RE GỪNG
Tên khác: Re bầu, re lợn, re lá tù
Tên khoa học: Cinnamomum bejolghota (Buch. Ham.) Sweet
Cinnamomum obtusifolium (Roxb.) Nees
Họ thực vật: Long não (Lauraceae)
(Nguồn chính: Nguyễn Thị Nhung, 2009)
1. Đặc điểm hình thái
Cây gỗ lớn, cao tới 30m, đường kính có thể đạt 50cm. Vỏ ngoài màu nâu hay nâu sẫm, nhẵn, thịt vỏ màu nâu hay vàng nhạt, giòn và có mùi thơm. Cành non màu xanh đậm, khi già có màu nâu.
Lá đơn mọc cách hoặc gần đối, hình mũi mác hay trái xoan thuôn, mặt trên nhẵn, mặt dưới xanh bóng, dài 9-30cm, rộng 3,5-9cm, đỉnh có mũi nhọn, gốc hình nêm, 2 mặt nhẵn bóng, 3 gân gốc, gân bên kéo dài tới đỉnh. Cuống dài 12-20mm.
Cụm hoa chuỳ ở nách gồm nhiều xim, dài 20-25cm. Hoa lưỡng tính có 2 dạng: Hoa giữa lớn hơn các hoa bên. Bao hoa có 6 mảnh, thuôn, có lông ở 2 mặt. Nhị đực sinh sản 9, xếp 3 vòng, nhị thoái hoá 3, bao phấn 4 ô. Bầu hình trứng, nhẵn, vòi dài bằng bầu. Ra hoa tháng 3-5.
Quả mọng, hình trứng,dài 1cm, gốc có bao hoa còn lại, màu đen. Quả non màu xanh, lúc chín vỏ quả chuyển màu xanh đen, thịt quả màu tím nhạt, có 1 hạt màu nâu nhạt, chín vào tháng 2-3.
Hạt có dầu, nếu gặp điều kiện nhiệt độ, ẩm độ, ánh sáng bất lợi, hạt dễ bị mất sức nảy mầm nhanh chóng.
2. Đặc tính sinh thái
Phân bố ở Lào, Trung Quốc,…; ở Việt Nam gặp Re gừng mọc trong các rừng thứ sinh ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Phú Thọ, Hà Nam, Ninh Bình, Hoà Bình, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái, Nghệ An, Hà Tĩnh đến Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc, Đồng Nai.
Re gừng ưa đất thịt pha cát, tầng sâu, thoát nước, ở nơi có lượng mưa 800-2500 mm/năm, nhiệt độ bình quân 20-25oC, độ cao 50-1500m so với mực nước biển.
Cây non ưa bóng nhẹ, lớn lên ưa sáng. Tái sinh hạt tốt và có thể tái sinh chồi.
3. Giống và tạo cây con
Cây 9-10 tuổi bắt đầu ra hoa, quả nhưng chỉ lấy giống ở những cây đã ra quả 3 năm trở lên. Hái quả có màu xanh đen, ủ 1-2 ngày cho thịt quả mềm nhũn rồi đãi, rửa sạch lớp thịt quả lấy hạt. Rải đều hạt thành lớp mỏng 5-10cm, khi hạt xe ủ vào cát ẩm.
Hạt re gừng khó bảo quản, hái về nên đem gieo ngay. Nếu chưa gieo kịp phải bảo quản trong cát ẩm với tỷ lệ 2 cát : 1 hạt và không để quá lâu 1 tháng.
Một kg có 3200-3500 hạt, tỷ lệ nảy mầm 70-85%, tạo được 1500-2000 cây con.
Ngâm hạt 12 giờ trong nước ấm 40oC, sau đó đãi hạt lép, vớt ra ủ trong cát ẩm với tỷ lệ 2 cát: 1 hạt. Sau 5-7 ngày hạt nứt nanh, đem cấy vào bầu hoặc gieo trên luống, hạt nọ cách hạt kia một đốt ngón tay, lấp đất dày 1cm, tủ rơm rạ trên luống gieo.
Dùng vỏ bầu Polyêtylen kích thước 8x12cm. Ruột bầu gồm 85-90% đất mặt vườn ươm hoặc đất mặt dưới rừng có thành phần cơ giới nhẹ trộn với 10-15% phân chuồng hoai theo khối lượng.
Cấy mỗi bầu 1 hạt đã nứt nanh hoặc 1 cây gieo trên luống. Tưới nước đủ ẩm cho bầu đất sau khi cấy hạt hoặc cấy cây. Cắm tế guột hoặc làm dàn che 40-50% ánh sáng, tưới đủ ẩm thường xuyên, sau 15-20 ngày cây mầm ra lá thật. Định kỳ 15-20 ngày làm cỏ, phá váng một lần. Khi cây con được 3-4 tháng tuổi, giảm độ che sáng còn 20-30%.
Vệ sinh vườn ươm sạch sẽ, phòng trừ nấm rỉ sắt, bệnh thối cổ rễ, đốm lá cho cây ươm.
Tiêu chuẩn cây đem trồng: 6-7 tháng tuổi hoặc 12 tháng tuổi, cao 30-35cm, hoặc 50-65cm, đường kính cổ rễ 0,4-0,5cm, không sâu bệnh, cụt ngọn.
4. Trồng và chăm sóc rừng
Thời vụ trồng vào vụ Xuân tháng 2-4 và vụ Thu vào tháng 7-9 ở các tỉnh phía Bắc và vào mùa mưa ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.
Đào hố với kích thước 40x40x40cm.
Trồng Re gừng ở đất rừng nghèo, cây bụi còn tính chất đất rừng. Có thể trồng hỗn loài với cây lá rộng khác hoặc trồng bổ sung theo rạch, theo đám trong rừng khoanh nuôi tái sinh với các mật độ 250cây/ha, 500 cây/ha, 1100 cây/ha.
Trồng theo rạch rộng 2-2,5m, rạch nọ cách rạch kia 6m, cây cách cây 3m.
Chăm sóc 3 năm liền: năm đầu trồng dặm, chăm sóc 2 lần đối với rừng trồng vụ Thu (Lần 1 sau trồng 2 tháng, lần 2 vào tháng 11-12) và chăm sóc 3 lần đối với rừng trồng vụ Xuân (Lần 1 sau trồng 2 tháng, lần 2 vào tháng 8-9 và lần 3 vào tháng 11-12). Nội dung chăm sóc gồm phát dây leo, cây bụi xâm lấn, vun xới gốc rộng 0,5-1m.
Năm thứ 2 và 3 chăm sóc 3 lần mỗi năm vào đầu mùa mưa, cuối mùa mưa và cuối mùa khô, chủ yếu là phát dây leo, cây bụi, cây cỏ xâm lấn và vun xới gốc rộng 0,8-1m.
Không để người hoặc trâu bò phá hoại, phòng chống cháy rừng.
5. Khai thác, sử dụng
Gỗ có tỷ trọng 0,45-0,55, có mùi thơm, giác lõi phân biệt, xếp nhóm IV, dễ gia công, dùng đóng đồ mọc dân dụng.
Re gừng có sức tăng trưởng 1cm/năm về đường kính, 0,8-1 m/năm về chiều cao. Rừng trồng 20-25 tuổi có đường kính ngang ngực 30-35 cm, chiều cao 20-25 m có thể khai thác chọn, để lại nuôi dưỡng những cây sinh trưởng tốt, không cong queo, sâu bệnh.
Tận dụng lá, vỏ để cất tinh dầu dùng trong y học.
Tin mới nhất
- Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và phương hướng triển khai nhiệm vụ năm 2025
- Viện Nghiên cứu Công nghiệp rừng nhận cờ thi đua nhân kỷ niệm 50 năm thành lập
- VFCS được công bố tại website của Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản
- Lễ ký ký biên bản ghi nhớ về việc trao các mẫu vật liệu mới từ gỗ của Đại sứ quán (ĐSQ) Phần Lan để phục vụ trưng bày tại Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam
- Hội đồng nghiệm thu sản phẩm và tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ cấp tỉnh "Nghiên cứu hoàn thiện kỹ thuật nhân giống và xây dựng mô hình trồng thâm canh Vù hương (Cinnamomum balansae H.Lec) cung cấp gỗ lớn kết hợp lấy tinh dầu tại tỉnh Lào Cai"
Các tin khác
- Thông tin về việc tổ chức Hội đồng đánh giá luận án Tiến sĩ cấp cơ sở cho NCS: Trần Minh Tuấn
- Báo cáo tóm tắt đề tài: Nghiên cứu Phân hạng đất trồng rừng sản xuất một số loài cây chủ yếu ở các vùng trọng điểm
- Học bổng Thạc sĩ Lâm nghiệp nhiệt đới và quốc tế tại Đại học Goettingen (Đức)
- Báo cáo tóm tắt đề tài: Thiết kế chế tạo và chuyển giao hệ thống chưng cất tinh dầu Hồi quy mô nhỏ
- Kỹ thuật trồng Muồng đen