruyền cho riêng mình cho dù nước đó có giàu có đến mức nào đi nữa về mặt tài nguyên. Các loài cây có nguồn gốc từ châu á như lúa nước (Oryza sativa), các loài chuối (Musa spp.), dừa (Cocos nucifera) không chỉ quan trọng ở vùng châu á, mà còn có vai trò kinh tế và dinh dưỡng lớn lao ở châu Phi và châu Mỹ. Hoa kỳ ở châu Mỹ là một trong ba nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới cùng với Thái Lan và Việt Nam ở châu á. Đậu tương (Glycine soja) có nguồn gốc từ phía bắc Trung Quốc nay được trồng rộng rãi ở châu Mỹ và vùng này đã từng đạt tới 74% mức sản xuất của thế giới. Theo Thời báo Kinh tế Việt Nam(1997), năm nước châu Mỹ là Hoa Kỳ, Braxin, áchentina, Canađa và Paragoay đã đạt 80,6% sản lượng đậu tương thế giới vụ đậu tương năm 1995/1996 và ước đạt khoảng 82,3% vào vụ 96/97. Ngược lại khoai lang (Ipomoea batatas) có nguồn gốc ở Nam Mỹ thì nay có tới 90% tổng sản lượng khoai lang trên thế giới lại bắt nguồn từ châu á bao gồm Trung Quốc, Việt Nam và Papua New Guinea. Cũng như vậy, ngô (Zea mays) có nguồn gốc từ Trung và Nam Mỹ nay được gây trồng trên phạm vi toàn thế giới. Điều đáng được nhấn mạnh ở đây là trên phạm vi toàn cầu, ba loài cây trồng quan trọng nhất là ngô, lúa nước và lúa mì cung cấp khoảng 60% lượng calori và protein mà con người lấy được từ thực vật. Còn vô số các loài cây trồng khác có nguồn gốc ngoại lai mà hiện nay nhân loại vẫn đang sử dụng rất thành công và mang lại hiệu quả kinh tế lớn như cây điều (Anacardium occidentale), cao su (Hevea brasiliensis), cà phê v.v.2. Nghịch lý thứ hai : Lâm nghiệp thế giới thích trồng cây nhập nội.Bạch đàn (Eucalyptus L’Herit) là chi thực vật thuộc họ Sim (Myrtaceae) với trên 500 loài chỉ có phân bố duy nhất ở Ôxtrâylia (trừ hai loài là E.urophylla gặp ở Inđônêxia và E.deglupta gặp ở Philipin). Theo ước tính của Tổ chức Lương nông (FAO) thì cho tới năm 1985, đã có gần trăm nước gây trồng bạch đàn trong đó diện tích rừng trồng ở 13 nước trồng nhiều nhất đã đạt trên 5 triệu ha và 60 nước còn lại trồng được nửa triệu ha. Các nước trồng nhiều nhất lúc đó là :·Braxin, châu Mỹ: 2.500.000 ha·ấn Độ, châu á:550.000·Nam Phi, châu Phi:470.000·Bồ Đào Nha, châu Âu:430.000·Ăngôla, châu Phi:390.000·Tây Ban Nha, châu Âu:390.000·Trung Quốc, châu á:300.000·Êtiôpi, châu Phi:250.000·áchentina, châu Mỹ:240.000·Ma-rốc, châu Phi:180.000Điều nghịch lý là cho tới năm 1989, cả đất nước Ôxtrâylia rộng lớn, xứ sở của bạch đàn lại mới chỉ trồng được 55.000 ha, nghĩa là bằng gần 1% của toàn thế giới và chỉ bằng 1/5 của Braxin năm 1985. Ước tính cho tới năm 2000, toàn thế giới trồng được khoảng 10 triệu ha bạch đàn.Điều nghịch lý này cũng lại đúng cho các loài keo Acacia. Keo Acacia là chi thực vật thuộc họ Đậu (Leguminosae) gồm khoảng 1200 loài, trong đó riêng Ôxtrâylia cũng đã có tới 850 loài. Lại một lần nữa các nước châu á là nơi gây trồng nhiều nhất các loài Keo Ôxtrâylia. Đến năm 1991, Trung quốc đã trồng 60.000 ha, riêng đảo Xumatơra của Inđônêxia đã trồng 38.000 ha tới năm 1990. Malaixia đã có 61.000 ha keo tai tượng (A.mangium) vào năm 1991 và dự kiến đạt nửa triệu ha tới năm 2000.Trong khi thờ ơ với việc trồng bạch đàn và keo Acacia bản địa, Ôxtrâylia lại hăng hái trồng các loài cây nhập nội cho năng suất cao đó là thông caribê (Pinus caribaea), thông elliottii (P.elliottii) có nguồn gốc từ châu Mỹ và cây lai của hai loài trên. Riêng bang Queensland, trong tổng số 176.000 ha rừng trồng, có 40% là thông elliottii, 35% là thông caribê và chỉ có 25% là của cây bản địa. New Zealand là đất nước nổi tiếng thế giới về trồng rừng thông radiata (Pinus radiata) có năng suất cao và đây là cây trồng rừng chủ yếu của đất nước này. Song khó ai tin được rằng, thông radiata là cây nhập nội có nguồn gốc từ bắc Mỹ lại có tầm quan trọng khó lường ở ngoài vùng phân bố của nó.3. Nghịch lý thứ ba : Việt Nam trồng thành công nhiều cây nhập nội.Việt Nam có nhiều loài cây nhập nội đã được gây trồng thành công trên diện rộng. Nếu chỉ kể đến các loài cây gỗ, cây đặc sản thì đó là cây điều, cây cao su, cà phê, long não, xà cừ, sa mu, phi lao, thông đuôi ngựa, thông caribê, tếch, bạch đàn, keo v.v. Nhiều loài cây trong số đó đã trở thành quen thuộc và không thể thiếu trong đời sống của nhân dân ta. Đối với vùng cát ven biển, phi lao đã trở nên không thể thay thế; thông đuôi ngựa và sa mu đã được coi như cây bản địa của vùng núi phía Bắc.Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đã đề xuất 92 loài cây cho trồng rừng ở các vùng sinh thái khác nhau trong cả nước, trong đó có 20 loài nhập nội và trên 70 loài bản địa, song cây nhập nội vẫn chiếm tỷ trọng gây trồng lớn. Theo Nguyễn Ngọc Lung (1994), trong tổng số 23 loài cây phục vụ trồng rừng ở miền Bắc Việt nam, chỉ riêng 5 loài hoặc nhóm loài cây nhập nội là nhóm loài bạch đàn, keo tai tượng, keo lá tràm, phi lao và thông đuôi ngựa đã chiếm tới 54% tổng số diện tích rừng trồng. Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ Lâm nghiệp (1994) cho biết trong giai đoạn 1986-1992, diện tích rừng trồng 10 loài cây nhập nội là thông đuôi ngựa, thông caribê, bạch đàn caman, bạch đàn têrê, bạch đàn urô và bạch đàn liễu, keo tai tượng , keo lá tràm, điều, tếch đã chiếm tới 61% tổng diện tích rừng trồng, còn 11 loài cây bản địa chính chỉ chiếm 39%.Điều có nguồn gốc từ Nam Mỹ (Braxin) song đã được nhập vào ấn Độ từ hơn 400 năm và vào Việt Nam từ hơn 200 năm. Nước ta hiện nay là một trong 4 nước có diện tích trồng và sản lượng hạt điều cao nhất đó là ấn Độ, Inđônêxia, Braxin và Việt Nam. Cà phê Việt Nam cũng đang là một mặt hàng xuất khẩu có giá trị, ngoài ra cao su, tếch và một số loài cây nhập nội khác cũng đang được ưu tiên phát triển mở rộng diện tích gây trồng.4. Nghịch lý thứ tư : Khó gây trồng phát triển cây bản địa ?Điều rất đáng được quan tâm là vốn cây bản địa hiện đang bị suy giảm nghiêm trọng cả về chủng loại và số lượng do các hoạt động phá rừng. Rừng lá rộng thường xanh đang ngày một thu hẹp và dần biến thành đồi trọc. Môi trường sống bị phá huỷ, các hệ sinh thái rừng bị đe doạ, các loài động thực vật rừng quý hiếm đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng. Việc phục hồi rừng bằng các loài cây bản địa đang trở thành một vấn đề cấp bách. Song có một nghịch lý khó giải quyết : gây trồng phát triển cây bản địa là một công việc rất khó khăn. Điều gì đã làm cho vấn đề trở nên phức tạp và khó giải quyết đến như thế ?* Các lý do về hiểu biết : Chúng ta còn thiếu nhiều hiểu biết sâu sắc về các hệ sinh thái rừng, các loài bản địa nói chung và đặc điểm riêng cho từng loài cụ thể như nhu cầu về đất đai, khí hậu, ánh sáng ở các giai đoạn khác nhau, mối liên hệ giữa các loài trong quần thể đa loài, khả năng tái sinh tự nhiên, khả năng gây trồng, vật hậu v.v. Với những lỗ hổng lớn về hiểu biết như vậy chắc chắn khó có thể phát triển cây bản địa trên diện rộng.* Các lý do về nhận thức : Các nhà quản lý mong muốn nhanh chóng đưa nhanh các loài cây bản địa vào gây trồng đại trà, song đối với các nhà sản xuất kinh doanh, khai thác là dễ hơn cả, còn trồng rừng với luân kỳ 50 năm (hoặc hơn nữa) là quá dài đối với họ, trong khi lãi suất ngân hàng cao, hiểm hoạ đối với loại rừng này lại lớn, vì vậy họ chỉ đầu tư vào các loài cây có luân kỳ ngắn (5-7 năm) nhanh chóng thu sản phẩm cho công nghiệp và xuất khẩu để sớm thu hồi vốn và có lãi. Ai sẽ là người đầu tư cho cây bản địa ? Rõ ràng Chính phủ phải là nhân tố chủ đạo.* Các lý do về kỹ thuật : Cây bản địa quen sống trong một môi trường sống hoàn chỉnh, ít biến động nên có nhu cầu cao về đất và các yếu tố khác. Không thể đưa trồng ngay cây bản địa trên đất trống, đồi núi trọc khô cằn, trồng thuần loại tràn lan trên diện rộng. Do tuổi thọ dài, hiểu biết thiếu, kỹ thuật chưa đồng bộ nên khả năng thành rừng khi trồng cây bản địa thuần loại trên diện rộng là khó như trường hợp rừng mỡ (Manglietia glauca) và lát hoa (Chukrasia tabularis) cho gỗ lớn trong những năm vừa qua. Rừng trồng bồ đề (Styrax tonkinensis) rất thành công ở luân kỳ đầu song năng suất giảm dần ở các luân kỳ sau mà chưa có các biện pháp giải quyết thoả đáng. Ai cũng biết nghiên cứu cần phải đi trước một bước song đầu tư cho nghiên cứu các vấn đề này còn quá thấp.* Các lý do về xã hội : Vùng có nhu cầu lớn về trồng cây bản địa thường là vùng sâu vùng xa, đời sống của dân còn gặp nhiều khó khăn, giao thông yếu, điều kiện để tiếp thu kỹ thuật mới còn nhiều hạn chế. Quy hoạch đất rừng, bảo vệ rừng, đất cho trồng rừng, trồng rừng gì v.v. ở các địa phương còn chưa cụ thể. Người dân vẫn phá rừng lấy đất trồng cây công nghiệp và cây lương thực. Vốn cho trồng rừng thiếu, dân chưa muốn trồng rừng luân kỳ dài và rừng hiện còn khó bảo vệ. Một số nơi đã có đầu tư của Nhà nước cho trồng rừng cây bản địa song mức đầu tư còn thấp, trồng quảng canh, chưa tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật.NGHịCH Lý CủA NGHịCH Lý : ĐịNHHƯớNGGIảIQUYếT.Với kinh nghiệm quý thu được từ hàng trăm năm và 35 năm xây dựng ngành Lâm nghiệp, hàng chục loài cây bản địa đã được đưa vào trồng rừng thành công ở các mức độ và phạm vi khác nhau. Hàng chục loài cây đã có được quy trình, quy phạm hoặc hướng dẫn kỹ thuật gây trồng. Hồi ở Lạng Sơn và quế ở Yên Bái đã từng được người dân địa phương gây trồng thành công từ hàng trăm năm qua và còn được mở rộng sang các địa phương lân cận. Lim xanh đã được trồng từ hàng chục năm nay tại nhiều địa phương như Thanh hóa, Hoà Bình, Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Cầu Hai (Phú Thọ), kể cả một số nơi ngoài vùng phân bố của loài như Lang Hanh (Lâm Đồng), Trảng Bom (Đồng Nai). Bồ đề và mỡ đã từng là các loài cây trồng rừng chính của vùng trung tâm và Đông Bắc Bộ. Thông nhựa thành loài cây phủ xanh quen thuộc của vùng trung du miền Bắc và Trung bộ mà chỉ có nó mới chịu nổi những đồi đá ong khô cằn. Trẩu, sở đã từng được trồng ở nhiều nơi của vùng núi miền Bắc và Bắc Trung Bộ; cũng như thông ba lá ở Tây Nguyên; sao, dầu ở Nam Bộ; các cây chủ cánh kiến đỏ (cọ phèn, cọ khiết, đậu thiều) ở Tây Bắc.Những năm gần đây, nhiều loài cây khác cũng đã được thử nghiệm trên nhiều dạng lập địa và khí hậu như cẩm lai ở Đông Nam Bộ; gõ đỏ và bời lời đỏ ở Tây Nguyên, trầm hương ở miền Trung; mạy sao, hông, kháo vàng, dẻ đỏ, dẻ ăn quả ở vùng Đông Bắc, táo mèo ở Tây Bắc; lát hoa ở Sơn La, Hoà Bình và Nghệ An; huỷnh ở Quảng Bình và các loài tre luồng, song mây ở rải rác nhiều nơi.Rừng lim xanh 35 tuổi trồng tại Cầu Hai (Đoan Hùng, Phú Thọ) năm 1961 nay có chiều cao bình quân 15 m và đường kính bình quân 39,5 cm (mật độ ban đầu 1100 cây/ha qua nhiều lần chặt tỉa nay còn 100 cây/ha). Nguyễn Bá Chất (1996) thông báo rằng lát hoa trồng trong băng rộng 20 m sau 4 năm cho chiều cao vút ngọn 5,5 m và đường kính ngang ngực 5,4 cm. Bảng 1 giới thiệu một số số liệu tăng trưởng chiều cao và đường kính ngang ngực của một số loài cây bản địa được trồng trong vườn sưu tập cây gỗ ở Cầu Hai, Phú Thọ và rừng trồng ở một số nơi khác.Bảng 1 : Tăng trưởng của một số loài cây bản địa trồng ở một số nơi.
loài | tuổi (năm) | tăng trưởng D 1,3(cm/năm) | tăng trưởng H (m/năm) | địa phương |
Lim xanh | 35 | 1,09 | 0,35 | Tam Đảo,Vĩnh Phúc |
Lim xanh | 35 | 1,13 | 0,43 | Cầu Hai, Phú Thọ |
Lim xanh | 5 | 1,46 | 1,08 | Cầu Hai, Phú Thọ |
Lim xẹt | 5 | 1,73 | 1,29 | Cầu Hai, Phú Thọ |
Ràng ràng mít | 5 | 1,20 | 1,25 | Cầu Hai, Phú Thọ |
Vạng trứng | 5 | 2,16 | 1,59 | Cầu Hai, Phú Thọ |
Sồi phảng | 5 | 2,54 | 1,51 | Cầu Hai, Phú Thọ |
Re gừng | 5 | 1,86 | 1,27 | Cầu Hai, Phú Thọ |
Lát hoa * | 4 | 1,35 | 1,37 | Nghĩa Đàn, Nghệ An |
Như vậy có thể thấy rất rõ rằng việc gây trồng cây bản địa đã có tiềm năng lớn và có thể thực hiện được song không phải loài cây nào và nơi nào cũng thành công. Xác định loài cây thích hợp, chọn hoàn cảnh gây trồng phù hợp (đất đai và khí hậu), tạo hoàn cảnh trồng và chọn phương thức trồng cũng như xác định rõ nguồn giống phù hợp sẽ là những điều kiện cơ bản của thành công.
Tin mới nhất
- Hội đồng tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ cấp tỉnh: Nghiên cứu trồng rừng thâm canh cây Sồi phảng (Lithocapus fissus Champ. Ex Benth) cung cấp gỗ lớn ở Quảng Ninh
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết đề tài KHCN cấp Tỉnh: Nghiên cứu xây dựng mô hình rừng trồng thâm canh Vù hương (Cinnamomum balansae H.Lec) tại tỉnh Bắc Giang
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết đề tài KHCN cấp Quốc gia: Nghiên cứu bảo tồn và phát triển nguồn gen cây Bách vàng (Xanthocyparis vietnamensis Parjon &N.T.Hiep) ở một số tỉnh miền núi phía Bắc.
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết đề tài KHCN cấp Bộ: Nghiên cứu chọn giống và kỹ thuật trồng rừng thâm canh cây Sấu tía (Sandoricum Indicum Cav) cung cấp gỗ lớn tại các tỉnh phía Nam
- Hội đồng nghiệm thu Dự án Sản xuất thử nghiệm cấp Bộ: “Sản xuất thử nghiệm và hoàn thiện công nghệ nhân giống và trồng cây Tam thất hoang (Panax stipuleanatus) theo tiêu chuẩn GACP-WHO ở vùng Tây Bắc“
Các tin khác
- Một số loài nứa (schizostachyum) mới của Việt Nam
- Kết quả nghiên cứu ứng dụng Công nghệ RHIZOBIUM cho keo lai, keo tai tượng tại vườn ươm và rừng trồng
- Khả năng hấp thụ CO2 của một số loại rừng trồng chủ yếu ở Việt Nam
- Một số giải pháp kinh tế kỹ thuật nhằm khôi phục và phát triển rừng ngập mặn ở Việt Nam
- Nhóm cộng đồng hỗ trợ bảo tồn với Vùng Chim quan trọng