GIÁNG HƯƠNG
Tên khác: Giáng hương quả to, đinh hương
Tên khoa học: Pterocarpus macrocarpus Kurz.
Họ thực vật: Đậu (Fabaceae)
(Nguồn chính: Hà Thị Mừng, 2000)
1. Đặc điểm hình thái
Cây gỗ lớn, rụng lá, cao đến 25-30 m, đường kính có thể đạt 90cm hoặc hơn nữa. Tán cây hình ô, cành non có lông mịn, cành già nhẵn. Vỏ màu nâu xám, dày trung bình 1,5-2 cm, nứt dọc, bong vảy lớn, thịt vỏ màu hơi vàng, khi vạc vỏ chảy nhựa màu đỏ tươi.
Lá kép lông chim một lần lẻ, mọc cách, mang 7-13 lá chét xếp so le. Hoa màu vàng, mọc thành chùm ở nách lá. Mỗi chùm hoa dài 7-10 cm, mang 20-25 hoa. Quả hình tròn dẹt, đường kính 4,5-7,0 cm. Khoang cứng nổi lên ở giữa, chứa 1-3 hạt. Hạt hình lưỡi liềm, khi chín có màu nâu, dài 0,7-1,0 cm, rộng 0,3 – 0,5cm.
2. Đặc tính sinh thái
Giáng hương phân bố ở Myanma, Thái Lan, Lào, Cămpuchia và Việt Nam.
Trên thế giới, Giáng hương có mặt trong 2 kiểu rừng chính là rừng hỗn loài nửa rụng lá (rừng bán thường xanh) và rửng rụng lá mà chủ yếu là rừng thưa cây họ Dầu (rừng khộp), đất phát triển trên nhiều loại đá mẹ khác nhau nhưng tốt nhất là trên đất có thành phần cơ giới nhẹ và thường sống ven sông nơi gần nguồn nước. Thường mọc ở độ cao từ 100-800m so với mực nước biển, chịu được điều kiện mưa nhiều và biên độ nhiệt lớn, nhiêt độ tối cao tuyệt đối 37,7-44,4oC và tối thấp tuyệt đối 4,4-11,2oC. Lượng mưa bình quân 889-3572 mm/năm, mọc tốt ở vùng có lượng mưa 1270-1520 mm/năm.
Ở Việt Nam, Giáng hương cũng có mặt trong hai kiểu rừng là rừng khộp và rừng bán thường xanh, ở các tỉnh Tây Nguyên, Nam Bộ như Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Phú Yên, Đồng Nai, Tây Ninh. Thường thấy ở những nơi có độ cao so với mực nước biển từ 20 m đến 680 m, tập trung ở những nơi có địa hình tương đối bằng phẳng, độ dốc 2-100, nhiệt độ trung bình năm 21,9-26,9oC, nhiệt độ tối cao tuyệt đối 36-42,70C, nhiệt độ tối thấp tuyệt đối 1,7-15,00C, nhiệt độ tối cao trung bình tháng nóng nhất 29,7-35,30C, nhiệt độ tối thấp trung bình tháng lạnh nhất 10,4-20,90C. Mọc trên nhiều loại đất như đất xám, đất đỏ bazan, chịu được điều kiện đất khô xấu thích hợp với những vùng có khí hậu chia thành 2 mùa mưa và khô rõ rệt.
3. Giống và tạo cây con
Nguồn giống thu hạt từ cây mẹ tuyển chọn trong các rừng giống chuyển hoá đã được công nhận, có chiều cao từ 8 m và đường kính từ 20cm trở lên, thân thẳng, tán đẹp, tỉa cành tự nhiên tốt, không bị sâu bệnh hay cụt ngọn. Thu quả khi vỏ quả có màu nâu đem phơi trong 3-4 nắng nhẹ, dùng kéo cắt vỏ và tách hạt ra khỏi quả, 1000 hạt nặng 61-63 gam, hàm lượng nước trong hạt 12%, tỷ lệ nẩy mầm 83-85%. Để hạt trong túi nilông đem bảo quản ở 8oC.
Gieo ươm hạt từ tháng 12 đến tháng 2 tuỳ thuộc thời vụ trồng rừng. Xử lý hạt bằng cách ngâm hạt vào nước nóng 60oC trong 10 giờ, vớt ra ủ trong bao tải, hàng ngày rửa chua, chọn hạt nứt nanh cấy vào bầu.
Túi bầu nuôi cây làm bằng Polyetylen cỡ 11 x12 cm, đục 5 lỗ thoát nước mỗi bên. Ruột bầu gồm hỗn hợp 88% đất mặt vườn ươm +10% phân chuồng hoai +2% supelân tính theo khối lượng.
Tưới nước đủ ẩm, che bóng 50% trong 3 tháng đầu, sau đó tháo bớt còn 25%. Trong 4 tháng mùa khô mỗi ngày tưới một lần 6,5 lít nước/m2, vào buổi sáng.
Làm cỏ phá váng 15 ngày/lần. Trong 5 tháng đầu mỗi tháng tưới thúc 1 lần NPK (6:1:3), nồng độ 1-2%, 4 lít/1 m2. Từ tháng thứ 4 trở đi mỗi tháng đảo bầu 1 lần.
Tiêu chuẩn cây xuất vườn: Cây con 6 tháng tuổi, khoẻ mạnh, không bị sâu bệnh, không cụt ngọn, chiều cao tối thiểu 50cm, đường kính cổ rễ 5-7mm.
4. Trồng và chăm sóc rừng
Chọn nơi trồng có nhiệt độ bình quân năm 22-27oC, tối cao tuyệt đối 36-43oC, tối thấp tuyệt đối 1,7-14,1oC. Lượng mưa 1268-2172 mm/năm, lượng bốc hơi 867-1436 mm/năm. Độ cao tuyệt đối dưới 700m, độ dốc thích hợp dưới 10 độ. Đất xám phát triển trên sa thạch, phiến sét, granít và đất đỏ badan, chua, thành phần cơ giới từ nhẹ đến nặng, thoát nước tốt.
Trồng vào đầu tháng 6 đến giữa tháng 8, tránh tiểu hạn vào giữa tháng 7.
Thực bì rừng kiệt hay phục hồi sau rẫy xử lý bằng cách phát dọn theo băng hẹp đảm bảo độ tàn che ban đầu 0,25-0,5, sau đó mở dần đến năm thứ 4 trở đi có thể mở tán hoàn toàn.
Hố đào 30x30x30cm trước khi trồng 15-20 ngày, kết hợp bọn lót 150 gam phân hữu cơ vi sinh cho 1 hố.
Trồng bằng cây con có bầu 6 tháng tuổi, trồng thuần loài hoặc hỗn giao với các loài Căm xe, Cẩm liên, Cà chít, Chiêu liêu, Bằng lăng, Trâm, Kơ nia. Mật độ 1250 cây/ha, cự ly 2x4m.
Chăm sóc năm đầu 2 lần, lần 1 sau trồng 1 tháng, lần 2 vào tháng 12 chủ yếu làm cỏ vun gốc. Từ năm thứ 2 trở đi mỗi năm làm cỏ, phát luỗng thực bì xâm lấn, vun xới gốc 3 lần vào cuối mùa khô, giữa mùa mưa và cuối năm.
5. Khai thác, sử dụng
Gỗ có lõi và giác phân biệt, giác màu vàng nhạt, lõi màu nâu vàng, vân đẹp, bền và có mùi thơm dễ chịu, khả năng hấp sấy khô chậm nhưng dễ khô kiệt, lõi cứng hơi khó gia công. Gỗ nặng trung bình, khối lượng riêng của gỗ khô là 0,73-0,80 g/cm3, thuộc loại gỗ quý, nhóm I dùng trong xây dựng, đóng đồ dùng cao cấp, đóng bàn ghế, tủ hòm, làm ván sàn,…
Cây có dáng đẹp, hoa thơm được trồng làm cây cảnh trong công viên hoặc ven đường phố, đặc biệt rễ có vi sinh vật cộng sinh có khả năng cố định đạm cải tạo đất.
Vỏ có chứa tanin và nhựa màu đỏ có thể dùng để nhuộm quần áo.
Ở Băng Cốc cây trồng 8 tuổi cao 7,28m, đường kính đạt 11,58cm, đến 18 tuổi đạt 14,9m về chiều cao và 25,9cm về đường kính.
Ở nước ta Giáng hương 39 tuổi trồng thuần loài trên đất đỏ ba zan có chiều cao khoảng 22m, đường kính từ 20-28 cm, cây lớn nhất là 48,4cm đạt kích cỡ gỗ lớn dùng trong xây dựng.
Thử nghiệm trồng 1998 ở Krông Pach, ĐắkLắk trên đất đỏ bazan, sau 5 năm tỷ lệ sống 100%, cây cao 7,1m, đường kính 9,2cm chứng tỏ ở giai đoạn này khả năng sinh trưởng của Giáng hương là khá tốt.
Thử nghiệm trồng năm 1947 ở Eakmat, Buôn Mê Thuột, Dak Lak trên đất đỏ bazan có độ phì cao vừa mới phát dọn rừng hỗn giao lá rộng nghèo kiệt. Kết quả sau 52 năm cây đạt 16m về chiều cao và 28,5cm về đường kính, nếu so với Căm xe cũng trồng ở khu vực này lượng tăng trưởng bình quân năm của Giáng hương có kém hơn chút ít nhưng vẫn đạt được mức sinh trưởng khá.
Tin mới nhất
- Hội nghị “Thúc đẩy thí điểm cấp, quản lý mã số vùng trồng rừng nguyên liệu và khởi động dự án FCBMO”
- Hội đồng tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ cấp tỉnh: Nghiên cứu trồng rừng thâm canh cây Sồi phảng (Lithocapus fissus Champ. Ex Benth) cung cấp gỗ lớn ở Quảng Ninh
- Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình phối hợp công tác giữa Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang với Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, giai đoạn 2021 - 2025
- PGS.TS Hoàng Văn Thắng - Viện trưởng Viện nghiên cứu Lâm Sinh - Viện khoa học Lâm nghiệp Việt Nam được tôn vinh :” Nhà khoa học của nhà nông 2024”
- Điều động, bổ nhiệm Phó Trưởng ban Khoa học, Đào tạo và Hợp tác quốc tế