Lâm nghiệp cộng đồng ở Việt Nam – Tiềm năng, cơ hội và thách thức

Lâm nghiệp cộng đồng ở Việt Nam – Tiềm năng, cơ hội và thách thức

Nguyễn Hồng Quân – Phạm Xuân Phương

Việt Nam với 2/3 diện tích là vùng đồi núi, đây là nơi sinh sống của hơn 24 triệu đồng bào thuộc 54 dân tộc, đặc biệt là cộng đồng các dân tộc ít người mà cuộc sống của họ luôn gắn bó mật thiết với đất đai, rừng núi, đây cũng là nơi hoạt động chủ yếu của ngành lâm nghiệp, vì vậy, việc xã hội hoá ngành lâm nghiệp không chỉ là một yêu cầu thực tế khách quan của Việt Nam mà nó còn phù hợp với xu thế phát triển nghề rừng trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển.

Quá trình chuyển hướng mang tính chiến lược của ngành lâm nghiệp từ lâm nghiệp thuần tuý nhà nước sang lâm nghiệp nhân dân – lâm nghiệp xã hội (xã hội hoá ngành lâm nghiệp) được thực hiện từ hơn 15 năm trở lại đây, đã tạo ra nhiều nhân tố tích cực mới, đa dạng hoá các hình thức quản lý và phương thức tiếp cận mới đối với quản lý tài nguyên rừng. Qua đó, ngoài lâm nghiệp quốc doanh còn phát huy được vai trò của các thành phần kinh tế khác, đặc biệt là cộng đồng và hộ gia đình tham gia quản lý bảo vệ và phát triển vốn rừng.

Tuy nhiên trong quá trình chuyển hướng này, lâm nghiệp cộng đồng (LNCĐ) mới chỉ dừng ở bước thí điểm và chưa được pháp lý công nhận, cho đến ngày 3 tháng 12 năm 2004, Luật bảo vệ và phát triển rừng được Quốc hội chính thức thông qua, mới công nhận cộng đồng là một chủ thể được giao rừng với các quyền và nghĩa vụ được quy định cụ thể tại các điều 29 và 30. Đây là một chủ trương đúng đắn, tăng cường xã hội hoá nghề rừng, tạo thêm sức mạnh cho việc quản lý và phát triển vốn rừng, góp phần ổn định và nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng núi, bảo đảm an ninh chính trị và quốc phòng.

Để đạt được kết quả trên, thời gian qua, ngành và các dự án quốc tế đã tiến hành rất nhiều công trình nghiên cứu, xây dựng nhiều mô hình thí điểm, tổ chức nhiều cuộc hội thảo, thông tin quảng bá về lâm nghiệp cộng đồng. Tuy nhiên, nay luật đã ra đời, để lâm nghiệp cộng đồng phát triển có hiệu quả, đóng góp nhiều cho sự nghiệp bảo vệ và phát triển rừng thì những nghiên cứu trước đây, những thông tin của các hội thảo trước đây là chưa đủ. Nhiều vấn đề cần được đánh giá, xem xét, thống nhất lại, từ khái niệm đến đánh giá hiện trạng, những ưu điểm, những tồn tại, cơ hội, thách thức và điều đặc biệt từ đó đề xuất được những công việc cần tiến hành. Đây cũng chính là mục đích của bài viết này, giúp các nhà quản lý xác định được những nội dung, phương hướng cần tiến hành trong giai đoạn tiếp theo.

Khái niệm về cộng đồng.

Cộng đồng là một tập hợp những người sống gắn bó với nhau thành một xã hội nhỏ có những điểm tương đồng về mặt văn hoá, kinh tế, xã hội truyền thống, phong tục tập quán, có các quan hệ trong sản xuất và đời sống gắn bó với nhau và thường có ranh giới không gian trong một thôn, bản. Theo quan niệm này, “cộng đồng” chính là “cộng đồng dân cư thôn bản” (hiện có khoảng 50.000 thôn bản thuộc 9.000 xã). Tuy nhiên, trong phạm vi hẹp hơn còn bao gồm cả cộng đồng sắc tộc, cộng đồng các dòng họ, cộng đồng tôn giáo hoặc các nhóm hộ trong thôn bản.

Mặc dù có những quan niệm khác nhau về cộng đồng, nhưng phần lớn các ý kiến đều cho rằng “cộng đồng” được dùng trong quản lý rừng chính là nói đến cộng đồng dân cư thôn bản. Tại Điều 3Luật bảo vệ và phát triển rừng năm 2004 đã định nghĩa “Cộng đồng dân cư thôn là toàn bộ các hộ gia đình, cá nhân sống trong cùng một thôn, làng, bản, ấp, buôn, phum, sóc hoặc đơn vị tương đương“. Cộng đồng được dùng trong báo cáo này chủ yếu là nói về cộng đồng thôn bản.

Khái niệm về cộng đồng tham gia quản lý rừng.

Cộng đồng tham gia quản lý rừng cũng có thể thay thế bằng một từ chung nhất là lâm nghiệp cộng đồng (LNCĐ).

Theo FAO, LNCĐ là thuật ngữ bao trùm diễn tả hàng loạt các hoạt động gắn người dân với rừng, cây, các sản phẩm của rừng và việc phân chia lợi ích các sản phẩm này.

Hiện nay, ở Việt Nam có những quan điểm khác nhau về LNCĐ và chưa có một định nghĩa chính thức nào được công nhận. Tuy nhiên, qua các cuộc hội thảo dường như mọi người đều thống nhất ở Việt Nam, có hai hình thức quản lý rừng cộng đồng phù hợp với định nghĩa của FAO như sau:

– Thứ nhấtquản lý rừng cộng đồng (QLRCĐ):

Đây là hình thức mà mọi thành viên của cộng đồng tham gia quản lý và ăn chia sản phẩm hoặc hưởng lợi từ những khu rừng thuộc quyền quản lý, sử dụng, sở hữu của cộng đồng hoặc thuộc quyền sử dụng chung của cộng đồng.

Rừng của cộng đồng là rừng của làng bản đã được quản lý theo truyền thống lâu đời (rừng thiêng, rừng ma, rừng mó nước…quản lý theo các luật tục truyền thống với tinh thần tự nguyện cao); rừng trồng của các hợp tác xã, rừng tự nhiên đuợc giao cho các hợp tác xã trước đây, nay hợp tác xã giao lại cho các xã, hoặc các thôn quản lý; rừng được chính quyền địa phương giao cho cộng đồng với tính chất thí điểm trong thời gian gần đây.

– Thứ hai làquản lý rừng dựa vào cộng đồng.

Đây là hình thức cộng đồng tham gia quản lý các khu rừng không thuộc quyền quản lý, sử dụng, sở hữu chung của họ mà thuộc quyền quản lý, sử dụng sở hữu của các thành phần kinh tế khác nhưng có quan hệ trực tiếp đến đời sống, đến việc làm, thu hoạch sản phẩm, thu nhập hay các lợi ích khác của cộng đồng (thuỷ lợi nhỏ, nước sinh hoạt…). Hình thức này bao gồm hai đối tượng:

+ Rừng của hộ gia đình, cá nhân là thành viên trong cộng đồng. Cộng đồng tham gia quản lý với tính chất hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau, chia xẻ lợi ích cùng nhau trên cơ sở tự nguyện (tạo thêm sức mạnh để báo vệ rừng, hỗ trợ hoặc đổi công cho nhau trong các hoạt động lâm nghiệp…).

+ Rừng thuộc quyền quản lý, sử dụng, sở hữu của các tổ chức nhà nước (các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, các lâm trường, công ty lâm nghiệp nhà nước, các trạm trại…) và các tổ chức tư nhân khác. Cộng đồng tham gia các hoạt động lâm nghiệp như bảo vệ, khoanh nuôI xúc tiến tái sinh, phục hồi rừng, trồng rừng với tư cách là người làm thuê thông qua các hợp đồng khoán và hưởng lợi theo các cam kết trong hợp đồng.

Từ sự phân tích trên đây cho thấy, LNCĐ, QLRCĐ là những khái niệm khác nhau. Thuật ngữ QLRCĐ được sử dụng với ý nghĩa hẹp hơn để chỉ CĐ quản lý những khu rừng của một cộng đồng dân cư, còn nói đến LNCĐ hay cộng đồng tham gia quản lý rừng chính là diễn tả hàng loạt các hoạt động gắn người dân trong cộng đồng dân cư thôn bản với rừng, cây, các sản phẩm của rừng và việc phân chia lợi ích từ rừng. Hay nói cách khác, LNCĐ là một hình thức quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát triển rừng do cộng đồng dân cư thôn bản thực hiện bao gồm cả rừng của cộng đồng và rừng của các thành phần kinh tế khác.

Vớicách hiểu như vậy, nên chấp nhận LNCĐ bao gồm cả quản lý rừng cộng đồng (cộng đồng quản lý rừng của cộng đồng) và quản lý rừng dựa vào cộng đồng (cộng đồng quản lý rừng của các chủ rừng khác). Khái niệm này vừa phù hợp với định nghĩa của FAO vừa phát huy được nhiều hơn sự đóng góp của cộng đồng vào quản lý, bảo vệ, xây dựng và phát triển rừng.

Đặc trưng và tiêu chí LNCĐ.

Tiêu chí về LNCĐ được xây dựng dựa trên cơ cơ sở khái niệm về LNCĐ. Do có những quan niệm khác nhau về LNCĐ nên có những ý kiến khác nhau về tiêu chí của LNCĐ, tuy nhiên có thể khái quát một số tiêu chí chính sau đây:

a- Quyền sử dụng đất và quyền sử dụng rừng thuộc về cộng đồng.

Đây là một trong những tiêu chí quan trọng nhất xác lập rừng cộng đồng. Quyền sử dụng đất và quyền sử dụng rừng thuộc về cộng đồng, điều đó có nghĩa “cộng đồng” là chủ rừng, được nhà nước công nhận quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng ổn định, lâu dài phục vụ cho lợi ích của CĐ.

b- Rừng cộng đồng chủ yếu đáp ứng các yêu cầu của cộng đồng cả về sản phẩm, môi trường sinh thái và xã hội

+ Nhu cầu thiết yếu như gỗ, củi và lâm đặc sản, chăn thả gia súc

+ Nhu cầu sử dụng một số khu rừng vì lợi ích chung như rừng bảo vệ nguồn nước, rừng gỗ quý, rừng thiêng, rừng ma gắn liền với phong tục tập quán, tín ngưỡng của các đồng bào dân tộc.

+ Tuỳ theo điều kiện, rừng cộng đồng có thể sản xuất ra hàng hoá để đổi lấy các nhu yếu phẩm khác phục vụ đời sống của các thành viên trong cộng đồng.

c- Quản lý rừng cộng đồng được thực hiện chủ yếu thông qua sử dụng các nguồn lực sẵn có của cộng đồng, kết hợp với sự hỗ trợ của nhà nước

Đây là tiêu chí để phân biệt rừng cộng đồng với rừng của các tổ chức kinh tế khác. Cộng đồng không có nguồn tài chính thu từ rừng để trả công lao động. Tuy nhiên, cộng đồng dân cư làng bản có nguồn lao động dồi dào, có những kiến thức bản địa về lâm sinh, nông lâm kết hợp và quản lý rừng. Đây là thế mạnh nếu biết phát huy sẽ tạo ra nguồn lực để bảo vệ, xây dựng và phát triển rừng. Mặt khác, Chính phủ có nhiều chính sách hỗ trợ để tăng cường sự tham gia của người dân vào quản lý rừng.

d. Quản lý rừng cộng đồng bằng những quy ước/hương ước được xây dựng với sự tham gia của toàn thể cộng đồng và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp nhận

Làng bản muốn quản lý được rừng của mình phải dựa vào pháp luật của nhà nước, vào nhu cầu của cộng đồng, trình độ dân trí để soạn thảo và ban hành quy ước/hương ước quản lý và bảo vệ rừng. Nội dung quy ước/hương ước quy định quyền lợi và nghĩa vụ của mọi thành viên cộng đồng trong việc bảo vệ và phát triển rừng. Đây là một trong những tiêu chí quan trọng để nhận biết địa phương đó đã có rừng cộng đồng hay chưa.

e. Các hình thức tổ chức quản lý rừng cộng đồng tương đối linh hoạt, mềm dẻo để thu hút sự tham gia của các thành viên trong cộng đồng

Vì sự tham gia của các thành viên trong cộng đồng mang tính chất tự nguyện, nên đòi hỏi phải có những hình thức tổ chức và quản lý đa dạng, linh hoạt và mềm dẻo. Có thể áp dụng các hình thức tổ chức như: thành lập tổ chuyên trách bảo vệ rừng (huy động các hộ gia đình hay huy động các tổ chức đoàn thể trong cộng đồng tham gia bảo vệ rừng), các nhóm sở thích. Nếu hình thức tổ chức cứng nhắc, như tổ chức theo kiểu làm công, thuê khoán thì đó không phải là kiểu tổ chức quản lý rừng cộng đồng.

Bảng 1. Khái quát các tiêu chí nhận biết về LNCĐ

Các tiêu chí

Các chỉ số nhận biết

1.- Quyền sử dụng đất và quyền sử dụng rừng thuộc về cộng đồng

– Được nhà nước giao đất, giao rừng sử dụng rừng ổn định, lâu dài vào mục đích lâm nghiệp

– Được nhà nước công nhận quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng (hợp pháp hoá diện tích rừng cộng đồng đã quản lý theo truyền thống từ nhiều năm trước, rừng do HTX bàn giao lại cho cộng đồng quản lý)

2. Mục đích của rừng cộng đồng

– Cung cấp gỗ gia dụng của cộng đồng dân cư làng bản (gỗ và lâm sản để làm nhà mới, sửa chữa lớn nhà cửa, củi, măng, chăn thả gia súc..)

– Cung cấp gỗ và lâm sản phục vụ chung cho cộng đồng thôn bản.

– Bảo vệ nguồn nước, chống xói mòn đất

— Bảo vệ rừng gỗ quý, rừng thiêng, rừng ma

3. Sử dụng các nguồn lực để quản lý rừng cộng đồng

– Chủ yếu sử dụng các nguồn lực sẵn có của cộng đồng,

– Có sự hỗ trợ của nhà nước và các tổ chức chính phủ và phi chính phủ

4. Quy ước/hương ước quản lý rừng

– Quy ước/hương ước được xây dựng với sự tham gia của toàn thể cộng đồng và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp nhận.

5. Hình thức tổ chức quản lý rừng cộng đồng

– Hình thức tổ chức và quản lý rừng linh hoạt ( thành lập tổ chuyên trách bảo vệ rừng, các hộ gia đình trong cộng đồng luân phiên tuần tra rừng, huy động các tổ chức đoàn thể cấp cộng đồng tham gia bảo vệ rừng..vv).

Tính ưu việt của LNCĐ.

Cộng đồng tham gia quản lý rừng có tính ưu việt sau:

– Cộng đồng đân tộc thiểu số sống gắn bó với rừng, rừng là nơi cung cấp đất canh tác, cung cấp gỗ củi, lâm sản phụ, lương thực, thực phẩm, dược liệu…vì vậy nếu phát huy tốt vai trò của họ thì sẽ tạo thêm sức mạnh đối với quản lý bảo vệ, xây dựng và phát triển rừng, phục vụ trước hết cho lợi ích của cộng đồng, đồng thời góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, xã hội miền núi, thực hiện các các chương trình quan trọng của nhà nước (Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, xoá đói giảm nghèo…), bảo đảm phòng hộ môi trưòng, an ninh chính trị, quốc phòng…

– QLRCD phù hợp với tập quán truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, có tính cộng đồng cao, có nhiều kiến thức bản địa tốt, đặc biệt cộng đồng có mặt hầu khắp mọi nơi, mọi lúc trong vùng núi, đây là một lợi thế mà các thành phần kinh tế khác không có. Lợi thế này giúp cho việc quản lý bảo vệ rừng được thuận lợi hơn.

– Quản lý rừng có hiệu quả, ít tốn kém thông qua trách nhiệm và sự cam kết tự nguyện của người dân trước cộng đồng.

– Bảo đảm nhu cầu tối thiểu về lâm sản của người dân mà nhà nước không phải đầu tư quản lý, bảo vệ.

– Bảo đảm tính công bằng trong chia xẻ lợi ích, từ đó bảo đảm sự đoàn kết trong cộng đồng và giữa các cộng đồng, góp phần ổn định xã hội.

Thực trạng cộng đồng tham gia quản lý rừng.

a- Về quy mô diện tích.

Theo kết quả kiểm kê rừng dến 31/12/2003 thì rừng đã giao cho hộ gia đình và tập thể là 2.616.931ha/tổng số 12.094.518 ha rừng toàn quốc tương ứng 21,3%, trong đó rừng tự nhiên 1.758.892ha/tổng số 10.004.709 ha (tương ứng 17,6%), rừng trồng 858.039ha/tổng số 2.089.809 ha (tưong ứng 41%).

Theo số liệu của Cục Kiểm lâm tính đến tháng 6/2001, các cộng đồng dân cư thuộc 1.203 xã, 146 huyện của 24 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang tham gia quản lý 2.348.295 ha rừng và đất chưa có rừng, chiếm khoảng 15,5% diện tích đất lâm nghiệp (đất có rừng và đất rừng) trong toàn quốc.

b- Về nguồn gốc hình thành.

Có thể phân thành 3 loại sau đây:

– Rừng và đất rừng do cộng đồng tự công nhận và quản lý theo truyền thống từ nhiều đời nay

+ Đây là các loại rừng quản lý theo truyền thống của các đồng bào dân tộc thiểu số. Về mặt pháp lý, các quyền sở hữu, quyền sử dụng các khu rừng này chưa được xác lập, nhưng trên thực tế nó đang được điều tiết một cách không chính thức bởi các luật tục truyền thống. Trong xã hội cổ truyền của một số đồng bào dân tộc ít người, làng bản là đơn vị độc lập cao nhất. Mỗi làng đều có ranh giới lãnh điạ nhất định bao gồm cả đất, rừng, nguồn nước, suối…Toàn bộ các hoạt động quản lý tài nguyên của cộng đồng được thực hiện bởi già làng, trưởng bản thông qua các luật tục hay hương ước được thực hiện một cách tự nguyện truyền từ đời này qua đời khác.

+ Tính đến tháng 6/2001, tổng diện tích rừng và đất rừng thuộc loại này là 214.006 ha, bao gồm: 86.701 ha đất có rừng; 127.304 ha đất trống đồi núi trọc. Đó là những khu rừng thiêng, rừng ma, rừng đình, rừng thổ công, rừng mó nước, rừng phòng hộ xóm làng (chống sạt lở, đá lăn…), những khu rừng cung cấp lâm sản truyền thống cho cộng đồng (săn bắn, thu hái thực phẩm, cây thuốc…), bãi chăn thả. Ngoài ra, thuộc loại này, còn bao gồm rừng trồng của Hợp tác xã, rừng tự nhiên đã giao cho Hợp tác xã trước đây, nay giao lại cho các xã hoặc thôn bản quản lý.

Hình thức này phổ biến ở cộng đồng người dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu, vùng xa, nơi tính cộng đồng, hương ước làng bản còn được duy trì.

Xét về khía cạnh pháp lý: Tại Điều 9, Nghị định 17/HĐBT ngày 17/1/92 của Hội đồng Bộ trưởng và tại điều 29 Luật bảo vệ và phát triển rừng năm 2004 đã thừa nhận cộng đồng thôn bản là chủ rừng đối với diện tích rừng làng, rừng bản nói trên. Nhưng trên thực tế, chính quyền địa phương chưa làm thủ tục giao quyền sử dụng lâu dài cho các cộng đồng.

– Rừng và đất rừng chính quyền địa phương giao cho cộng đồng quản lý, sử dụng ổn định lâu dài.

+ Tổng diện tích là 1.197.961 ha, bao gồm: đất có rừng 669.750 ha, đất trống đồi núi trọc 528.211 ha. Thời gian qua, mặc dù pháp luật chưa quy định cộng đồng là đối tượng giao quyền sử dụng đất, nhưng đã có 18 tỉnh mạnh dạn làm thí điểm giao đất, giao rừng cho cộng đồng.

+ Rừng giao cho cộng đồng phần lớn là rừng nghèo, phục hồi sau nương rẫy hoặc sau khai thác kiệt. Một số cộng đồng được giao đất trống đồi trọc để trồng rừng hoặc khoanh nuôi xúc tiến tái sinh, hiếm có trường hợp cộng đồng được giao những diện tích rừng giàu để quản lý, bảo vệ và sử dụng ổn định lâu dài.

+ Đối với diện tích đất và rừng giao cho cộng đồng: các thành viên của cộng đồng cùng đầu tư, quản lý và hưởng lợi, hoàn toàn dựa trên nguyên tắc tự nguyện và cùng có lợi giữa các thành viên của cộng đồng. Cộng đồng tự thành lập tổ, nhóm để tiến hành các hoạt động lâm nghiệp nhằm giải quyết các lợi ích cho các thành viên trong cộng đồng. Nhiều nơi, đất lâm nghiệp giao cho cộng đồng thuộc các khu vực dự án như Chương trình 327, Dự án 661 và các dự án quốc tế (Thụy Điển, Đan Mạch, Công Hoà Liên bang Đức, WB).

Tuy nhiên cho đến nay, cộng đồng mới chỉ được nhận quyết định giao đất, giao rừng mà chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên ngoài nguồn đầu tư và hỗ trợ từ các chương trình, dự án thì các quyền cơ bản của chủ rừng theo quy định của pháp luật, cộng đồng vẫn không được hưởng

Rừng và đất rừng cộng đồng nhận khoán bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh và trồng mới rừng của các tổ chức nhà nước

Tổng diện tích là 936.327 ha, bao gồm đất rừng phòng hộ 494.242 ha, đất rừng đặc dụng 39.289 ha; đất rừng sản xuất 402.795 ha.

Đây là hình thức cộng đồng nhận khoán theo quy định tại Nghị định 01/CP của Chính phủ, các tổ chức giao khoán cho cộng đồng chủ yếu là lâm trường quốc doanh, Ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, Ban quản lý các dự án 327, 661 và các dự án khác. Cộng đồng tự tổ chức thực hiện các công việc và hưởng lợi theo hợp đồng ký kết.

c- Các hình thức cộng đồng tham gia quản lý rừng.

Có thể so sánh khái quát các hình thức cộng đồng tham gia quản lý rừng như sau:

Từ kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, quy mô thôn là phù hợp cho quản lý rừng cộng đồng vì:

– Thích hợp đối với vùng sâu, vùng xa.

– Phù hợp với truyền thống tập quán của nhiều nhóm dân tộc.

– Phù hợp với điều kiện sản xuất hiện nay của dân khi nền kinh tế chưa phát triển.

– Phù hợp đối với quản lý tất cả các loại rừng, kể cả rừng phòng hộ và đặc dụng.

– Phù hợp với trình độ quản lý của người dân cấp thôn bản.

Bảng 2. Khái quát các hình thức cộng đồng tham gia quản lý rừng

Hình thức

Điểm mạnh

Điểm yếu

Thôn/bản

– Có nhiều tiềm năng về các mặt:

Vị trí địa lý (tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên).

Kinh tế (tài chính, sản xuất).

Xã hội (Truyền thống, tổ chức, quy ước nội bộ, quan hệ..)

Nguồn nhân lực (lao động, lãnh đạo).

Có khả năng quản lý tất cả các loại rừng.

– Chưa có ranh giới rõ ràng.

– Chưa có đủ tư cách pháp nhân

– Vai trò trưởng thôn mang tính hành chính và chưa có trách nhiệm pháp lý.

– Trình độ quản lý thấp.

– Chưa có cơ chế tài chính, nguồn thu hạn chế

– Phụ thuộc vào các cấp chính quyền cao hơn

Nhóm hộ/nhóm sở thích

– Quy mô nhỏ, dễ dàng tổ chức, quản lý thống nhất.

– Phù hợp với trình độ hiện nay của dân.

– Phù hợp với yêu cầu đầu tư của dân

– Có tiềm năng trở thành cấp thôn bản hoặc HTX kiểu mới

– Chi phí phù hợp với quy mô nhỏ.

– Khó bảo vệ rừng ở các vùng sâu, vùng xa.

Dòng tộc

Thuận lợi tương tự như nhóm hộ

– Khó được chấp nhận về mặt pháp lý.

– Có thể tạo nên mâu thuẫn cục bộ trong cộng đồng thôn bản

d- Hiệu quả đạt được.

Cho đến nay chưa có đánh giá hiệu quả quản lý rừng cộng đồng ở quy mô toàn quốc, tuy nhiên, căn cứ vào 3 kết quả Hội thảo quốc gia về quản lý rừng cộng đồng ở Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội ( tháng 6/2000, tháng 11/2001 và tháng 11/2004) có thể đưa ra một số nhận định sau:

– Nhiều nơi rừng cộng đồng được bảo vệ và phát triển tốt hơn, những nơi rừng do cộng đồng quản lý hầu như không bị chặt phá, do không có xâm hại nên rừng ngày càng tăng trưởng.

– Góp phần nâng cao thu nhập của người dân, xoá đói giảm nghèo, đáp ứng nhu cầu lâm sản cho các công trình chung của cộng đồng và hộ gia đình.

Đối với diện tích rừng do cộng đồng nhận khoán bảo vệ, hàng năm được Nhà nước hoặc chủ rừng trả tiền công khoán, đã góp phần giải quyết một phần khó khăn về đời sống cho một bộ phận dân cư.

Đối với diện tích rừng và đất rừng chính quyền địa phương giao, cộng đồng có thể tận dụng khi rừng chưa khép tán hoặc đất trống chưa trồng rừng để canh tác kết hợp cây nông nghiệp, chăn thả dưới tán rừng, được các dự án đầu tư hỗ trợ vốn để sản xuất, được hưởng lợi sản phẩm từ rừng.

Đối với diện tích rừng cộng đồng quản lý theo truyền thống cho đến nay hầu như cộng đồng có toàn quyền quyết định việc sử dụng tài nguyên rừng, trong đó đáp ứng nhu cầu lâm sản cho các công trình chung của cộng đồng, giải quyết nhu cầu gỗ làm nhà cho các hộ gia đình.

– Tiết kiệm chi phí cho Nhà nước: hiện nay có nhiều cộng đồng đang quản lý rừng hầu như không có sự hỗ trợ của Nhà nước về kinh phí, nhưng rừng vẫn được bảo vệ tốt.

– Rừng cộng đồng đã góp phần bảo vệ nguồn nước, giải quyết một phần nhu cầu gỗ gia dụng cho cộng đồng và thành viên của cộng đồng; khai thác lâm sản ngoài gỗ…, góp phần phát triển ngành nghề thủ công truyền thống và tăng thu nhập cho cộng đồng.

– Góp phần khôi phục truyền thống văn hoá, phong tục tập quán tốt đẹp của cộng đồng thông qua việc quản lý rừng cộng đồng, có sự giúp đỡ và hướng dẫn của các tổ chức nhà nước, đã góp phần thúc đẩy việc xây dựng và thực hiện quy chế quản lý, bảo vệ rừng; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; khôi phục truyền thống văn hoá tốt đẹp, hương ước của cộng đồng.

đ- Tồn tại và nguyên nhân.

-Tồn tại:

Mặc dầu đạt được các kết quả trên, song trong thực tế còn một số tồn tại sau:

+ Có nơi người dân không tha thiết với nhận đất, nhận rừng

+ Người dân nhận đất nhận rừng nhưng không hiểu rõ quyền lợi, nghĩa vụ của mình là gì. Việc quản lý, bảo vệ, sử dụng rừng sau khi giao không có tiến bộ gì hơn trước khi giao ( chủ yếu ở Tây Nguyên).

+ Cộng đồng không đủ quyền và lực để chống lại lâm tặc vì thiếu sự trợ giúp của chính quyền, của kiểm lâm và công an.

+ Thiếu vốn nên nhiều nơi nhận đất, nhận rừng nhưng không thể đầu tư vào sử dụng đất và phát triển rừng.

+ Thiếu kiến thức về kỹ thuật lâm nghiệp để quản lý, xây dựng, phát triển và sử dụng rừng có hiệu quả.

+ Nguồn thu từ rừng chưa chiếm tỷ trọng lớn trong thu nhập của cộng đồng, chưa thực sự đóng góp vào cải thiện đời sống của người dân.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tồn tại trên là:

+ Thời gian qua, khi Luật bảo và phát triển rừng chưa ra đời, LNCĐ mới chỉ được làm thí điểm hoặc tự phát ở một số địa phương với sự trợ giúp của các dự án hoặc chính quyền địa phương. Do chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý nên CĐ chưa được hưởng các quyền như các thành phần kinh tế khác (như các quyền được giao đất giao rừng, vay vốn tín dụng ưu đãi, chính sách hưởng lợi…) để thực hiện việc quản lý xây dựng và phát triển rừng.

+ Cộng đồng sống ở vùng sâu, vùng xa, trình độ dân trí thấp, cơ sở hạ tầng yếu kém, thiếu vốn lại thiếu sự trợ giúp của cơ quan, đoàn thể, chính quyền địa phương, đặc biệt là công tác khuyến lâm. Nhiều nơi tiến hành giao đất giao rừng quá ồ ạt, trong khi những điều kiện để tạo hậu thuẫn cho cộng đồng quản lý rừng chưa được chuẩn bị đầy đủ.

+ Rừng giao cho cộng đồng thường là rừng nghèo, rừng non nên thu nhập của người dân từ rừng ở nhiều nơi rất thấp, thậm trí không có thu nhập.

+ Cộng đồng ở một số nơi chưa được tổ chức và có cơ chế hoạt động chặt chẽ.

Những Cơ hội :

a. Trong hơn 10 năm qua nhà nước đã chuyển hướng mạnh từ lâm nghiệp nhà nước sang lâm nghiệp xã hội, LNCĐ là một đối tượng quan trọng trong quá trình chuyển hướng này và đựơc nhà nước quan tâm tạo điều kiện phát triển. Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách có liên quan hoặc có thể vận dụng cho phát triển LNCĐ.

b. Một chuyển biến lớn mang tính quyết định cho việc phát triển LNCĐ là Luật đất đai năm 2003 đã công nhận cộng đồng là đối tượng được giao đất và Luật bảo vệ và phát triển rừng năm 2004 đã công nhận cộng đồng là một thành phần được giao rừng.

c. LNCĐ là tồn tại khách quan, nó vừa phù hợp với truyền thống lâu đời vừa là đòi hỏi thực tế của đồng bào dân tộc thiểu số vùng núi, nơi mà đời sống văn hoá, kinh tế-xã hội của người dân luôn gắn bó với rừng.

d. Mặc dầu Luật bảo vệ và phát triển rừng mới ra đời nhưng LNCĐ đã được phục hồi ở hầu hết các tỉnh miền núi trên phạm vi toàn quốc. Vì vậy quản lý rừng có sự tham gia của cộng đồng dân cư thôn, bản là mô hình quản lý rừng khả thi về mặt kinh tế- xã hội và tiết kiệm về chi phí cho nhà nước.

đ. Tỷ lệ số xã có rừng cộng đồng trong tổng số xã tương đối lớn, ở các tỉnh miền núi phía bắc hầu hết trên 50%, có tỉnh trên 75% như Cao Bằng, Hoà Bình, Lai Châu (cũ), Hà Giang.

e. Diện tích rừng thôn, bản hiện chiếm tỷ trọng tương đối lớn và có xu thế tăng trong những năm tới, do tác động của Lụât bảo vệ và phát triển rừng năm 2004, các địa phương sẽ tiếp tục giao rừng cho cộng đồng quản lý sử dụng lâu dài vào mục đích lâm nghiệp.

f. ở hầu hết các địa phương đều có các mô hình tốt được xây dựng bởi các dự án trong và ngoài nước, nhiều bài học kinh nghiệm về quản lý rừng CĐ đã được đúc rút là những cơ sở để nhân rộng trong tương lai.

g. Cộng đồng có nguồn lao động dồi dào, lại sống trải rộng trên hầu khắp diện tích rừng, có khả năng tiếp thu các kỹ thuật lâm nghiệp, có đức tính thật thà chất phác nên thường thực hiện tốt các kỹ thuật mà họ tiếp thu được.

h. Những kết quả nghiên cứu, điều tra đánh giá, những phương pháp luận, những giải pháp kỹ thuật được xây dựng, các cuộc hội thảo quốc gia, hội thảo vùng được tổ chức bởi các các tổ chức, các dự án trong nước và quốc tế là vô cùng phong phú và quý giá, có ý nghĩa khoa học, thực tiễn lớn. áp dụng những thành quả sẵn có này sẽ tạo thuận lợi cho việc phát triển LNCĐ trong tương lai.

Những thách thức.

a. Về mặt luật pháp lý, tại điểm đ, khoản 2, điều 30, mục 3 có quy định: cộng đồng không được…, thế chấp, bảo lãnh, góp vốn kinh doanh bằng giá trị quyền sử dụng rừng được giao. Cộng đồng không có quyền thế chấp để vay vốn đầu tư bảo vệ và phát triển rừng như hộ gia đình, trong khi nguồn nội lực của cộng đồng rất hạn chế nên phải trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước và các dự án quốc tế. Song nguồn vốn của nhà nước cũng hạn chế, còn các dự án quốc tế thì không phải nơi nào, lúc nào cũng có.

b. Do Luật bảo vệ và phát triển rừng mới ra đời nên các văn bản dưới luật như nghị định, thông tư hướng dẫn, các quy chế, các chính sách, các quy trình, quy phạm còn thiếu hoặc chưa được hoàn chỉnh, gây khó khăn cho việc thi hành luật cũng như phát triển LNCĐ.

c. LNCĐ phát triển ở vùng sâu, vùng xa, tỷ lệ đói nghèo cao, trình độ dân trí thấp, cơ sở hạ tầng yếu kém, thiếu vốn, thiếu hiểu biết về kỹ thuật…Đây là trở ngại lớn đối với phát triển LNCĐ.

d. Nguồn thu từ rừng vốn dĩ đã thấp, trong khi rừng giao cho cộng đồng hầu hết là rừng nghèo nên nguồn thu lại càng thấp hơn. Điều này dẫn đến một số hậu quả sau:

– Làm giảm sự quan tâm, sự hấp dẫn của người dân đối với rừng.

– Nguồn thu trước mắt từ rừng thấp, đóng góp vào cải thiện đời sống, xoá đói giảm nghèo hạn chế

– Không có khả năng lấy rừng nuôi rừng, tái đầu tư xây dựng và phát triển rừng.

Những vấn cần tiến hành để phát triển LNCĐ.

Như trên đã trình bầy, giao rừng cho cộng đồng đã được nhà nước công nhận, đây là một thuận lợi lớn cho việc phát triển LNCĐ, song để có thể thực hiện tốt chủ trương này cần giải quyết các vấn đề sau:

a. Xây dựng và ban hành các văn bản dưới luật, các chính sách.

– Nghị định và các thông tư hướng dẫn có liên quan đến LNCĐ, cụ thể hoá các vấn đề về giao đất, giao rừng, về quyền và nghĩa vụ, tổ chức cộng đồng, vai trò trách nhiệm của các bên liên quan…

– Các chính sách khuyến khích, hỗ trợ cộng đồng, vay vốn (tuy cộng đồng không được dùng rừng để thế chấp nhưng có thể vay vốn bằng các hình thức khác), chính sách hưởng lợi.

– Quy chế khai thác rừng cộng đồng

b. Xây dựng thể chế quản lý rừng cộng đồng.

Hội thảo quốc gia về thể chế quản lý rừng cộng đồng dân cư thôn bản được tổ chức tại Hà Nội tháng 11/2004, về cơ bản, đã thống nhất cần có bản hướng dẫn tạm thời quy định vai trò, chức năng, nhiệm vụ của các bên liên quan đến quản lý rừng cộng đồng dân cư thôn; cơ chế phối hợp giữa cộng đồng với các cơ quan, đơn vị liên quan và các công cụ cần thiết để quản lý rừng cộng đồng. Nội dung bản hướng dẫn này đề cập những vấn đề chủ yếu sau đây:

– Cơ cấu tổ chức lâm nghiệp trong cộng đồng.

Tổ chức như thế nào để có thể thực hiện được các chính sách của nhà nước (tiếp nhận sự hỗ trợ của nhà nước về vốn, vay vốn bằng các hình thức khác không thông qua thế chấp rừng, đất rừng, để có thể quản lý, bảo vệ, sử dụng có hiệu quả rừng, đất rừng. Ví dụ thành lập ban quản lý lâm nghiệp cộng đồng (có trưởng ban, có kế toán, thủ quỹ và các thành viên), thành lập các nhóm công tác (bảo vệ, thực hiện các hoạt động lâm nghiệp).

– Quy chế hoạt động, phân công trách nhiệm của các cán bộ lãnh đạo trong cộng đồng, của các nhóm công tác.

– Quy định về quyền và nghĩa vụ của các thành viên trong cộng đồng, về chia xẻ lợi ích,

– Vai trò, chức năng, nhiệm vụ của các bên liên quan (các cơ quan hành chính, cơ quan lâm nghiệp địa phương, các tổ chức kinh doanh; các cơ quan, đoàn thể khác) đến quản lý rừng cộng đồng dân cư thôn (tổ chức bên ngoài cộng đồng). Do năng lực của cộng đồng rất yếu nên sự trợ giúp của các tổ này trong quá trình thực hiện QLRCĐ là hết sức cần thiết.

Các hỗ trợ cụ thể là hình thành tổ chức, xây dựng các văn bản; phát triển kỹ thuật nông, lâm nghiệp để kinh doanh rừng và đất rừng, như tư vấn cho cộng đồng về nuôi dưỡng, tỉa thưa, làm giàu, trồng rừng, khai thác rừng, chế biến nông, lâm sản; cung cấp thông tin thị trường sản phẩm rừng; thực hiện các dịch vụ đào tạo, cung ứng vật tư, tiêu thụ sản phẩm…

c. Xây dựng và ban hành các văn bản quy trình, quy phạm, hướng dẫn kỹ thuật về điều tra, phân loại tài nguyên rừng, về giao đất giao rừng, về lập kế hoạch quản lý rừng cộng đồng, kỹ thuật khai thác, kỹ thuật lâm sinh…

d. Đẩy mạnh giao đất, giao rừng cho cộng đồng thôn bản.

Trong thời gian qua, khi Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004 chưa ban hành, việc giao đất giao rừng chưa được tiến hành đồng đều trên phạm vi toàn quốc, có tỉnh chưa tiến hành, có tỉnh làm thí điểm trên diện hẹp, có một vài tỉnh lại làm quá mạnh. Về pháp lý, hầu hết rừng và đất rừng giao cho cộng đồng thông qua một quyết định của chính quyền địa phương. Vì vậy trong thời gian tới cần đẩy nhanh việc giao đất giao rừng cho cộng đồng. Để thực hiện chủ trương này, trong quá trình tiến hành cần thực hiện và lưu ý cá vấn đề sau:

· Xây dựng hướng dẫn về giao đất giao rừng, trong đó bao gồm các nội dung:

+ Những điều kiện để cộng đồng dân cư thôn bản được giao đất giao rừng (Điều kiện khách quan, điêù kiện chủ quan)

+ Đối tượng rừng và đất rừng ưu tiên được giao cho cộng đồng dân cư thôn, bản:

+Cơ cấu diện tích rừng và đất rừng cộng đồng thôn, bản.

+ Phương pháp và các bước tiến hành.

+ Tổ chức thực hiện.

– Ưu tiên giao cho cộng đồng dân cư thôn, bản các loại rừng và đất rừng sau:

+ Các khu rừng thiêng gắn liền với tín ngưỡng của đồng bào dân tộc thiểu số, như rừng thờ thổ thần, rừng thiêng, rừng ma.

+ Các khu rừng mó nước (cốc bó), rừng đầu ngọn suối cung cấp nước sinh, họat sản xuất cho cộng đồng thôn bản, những khu rừng phòng hộ các khu dân cư, sản xuất;

+ Các khu rừng cung cấp lâm sản gia dụng đã được xác lập theo tập quán, những khu rừng già, những chòm cây cổ thụ còn sót lại trong thôn, bản không thể giao đều cho các hộ thành viên một cách công bằng

+ Các khu rừng ở xa khu dân cư, địa hình hiểm trở, hộ gia đình không có đủ điều kiện để bảo vệ hoặc có nguy cơ cao khai thác lâm sản trái phép, phá rừng làm rãy (những khu rừng giáp ranh giữa các thôn, xã, huyện). Thông thường các khu rừng và đất rừng này được thống kê là loại đất chưa sử dụng, chưa giao cho chủ sử dụng, do UBND xã quản lý theo phân cấp về quản lý rừng của Chính phủ.

– Tránh chạy theo số lượng, giao đúng đối tượng cho các cộng đồng có đủ điều kiện để quản lý, bảo vệ và sử dụng rừng có hiệu quả. Khả năng hỗ trợ để cộng đồng ổn định quản lý rừng của các cơ quan hữu quan ở địa phương đến đâu thì giao đến đó.

– Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sử dụng rừng chính thức cho cộng đồng.

– Do hầu hết các địa phương đã tiến hành giao đất giao rừng cho hộ gia đình vì vậy khi tiến hành giao đất giao rừng cho cộng đồng cần bảo đảm hài hoà lơị ích giữa hộ gia đình và cộng đồng, tránh gây mâu thuẫn, mất đoàn kết.

đ. Hỗ trợ cộng đồng sau giao đất giao rừng. Giao đất giao rừng mới chỉ là khởi đầu cho phát triển LNCĐ. Theo kinh nghiệm ở nhiều nơi nếu không có hỗ trợ sau giao đất giao rừng thì cộng đồng hầu như không có khả năng thực hiện các nhiệm vụ quản lý rừng. Cụ thể:

· Hỗ trợ về vốn.

· Hỗ trợ để hình thành tổ chức lâm nghiệp trong cộng đồng, xây dựng quy chế hoạt động, xây dựng hương ước, chia xẻ lợi ích…(thực hiện bởi tổ chức lâm nghiệp trên địa bàn).

· Hỗ trợ về kỹ thuật , về chế biến tiêu thụ sản phẩm (khuyến lâm)…

· Tạo hậu thuẫn cho việc bảo vệ rừng (thực hiện bởi chính quyền địa phương, công an, kiểm lâm).

e. Xây dựng hướng dẫn về thiết lập và hoạt động QLRCĐ theo các bước sau:

Bước 1. Quy hoạch sử dụng đất và giao đất giao rừng có sự tham gia của người dân.

Bước 2.Hình thành tổ chức lâm nghiệp trong cộng đồng, xây dựng quy chế hoạt động, hương ước, chia xẻ lợi ích.

Bước 3. Lập kế hoạch QLRCĐcó sự tham gia của người dân (điều tra, đánh giá, phân loại rừng và đất rừng; điều tra, đánh gíá nhu cầu sử dụng gỗ củi, lâm sản; cân đối cung và cầu gỗ, củi lâm sản; dự kiến về tình trạng rừng trong tương lai; lập kế hoạch quản lý rừng 5 năm và hàng năm (kế hoạch lâm sinh, kế hoạch khai thác, kế hoạch tài chính).

Bước 4.Thiết lập hệ thống báo cáo và kiểm soát dựa vào cộng đồng.

Bước 5.Tổ chức đào tạo và hỗ trợ thực hiện các nội dung của những bước trên.

Bước 6.Tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý rừng CĐ (kế hoạch bảo vệ rừng, kế hoạch lâm sinh, kế hoạch khai thác).

Bước 7.Giám sát và đánh giá.

Đề xuất, kiến nghị về quản lý rừng cộng đồng.

– Nhà nước nên coi LNCĐ là một chiến lược để phát triển kinh tế miền núi vì nó phù hợp với thực tế khách quan, phù hợp với nguyện vọng của người dân. LNCĐ sẽ có những đóng góp đáng kể, không những vào cải thiện đời sống vật chất mà còn cải thiện cả đời sống văn hoá, tinh thần của người dân, từ đó góp phần ổn định xã hội, an ninh chính trị.

– LNCĐ tồn tại và phát triển ở vùng sâu, vùng xa, nơi cơ sở hạ tầng yếu kém, trình độ dân trí thấp, nghèo đói vì vậy muốn phát triển LNCĐ, trước hết đòi hỏi sự nỗ lực của bản thân ngành lâm nghiệp, sau nữa là sự hỗ trợ tích cực của nhà nước, của các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương, của các tổ chức có liên quan, đặc biệt sự hỗ trợ của các nước và các tổ chức quốc tế. Muốn thực hiện ý đồ này, nhà cước cần xây dựng một chương trình hay dự án quốc gia về LNCĐ. Tin rằng dự án này sẽ được các nước, các tổ chức quốc tế ủng hộ.

– Trước mắt, nhà nước cũng như ngành cần chỉ đạo xây dựng và sớm ban hành các văn bản dưới luật, các quy chế, các quy trình quy phạm…để việc triển khai thực hiện phát triển LNCĐ được thống nhất trong cả nước.

– Nhà nước cần có một kế hoạch chỉ đạo các địa phương triển khai hợp lý, không nóng vội, không chạy theo thành tích, nhất là khi tiến hành giao đất giao rừng, không nên làm ồ ạt, chạy theo số lượng (vấn đề không phải là giao được bao nhiêu diện tích rừng, diện tích đất mà là bao nhiêu diện tích đã thực sự được cộng đồng quản lý có hiệu quả). Phải căn cứ vào nhu cầu, khả năng của cộng đồng để có kế hoạch phù hợp. Tránh tình trạng làm cho các khu rừng và đất rừng lớn, tập trung bị chia xẻ manh mún. Việc giao ồ ạt, không hợp lý, nhất là những vùng nhậy cảm về gỗ, có thể gây nên những hậu quả không mong muốn, tình trạng phá rừng có thể mạnh hơn.

– Những kết quả về LNCĐ thời gian qua là rất đáng quý, song đây chỉ là bước đầu. Còn rất nhiều vấn đề có liên quan cần phải nghiên cứu, còn rất nhiều kết quả nghiên cưu trước đây cần được kiểm chứng trong thực tế vì vậy công tác nghiên cứu, xây dựng mô hình cần được coi trọng và tiếp tục thực hiện.

– Công tác khuyến lâm đối với cộng đồng là hết sức quan trọng, cần có một chương trình khuyến lâm cho cộng đồng về quản lý rừng tự nhiên (điều tra rừng cộng đồng, thiết kế khai thác, kỹ thuật nuôi dưỡng rừng, khoanh nuôi phục hồi rừng..), về trồng rừng.

– Có nhiều chính sách ban hành trước đây phù hợp với cộng đồng, vì vậy trong khi chưa xây dựng được chính sách hoàn chỉnh cho LNCĐ, trước mắt nhà nước cho phép vận dụng những điiểm phù hợp của các chính sách đã có cho cộng đồng. Ngành cần nghiên cứu tập hợp những chính sách phù hợp để trình chính phủ cho phép vận dụng.

Sources: http://www.agroviet.gov.vn

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]