Kỹ thuật trồng Cây trúc sào

Tên Việt Nam: Trúc sào

Tên địa phương: Trúc to, Mạy khoang cái, Mạy khoang hoài, Sào pên

Tên khoa học: Phyllostachys edulis (Carr.) Riviere

Tên KH khác: Bambusa edulis Carriere

Bambusa mosooJapon ex Sieb.

Phyllostachys heterocycla var pubescens (Mazel)Ohwi

Phyllostachys heterocycla f. pubescens(Mazel) Muroi

Phyllostachys mitisA. et C. Riviere

Phyllostachys pubescens Mazel ex H.de Lehaie

Họ Cỏ (Poaceae) họ phụ tre (Bambusoideae)

1. Mô tả hình thái

Trúc sào là loại tre không gai, lá nhỏ, mọc phân tán từng cây đơn độc – thân ngầm dạng roi, thân khí sinh không có ngọn cong rủ.

Thân khí sinh thẳng, tán thưa, phần thân không có cành thì tròn đều; vòng thân không nổi rõ, vòng mo là một đường gờ; Phần thân có cành thì không tròn đều; có hai vết lõm chạy dọc dóng, một vết lõm to, một vết lõm nhỏ ứng với cành to và cành nhỏ. Thân non có nhiều lông sớm rụng. Mỗi đốt có hai cành (một số đốt phía dưới và trên ngọn có một cành) một cành to và một cành nhỏ hơn (các cành thứ cấp cũng một to, một nhỏ). Hàng năm cành lá rụng để lại sẹo ở đầu cành và sau đó lại cho một lớp cành lá mới. Vì vậy có thể xác định tuổi cây bằng đếm số sẹo trên cành theo công thức A= r+1 (A: tuổi cây, r: số lần rụng cành (số sẹo trên cành))

Kích thước cây trung bình: Thân tre cao 10m, đường kính 5cm, lóng dài 25cm, vách thân dầy 0,6cm, thân cây tươi nặng 6kg.

Thân ngầm bò lan trong đất, thân khí sinh và thân ngầm mới do mầm ở đốt thân ngầm mẹ phát triển ra, thân ngầm trung bình có đường kính 2cm.

Phiến lá thuôn dài, đầu vút nhọn, đuôi hình nêm hơi tù; mặt trên nhẵn, mặt dưới có lông tơ, mép có răng sắc. Phiến lá trung bình dài 12 cm, rộng 1,5cm. Thìa lìa và tai bẹ lá biến thành lông sớm rụng.

Bẹ mo hình chuông cao, đỉnh hẹp. Bẹ mo mỏng, mềm, dẻo (khác với nhiều loại mo tre thường cứng và ròn) mặt trong có gân dọc nổi rõ, mặt ngoài có nhiều đốm chấm nâu đen, có lông cứng mầu nâu sớm rụng. Bẹ mo trung bình cao 20cm, đáy rộng 9cm.

Lá mo hình ngọn giáo, nhỏ, dài, lật ngửa (cụp về phía lưng mo). Tai mo và thìa lìa biến thành lông dài 1cm. Lá mo trung bình dài 5cm, rộng 1cm.

Hoa tự viên chuỳ đầu cành, mầu vàng rơm đậm, lá bắc dạng mo có lông; Hoa chét có nhiều hoa. Hoa mẫu 3, chỉ nhị rời và dài, bao phấn mầu vàng nhạt, khi chín bao phấn thò ra ngoài rũ xuống. Nhuỵ có bầu hình thoi, đầu nhuỵ xẻ 3, có lông.

2. Đặc điểm sinh thái

2.1. Điều kiện tự nhiên:

Có giả thuyết cho rằng: Từ thế kỷ 14, đồng bào Dao từ Trung Quốc do du canh du cư sang Việt Nam đã đưa giống Trúc sào về trồng ở vùng cao phía Bắc nước ta. Sau này đồng bào Tày, Nùng đã lấy giống Trúc sào của đồng bào Dao ở vùng cao về trồng và như vậy Trúc sào đã từ vùng cao lan rộng xuống vùng thấp hơn.

Trúc sào được trồng nhiều ở Cao Bằng, Hà Giang, cũng có trồng ở Lạng Sơn, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Quảng Ninh. . .thường ở độ cao trên 800m – vùng đồng bào Dao, Mèo, Tày, Nùng sinh sống.

Vùng trồng nhiều Trúc Sào có khí hậu á nhiệt đới vùng núi cao, chia làm hai mùa: Mùa mưa nóng; mùa khô lạnh, thường hay có sương muối và đôi khi có tuyết. Số liệu khí tượng trong 5 năm của Trạm khí tượng Ngân Sơn (105059′ kinh độ Đông, 22026′ vĩ độ Bắc, cao 600m so với mặt biển) cho biết: Nhiệt độ bình quân hàng năm là 200C, lượng mưa hàng năm 1343,6mm. Mùa mưa nóng từ tháng 4 đến tháng 9, nhiệt độ cao nhất là 300C vào tháng 8, lượng mưa 1045,2mm chiếm 86% lượng mưa cả năm. Mùa khô lạnh từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau, nhiệt độ thấp nhất là 50C vào tháng giêng, lượng mưa 263,4mm chiếm 14% lượng mưa cả năm.

Đại địa hình là đồi núi cao, độ dốc 10 đến 300, cao 400 đến 1400m so với mặt biển. Đất Lateritic vàng nâu và đất lateritic có mùn trên núi. Đá mẹ là sa phiến thạch, đá vôi, Gneiss, phiến thạch Mica. Thành phần cơ giới nhẹ đến trung bình. Lớp đất mặt (0 đến 10cm) tơi xốp – Hàm lượng cát vật lý cao hơn lớp đất sâu và ngược lại hàm lượng sét vật lý lớp đất mặt lại thấp hơn lớp đất sâu. Đất có cấu tượng viên và hạt, có khi phân tầng không rõ rệt; đất thường sâu 80 đến 100cm có nơi sâu tới 130cm; tầng A mầu xám đến xám đen, có nơi mầu đen; tầng B mầu xám nâu có chỗ đá lẫn 4 đến 10%. Độ pH(H2O) = 4,4 đến 5,4

2.2 Đặc điểm quần thể, sinh sản, sinh trưởng và phát triển

Trúc sào là loài được trồng thành rừng. Theo tập quán của nhân dân địa phương, Trúc sào thường được trồng thuần loại rải rác từng đám 1 đến 2ha ở sườn đồi, đám lớn nhất khoảng 5 đến 7ha; trong quá trình phát triển chúng xâm lấn vào rừng gỗ nghèo kiệt ở xung quanh tạo nên rừng hỗn giao với cây gỗ, tầng trên có Xoan rừng (Spondias dulcis), Thông nàng (Dacrycarpus imbricatus). . . cây gỗ cùng tầng có Muồng trâu (Cassia alata), Chẹo (Engeldhartia chrysolepis) .. . cây nhỏ, cây cỏ tầng dưới có Ba bét (Mallotus cochinchinensis), Muối ăn (Ardisia colorata), Lau (Saccharum arundinaceum), cỏ tranh (Imperata cylindrica).

Quan sát Trúc sào trồng ở những độ cao so với mặt biển khác nhau thấy sinh trưởng có khác nhau, Trần Đức Hậu (1973) đã có kết quả điều tra đo đếm như sau:

Địa điểm khảo sát Độ cao so với mặt biển (m) Tuổi rừng Đường kính (cm) Chiều cao (m)
DMax DTB DMin HMax HTB HMin
Sào pèng 1400 4 10,3 7,5 4,6 22,2 18,3 14,7
Thôn Tà 1000 3 6,1 4,4 3,3 13,6 10,4 5,7
Đông Piều 700 3 6,4 3,5 0,5 12,5 9,3 5,6

Qua số liệu ở biểu trên và khảo sát thực tế ở các khu vực cũng có nhận xét: Thường ở trên 1000m [Nguyên Bình(Cao Bằng), Hoàng Su Phì (Hà Giang)] cây to cao, dưới 800m (thị xã Bắc Cạn) Trúc sào thường thấp và nhỏ.

ở độ sâu khoảng 30cm dưới mặt đất thân ngầm bò lan chằng chịt và nhiều tầng trong đất, ở đất dốc thân ngầm bò lan theo hướng xuống dốc tới 61,5%, theo hướng đi ngang là 24,5%, theo hướng đi lên dốc là 14%. Các đốt phần giữa và ngọn của thân ngầm tuổi 1-2 có mầm hình tròn, nằm gọn trong rãnh của lóng, sẽ phát triển thành thân khí sinh và thân ngầm mới (ít có thân ngầm tuổi già sinh măng), có trường hợp thân ngầm vọt ra khỏi tấng đất thành cây khí sinh nhưng rất nhỏ và yếu.

Mầm măng trên thân ngầm hình thành vào khoảng tháng 8 đến tháng 11. Mỗi năm có 2 vụ măng: Vụ măng xuân là chính – từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 5, vụ măng thu là phụ – từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 10 là những măng vụ xuân chưa lên được. Theo dõi điều kiện khí hậu và quan sát sự xuất hiện của măng, Trần Đức Hậu (1973) đã có kết luận: Nhiệt độ không khí trung bình phải đạt 16-180C trở lên. Nhiệt độ hạn dưới là 100C không có trong 10 ngày. Nhiệt độ đất là 18-190C. Tích ôn trong 10 ngày là 6.0000C trở lên. Mưa trong tháng ít nhất là 8mm trở lên, độ ẩm tương đối là 85% trở lên. Măng mọc phụ thuộc một cách tổng hợp các điều kiện trên, trong đó 2 yếu tố quan trọng là tích ôn và độ ẩm mà chủ yếu là mưa, do đó măng thường mọc rộ sau mỗi đợt mưa.

Măng đầu vụ và cuối vụ thường chết nhiều, có khi đến 100%, giữa vụ thường chết 10-20%, cao nhất là 50% do nhiều nguyên nhân: Đầu vụ thường rét, cuối vụ thời tiết thất thường, thiếu dinh dưỡng lại sâu bệnh…giữa vụ nhiệt độ vừa phải, độ ẩm thích hợp, đủ dinh dưỡng để nuôi măng. Từ khi măng nhú khỏi mặt đất đến lúc định hình là khoảng 63 ngày, thời gian đầu và sau cùng tăng trưởng chậm, giai đoạn giữa tăng trưởng nhanh có thể đạt tới 38,8cm trong một ngày đêm.

Số cây trên 1 ha thường là 15.000 cây, có khi lên tới 26.000 cây. Tỷ lệ cây ở các cấp tuổi tuỳ thuộc trạng thái rừng. Kết quả điều tra của Trần Đức Hậu (1973) như sau:

Trạng thái rừng Địa điểm điều tra Số cây trên ha DTB HTB Tỷ lệ số cây ở các cỡ tuổi (%)
1 2 3 4 5 6 7 8
Rừng đang phát triển Đông Piều 26.167 3,5 9,4 18.5 24.8 42.0 12.8 1.9
Rừng đã ổn định Sào Pèng 15.500 7,5 18,4 8.0 14.0 26.0 20.0 18.0 8.0 4.0 2.0

Tuổi thọ của Trúc sào không quá 8 năm. Trúc sào rụng lá hàng năm nên tán lá có nhiều cành thứ cấp.

Trúc sào có hiện tượng ra hoa rồi chết từng cây hoặc từng đám nhưng cũng chưa tìm được hạt. Sau khi ra hoa, cây chết, nếu rừng được chăm sóc thì thân ngầm lại tái sinh cho thế hệ rừng mới.

3. Giá trị sử dụng

Thân Trúc sào thẳng, tròn, óng và dẻo nên dễ uốn; được gia công chế biến thì thân Trúc sào có mầu vàng đẹp; vì vậy, người ta thường dùng Trúc sào làm bàn ghế, gậy trượt tuyết, sào nhẩy, cần câu. Phần thịt trắng, mịn (bó mạch không thô cứng) nên người ta dùng làm nan đan mành, chiếu hoặc làm thành mảnh để kết thảm, chiếu trải giường rất đẹp. Căn cứ vào mầu sắc của thân, Trúc sào có 3 dạng: Trúc vàng, Trúc xanh, Trúc mèo (trúc mốc). Để sản xuất mành, trúc xanh được ưa chuộng hơn cả vì sau khi sấy mành trúc bóng hơn. Ngọn Trúc sào có nhiều cành nên thường dùng làm chổi để xuất khẩu. Tất cả các sản phẩm được chế biến từ Trúc sào không những tiêu thụ trong nước mà được các nước rất ưa chuộng, là nguồn hàng xuất khẩu quan trọng trong mặt hàng Mây tre nói chung. Vào thập kỷ 70-80, hàng Trúc xuất khẩu sang Liên Xô của Cao Bằng, Bắc Cạn đạt giá trị 2 triệu rúp/ năm; nhiều mặt hàng đạt huy chương vàng tại hội chợ trong nước và quốc tế. Có gia đình trồng Trúc hàng năm thu hoạch 5-10 triệu đồng. Măng Trúc sào ăn ngon và ngọt nhưng năng suất thấp (măng nhỏ). Cũng có thể dùng Trúc sào làm nguyên liệu giấy.

4. Đánh giá rừng trồng.

4.1 Kỹ thuật kinh doanh

4.1.1. Gây trồng

* Giống, thời vụ trồng và địa hình nơi trồng

Đinh Văn Tự (1999) theo dõi rừng Trúc sào trồng ở Hoà Bình có kết quả như sau:

Loại giống trồng Tháng/năm trồng Tháng/năm đo Tỷ lệ sống (%) Số măng Tình hình sinh trưởng
Hom thân ngầm 25-30cm có 1-2 mầm 10/98 6/99 50 1 Khá
Hom thân ngầm 30-40cm có 2-3 mầm 3/97 10/97 70 1-2 Trung bình
Hom thân ngầm 50-60cm có 3-5 mầm 3/97 10/97 71 1-3 Tốt
Ươm trong túi bầu 1 năm có 1-2 thế hệ măng, cao 20-30cm 3/97 10/97 90 0 Tốt
Cây 2 tuổi có 1 đoạn thân ngầm và 1 đoạn thân khí sinh 60cm 3/97 10/97 100 0 Tốt, chậm
Thời vụ trồng Tỷ lệ sống(%) Rừng trồng 2 tuổi
Số măng/gốc DTB (cm) HTB (m) Tình hình ST
Vụ Xuân (1997) 60 2-4 2.0 2.25 Khá
Vụ Thu (1997) 50 1-3 1.9 2.04 Trung bình
Ươm vụ thu (1997) trồng vụ xuân (1998 72 2-4 2.2 2.42 Tốt
Loại rừng Sườn dốc 250 Sườn dốc 450
DTB (cm) HTB(m) DTB (cm) HTB(m)
Rừng trồng 1 tuổi 0.8 0.91 0.6 0.79
Rừng trồng 2 tuổi 1.4 1.56 1.0 1.05
Rừng trồng 3 tuổi 2.1 2.35 1.5 1.73

*Dẫn dụ: Lợi dụng việc phát triển của thân ngầm, có thể phát quang, xới đất… xung quanh ô trồng để Trúc sào lan nhanh ra xung quanh diện tích đã trồng.

* Trồng xen: + Những năm đầu có thể trồng xen cây nông nghiệp (ngô, đỗ . . .)

+ Có thể dùng cây Hông (Paulownia fortunei) hoặc Trẩu (Vernicia montana) trồng hỗn giao với Trúc sào.

* Chăm sóc: Sau khi trồng 3-4 năm có thể chặt nuôi dưỡng; sau 7-8 năm cần sới đất; rừng 20-30 tuổi có thể bóc bớt lớp thân ngầm già.

4.1.2. Khai thác:Sau khi trồng 5-6 năm là có thể đưa vào khai thác, phương thức chung vẫn là khai thác chọn từng cây, có thể chặt hết cây từ tuổi 4 trở lên và chu kỳ là 3 năm.

4.2. Hiện trạng sản xuất

Nhu cầu dùng Trúc sào làm nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu là rất lớn, với diện tích như hiện nay không đủ cung cấp; vì vậy, nhiều nơi đã khai thác lạm dụng cả những cây non nên không đảm bảo cho rừng tái sinh. Cao Bằng đã qui hoạch hàng ngàn ha để trồng Trúc, mục tiêu phấn đấu sản lượng Trúc sào hàng năm đạt 30 triệu cây các loại. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Bằng đã ra qui trình trồng Trúc sào.

Với mong muốn cung cấp được nhiều giống để đẩy mạnh trồng Trúc Sào, một số người có thăm dò tạo giống bằng thân khí sinh, bằng phương pháp nuôi cấy mô nhưng đến nay chưa thành công.

Cũng mong muốn để mở rộng vùng trồng Trúc, từ 1996 đến 1999 có đề tài nghiên cứu di thực Trúc sào từ Cao Bằng về Hoà Bình do Đinh Văn Tự làm chủ nhiệm, một số kết quả như sau:

Chỉ tiêu theo dõi

Nơi trồng

Hoà Bình Cao Bằng
Nhiệt độ trung bình năm (0C) 23.5 21.3
Độ ẩm (%) 82 85
Lượng mưa trung bình năm (mm) 1412 2171
Độ cao so với mặt biển 300 600
Tỷ lệ sống (%) – Trồng vụ Xuân

– Trồng vụ Thu

70

50

80

62

Chiều dài (m) trung bình của thân ngầm ở rừng trồng – 1 tuổi

– 2 tuổi

– 3 tuổi

0.8

1.6

2.0

1.2

2.1

2.5

Trên 1 gốc trồng sau 3 năm – Số măng

– Số thân ngầm

3-5

3-6

5-7

4-7

Đường kính trung bình (cm) ở rừng trồng – 1 tuổi

– 2 tuổi

– 3 tuổi

0.7

1.5

1.7

1.3

1.8

2.5

Chiều cao trung bình (m) ở rừng trồng – 1 tuổi

– 2 tuổi

– 3 tuổi

0.68

2.11

3.05

1.24

3.06

3.57

Qua số liệu ở bảng trên cho thấy ở Hoà Bình có nhiệt độ trung bình hàng năm cao hơn, độ ẩm thấp hơn, lượng mưa ít hơn ở Cao Bằng; tuy trên cùng loại đất Feralitic nhưng Trúc sào trồng ở Hoà Bình sinh trưởng kém hơn trồng ở Cao Bằng.

Trong chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng, Trúc được xác định là cây trồng cho các vùng Đông Bắc, Trung tâm Bắc bộ, Tây Bắc.

5. Khuyến nghị

– Trúc sào là cây trồng có nhiều giá trị để xuất khẩu và thích hợp cho vùng cao có dân tộc ít người như ở các vùng Đông Bắc, Trung tâm Bắc Bộ và Tây Bắc; nên khuyến khích đồng bào nơi đây phát triển trồng Trúc sào mới đáp ứng yêu cầu trong nước và xuất khẩu, tăng thu nhập cho đồng bào, ổn định sản xuất góp phần xoá đói giảm nghèo.

– Không qui hoạch trồng Trúc sào nơi đồi trọc, đất dốc, hướng dương.

– Cho đến nay, giống trồng duy nhất là một đoạn thân ngầm. Để có tỷ lệ sống cao nên dùng giống là một đoạn thân ngầm tuổi 2 có mang một đoạn thân khí sinh hoặc giống đã được ươm trong vườn.

– Trồng vụ Xuân có tỷ lệ sống cao, có thể trồng vụ thu nếu giống đã qua giai đoạn ươm ở vườn ươm.

– Trong khi chỉ đạo kỹ thuật có thể vận dụng qui trình trồng Trúc sào của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Bằng cho những vùng có điều kiện tương tự.

– Trúc sào trồng ở vùng cao có khó khăn nhiều mặt nhất là đi lại, cần có đầu tư thoả đáng và khuyến khích cán bộ kỹ thuật chỉ đạo sản xuất.

– Để phát triển trồng Trúc sào cần được mở rộng nghiên cứu nhiều mặt, trong đó giống là khâu khó khăn nhất vì vừa qua nghiên cứu về tạo giống chưa đạt kết quả mong muốn.

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Lâm nghiệp – Thông tin chuyên đề khoa học kỹ thuật và kinh tế số 2 năm 1985.

2. Đinh Văn Tự, 1999 – Nghiên cứu nhân giống và di thực cây Trúc sào từ Cao Bằng về Hoà Bình (Báo cáo khoa học).

3. Trần Đức Hậu , 1973 – Một số đặc tính sinh vật học của cây Trúc ở Việt bắc (Báo cáo khoa học)

Nguyễn Tử Ưởng

Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]