DẦU NƯỚC
Tên khác: Dầu con rái, Dầu rái, Dầu sơn
Tên khoa học: Dipterocarpus alatus Roxb.
Họ thực vật: Dầu (Dipterocarpaceae)
1. Đặc điểm hình thái
Cây gỗ lớn, cao tới 40-45m, thân thẳng tròn, phân cành cao, đường kính đạt tới 2-2,5m, vỏ lúc non dày, khi cây lớn mỏng, màu xám vàng.
Lá đơn mọc cách, mặt trên màu xanh thẫm, nhẵn bóng, mặt dưới xanh nhạt có lông mịn. Lá kèm bao chồi búp màu đỏ dài 5-6cm. Hoa cụm mọc ở nách lá, đài tồn tại tạo thành 2 cánh dài 12-15cm, rộng 3-5cm có 3 gân gốc. Quả non màu xanh, cánh quả đỏ, khi già quả và cánh chuyển sang màu cánh dán. Hoa nở vào tháng 1-2, quả chín tháng 4-5.
2. Đặc tính sinh thái
Dầu nước ưa đất ẩm sâu và thoát nước, thành phần cơ giới từ thịt nhẹ đến sét trung bình, pH = 4,5-5,5.
Ưa sáng mạnh nhưng giai đoạn dưới một năm tuổi cần bóng che 50%.
Tái sinh hạt mạnh ở độ tàn che 0,5-0,6 và giảm dần ở độ tàn che 0,7-0,8 nhất là số lượng cây tái sinh ở cấp chiều cao 1,5-2,0m. Tái sinh chồi rất hiếm.
Dầu nước phân bố chủ yếu ở rừng kín lá rộng thường xanh mưa ẩm nhiệt đới và rừng thường xanh nửa rụng lá theo mùa ở vùng Đông Nam Á.
Ở Việt Nam dầu nước phân bố từ Đồng Nai, Sông Bé, Tây Ninh, Bình Thuận đến Quảng Bình và một số tỉnh cao nguyên như Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc và Lâm Đồng, tập trung tại các tỉnh Đông Nam Bộ ở độ cao từ dưới 100m có nơi lên tới 700m so với mực nước biển, lượng mưa 1600-1800 mm/năm, nhiệt độ bình quân 27oC.
3. Giống và tạo cây con
Áp dụng tiêu chuẩn ngành 04TCN 32-2001 – quy phạm kỹ thuật trồng rừng Dầu con rái ban hành kèm theo quyết định số 3644/QĐ/BNN-KHCN ngày 9/8/2001 của Bộ NN&PTNT.
Hạt giống lấy từ cây mẹ cao 15-20m, đường kính 30-40cm chưa khai thác nhựa. Thu nhặt lúc quả và cánh có màu cánh dán, vừa rụng. Mỗi kg có 210-230 quả.
Hạt nhanh mất sức nẩy mầm; thường không giữ được quá 10-15 ngày nên phải bảo quản trong cát ẩm.
Ngâm quả vào nước lã 6 giờ, cắt cánh và ủ lên luống gieo có phủ rơm rạ và tưới đủ ẩm, hạt nứt nanh hoặc mọc cây mầm không quá 5 ngày đem gieo hoặc cấy vào bầu.
Thời vụ gieo từ 15 tháng 4 đến 15 tháng 5 ngay sau khi quả chín.
Vỏ bầu bằng Polyêtylen 8-10×15-20cm, thủng đáy, đục lỗ xung quanh.
Ruột bầu là đất mặt dưới rừng lá rộng thường xanh hoặc nửa rụng lá, trộn với 10-15% phân chuồng hoai và 1-2% supe lân, nếu ít phân chuồng có thể thêm 0,1-0,5% đạm urê.
Đặt hạt nằm ngang hoặc nghiêng 45o, lấp đất dày 2cm, rắc trấu hoặc vỏ cà phê đốt để nguội, tưới đủ ẩm cho cây.
Che bóng 50% ở tầm cao 1,7m đến khi cây được 3-4 tháng tuổi.
Tiêu chuẩn cây đem trồng: Cao 25-30cm, đường kính cổ rễ 0,4cm nếu trồng bằng cây 3 tháng tuổi. Cao 50-60cm, đường kính cổ rễ 0,6cm nếu trồng bằng cây 14 tháng tuổi.
4. Trồng và chăm sóc rừng
Chọn đất đỏ nâu trên đá ba dan, đất xám trên đá granit, phù sa cổ dưới rừng thứ sinh nghèo kiệt, đất phù sa ven sông suối thoát nước để trồng rừng theo 2 phương thức:
– Trồng cây con 3 tháng tuổi kết hợp với canh tác nông nghiệp: Phát dọn hoặc đốt toàn diện trước tháng 4. Cày hoặc cuốc toàn diện, cuốc hố 30x30x30 cm, cự ly 3x4m, mật độ 800-850 cây/ha. Giữa hai băng trồng lúa, đỗ, lạc hoặc sắn, cách gốc Dầu nước 0,5m gieo 2 hàng đậu thiều hoặc đậu tràm để phù trợ.
– Trồng cây 14 tháng tuổi theo rạch, không canh tác nông nghiệp: Chặt bỏ tầng trên tận dụng củi và dọn thực bì theo băng, giữ lại lớp thảm tươi cao không quá 4-5m. Mở rạch có chiều rộng bằng chiều cao lớp thảm tươi. Cuốc hố 40x40x40 cm. Mật độ trồng 500-800 cây/ha.
– Hoặc trồng cây 14 tháng tuổi theo hàng hay đám ven đường, trong công viên làm cây bóng mát.
Thời vụ trồng sớm nhất vào 15 đến 30 tháng 7 nếu trồng cây con 3 tháng tuổi. Trồng tháng 5-6 đối với cây con 14 tháng tuổi.
Chăm sóc ít nhất 3 năm liền:
Năm đầu chăm sóc 2 lần, lần đầu khi cây trồng được 2 tháng, lần hai vào đầu mùa khô, chủ yếu phát cây cỏ xâm lấn và vun gốc.
Năm thứ hai chăm sóc 3 lần vào đầu, giữa và cuối mùa mưa, chủ yếu phát cây cỏ xâm lấn.
Năm thứ ba chăm sóc 2 lần vào giữa và cuối mùa mưa, chủ yếu phát cây cỏ xâm lấn và vun xới quanh gốc.
Phải có biện pháp phòng chống cháy rừng trong mùa khô. Sau 8-10 năm tỉa thưa lần đầu để mở tán cho cây sinh trưởng thuận lợi.
5. Khai thác, sử dụng
Gỗ có tỷ trọng 0,7, xếp nhóm V, được dùng làm gỗ xây dựng và dán lạng. Nhựa trắng chứa 50-70% sesquiterpine còn lại là dầu chai; có thể thay Côlôphan trong công nghệ chế sơn, vecni, mực in, xảm thuyền, gắn kính.
Lá, hoa, vỏ cây có thể tinh chế tanin và dược liệu.
Là cây trồng ven đường, trong công viên, công sở và cũng được sử dụng để trồng rừng, làm giàu rừng.
Tin mới nhất
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ cấp Bộ: Nghiên cứu nâng cao hiệu quả kinh tế của các chuỗi giá trị gỗ rừng trồng, đáp ứng yêu cầu gỗ hợp pháp và quản lý rừng bền vững.
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ tiềm năng cấp Bộ: Nghiên cứu tạo giống bạch đàn đa bội nhằm đáp ứng yêu cầu trồng rừng gỗ lớn.
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ cấp Bộ: Nghiên cứu chọn giống cho năng suất, chất lượng hạt cao và giải pháp phòng trừ sâu, bệnh hại Macadamia.
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết dự án sản xuất thử nghiệm cấp Bộ: Sản xuất thử nghiệm và hoàn thiện kỹ thuật trồng một số giống Keo lai mới được công nhận (BV586, BV376, BB055, BV584, BV523, BV434, BV350).
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ tiềm năng cấp Bộ: Nghiên cứu kỹ thuật nhân giống và trồng thử nghiệm Mít nài (Artocarpus chama Buchanan-Hamilton) cung cấp gỗ lớn ở khu vực miền núi phía Bắc.