Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài: Nghiên cứu chọn giống và kỹ thuật gây trồng rừng thâm canh cây Sồi phảng (Lithocarpus fissus (Champ. ex Benth.) A.Camus) và Gáo trắng (Neolamarckia cadamba (Roxb.) Bosser) cung cấp gỗ lớn ở một số vùng trọng điểm.

Lê Minh Cường

Trung tâm KHSXLN Đông Bắc Bộ

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Rừng chiếm một vị trí rất quan trọng trong đời sống xã hội, cung cấp gỗ và lâm đặc sản quý phục vụ cho nhu cầu cuộc sống con người. Rừng còn giữ vai trò phòng hộ, bảo vệ môi trường sinh thái. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội, rừng nước ta ngày càng bị thu hẹp về diện tích và giảm sút chất lượng. Theo kết quả điều tra đã được công bố, năm 1945 tổng diện tích rừng cả nước là 14,3 triệu hecta đạt tỷ lệ che phủ 43%, chủ yếu là rừng tự nhiên, với chất lượng tốt. Đến năm 1995 diện tích rừng giảm xuống còn 9,3 triệu hecta, độ che phủ khoảng 28%. Trước tình hình đó Nhà nước ta đã kết hợp nhiều chính sách khuyến khích phát triển tài nguyên rừng, đến năm 2008 diện tích rừng đã tăng lên là 13,1 triệu hecta, đạt độ che phủ 38,7% trong đó có 2,8 triệu hecta là rừng trồng và 10,3 hecta triệu hecta rừng tự nhiên (Bộ Nông nghiệp & PTNT, 2009). Diện tích rừng trồng lớn nhưng chủ yếu là những loài cây mọc nhanh như keo, bạch đàn có tính bền vững không cao, nhiều sâu bệnh và năng suất thấp. Những loài cây bản địa có giá trị kinh tính và bền vững cao chưa được quan tâm thỏa đáng. Chính vì vậy việc gây nghiên cứu chọn những cây gỗ lớn có tính  bền vững năng suất cao là việc làm cần thiết.

Sồi Phảng (Lithocarpus fissus (Champ. ex Benth.) A.Camus) và Gáo trắng (Neolamarckia Cadamba (Roxb.) Bosser) được biết đến là các loài cây gỗ lớn, có phân bố rộng và đa tác dụng. Gỗ Sồi phảng rắn, không mối mọt, độ thon nhỏ thường được dùng làm nhà, làm trụ mỏ và các đồ dùng hàng ngày (Lê Mộng Chân và Lê Thị Huyền, 2006). Gỗ Gáo trắng màu trắng vàng, mềm, thích hợp với chạm trổ, tiện, khắc và có thể dùng trong xây dựng, ngoài ra một số bộ phận của cây Gáo trắng có thể dùng để làm thuốc chữa bệnh (Trần Hợp, 2002). Với đặc tính ưu việt là những cây sinh trưởng nhanh, khả năng chống chịu cao, tái sinh tự nhiên tốt,… Sồi phảng đã được ưu tiên lựa chọn ở những nơi điều kiện lập địa đã bị suy thoái hoặc làm giàu rừng hay phục hồi rừng tự nhiên bị suy thoái,…

Mặc dù vậy, trong những năm qua ở nước ta Sồi phảng và Gáo trắng vẫn chưa được coi trọng phát triển đúng với tiềm năng của nó. Tại sao lại như vậy? Cần tháo gỡ những khó khăn gì để mở rộng gây trồng các loài cây này? Những bài học kinh nghiệm về trồng Sồi phảng tại một số tỉnh như Phú Thọ, Nghệ An, Quảng Ninh và kinh nghiệm gây trồng Gáo trắng tại Bình Phước chưa đủ để phát triển loài cây này.            Để góp phần giải quyết những tồn tại nêu trên, đề tài “Nghiên cứu chọn giống và kỹ thuật trồng rừng thâm canh cây Sồi Phảng (Lithocarpus fissus (Champ. ex Benth.) A.Camus và Gáo trắng (Neolamarckia cadamba (Roxb.) Bosser) cung cấp gỗ lớn ở một số vùng trọng điểm” đặt ra là hết sức cần thiết. Phương hướng giải quyết vấn đề là tổng kết kiến thức và kinh nghiệm trong phát triển Sồi phảng và Gáo trắng trên thế giới và trong nước, nghiên cứu bổ sung một số cơ sở khoa học về chọn và nhân giống, gây trồng và cuối cùng là xây dựng mô hình và hướng dẫn kỹ thuật mang tính liên hoàn từ khâu chọn và nhân giống, kỹ thuật vườn ươm, kỹ thuật trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng Sồi phảng và Gáo trắng cho từng xuất xứ được lựa chọn và từng điều kiện lập địa cụ thể.

Gao

            2. NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

            2.1. Nội dung

            2.1.1. Nghiên cứu xác định một số đặc điểm lâm học của Sồi phảng và Gáo trắng.

– Đặc điểm phân bố, điều kiện lập địa nơi mọc.

– Đặc điểm sinh thái.

– Đặc điểm sinh trưởng.

– Khả năng tái sinh.

– Đặc điểm vật hậu.

2.1.2. Tổng kết, đánh giá các mô hình và biện pháp kỹ thuật đã áp dụng cho các loài Sồi phảng và Gáo trắng ở 6 vùng sinh thái trọng điểm

– Điều tra vùng trồng, điều kiện lập địa gây trồng.

– Kỹ thuật gây trồng đã áp dụng.

– Mô hình: diện tích, năng suất, chất lượng,…

– Tình hình sử dụng gỗ.

2.1.3. Nghiên cứu chọn và nhân giống cho 2 loài Sồi phảng và Gáo trắng

            – Chọn lọc cây trội và khảo nghiệm xuất xứ Sồi phảng và Gáo trắng.

– Nghiên cứu phương pháp nhân giống Sồi phảng và Gáo trắng bằng hạt và hom.

2.1.4. Nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật trồng rừng thâm canh Sồi phảng và Gáo trắng.

            – Phương thức trồng

– Thí nghiệm biện pháp kỹ thuật làm đất

– Thí nghiệm về mật độ trồng

– Thí nghiệm về bón phân.

2.1.5. Xây dựng Hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng thâm canh, chọn nhân giống bằng hạt và hom cho 2 loài ở các vùng nghiên cứu.

           

            2.2. Phương pháp nghiên cứu

            2.2.1. Phương pháp nghiên cứu xác định một số đặc điểm lâm học của Sồi phảng và Gáo trắng

            Phương pháp nghiên cứu đặc điểm phân bố và sinh thái: Nắm bắt thông tin qua cán bộ lâm nghiệp địa phương. Kế thừa các tài liệu đã có về các loài cây kết hợp với điều tra bổ sung để từ đó xác định vùng phân bố của các loài. Tại mỗi điểm điều tra, tiến hành thu thập các thông tin về trạng thái rừng, độ cao so với mực nước biển, các thông tin về điều kiện sinh thái. Mỗi trạng thái rừng đào 1 phẫu diện đất, mô tả và lấy mẫu ở 3 tầng : 0-10cm ; 30-40cm và 50-60cm về phần tích các chỉ tiêu trong phòng thí nghiệm.

Phương pháp nghiên cứu đặc điểm nhóm loài sinh thái và tái sinh: Áp dụng phương pháp điều tra trên ô tiêu chuẩn điển hình tạm thời để xác định kết cấu tổ thành, mối tương quan giữa các loài, nhóm loài sinh thái và đặc điểm tái sinh của từng loài. Trên mỗi trạng thái rừng tự nhiên, lập 3 ô tiêu chuẩn điển hình tạm thời, diện tích mỗi ô tiêu chuẩn 2500m2. Trong mỗi ô tiêu chuẩn thu thập toàn bộ tầng cây cao gồm các chỉ tiêu loài cây, mật độ, đường kính, chiều cao, chất lượng cây,… Trong mỗi ô tiêu chuẩn lập 5 ô dạng bản, 4 ô ở 4 góc và 1 ô ở trung tâm của ô tiêu chuẩn, diện tích mỗi ô dạng bản là 25m2 (5x5m) để điều tra về cây tái sinh. Các chỉ tiêu thu thập cho tầng cây tái sinh gồm loài cây, đường kính, chiều cao, khoảng cách giữa các cây tái sinh, chất lượng cây tái sinh, nguồn gốc tái sinh, …

Phương pháp nghiên cứu đặc điểm sinh trưởng: Trên các đối tượng rừng trồng, lập các ô tiêu chuẩn tạm thời, diện tích 500m2. Thu thập số liệu sinh trưởng (đường kính và chiều cao) của các cây trong ô tiêu chuẩn cho từng loài cây. Tính toán trữ lượng, tăng trưởng và năng suất của rừng trồng. Đối với mỗi mô hình cũng đào 1 phẫu diện đất, mô tả và lấy mẫu ở 3 tầng : 0-10cm ; 30-40cm và 50-60cm về phần tích các chỉ tiêu trong phòng thí nghiệm để xác định tính chất đất trong các mô hình rừng trồng Sồi phảng và Gáo trắng.

Nghiên cứu vật hậu: Lựa chọn 5 cây/loài/địa điểm ở 3 địa điểm khác nhau để tiến hành theo dõi vật hậu học cho từng loài.

2.2.2 Phương pháp tổng kết, đánh giá các mô hình và biện pháp kỹ thuật đã áp dụng cho các loài Sồi phảng và Gáo trắng ở một số vùng sinh thái trọng điểm

            Áp dụng phương pháp kế thừa tài liệu và điều tra bổ sung trên các ô tiêu chuẩn tạm thời ở một số vùng sinh thái trọng điểm. Trên cơ sở thu thập các thông tin từ các cơ quan lâm nghiệp và các tài liệu, báo cáo đã có để tổng kết, đánh giá các mô hình và biện pháp kỹ thuật gây trồng đã áp dụng cho các loài cây Sồi phảng và Gáo trắng. Các thông tin thu thập bao gồm địa điểm trồng, diện tích trồng, các mô hình, điều kiện gây trồng và các biện pháp kỹ thuật đã áp dụng, những thuận lợi và vướng mắc trong việc gây trồng các loài cây này. Đối với mỗi mô hình rừng trồng Sồi phảng, Gáo trắng ở các dạng lập địa và điều kiện gây trồng khác nhau, thiết lập 3 ô tiêu chuẩn diện tích 500m2 để điều tra về tình hình sinh trưởng và tái sinh của từng loài. Thu thập các chỉ tiêu: Tuổi rừng trồng, mật độ trồng, mật độ hiện tại, biện pháp kỹ thuật áp dụng, các chỉ tiêu sinh trưởng, những mô hình thành công và bài học kinh nghiệm.

2.2.3. Phương pháp nghiên cứu chọn giống, khảo nghiệm xuất xứ và các biện pháp kỹ thuật nhân giống cho Sồi phảng và Gáo trắng

a) Phương pháp chọn giống và khảo nghiệm xuất xứ

            – Loại hình, số lượng xuất xứ và địa điểm khảo nghiệm: Loại hình khảo nghiệm xuất xứ được áp dụng là khảo nghiệm xuất xứ cục bộ.

– Chọn lâm phần rừng có Sồi phảng và Gáo trắng phân bố tự nhiên để chọn cây trội:

            Tiêu chuẩn của lâm phần lấy giống được xác định là: có nguồn gốc địa lý rõ ràng, tốt nhất là rừng tự nhiên, tuy nhiên đối các cây mẹ được tuyển chọn từ rừng trồng thì phải có xuất xứ nguồn giống cụ thể; tổ thành và kết cấu của lâm phần càng đồng nhất càng tốt, tỷ lệ của Sồi phảng và Gáo trắng trong lâm phần phải tương đối lớn, tuổi cây rừng không sai khác nhau nhiều, có mật độ thích hợp, lâm phần ở vào thời kỳ sinh trưởng thịnh vượng, sức sống khoẻ. Diện tích lâm phần phải tương đối lớn, từ 5 ha trở lên, điều kiện lập địa không có những biến đổi lớn. Tại mỗi tỉnh dự kiến sẽ chọn ra 2 – 3 lâm phần rừng đáp ứng tốt nhất những yêu cầu đặt ra làm lâm phần lấy giống. Sử dụng phương pháp chỉ thị phân tử để xác định các xuất xứ đưa vào khảo nghiệm.

– Chọn cây mẹ lấy vật liệu giống: Trong các lâm phần lấy giống, chọn những cây tốt nhất để lấy giống (cây mẹ), mỗi lâm phần dự kiến chọn 3 cây mẹ, tổng số cây trội sẽ tuyển chọn là 50 cây. Khoảng cách giữa các cây lấy giống không nhỏ hơn 3 lần chiều cao của cây. Việc chọn cây mẹ lấy giống được căn cứ vào 2 chỉ tiêu cơ bản là hình thái bên ngoài và phẩm chất cây. Về hình thái, chọn những cây thân thẳng, tròn đều, tán tròn đều và hẹp. Về phẩm chất cây, chọn cây tốt, không sâu bệnh, có hoa quả, ở vào thời kỳ thành thục tái sinh.

– Bố trí công thức khảo nghiệm xuất xứ: Thí nghiệm được bố trí theo tiêu chuẩn ngàng 04-TCN-147-2006 của Bộ NN&PTNT.

           b) Phương pháp nghiên cứu kỹ thuật nhân giống cho 2 loài:

+ Nghiên cứu tạo cây con từ hạt: Nghiên cứu kỹ thuật thu hái bảo quản và xử lý hạt giống, kỹ thuật gieo ươm, chế độ chăm sóc cho cây giai đoạn vườn ươm bằng phương pháp sinh thái thực nghiệm.

+ Nghiên cứu nhân giống sinh dưỡng: Sử dụng các phương pháp giâm hom cành để nghiên cứu nhân giống sinh dưỡng cho các loài nghiên cứu. Thí nghiệm giâm hom được bố trí trên luống giâm nền xi măng, trên có khung vòm được che phủ ni lông; nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả giâm hom như tuổi cây lấy hom; mùa giâm hom, loại hom, các chất kích thích quá trình ra rễ.

2.2.4. Phương pháp nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật trồng rừng thâm canh và phát triển mô hình Sồi phảng và Gáo trắng:

            Các biện pháp kỹ thuật trồng rừng thâm canh Sồi phảng và Gáo trắng Sẽ tập trung nghiên cứu các vấn đề sau đây:

Phương thức trồng:

+ Trồng rừng tập trung:

+ Trồng cây phân tán:

+ Trồng xen nông lâm kết hợp.

+ Trồng làm giàu rừng:

– Thí nghiệm về làm đất: Thử nghiệm 3 công thức: i) Cày rạch; ii) Cuốc hố lớn 40 x 40 x 40cm; iii) Cuốc hố trồng kích thước bình thường 30x30x30cm (Đối chứng).

Thí nghiệm về mật độ trồng: Thử nghiệm 3 công thức mật độ trồng: i)  830 cây/ha (cự ly trồng 3x4m); ii) 1.100 cây/ha (cự ly trồng 3x3m); iii) 1.300 cây/ha (cự ly trồng 3×2.5m).

Thí nghiệm về bón phân: Thí nghiệm 3 công thức bón lót như sau: i) 100g NPK + 300g vi sinh/hố; ii) 200g NKP + 300g vi sinh/hố; iii) 200g NPK/hố.

Phương pháp thu thập và xứ lý số liệu rừng trồng thí nghiệm:

            Định kỳ mỗi năm 2 lần vào đầu và cuối mùa sinh trưởng, tiến hành thu thập số liệu sinh trưởng ở các thí nghiệm với chỉ tiêu đo đếm là tỷ lệ sống, đường kính cây, chiều cao cây, đường kính tán, chất lượng cây trồng, tình hình sâu bệnh hại…

Áp dụng phương pháp phân tích phương sai để so sánh, đánh giá các kết quả thí nghiệm.

2.2.5. Xây dựng hướng dẫn kỹ thuật gây trồng, kỹ thuật chọn cây trội và nhân giống bằng hạt và hom Sồi phảng và Gáo trắng:

Hướng dẫn kỹ thuật gây trồng Sồi phảng và Gáo trắng sẽ được xây dựng trên cơ sở các kết quả nghiên cứu theo các nội dung trên đây, bao gồm từ khâu xác định điều kiện gây trồng cho tới các biện pháp kỹ thuật chọn giống, tạo giống, kỹ thuật tạo rừng, chăm sóc và nuôi dưỡng rừng,…

3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

3.1. Kết quả điều tra khảo sát

            Đã tiến hành điều tra theo từng vùng như sau:

– Vùng Đông Bắc: Quảng Ninh, Vĩnh Phúc.

– Vùng Trung tâm tại Cầu Hai, Tân Sơn, Thanh Sơn – Phú Thọ.

– Vùng Bắc Trung Bộ tại Nghệ An, Hà Tĩnh.

– Vùng Tây Nguyên tại Gia Lai và Lâm Đồng.

– Vùng Đông Nam Bộ tại Đồng Nai.

– Vùng Tây Nam Bộ tại Cà Mau.

Đã chọn được 100 cây trội dự tuyển, thu hái hạt, gieo ươm cây giống phục vụ trồng rừng thí nghiệm và khảo nghiệm xuất xứ.

3.2. Kết quả xây dựng mô hình

Đề tài đã xây dựng được 10 ha trong tổng số 30 ha tại Lương Thịnh – Trấn Yên – Yên Bái:

– Khảo nghiệm xuất xứ 1 ha,

– Trồng rừng tập trung 2,77 ha,

– Trồng cây phân tán (chỉ trồng Gáo trắng) 0,33 ha,

– Trồng xen với sắn và mây 2 ha,

– Trồng làm giàu rừng 1,2 ha

– Thí nghiệm 3 công thức làm đất với diện tích 0,9 ha.

– Thí nghiệm 3 công thức mật độ trồng với diện tích 0,9 ha.

– Thí nghiệm 3 công thức bón lót diện tích 0,9 ha.

 

4. KẾT LUẬN.

– 1 ha mô hình thí nghiệm khảo nghiệm xuất xứ của Sồi phảng và Gáo trắng được xây dựng tại Yên Bái. Bố trí theo khối ngẫu nhiên đầy đủ lặp lại 3 lần, mỗi lần lặp 25cây. Bước đầu cây sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ cây sống > 90 %.

– 9 ha mô hình thí nghiệm các biện pháp kỹ thuật thâm canh đối với 2 loài được xây dựng tại Yên Bái. Bố trí thí nghiệm theo các công thức từ trồng rừng tập trung, trồng phân tán, trồng xen nông lâm kết hợp, trồng làm giàu rừng; Các biện pháp kỹ thuật áp dụng như mật độ trồng, thí nghiệm làm đất, thí nghiệm bón phân đã bố trí theo đúng phương pháp đã được phê duyệt. Bước đầu cây sinh trưởng và phát tốt, tỷ lệ sống > 90 %.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Tiếng Việt

Trồng cây bản địa tại tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An. Dự án KFW4. Báo cáo hội thảo,

– Nguyễn Bá Chất (1998), phương thức và mật độ trồng rừng, tạp chí Lâm nghiệp số 2, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam,

– Nguyễn Bá Chất (1999), Sồi phảng loài cây trồng bổ sung trong khoanh nuôi phục hồi rừng, tạp chí Lâm nghiệp số 8, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam,

– Triệu Văn Hùng (1994), đặc tính sinh vật học các cây làm giàu rừng. Kết quả nghiên cứu Lâm nghiệp, Nxb Nông nghiệp.

Tiếng Anh

– Matti Leikola (1995), mixed Stands and Their Establishment, IUFRO XX,

– Ball, T.J  Wormald and L. Russo. Experience with Mixed and single Species Plantations

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]