LÕI THỌ
Tên khoa học: Gmelina arborea Roxb.
hoặc Gmelina rheedii Hook.
Họ thực vật: Cỏ roi ngựa (Verbenaceae)
1. Đặc điểm hình thái
Cây gỗ cao 20-22m, đường kính ngang ngực 30-40cm. Thân thẳng, khi non vỏ màu vàng nhạt, khi già có màu xám nhạt, bong mảng. Cành thường nứt dọc, vỏ nhẵn màu xám tro có bì khổng đen. Lá đơn, nguyên, mọc đối hình trái xoan hoặc hình trứng, đuôi lá nhọn, đầu có mũi nhọn. Mặt trên màu thẫm, mặt dưới màu tro bạc, có 3-5 gân gốc, gân bên 3-4 đôi nổi rõ ở mặt dưới lá, các gân gốc có tuyến đen, cuống lá dài 2-5cm.
Hoa tự viên chùy đầu cành phủ nhiều lông vàng nhạt, nhiều xim ngắn. Hoa to có lá bắc hình tuyến. Cánh hoa màu tím vàng ở gốc. Quả hạch hình trứng, mập, bóng, đường kính 1,5-2cm có 1-2 hạt. Mùa hoa từ tháng 5-6, quả chín vào tháng 11-12.
2. Đặc tính sinh thái
Mọc hỗn giao trong rừng lá rộng nhiệt đới ở vành đai độ cao dưới 500-600m phổ biến ở độ cao 100-200m so với mặt biển.
Ưa đất tốt, sâu, dày, thoát nước và hơi chua hoặc ít chua, đất hình thành trên các loại đá mẹ biến chất như nai, phiến thạch mica.
Cây ưa sang, rụng lá về mùa xuân, đến đầu hè ra lá non, là một trong những cây lá rộng mọc nhanh được gây trồng thành công ở một số nước Đông Nam Á như Philippin, Inđônêxia, Lào, Thái Lan.
Lõi thọ mọc tự nhiên ở nhiều nước Đông Nam Á. Ở Việt Nam, phân bố rải rác trong rừng lá rộng vùng trung du và núi thấp ở các tỉnh miền Bắc cho tới Tây Nguyên, mọc lẫn với Giẻ, Trám, Chẹo, Vạng, Cồng, Sữa,… gặp ở các tỉnh Tuyên Quang, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Bắc Giang. Các tỉnh Trung Bộ ít gặp hơn. Ở nước ta chưa nghiên cứu đầy đủ, đặc biệt về kỹ thuật gây trồng và tái sinh phục hồi loài cây này.
Phân bố ở vùng có độ cao tuyệt đối từ 700m trở xuống. Thích hợp với nơi có lượng mưa 1100-2000 mm, nhiệt độ trung bình 20-240C. Lõi thọ sống trên các loại đất feralit nâu đỏ, nâu xám, ít chua, giàu mùn.
Là loài cây rụng lá theo mùa, tháng 12 rụng lá cho đến tháng 3. Tháng 3-4 ra lá mới và ra hoa. Lõi thọ thường được gây trồng bằng cây con có bầu nhưng cũng có thể nhân giống bằng hom để trồng rừng. Là loài cây ưa sáng, mọc nhanh.
3. Giống và tạo cây con
Thu hái quả ở cây mẹ ưu trội trên 10 tuổivào tháng 1-2 đem phơi nắng khô. Cất giữ hạt bằng cách bảo quản khô thông thường trong hòm gỗ hay chum, lọ sành, sứ ở nơi khô ráo và thông thoáng. Một kg hạt có từ 1700-1900 hạt. Tỷ lệ nảy mầm khi mới thu hạt đạt 60-70%. Có thể bảo quản trong kho lạnh.
Xử lý bằng cách ngâm hạt vào nước nóng 70-800C trong 5-6 giờ sau đó vớt ra gieo.
Có thể trồng bằng gieo hạt thẳng, hay bằng cây con rễ trần nhưng tốt nhất bằng cây con có bầu. Hạt sau khi xử lý, gieo lên luống đã chuẩn bị sẵn. Luống được cày bừa kỹ, tưới đủ ẩm, nếu để trồng bằng cây con rễ trần thì trước khi gieo hạt đất phải được bón lót 5-6 kg/m2 phân chuồng đã được ủ hoai. Gieo theo rạch cách nhau 20-25cm, lấp đất kín hạt, thường xuyên làm cỏ, phá váng, tưới đủ ẩm cho đến khi cây đạt tiêu chuẩn đem trồng.
Tạo cây con có bầu bằng cách cấy cây mạ vào bầu đã chuẩn bị sẵn. Kích cỡ bầu 6-7cm, 14-15cm, vỏ bầu làm bằng Polyetylen, ruột bầu là hỗn hợp đất tầng mặt của vườn ươm hoặc đất ở chân đồi núi có trộn 8-10% phân chuồng đã ủ hoai với 1-2% supe lân. Tưới, chăm sóc như tạo cây con để trồng bằng rễ trần.
Thời vụ gieo vào tháng 3-4 để trồng vào tháng 6 hoặc chậm nhất là tháng 7 trong năm. Trường hợp cần thiết có thể trồng vào vụ xuân năm sau.
Tiêu chuẩn cây con đem trồng là 4-5 tháng tuổi có chiều cao 15-20cm hoặc 10-12 tháng tuổi có chiều cao 25-30cm.
4. Trồng và chăm sóc rừng
Chọn đất rừng phục hồi sau nương rẫy hoặc đất rừng thứ sinh nghèo kiệt để trồng Lõi thọ là thích hợp.
Thực bì phải được dọn sạch, ở nơi dày rậm quá có thể đốt.
Nếu trồng xen cây nông nghiệp như lạc, đỗ,… thì đào hố trồng với kích thước 30x30x30cm. Nơi không trồng xen đào hố 40x40x40cm.
Trồng mật độ 1000cây/ha với cự ly 5x2m kết hợp trồng xen cây nông nghiệp trong năm đầu. Nơi không trồng xen cần trồng mật độ dày hơn (2000 cây/ha vơi cự ly 2,5x2m hoặc 2500 cây/ha với cự ly 2x2m) để kết hợp tỉa thưa tận dụng sản phẩm trung gian với việc tuyển chọn cây để lại nuôi dưỡng về sau.
Thời vụ trồng thích hợp là vụ Xuân Hè từ tháng 3 đến tháng 5, có thể mở rộng trồng vào vụ hè thu từ tháng 6 đến tháng 8.
Chăm sóc ít nhất là trong 3 năm liền kể từ sau khi trồng;
Năm đầu: 2 lần nếu trồng vào vụ Xuân Hè hoặc 1 lần nếu trồng vào vụ Hè Thu. Thời gian chăm sóc vào giữa và cuối mùa mưa. Chủ yếu phát luỗng cây con xâm lấn có kết hợp với vun gốc một lần.
Năm thứ hai: 3 lần vào đầu, giữa và cuối mùa mưa bằng các kỹ thuật như năm đầu.
Năm thứ ba: 1 lần chủ yếu phát luỗng cây cỏ xâm lấn. Tiến hành tỉa thư lần đầu vào tuổi 6-7 kết hợp chặt bỏ những cây tạp mọc nhanh lấn át và tuyển chọn cây trồng để lại nuôi dưỡng giảm mật độ còn 500-800 cây/ha.
5. Khai thác, sử dụng
Gỗ màu trắng hoặc hơi xám, giác lõi ít phân biệt, tỷ trọng 0,698, mịn, mềm, dễ cưa xẻ, gia công, được sử dụng trong xây dựng, xẻ ván, làm đồ tiện, khắc, gỗ bóc, nguyên liệu giấy. Khi già thường bị rỗng ruột.
Có thể trồng thành rừng công nghiệp ở những điều kiện lập địa thích hợp, hoặc trồng phân tán cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp.
Tin mới nhất
- Hội nghị “Thúc đẩy thí điểm cấp, quản lý mã số vùng trồng rừng nguyên liệu và khởi động dự án FCBMO”
- Hội đồng tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ cấp tỉnh: Nghiên cứu trồng rừng thâm canh cây Sồi phảng (Lithocapus fissus Champ. Ex Benth) cung cấp gỗ lớn ở Quảng Ninh
- Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình phối hợp công tác giữa Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang với Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, giai đoạn 2021 - 2025
- PGS.TS Hoàng Văn Thắng - Viện trưởng Viện nghiên cứu Lâm Sinh - Viện khoa học Lâm nghiệp Việt Nam được tôn vinh :” Nhà khoa học của nhà nông 2024”
- Điều động, bổ nhiệm Phó Trưởng ban Khoa học, Đào tạo và Hợp tác quốc tế
Các tin khác
- Quyết định Ban hành quy định phân cấp quản lý các nhiệm vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam
- Kỹ thuật trồng Lim xẹt
- Thông báo về việc tổ chức lễ bảo vệ luận án Tiến sĩ cấp Viện cho NCS Huỳnh Nhân Trí
- Báo cáo tóm tắt đề tài: Nghiên cứu tuyển chọn thuốc và công nghệ bảo quản nứa nguyên liệu làm hàng thủ công mỹ nghệ phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu
- Nghị định số 40/2014/NĐ-CP ngày 12/5/2014 của Chính phủ quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ