ĐƯỚC VÒI
Tên khác: Đâng
Tên khoa học: Rhizophora stylosa Griff
Họ thực vật: Đước (Rhizophoraceae)
(Nguồn chính: Ngô Đình Quế, 2010)
1. Đặc điểm hình thái
Đước vòi là cây thân gỗ cao 2-8m. Lá đơn hình bầu dục hơi dài, chóp có mũi nhọn. Lá to, dầy và bóng dài 10-12 cm, rộng khoảng 6-8 cm.
Cụm hoa hình tán có 3-4 nhánh, mỗi nhánh có 5-6 hoa. Quả có hình quả lê nhỏ khi còn non, trơn, mầu nâu. Quả bao gồm cả trụ mầm dài 25-40 cm.
Cây ra hoa vào tháng 3, tháng 4 là loài cây có hiện tượng “sinh cây con trên cây mẹ”.
2. Đặc tính sinh thái
Phân bố tự nhiên tương đối rộng trên các loại đất ngập nước mặn ven biển miền Bắc Việt Nam.
Các vùng có rừng Đước vòi phân bố tự nhiên và trồng rừng Đước vòi sinh trưởng tốt ở miền Bắc Việt Nam là nơi có đặc điểm khí hậu nhiệt đới ẩm, biến tính có mùa đông lạnh.
Nhiệt độ trung bình năm 22,2-24ºC. Trong năm có 1 đến 4 tháng lạnh (tháng có nhiệt độ trung bình dưới 20ºC), riêng vùng Đông Bắc (tỉnh Quảng Ninh), trong năm có tới 120 ngày lạnh, có nhiệt độ trung bình trong ngày dưới 20ºC, trong số 120 ngày lạnh có tới 80 ngày nhiệt độ trung bình dưới 15ºC.
Thích nghi với loại đất bùn pha cát, mọc chủ yếu nơi thủy triều cao và trung bình, ưa độ mặn nước biển cao (20-34 ‰). Thân cây tròn và thẳng, phân nhánh nhiều và sớm hơn cây Đước đôi ở Nam Bộ, rễ cây hình nơm có nhiều rễ chống phát triển.
3. Giống và tạo cây con
Để chủ động cây giống trồng rừng tránh mùa mưa bão hoặc chủ động cây giống để trồng dặm, có thể gieo ươm trong bầu tại vườn ươm.
Vườn ươm phải gần nơi trồng rừng và thuận lợi cho việc vận chuyển cây con.
Vườn ươm bố trí và lựa chọn cẩn thận ở nơi ngập triều trung bình trong năm, có bờ bao xung quanh để bảo vệ.
Vườn phải đặt xa nơi nguồn bệnh và tách rời xa khu canh tác nông nghiệp, nơi chăn thả gia súc, tránh nơi thuỷ triều rút quá nhanh, nơi hay bị phù sa bồi lắng.
Nguồn giống được thu, hái trong rừng ngập mặn nơi có đước vòi phân bố tự nhiên. Mùa quả chín từ tháng 7-8.
Thu lượm trụ mầm chín trên mặt nước, khi thuỷ triều đưa ra biển rồi dạt vào những bờ biển thoai thoải hoặc thu hái trực tiếp từ cây mẹ bằng cách rung cho trụ mầm rụng xuống. Trụ mầm khi chín có mầu hơi vàng, giữa quả và trụ mầm xuất hiện vòng nhẫn dài 1-1,5cm, phình to có mầu nâu xám, khi đó trụ mầm dễ dàng tách ra khỏi quả. Nếu quả chưa xuất hiện vòng nhẫn là quả vẫn ở giai đoạn còn non.
Khi chín trụ mầm dài 25-45cm, 1kg chứa 52-57 trụ mầm, tỷ lệ nảy mầm 90- 98%.
Trụ mầm sau khi thu hái về phải tiến hành phân loại. Loại bỏ những trụ mầm còn non khi chưa rời khỏi quả, những trụ mầm bị sâu bệnh, bị cáy, còng cắn ngang thân, bị mất lá mầm. Không chọn những trụ mầm có những chấm mầu nâu xẫm, biểu hiện phần mô phía trong đã bị chết. Bó thành các bó số lượng trung bình 20- 30 trụ mầm để tiện cho bảo quản và vận chuyển.
Trụ mầm giảm tỷ lệ nảy mầm rất nhanh khi ở điều kiện bình thường, do đó sau khi thu hái về phải cấy vào bầu ngay, khi không cấy kịp thời cần bảo quản bằng cách:
– Xếp các trụ mầm xuống bãi có ngập thuỷ triều dùng lưới quây lại để tránh nước cuốn trôi
– Xếp thành đống ở nơi râm mát, phủ bao gai, hàng ngày tưới nước để giữ ẩm.
– Thời gian bảo quản không quá 15 ngày.
Dùng bầu Polyetylen mầu trắng đục hay đen. Bảo đảm độ bền cao để khi đóng bầu, chịu được ngâm trong nước biển hoặc quá trình chăm sóc vận chuyển cây con đi trồng rừng không bị hư hỏng.
Sử dụng túi bầu có đáy, đường kính 15cm, cao 20cm, đục các lỗ nhỏ có đường kính 0,5cm xung quanh để thoát nước.
Sử dụng 95% loại đất cát pha ngập thuỷ triều hàng ngày để đóng bầu (đất được lấy ở tầng mặt có độ sâu 0-20cm, pH= 6,5-7,2; tổng muối tan 1,3-1,6%, cát 35%, sét 25%, limon 40%). Trộn đất với 3% supe lân Lâm Thao và 1-2% phân bò khô tính theo trọng lượng bầu.
Trang mặt luống cho phẳng, nhặt sạch cỏ. Kích thước luống đặt bầu 1,2m x 1,2m, hai luống cách nhau 50cm, có rãnh thoát nước khi thủy triều rút.
Xếp bầu theo hàng, cứ hai hàng để cách một hàng, lấp đất xung quanh luống để giữ bầu.
Từ tháng thứ hai cứ 2 tháng đảo bầu một lần, bằng cách dịch chuyển bầu để tránh rễ cắm sâu vào đất. Tiến hành đảo bầu kết hợp với phân loại cây vào thời gian thuỷ triều rút.
Trụ mầm cấy trực tiếp 1/3 chiều dài vào bầu đất. Mỗi bầu chỉ cấy 1 trụ mầm. Cấy trụ mầm vào ngày râm mát, tránh ngày mưa bão.
Hàng ngày gỡ bỏ rong, rêu, vật cản bám vào trụ mầm. Sau khi cấy trụ mầm thường bị một số loài giáp xác, thân mềm, chân bụng, cua còng, ốc biển, hà sun,…tấn công. Vì vậy, thường xuyên theo dõi bắt bỏ các loài động vật này đề phòng cắn nát trụ mầm.
Sau khi cấy vào bầu 12-15 ngày, trụ mầm bắt đầu nảy mầm và ra rễ cấp 1, sau 20 ngày tất cả các trụ mầm đều ra cặp lá thứ nhất, tỷ lệ sống cao đạt tới 95- 98%. Sau thời gian này trụ mầm nào không ra lá cần tiến hành cấy dặm ngay.
Tiêu chuẩn cây xuất vườn: Cây ươm 5-6 tháng tuổi, đường kính trụ mầm 0,5-0,6cm, chiều cao trụ mầm 21-25cm, có 6 lá, trên cây có 3 đốt, không bị nhiễm bệnh, không bị cụt ngọn.
4. Trồng và chăm sóc rừng
Đất trồng đước vòi là đất phù sa trên các bãi đất ngập mặn ven biển, có mức độ ngập triều trung bình. Đất có độ thành thục trung bình từ bùn chặt đến sét mềm.
Độ mặn nước biển thích hợp nơi trồng rừng từ 15- 25%o.
Trên dạng đất sét rắn chắc, đi không lún mà chỉ ngập nước khi thuỷ triều cao bất thường hay đất nhiều cát, mặt đất có nhiều cỏ chịu mặn, trồng rừng cây sinh trưởng và phát triển rất kém.
Trồng thuần loài, bố trí theo hình vuông hay nanh sấu. Trồng hỗn giao theo hàng với một số loài cây như Sú, Trang tuỳ theo điều kiện lập địa từng vùng. Cũng có thể trồng hỗn giao theo đám với Trang, Sú.
Mật độ trồng rừng 10000cây/ha, cự ly 1,0m x 1,0m
Trồng rừng trực tiếp bằng trụ mầm vào tháng 7 đến tháng 8. Trồng bằng cây con có bầu vào tháng 3-5.
Trồng cây khi thuỷ triều rút. Dùng dây nilon thắt nút chia thành các đoạn 1m, kéo thẳng hàng để trồng đúng khoảng cách. Biện pháp dễ làm nhất là dùng một đoạn tre bương hoặc luồng dài 3m, lắp răng dài 10cm với khoảng cách 1m x 1m (Giống như một cào cỏ). Một người cầm cào này kéo theo một đường thẳng trên mặt bùn. Sau đó lại dùng cào kéo theo chiều vuông góc tạo thành những ô vuông thẳng hàng ngang dọc.
Đối với cây có bầu thì rạch vỏ bầu trước khi trồng. Không làm đứt rễ để tránh xâm nhập mặn cây dễ bị chết.
Đối với trụ mầm cắm 1/3 chiều dài trụ mầm xuống đất, nghiêng một góc 45o theo chiều nước thuỷ triều rút, để tránh nước cuốn trôi trụ mầm khi nước triều rút xuống. Trên dạng đất cát, đất cứng, ít phù sa phải dùng một gậy tre vót nhọn đầu, đường kính 1,5- 2cm chọc lỗ để cắm trụ mầm xuống đất.
Chăm sóc 3 năm liền. Sau khi trồng rừng từ 3-6 tháng, cần vớt bỏ rong, rêu, tảo bám trên thân, lá (nếu có) tạo điều kiện cho cây con quang hợp tốt.
Bắt cua, còng, ốc ăn lá cây. Khi phát hiện sâu non dùng tay bắt giết, hoặc rung cây cho sâu rơi để giết.
Bảo vệ các loài ký sinh thiên địch như chim ăn sâu, một số loài côn trùng có lợi như bọ ngựa, các loài ong ký sinh trên trứng và sâu non của sâu hại cây ngập mặn.
Chọn và sử dụng các chế phẩm sinh học trong việc phòng trừ sâu hại như các chế phẩm Beauverine (B.B), Bacilline (B.T), Virut, Metarrhizium.
Chỉ sử dụng biện pháp phun thuốc hoá chất trong trường hợp sâu hại xuất hiện lan tràn với mật độ cao, có nguy cơ bùng nổ thành dịch. Nên sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc thực vật, chóng phân giải, ít độc hại với người và gia súc như các loại thuốc có gốc Perythroide.
Sau khi trồng rừng tiến hành đánh giá diện tích rừng trồng so với diện tích thiết kế, diện tích này phải đảm bảo theo thiết kế khi đối chiếu giữa bản đồ và thức địa. Đánh giá tiêu chuẩn cây trồng sau 3 tháng theo các chỉ tiêu sau:
* Trồng rừng từ cây gieo ươm:
Tỷ lệ sống lớn hơn 90% là đảm bảo tỷ lệ thành rừng (theo quy định đối với cây ngập mặn là 70%).
Chiều cao trung bình (tính cả trụ mầm và trên trụ mầm) từ 62-65cm. Cây bắt đầu phân cành cấp 1.
Đường kính trên đốt 1 từ 0,6- 0,8cm, số lá trung bình một cây 8-10 lá.
* Trồng rừng trực tiếp bằng trụ mầm:
Tỷ lệ sống lớn hơn 92% là đảm bảo tỷ lệ thành rừng (theo quy định đối với cây ngập mặn là 70%).
Chiều cao trung bình (tính cả trụ mầm và trên trụ mầm) từ 35-40cm.
Đường kính trên đốt 1 từ 0,45-0,56 cm, số lá trung bình một cây 4- 6 lá.
Sau 3 năm trồng cây có đường kính gốc 2,0-2,2cm, chiều cao lớn hơn 1,2m, đường kính tán 0,5-0,6m. Tỷ lệ sống đảm bảo trên 70%.
5. Khai thác, sử dụng
Đước vòi là cây bụi hoặc là cây gỗ nhỏ, gỗ mềm dùng làm củi hoặc cọc.
Đước vòi chủ yếu được sử dụng để trồng rừng chắn sóng, bảo vệ đê đập, cố định phù sa ngập mặn ven cửa sông, cửa biển.
Tin mới nhất
- Hội nghị “Thúc đẩy thí điểm cấp, quản lý mã số vùng trồng rừng nguyên liệu và khởi động dự án FCBMO”
- Hội đồng tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ cấp tỉnh: Nghiên cứu trồng rừng thâm canh cây Sồi phảng (Lithocapus fissus Champ. Ex Benth) cung cấp gỗ lớn ở Quảng Ninh
- Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình phối hợp công tác giữa Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang với Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, giai đoạn 2021 - 2025
- PGS.TS Hoàng Văn Thắng - Viện trưởng Viện nghiên cứu Lâm Sinh - Viện khoa học Lâm nghiệp Việt Nam được tôn vinh :” Nhà khoa học của nhà nông 2024”
- Điều động, bổ nhiệm Phó Trưởng ban Khoa học, Đào tạo và Hợp tác quốc tế