TRÀM TA
Tên khác: Tràm cừ, Tràm cau, Tràm lá ngắn
Tên khoa học: Melaleuca cajuputi Powel.
Họ thực vật: Sim (Myrtaceae)
(Nguồn chính: Nguyễn Việt Cường, 2005 )
1. Đặc điểm hình thái
Cây bụi, gỗ nhỏ đến trung bình hoặc lớn, thân hơi vặn, vỏ trắng dày bong mảng gồm nhiều lớp xếp lên nhau. Lá đơn mọc cách, cứng, dày, đầu và đuôi nhọn dần. Cụm hoa dạng chùm phân nhiều nhánh, nằm ở đầu cành. Sau khi kết thúc quá trình ra hoa và kết quả tiếp tục ra lá non.
Hoa màu trắng, trắng xanh hay trắng sữa,… Quả nang hoá gỗ, không cuống, hình trụ, có 3 ngăn, mỗi ngăn chứa rất nhiều hạt và mày, hạt phát tán bằng cách chẻ ô. Hạt Tràm ta rất nhỏ, không có nội nhũ. Hạt non màu trắng sữa khi chín chuyển màu cánh gián hoặc xám nâu.
Tràm ta ra hoa, kết quả quanh năm, trổ hoa trong 3-5 ngày, thụ phấn nhờ côn trùng. Quả tồn tại trên cây một vài năm và hạt không rơi ra trừ khi cây bị ngừng cung cấp nước.
2. Đặc tính sinh thái
Mọc tự nhiên ở vùng ven biển, cận ven biển nhiệt đới bang Queensland, vùng Tây và Bắc nước Úc và mở rộng vào nội địa đến 350km dọc theo các sông chính. Thường mọc trên địa hình phẳng, thoai thoải ở các lòng sông, đồng bằng ven biển hoặc các đầm lầy theo mùa. Tràm ta còn phân bố đến Papua New Guinea và Đông Inđônêxia.
Ở nước ta chỉ có một loài tràm này chủ yếu phân bố tự nhiên và cũng đã được gây trồng nhiều trên các vùng đất ngập phèn thuộc các tỉnh ven biển miền Tây Nam Bộ.
Ở các nước Tràm ta mọc tự nhiên trên đất bùn đến đất sét nhiều bùn hoặc cát pha phủ trên đất sét, hoặc trên các đụn cát cũ và đất bồi nhiều đá ở biển nơi có nước ngầm hơi mặn.
Tràm ta thích hợp với vùng thấp có khí hậu nóng ẩm, đến cận ẩm, ấm ở bờ biển hoặc vùng nội đồng có đủ nước ngầm đến vùng nóng ẩm bán khô hạn. Thích hợp ở nơi mưa theo mùa, 422-4065mm /năm, khô 0-8 tháng. Nhiệt độ tối đa tháng nóng nhất 28-39oC, tối thiểu tháng lạnh nhất 7-21oC, trung bình năm 19-29oC. Độ cao dưới 100-150m so với mực nước biển.
Ở Việt Nam, Tràm ta còn mọc tự nhiên ở Bình Thuận, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên trên đồi trọc và đất cát cố định cồn bãi cao, thấp và cũng bắt đầu được gây trồng thành công trên vùng đất bán ngập ở chân núi đá vôi Gia Viễn – Ninh Bình, Mỹ Đức – Hà Nội và ở ven hồ Hoà Bình, Thác Bà.
Tràm ta có thể chịu được ngập nước 6 tháng mùa mưa, nước ngập sâu 0,5-1,0m, thích hợp trên đất phèn yếu và trung bình với thành phần cơ giới sét nặng, chịu được đất có độc tố do hàm lượng muối phèn cao, H2S, Fe++ và phản ứng đất rất chua với pH=2,5-3,0. Tuy nhiên, Tràm ta cũng có thể trồng được trên đất ít chua, không ngập nước.
Tràm ta là loài cây ưa sáng hoàn toàn, tán lá hẹp và thưa nên có thể mọc thành quần thụ thuần loài dày đặc từ 10000-20000 cây/ha.
3. Giống và tạo cây con
Ưu tiên sử dụng hạt giống được thu hái ở các rừng giống, vườn giống, đặc biệt chọn vật liệu giống ở các xuất xứ đã được công nhận là giống tiến bộ kỹ thuật gồm xuất xứ 7V01 (Mộc Hóa – Long An), 7V05 (Tịnh Biên – An Giang), 7V07 (Vĩnh Hưng – Long An) để nhân giống phục vụ trồng rừng.
Hạt thu về đem phơi nắng 1 hoặc 2 ngày, quả khô tự nứt và hạt rơi ra ngoài. Bảo quản hạt trong túi nilông bịt kín hoặc cất trữ trong tủ lạnh ở nhiệt độ 5-100C.
Chuẩn bị đất gieo ươm theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật. Có thể tưới phun bằng bình phun thuốc trừ sâu trực tiếp lên luống gieo hoặc tưới cho luống gieo theo phương pháp thẩm thấu.
Trộn hạt với cát mịn đã được rang khử trùng theo tỷ lệ 1 phần hạt : 5 phần cát. Tưới nước đủ ẩm cho luống gieo. Gieo hạt trên luống với lượng 2g hạt/m2. 1 gam hạt gieo thu được 4000- 5000 cây mạ. Sau khi gieo cần phủ một lớp cát mỏng trên mặt luống. Làm khung che nilon để che mưa.
Phun tưới nước đủ ẩm thường xuyên cho luống gieo. Phun Benlát pha 1g/1 lít nước khi hạt nảy mầm được 10 ngày và phun định kỳ 15 ngày một lần để diệt nấm.
Khi gặp mưa lớn hoặc nắng gắt cần có biện pháp che chắn bảo vệ cây non. Phát hiện và có biện pháp diệt chuột, phòng trừ sâu ăn lá, sâu cuốn lá, sâu đục chồi, bệnh thối cây, bệnh đốm lá.
Tiêu chuẩn cây con đem trồng: Cây ươm 8-10 tuần tính từ khi cấy, cao 40-50cm, sinh trưởng tốt, không sâu bệnh, cụt ngọn.
4. Trồng và chăm sóc rừng
Thời vụ trồng ở các tỉnh vùng cát ven biển Bắc Trung Bộ vào tháng 10-12, các tỉnh Nam Trung Bộ vào tháng 9-10.
Có thể trồng thuần loài hoặc hỗn giao theo băng với Keo lá liềm, Keo lá tràm, Bạch đàn trắng. Trồng rừng toàn diện hoặc trồng thành đai lưới ô vuông, ở giữa trồng cây nông nghiệp hoặc thả cá ở nơi bãi cát ngập nước quanh năm.
Trên bãi cát không ngập nước cần đào đất và trồng cây dưới rãnh, nơi bãi cát ngập nước mùa mưa phải lên líp cao 0,4-0,6m và nơi bãi cát ngập nước quanh năm phải lên líp cao 0,7-1,0m để trồng Tràm.
Mật độ trồng rừng trên các líp, không tính diện tích kênh, rạch là 6660 cây/ha với cự ly 1×1,5m hoặc 10000 cây/ha, cự ly 1x1m và có thể trồng tới 20000 cây/ha, cự ly 1×0,5m. Đào hố với kích thước 30x30x30 cm hoặc 40x40x 40cm.
Trồng dặm cây chết sau khi trồng 20-30 ngày. Sau 6 tháng chăm sóc lần 1, sau 12 tháng chăm sóc lần 2. Nội dung chăm sóc gồm phát dọn cỏ dại, xới đất và vun gốc cây. Năm thứ 2 phát cỏ, vun xới gốc và tỉa cành thấp. Năm thứ 3 vun xới gốc và chặt tỉa cành thúc đẩy sinh trưởng.
Áp dụng tiêu chuẩn ngành 04TCN-88-2006 – quy phạm kỹ thuật phòng cháy, chữa cháy rừng tràm của Bộ NN&PTNT để phòng chống cháy một cách tích cực.
5. Khai thác, sử dụng
Tràm ta là cây gỗ đa mục đích. Gỗ nặng có tỷ trọng 0,75, dễ cưa xẻ, chịu lực cao nên được dùng làm giàn giáo trong xây dựng, làm dụng cụ gia đình, đặc biệt làm cọc cừ để xử lý móng nhà, ngoài ra củi tràm được ưa chuộng do nhiệt lượng cao, cháy đượm. Gỗ có thể làm giấy, dăm, than hoạt tính.
Lá Tràm ta chứa 0,7% tinh dầu được dùng chế dầu khuynh diệp,… Rừng tràm có nhiều hoa thơm và ra hoa gần quanh năm nên nuôi ong rất hiệu quả. Có thể kết hợp nuôi cá dưới rừng tràm và là nơi tụ họp tạo sân chim nổi tiếng có giá trị cảnh quan du lịch và môi trường sinh thái. Rừng tràm có tác dụng cải tạo đất, chống quá trình phèn hoá.
Khi rừng được 8-10 tuổi có thể khai thác bán làm gỗ cừ, dùng phương pháp đốt trước có điều khiển chừa lại 2000-4000 cây phân bố đều/ha có thể xúc tiến tái sinh tự nhiên luân kỳ 2 mà không cần phải trồng lại cho các rừng tràm trồng ở vùng Tứ giác Long Xuyên.
Ngoài ra đến tuổi 10-12 có thể tỉa thưa tầng dưới với cường độ mạnh để lấy gỗ nhỏ làm gỗ giấy, gỗ dăm, gỗ cừ,… để lại 300-400 cây to nhất/ha tiếp tục nuôi dưỡng để kinh doanh gỗ xẻ.
Mô hình Tràm ta trồng trên đất phèn nặng, mức nước ngập hàng năm sâu 50 cm, kéo dài 4-5 tháng ở Lâm trường Vĩnh Điền – Hà Tiên – Kiên Giang. Trồng giống tràm địa phương, cây con rễ trần 18 tháng tuổi, cao 1,2m, đường kính cổ rễ 0,4 cm, mật độ 10000 cây/ha, cự ly 1x1m. Trồng tháng 10/1992. Kết quả nơi có biện pháp tổng hợp lên líp, bón phân, làm cỏ rừng sinh trưởng tốt hơn hẳn so với nơi chỉ áp dụng các biện pháp riêng rẽ.
Tin mới nhất
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ cấp Bộ: Nghiên cứu nâng cao hiệu quả kinh tế của các chuỗi giá trị gỗ rừng trồng, đáp ứng yêu cầu gỗ hợp pháp và quản lý rừng bền vững.
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ tiềm năng cấp Bộ: Nghiên cứu tạo giống bạch đàn đa bội nhằm đáp ứng yêu cầu trồng rừng gỗ lớn.
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ cấp Bộ: Nghiên cứu chọn giống cho năng suất, chất lượng hạt cao và giải pháp phòng trừ sâu, bệnh hại Macadamia.
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết dự án sản xuất thử nghiệm cấp Bộ: Sản xuất thử nghiệm và hoàn thiện kỹ thuật trồng một số giống Keo lai mới được công nhận (BV586, BV376, BB055, BV584, BV523, BV434, BV350).
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ tiềm năng cấp Bộ: Nghiên cứu kỹ thuật nhân giống và trồng thử nghiệm Mít nài (Artocarpus chama Buchanan-Hamilton) cung cấp gỗ lớn ở khu vực miền núi phía Bắc.
Các tin khác
- Báo cáo kết quả đề tài: Bước đầu chọn giống cho Xoan ta (Melia azedarach) và Tếch (Tectona grandis) có năng suất cao nhằm đáp ứng yêu cầu trồng rừng gỗ lớn
- Văn bản "Hướng dẫn dẫn xây dựng Kế hoạch phát triển ngành và lập Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020"
- Văn bản hướng dẫn xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận tiến bộ kỹ thuật mới ngành Nông nghiệp
- Kỹ thuật trồng Tông dù
- Báo cáo tóm tắt đề tài: Nghiên cứu tính chất cơ, vật lý và giải phẫu của một số loài gỗ và tre thông dụng ở Việt Nam làm cơ sở cho chế biến, bảo quản và sử dụng.