Tên khác: Lát, Lát lông
Tên khoa học: Chukrasia tabularis A.Juss
Họ thực vật: Họ Xoan (Meliaceae)
1. Đặc điểm hình thái
Cây gỗ lớn, cao 25-30m, đường kính tới 120-130cm. Thân thẳng, có bạnh vè lớn, cành rậm, vỏ mầu nâu nhạt nứt dọc. Lá kép lông chim một lần chẵn, lá chét 7-10 đôi mọc cách hoặc gần đối, hình trái xoan hoặc mũi mác.
Hoa tự hình chùy, mọc đầu cành, nở tháng 4-5. Quả hình bầu dục, phân ô, mỗi ô có nhiều hạt chồng thành 2 hàng. Hạt dài 1-1,2cm rộng 0,4 cm.
2. Đặc điểm sinh thái
Cây ưa sáng, mọc chậm, sống lâu, khi nhỏ ưa bóng. Lúc nhỏ sinh trưởng nhanh, từ 10 tuổi trở lên sinh trưởng chậm hơn. Khả năng tái sinh hạt tốt.
Phân bố ở nhiều tỉnh phía Bắc từ Hà Tĩnh trở ra Thanh Hóa, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hà Giang, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình. Mọc tới độ cao 800m so với mực nước biển trên núi đá vôi hoặc núi đất hỗn giao với trai, nghiến, bứa, gội, lim,…
3. Giống và tạo cây con
– Hạt giống:
Thu hái hạt giống từ các rừng giống chuyển hóa đã được công nhận. Chọn cây mẹ trên 10 tuổi, có thân hình đẹp, không bị sâu bệnh để lấy giống.
Quả chín từ tháng 11 đến tháng 1 năm sau. Khi chín quả chuyển từ màu xanh sang nâu xẫm thì có thể thu hái được. Hạt chín có màu cánh dán. Quả thu về rải đều phơi dưới nắng nhẹ, rỗi đập lấy hạt. Hạt phơi lại trong 2 ngày, đem cất trữ. Hạt mới thu hái có tỉ lệ nẩy mầm 70-80%. Cứ 14-15 kg quả cho 1 kg hạt, 1 kg hạt có 60000-62000 hạt.
Có thể cho hạt vào lọ sành, trên rắc một lớp tro mỏng, để nơi thoáng mát hoặc bảo quản ở nhiệt độ 0-5oC, sau 10 tháng tỉ lệ nảy mầm giảm 5%.
– Chuẩn bị đất gieo ươm: Chọn đất vườn ươm không dốc quá 5o, thoát nước, không úng ngập. Đất thịt nhẹ, tầng đất sâu trên 40cm, độ pH từ 5 đến 6,5.
Đất được cày bừa kỹ, đập nhỏ, làm sạch cỏ, lên luống cao 15-20cm, rộng 1-1,1m, dài không quá 10m. Bón lót 3-4kg/m2phân chuồng hoai.
– Thời vụ gieo: Cuối tháng 1 đầu tháng 2 để trồng vào vụ thu.
– Xử lý hạt: Ngâm hạt vào nước ấm 35-40oC trong 3-4giờ, vớt ra rửa chua rồi ủ. Hàng ngày rửa chua, sau 6-7 ngày hạt nứt nanh đem gieo.
– Gieo hạt: Gieo vãi 1kg trên 120-150m2 mặt luống, lấp một lớp đất 0,3-0,5cm rồi phủ rơm rạ đã khử trùng để giữ ẩm.
– Chăm sóc: Khi hạt nảy mầm, dỡ bỏ lớp phủ rạ và làm dàn che 30% ánh sáng, tưới đủ ẩm và trừ cỏ dại.
– Cấy cây: Làm đất lên luống như đối với cây gieo. Bón lót 3-4kg phân chuồng/m2. Sau khi gieo 60-80 ngày, cây cao 7-10cm, có 5-7 lá thì nhổ đem cấy với cự ly 20x20cm lên luống hoặc vào bầu. Làm dàn che hoặc cắm ràng che ánh sáng 30-40%, thường xuyên tưới ẩm và phá váng 15-20 ngày một lần.
Vỏ bầu làm bằng Polyetylen đường kính 7-8cm, cao 10-12cm, thủng đáy có đục lỗ xung quanh. Ruột bầu là hỗn hợp 80% dất mặt + 20% phân chuồng hoai.
– Tiêu chuẩn cây đem trồng: Tuổi 7-8 tháng tuổi, cao 0,7-0,9m đường kính gốc 0,5-0,6cm, không cong queo, thót ngọn, sinh trưởng tốt.
4. Trồng và chăm sóc rừng
– Thời vụ trồng: Vụ xuân và thu, chọn những ngày mưa ẩm, mát.
– Đất đai: Tốt, sâu ẩm, thường là đất sau nương rẫy hoặc đất rừng nghèo kiệt, độ pH = 5-6. Không trồng trên đất nông mỏng, mạch nước ngầm nông và đất đồi trọc trơ sỏi đá.
– Xử lý thực bì: Phát dọn theo băng rộng 3m, băng chừa 10m. Nơi dốc không quá 25o trồng theo đường đồng mức, nơi bằng theo hướng đông tây.
Trên băng trồng dọn sạch cây bụi, dây leo, cây lớn. Nếu trồng kết hợp cây nông nghiệp thì cần đốt nhưng không xen cây nông nghiệp quá 2-3 vụ. Trên băng chừa, chặt các cây cao trên 10m, cây bụi có tán lớn.
– Mật độ trồng: 700-800 cây/ha, cự ly trồng trên băng là 3x3m.
– Chăm sóc rừng:
Năm đầu, xới vun gốc, rộng 1m, cắt bỏ dây leo, cây bụi, giữ lại những cây tái sinh có giá trị nhưng không ảnh hưởng xấu đến cây trồng.
Năm thứ hai: Chăm sóc như năm đầu, ngoài ra cần vặt bỏ các chồi bên trong khoảng độ cao ngang tầm với.
Năm thứ ba: Chăm sóc như năm thứ hai và cần tỉa cành tạo trục chính.
– Phòng trừ sâu bệnh:
Có 2 loại sâu hại Lát hoa là sâu đục nõn và sâu ăn lá ở vườn ươm và cả rừng trồng. Có thể dùng thuốc diệt trừ sâu ăn lá như với cây lá rộng khác.
5. Khai thác, sử dụng
Lát hoa là cây gỗ quý. Gỗ nặng, tỉ trọng 0,75-0,8, xếp nhóm I, giác màu hồng nhạt, lõi màu đỏ, có ánh đồng, vân đẹp, thớ mịn, ít co dãn, cong vênh, không bị mối mọt, thường dùng đóng đồ gỗ cao cấp. Lát hoa là loài cây được dùng để cải tạo phục hồi rừng hoặc trồng rừng phân tán.
Tin mới nhất
- Hội nghị “Thúc đẩy thí điểm cấp, quản lý mã số vùng trồng rừng nguyên liệu và khởi động dự án FCBMO”
- Hội đồng tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ cấp tỉnh: Nghiên cứu trồng rừng thâm canh cây Sồi phảng (Lithocapus fissus Champ. Ex Benth) cung cấp gỗ lớn ở Quảng Ninh
- Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình phối hợp công tác giữa Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang với Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, giai đoạn 2021 - 2025
- PGS.TS Hoàng Văn Thắng - Viện trưởng Viện nghiên cứu Lâm Sinh - Viện khoa học Lâm nghiệp Việt Nam được tôn vinh :” Nhà khoa học của nhà nông 2024”
- Điều động, bổ nhiệm Phó Trưởng ban Khoa học, Đào tạo và Hợp tác quốc tế
Các tin khác
- Hội nghị quốc tế về “Sử dụng nguồn gỗ tốt: Xu hướng hiện tại và triển vọng tương lai”
- Kỹ thuật trồng Keo lá liềm
- Thông báo bán đấu giá tài sản là rừng trồng thuộc trạm Thực nghiệm Lâm nghiệp Lang Hanh, xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng, Tỉnh Lâm Đồng.
- Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài: Nghiên cứu chọn giống và kỹ thuật gây trồng rừng thâm canh cây Sồi phảng (Lithocarpus fissus (Champ. ex Benth.) A.Camus) và Gáo trắng (Neolamarckia cadamba (Roxb.) Bosser) cung cấp gỗ lớn ở một số vùng trọng điểm.
- Báo cáo tóm tắt đề tài: Nghiên cứu đặc điểm lâm học và đề xuất biện pháp kỹ thuật nuôi dưỡng, xúc tiến tái sinh và gây trồng rừng dẻ ăn hạt ở Tây Nguyên