Kỹ thuật trồng cây Xà cừ lá nhỏ

XÀ CỪ LÁ NHỎ

Tên khoa học: Swietenia microphylla

Họ thực vât: Xoan (Meliaceae)

(Nguồn chính: Trần Văn Sâm, 2009)

1. Đặc điểm hình thái

Xà cừ lá nhỏ là cây gỗ lớn cao tới 40 m, đường kính trên 100 cm, vỏ xám trắng và có thể gỡ chúng ra thành từng mảnh được, tán cây rậm hình chóp, cành ít và phân cành cao, tán cây luôn có màu xanh đậm.

Lá kép lông chim chẵn, lá phụ dạng hình thuôn bầu dục đỉnh đầu nhọn và dài, gợn sóng, dài 6-10 cm, rộng 3-5 cm, số cặp gân lá 9.

Cụm hoa là chùm, hoa nhỏ màu trắng, cánh đài nhỏ, cánh tràng 5 màu trắng, 10 nhị dính thánh ống. Qủa nang lớn 8-10cm khi khô chín nang nứt vách và bung ra làm 5 mảnh để lộ bên trong. Hạt màu mâu dẹp, rộng 2-2,5cm và có cánh.

15-02-06 Xacu

2. Đặc tính sinh thái

Ở điều kiện sống thích hợp cây Xà cừ lá nhỏ mọc khá nhanh, cây 20 tuổi có thể cao 18 m, đường kính 22 cm. Lá thường xanh đậm quanh năm. Mùa ra hoa tháng 11-12, quả chín vào tháng 4-5 năm sau. Cây non có thể mọc dưới tán rừng hoặc ngoài đất trống.

Khả năng tái sinh chồi  tốt.

Xà cừ lá nhỏ thích ứng ở nơi có 2 mùa mưa và khô, nhiệt độ bình quân trong năm 24-25oC, lượng mưa trung bình từ 1200-2500 mm/năm, độ ẩm không khí 70-100%.

Thích hợp với các loại đất xám phù sa cổ có thành phần sét pha cát (trừ các loại phụ có thành phần chủ yếu là cát thô mà mực nước ngầm lại sâu trên 8-10m trong mùa khô); Đất Bazan nâu đỏ hoặc vàng đỏ, ít bị thoái hóa, không có đá ong và tầng kết von cứng chặt ở độ sâu <50cm. Nếu đất bị thoái hóa mạnh thì cần phải có mực nước ngầm không sâu quá 6 m trong mùa khô nhưng cũng không được ngập úng trong mùa mưa; Các loại đất feralit khác có tầng dày ở địa thế ẩm mát; Đất nâu đen trên đá mẹ là Tuff bazan nhưng phải có lớp đất mặt xốp và ít đá lẫn dày trên 30cm và không bị ngập úng trong mùa mưa. Độ pH thích hợp là 4-5.

Trong điều kiện đất phù sa cổ bạc màu thì phải bón phân hợp lý nhằm tăng cao năng suất của rừng.

3. Giống và tạo cây con

Thời gian thu hái: Xà cừ lá nhỏ bắt đầu ra hoa tháng 11-12, quả chín vào tháng 4 đến tháng 5 năm sau. Khi vỏ quả có màu nâu hay hạt màu nâu nhạt thì bắt đầu thu hái quả. Mùa thu hái giống thường từ đầu tháng 4 đến giữa tháng 5.

Cách thu hái: Thu hái quả ở những cây mẹ trên 10 tuổi, thân thẳng, tán lá cân đối. Khi quả trên cây đã đến độ chín đều (2/3 số quả trên cây có cánh từ màu nâu sáng chuyển sang màu nâu đỏ), quyét sạch dưới gốc cây cần thu hái, trèo lên cây (hoặc dùng cù nèo móc vào cành cây có quả) rung cho quả rụng xuống. Cũng có thể nhặt quả rụng quanh gốc cây nhưng theo cách này thường tỉ lệ nảy mầm thấp và hạt giống thu được dễ bị lẫn với hạt của những cây khác.

Chế biến: Quả Xà cừ lá nhỏ sau khi thu hái về, loại bỏ tạp chất, những quả nhỏ, sâu bệnh, phơi khô tách quả lấy hạt bên trong. Một kg hạt có khoảng 3000 hạt.

Bảo quản hạt giống: Hạt Xà cừ lá nhỏ là loại hạt có nhiều tinh dầu, việc bảo quản hạt cần cẩn thận, có thể bảo quản được trong một thời gian theo 2 cách sau:

+ Bảo quản ở nhiệt độ thường: Hạt được cho vào bao tải buộc miệng bao lại để ở nơi râm mát, khô ráo duy trì được sức sống của hạt trong vòng 2-4 tháng.

+ Bảo quản lạnh: Với cách bảo quản này, độ ẩm của hạt khi đưa vào bảo quản từ 32-34%, hạt đựng trong túi Polyetylen hàn kín và được giữ ở nhiệt độ ổn định 5-10oC, có thể duy trì sức sống của hạt được lâu hơn.

Luống gieo rộng 1 m, cao 15-20cm, rãnh luống rộng 35-40cm.

Phải làm kỹ đất trước khi gieo, mặt luống phải bằng phẳng, đất được làm tơi xốp, loại bỏ cỏ và tạp chất.

Trước khi gieo hạt khoảng 1 tuần phải xử lý đất bằng Benlát nồng độ 0,5% hoặc Boocdo nồng độ 1%, liều lượng 1lít/1m2 để chống nấm.

Hạt được gieo trước khi trồng rừng khoảng 12-18 tháng. Thời gian gieo vào tháng 2-5, thời gian nuôi cấy trong vườn ươm là 1 năm.

Hạt giống sau khi thu hái về lọai bỏ tạp chất, ngâm hạt trong nước 2 sôi 3 lạnh, sau 24 giờ vớt ra dùng bao tải ủ và rữa chua hàng ngày tới khi nứt nanh (3- 4 ngày sau) thì đem gieo.

Hạt đem gieo vãi đều ra luống (1kg/10 – 12m2), trước khi gieo phải tưới đẫm nước cho đất ẩm đều, sau khi vãi hạt phải sàng 1 lớp đất bột dày 0,5-1cm phủ kín hạt.

Dùng bình tưới có lỗ nhỏ để tưới nước giữ ẩm cho hạt, ngày tưới 2 lần, mỗi lần 8-10 lít nước/1m2. Trong thời gian hạt mới nhô lên khỏi mặt đất cần phải tưới mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 6lít/1m2. Sau 1 tháng mỗi ngày tưới 1 lần.

Túi bầu làm bằng Polyetylen kích thước 15×30 cm có đục lỗ thóat nước xung quanh.

Hỗn hợp ruột bầu gồm 65% đất tầng A, 20% đất mùn, đất được đập nhỏ, sàng kỹ, nhặt hết đá lẫn, cỏ và trộn với 1-2% supe lân + 10-13% phần chuồng hoai.

Trước khi đóng bầu phải làm sạch cỏ và san phẳng nền vườn ươm, phun thuốc Betlát hoặc Boocđô nồng độ 1% với liều lượng 1lít/1m2 trên toàn bộ diện tích vườn để trừ sâu bệnh. Trộn đều hỗn hợp ruột bầu, nếu đất quá khô thì tưới nước vừa đủ để trộn. Cho hỗn hợp ruột bầu vào túi bầu cao khoảng 5cm, nén chặt để định hình bầu và giữ đất trong bầu không bị rơi vãi ra ngoài, sau đó đổ hỗn hợp đã trộn cho đầy tới miệng bầu. Sau khi đóng xong thì tiến hành xếp bầu lên luống, bầu được xếp sát nhau, đứng thẳng, luống rộng 0,9-1m, các luống cách nhau 40-60cm để thuận lợi cho việc chăm sóc, xung quanh luống đắp gờ cao 8-10cm để giữ bầu khỏi đổ và giữ ẩm cho luống bầu.

Khi cây mạ đã gieo được khoảng từ 30-40 ngày, cây mạ đã có được 4 lá và cao khoảng 5cm, các rễ ngang đầu tiên xuất hiện. Thời điểm cấy cây mạ vào bầu tốt nhất là vào những ngày có mưa, độ ẩm tương đối khoảng 90-100%. Không nên cấy cây vào những buổi trưa nắng nóng hay trời nắng gắt.

Trước khi cấy cây vào bầu phải tưới nước cho bầu đủ ẩm và trước khi nhổ cây mạ để cấy phải tưới nước thật đẫm cho luống gieo. Trong khi nhổ cây đem đi cấy vào bầu, loại bỏ những cây con bị sâu bệnh, đứt ngang cổ rễ… đồng thời phân cây con ra làm 3 loại: Lớn, trung bình và nhỏ để đem đi cấy riêng thành từng luống. Thực hiện các chế độ chăm sóc thích hợp để đảm bảo độ đồng đều cho cây con trong vườn ươm.

Cây con nhổ xong phải cấy càng nhanh càng tốt, không nên để quá lâu, nên nhổ một ít cấy xong lại nhổ tiếp. Khi cấy nên cắt bớt 1/3 lá cây để giảm bớt diện tích thoát hơi nước của cây. Cấy cây vào bầu sao cho rễ ở tư thế tự nhiên, tiếp xúc tốt với đất, cây thẳng không bị dập nát. Cấy xong dùng ô doa có lỗ nhỏ hoặc bình phun tưới cho đất đủ ẩm và giữ ẩm trong suốt thời gian gieo ươm cây tại vườn ươm, lượng nước tưới 3-4lít/m2, ngày tưới 1 lần.

Sau khi cấy cây vào bầu xong phải làm dàn che với độ che sáng khoảng 2/3 ánh sáng trực xạ sau 1 tuần thì tháo bỏ. Tưới nhẹ trên các luống, trong tuần đầu tiên tưới mỗi ngày 3 lần, sau đó tưới ngày 2 lần. Lượng nước tưới mỗi lần từ 8-10lít/m2, trong những ngày mưa thì giảm tưới, không tưới nếu đủ ẩm từ mặt đất đến đáy bầu.

Sau khi cấy cấy vào bầu được khoảng 20-30 ngày thì bắt đầu tưới phân NPK(5:10:3) nồng độ 0,5% (1kg/200 lít nước) cho cây, cứ 15-20 ngày tưới 1 lần. Tưới bằng ô doa có lỗ nhỏ vào sáng sớm hoặc chiều tối, không tưới vào những ngày mưa to và trời nắng nóng. Sau khi tưới phân phải tưới lại bằng nước sạch để rữa tòan bộ lá với liều lượng 2 lít/1m2.

Định kỳ làm có phá váng cho cây con cứ 15-20 ngày/1 lần.

Khi cây con đâm rễ xuống nền luống thì tiến hành đảo bầu và kể từ đó mỗi tháng đảo bầu 1 lần. Trong quá trình đảo bầu cũng tiến hành phân loại cây con, xếp cây có cùng kích thước và chất lượng vào một luống để có chế độ chăm sóc thích hợp.

Theo dõi, phòng trừ bệnh thường xuyên cho cây con bằng thuốc Boocđô nồng độ 0,5-1% phun 1lít/5m2. Nếu bị sâu hại thì trực tiếp bắt hoặc phun thuốc Malathion pha nồng độ 0,1% để phun 1lít/5 m2 .

Cây con trước khi xuất vườn 1 tháng thì không tưới phân, giảm lượng nước tưới và xén rễ quá dài ở đáy bầu để tăng tính thích ứng của cây con với môi trường trồng rừng.

Trước khi xuất cây con cần tưới cho luống bầu đủ ẩm sau đó nhấc nhẹ từng bầu xếp vào khay cho bầu đứng thẳng. Tránh làm dập nát, gẫy cành, vỡ bầu trong quá trình bốc xếp và vận chuyển cây con đi trồng.

Những cây chưa đạt tiêu chuẩn trồng rừng thì cho xếp lại thành luống tiếp tục chăm để trồng sau.

– Cây con trồng rừng phải đủ tiêu chuẩn 12-14 tháng tuổi, đường kính gốc >0,5cm, chiều cao >0,5m, cây khỏe mạnh, sinh trưởng tốt, cân đối.

Cây con xuất ra khỏi vườn ươm tốt nhất là trồng ngay, trong trường hợp chưa trồng ngay được thì chọn nơi đất bằng phẳng, cao ráo và râm mát để lưu cây và luôn tưới nước đủ ẩm cho cây. Thời gian lưu cây không quá 15 ngày.

4. Trồng và chăm sóc rừng

Chọn nơi trồng thích hợp với sinh thái của cây, chú trọng đất sauu, dày, ẩm mát và thoát nước, bằng phẳng hoặc dốc không quá 20o.

Trồng Xà cừ lá nhỏ hỗn giao cùng tuổi với các cây họ Dầu có Đậu tràm làm cây phụ trợ hoặc trồng hỗn giao với cây phù trợ là Đậu tràm hay trồng thuần lọai Xà cừ lá nhỏ.

Phát dọn toàn diện thực bì và có thể đốt có kiểm soát trước khi làm đất trồng rừng. Công việc làm đất phải hoàn thành trước lúc trồng rừng 1 tháng.

Đào toàn bộ gốc cây còn sót lại trên diện tích trồng rừng, cày kỹ toàn diện bằng dàn cày 3 chảo sau đó cày lại bằng dàn cày 7 chảo.

Sau khi cày xong tiến hành đào hố với kích thước 50x50x50 cm đối với Xà cừ lá nhỏ và 30x30x30 cm đối với cây phụ trợ.

Lấp hố trước khi trồng 10 ngày, dùng lớp đất mặt trộn đều với đất xung quanh hố lấp gần đầy miệng hố.

Bón lót bằng phân hữu cơ vi sinh Sông Gianh hoặc phân chuồng hoai với liều lượng 1kg/hố kết hợp với phân NPK(5:10:3), liều lượng  100-250g/hố.

Bón lót cùng thời điểm với công việc lấp hố bằng cách trộn đều với đất ở độ sâu giữa hố sau đó lấy đất lấp lên.

Chỉ bón lót cho những cây trồng rừng chính là Xà cừ lá nhỏ còn cây phụ trợ Đậu tràm không bón phân.

15-02-06 Xacu1

Mật độ trồng rừng: Xà cừ lá nhỏ 555 cây/ha, cự ly 3x6m (nếu xen cây họ Dầu thì trồng 227 cây Xà cừ lá nhỏ + 227 cây họ Dầu); Đậu tràm trồng 2222 cây/ha (trồng song song hàng cây Xà cừ lá nhỏ và cách nhau 1,5m).

Thời vụ trồng tốt nhất là tháng 6-8, chọn những ngày râm mát, có mưa để trồng rừng.

Trồng Xà cừ lá nhỏ với các loài cây họ Dầu, cây Đậu tràm cùng một thời điểm.

Khi vận chuyển cây đi trồng, ruột bầu phải ẩm nhưng không được tưới quá đẫm làm cho ruột bầu nhão.

Phải rạch bỏ vỏ bầu trước khi trồng cây, không được làm vỡ bầu hay biến dạng bầu.

Trộn đều đất trong hố, đào lỗ đặt bầu sao cho rễ và thân cây ngay thẳng ở giữa hố, mặt trên của bầu thấp hơn miệng hố 1-2cm.

Lấp phần đất mặt xuống trước, chèn chặt bầu, vun thêm đất mặt vào xung quanh gốc, dùng chân dẫm đất xung quanh bầu cho chặt.

Sau khi trồng rừng từ 1-2 tháng tiến hành kiểm tra để trồng dặm.

Cây trồng đạt tỷ lệ sống >90% thì không cần trồng dặm. Nếu số cây chết >10% thì tiến hành trồng dặm. Nếu thời gian trồng rừng muộn và thời tiết lúc trồng dặm khắc nghiệt thì có thể trồng dặm vào mùa trồng năm sau. Cây trồng dặm phải được dự trữ trước ở vườn ươm và có chế độ chăm sóc đặc biệt để có mức sinh trưởng tương đối đồng đều với cây trồng.

Chăm sóc 5 năm liền đến khi rừng Xà cừ lá nhỏ, các cây họ Dầu khép tán.

– Năm thứ nhất: Chăm sóc 1 lần, sau khi trồng rừng được 1 tháng tiến hành chăm sóc dẫy có theo hàng cây rộng 1,5m, xới vun gốc đường kính 1,5m, kết hợp trồng dặm những cây chết. Cày diệt cỏ dại ở giữa hàng cây bằng dàn cày 7 chảo và cày 2 đường úp vào hàng cây. Cắt dây leo và phát chồi cây bụi mọc chèn ép cây trồng.

– Năm thứ 2 và 3 chăm sóc 2 lần/năm. Lần thứ nhất vào đầu mùa mưa (tháng 3-4), dẫy cỏ theo hàng cây rộng 1,5m, xới vun gốc cây trồng kết hợp với bón thúc phân NPK(5:10:3) liều lượng 0.2kg/cây. Tỉa bỏ những cành cây phụ trợ cạnh tranh không gian dinh dưỡng với cây trồng chính. Lần thứ 2 vào cuối mùa mưa (tháng 11-12), làm cỏ trên các hàng cây rộng 1,5m, cày diệt cỏ phòng chống cháy giữa các hàng cây.

– Năm thứ 4 và 5, chăm sóc 2 lần/năm. Lần thứ nhất vào đầu mùa mưa (tháng 3-4), làm cỏ, xới vun gốc cây trồng với đường kính 1,5m; Phát dây leo cây bụi và giữ lại cây tái sinh; Tỉa cành cây Đậu tràm lấy ánh sáng cho Xà cừ sinh trưởng. Lần thứ hai vào cuối mùa mưa (tháng 11-12), làm cỏ, xới vun gốc, phát dây leo cây bụi, điều chỉnh tiếp ánh sáng cho cây sinh trưởng. Cày giữa 2 hàng cây bằng dàn cày 7 chảo, cày 2 đường úp vào hàng cây.

Giai đoạn nuôi dưỡng rừng trồng được tiến hành từ khi rừng khép tán. Kỹ thuật nuôi dưỡng chủ yếu là điều chỉnh ánh sáng cho nhu cầu sinh trưởng và phát triển của cây trồng, công việc này được thực hiện thông qua các biện pháp tỉa thưa, tỉa cành.

Xà cừ lá nhỏ thường bị sâu đục thân phá hoại cho nên phải định kỳ phun thuốc phòng trừ sâu bệnh, cứ mỗi quí phun thuốc phòng trừ một lần. Dùng thuốc Basudin pha nồng độ 0,1% phun đều trên toàn bộ diện tích.

5. Khai thác, sử dụng

Rừng trồng 5 tuổi có đường kính ngang ngực 17-18cm, cao 7-8m.

Rừng trồng 15-20 tuổi đường kính ngang ngực đạt 30-40cm, có thể khai thác và trồng rừng mới.

Gỗ rắn, nặng, màu hồng, dùng làm gỗ dán, đóng thuyền, canô, đóng bàn ghế, giường tủ, đồ dùng trong nhà và xuất khẩu.

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]