Trong thời gian từ ngày 14 đến 19 tháng 10 năm 2015 đoàn công tác của Vụ Khoa học Công nghệ & Môi trường, Vụ Tài chính, Tổng cục Lâm nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đã tổ chức kiểm tra hiện trường các đề tài/dự án sản xuất thử nghiệm cấp Bộ tại các tỉnh phía Bắc, thành phần đoàn kiểm tra bao gồm:
I. Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Ông Phạm Trung Kiên, Chuyên viên chính Vụ Tài Chính
- Bà Nguyễn Thị Hải Hòa, Chuyên viên Vụ Khoa học và Công nghệ và Môi trường
- Ông Trương Tất Đơ; Chuyên viên Tổng cục Lâm nghiệp
II. Đoàn công tác của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam:
- Ông Đoàn Văn Thu, Phó Giám đốc Viện.
- Ông Nguyễn Xuân Trường, Phó Trưởng Ban Tài chính, Kế toán.
- Ông Tô Quốc Huy, Chuyên viên Ban Kế hoạch, Khoa học
Kết quả kiểm tra hiện trường:
1. Đề tài “Nghiên cứu cải thiện giống nhằm tăng năng suất, chất lượng cho một số loài cây trồng rừng chủ lực” do TS. Hà Huy Thịnh, Viện Nghiên cứu Giống và Công nghệ sinh học lâm nghiệp thực hiện: đề tài xây dựng mô hình khảo nghiệm dòng Keo lai (trồng năm 2011), Bạch đàn lai (trồng 2012), khảo nghiệm tổ hợp lai khác loài bạch đàn (trồng năm 2013) tại Cẩm Quỳ, Ba Vì, Hà Nội. Các mô hình thí nghiệm được bảo vệ tốt, chăm sóc đúng kỹ thuật, tỷ lệ sống cao trên 90%. Mô hình khảo nghiệm dòng keo lai đã chọn lọc được 50 dòng và tiến hành dẫn dòng xây dựng khảo nghiệm công nhận giống. Hiện trường 02 ha mô hình khảo nghiệm giống vùng cao được xây dựng tại huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La (trồng năm 2014) gồm các dòng Bạch đàn Uro, Bạch đàn lai UP, PN14, Bạch đàn grandis, Bạch đàn Microcorys, Keo lai, Keo tai tượng, Thông caribe, … đều cho tỷ lệ sống cao, cây sinh trưởng phát triển tốt.
Mô hình khảo nghiệm tổ hợp lai khác loài bạch đàn trồng năm 2013 tại Cẩm Quỳ, Ba Vì, Hà Nội (Ảnh Quốc Huy)
2. Đề tài “Nghiên cứu chọn tạo giống Bạch đàn lai mới giữa Bạch đàn Pellita và các giống Bạch đàn khác” do TS. Nguyễn Đức Kiên, Viện Nghiên cứu Giống và Công nghệ sinh học lâm nghiệp chủ nhiệm: Đề tài đã xây dựng 02 ha mô hình khảo nghiệm tổ hợp lai Bạch đàn năm 2012 tại Ba Vì, Hà Nội. Mô hình được chăm sóc bảo vệ tốt, tỷ lệ sống trên 90%, đã chọn lọc và dẫn được 60 dòng của các cây trội có triển vọng (vượt 10 dòng so với kế hoạch đề ra).
3. Đề tài “Khảo nghiệm và đánh giá khả năng phát triển cây Macadamia tại Việt Nam” do TS. Nguyễn Đức Kiên, Viện Nghiên cứu Giống và Công nghệ sinh học lâm nghiệp thực hiện: Đề tài đã xây dựng các mô hình thí nghiệm thâm canh trồng các dòng Macadamia tại Ba Vì, Hà Nội vào năm 2012. Các thí nghiệm được thiết kế theo đúng nội dung và kế hoạch. Mô hình được chăm sóc tốt, tỷ lệ sống cao, đặc biệt dòng A38 cho sinh trưởng tốt nhất từ giai đoạn vườn ươm tới giai đoạn trồng.
4. Đề tài “Nghiên cứu kỹ thuật gây trồng Máu chó lá to (Knema pierrei Warb), Chò xanh (Terminalia myriocarpa Huerch), Dẻ xanh (Lithocarpus pseudosundaicus H&C) cung cấp gỗ lớn cho khu vực phía Bắc” do ThS. Lương Thế Dũng, Trung tâm nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ chủ trì. Năm 2013 và 2014 tại xã Phúc Tiến, huyện kỳ sơn, tỉnh Hòa Bình Đề tài đã xây dựng các mô hình thí nghiệm, gồm 0,5 ha mô hình khảo nghiệm xuất xứ Dẻ xanh; mô hình 0,75 ha thí nghiệm về mật độ; 0,5 ha thí nghiệm làm giầu rừng; 0,5 ha thí nghiệm về phân bón, các mô hình được chăm sóc, bảo vệ tốt, tỷ lệ sống đạt trung bình 87% và cây trồng sinh trưởng tốt. Đối với cây Chò xanh, trong các năm 2013 và 2014 đề tài đã xây dựng được các mô hình gồm: trồng làm giầu rừng (01 ha); thí nghiệm về mật độ (02 ha) và thí nghiệm bón phân (02 ha) tại xã Chiềng Bôm, Thuận Châu, Sơn La. Nhìn chung các mô hình được chăm sóc bảo vệ tốt, tỷ lệ sống cao.
Mô hình thí nghiệm trồng cây Chò xanh làm giầu rừng trồng năm 2013 tại tại xã Chiềng Bôm, Thuận Châu, Sơn La (Ảnh Quốc Huy)
5. Đề tài “Nghiên cứu phát triển 2 loài Vối thuốc” (Schima wallichii Choisy và Schima superba Gardn. Et Champ) do TS. Đặng Thịnh Triều, Viện Nghiên cứu Lâm sinh chủ trì: năm 2013 đề tài đã xây dựng được các mô hình thí nghiệm về tiêu chuẩn cây con (0,9ha); Thí nghiệm xử lý thực bì (0,9ha); Thí nghiệm trồng rừng Vối thuốc bằng stump (1,2ha); Thí nghiệm gieo hạt thẳng (0,5ha) tại xã Xã Chiềng Bôm, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La. Các mô hình thí nghiệm được thiết kế và xây dựng theo đúng kế hoạch, cây trồng trong các thí nghiệm sinh trưởng, phát triển tốt.
Mô hình thí nghiệm trồng cây Vối thuốc trồng năm 2013 tại Thuận Châu, Sơn La (Ảnh Quốc Huy)
6. Đề tài “Nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật tổng hợp để phát triển rừng trồng cung cấp gỗ lớn Keo tai tượng, Keo lá tràm và Bạch đàn trên lập địa sau khai thác ít nhất hai chu kỳ tại một số vùng trồng rừng tập trung” do GS.TS Võ Đại Hải làm chủ nhiệm. Năm 2015 đề tài đã tiến hành xây dựng 4,5 ha mô hình khảo nghiệm mở rộng các giống TBKT (Keo tai tượng; Bạch đàn Uro và Bạch đàn UP) và 4,7 ha thí nghiệm quản lý lập địa tại xã Phúc An, Yên Bình, Yên Bái. Các thí nghiệm được thiết kế và xây dựng theo đúng kế hoạch đã được duyệt. Các mô hình đều có tỷ lệ sống trên 90%, cây sinh trưởng và phát triển tốt.
7. Dự án sản xuất thử “Chuyển hóa rừng cung cấp gỗ nhỏ thành rừng gỗ lớn các loài Keo lai và Keo tai tượng” do TS. Trần Lâm Đồng, Viện Nghiên cứu Lâm sinh chủ trì. Năm 2015 Dự án đã xây dựng 20 ha mô hình chuyển hóa rừng Keo tai tượng tại Công ty Lâm nghiệp Thác Bà, huyện Yên bình, tỉnh Yên Bái. Ngoài ra dự án cũng xây dựng mô hình thí nghiệm chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang sản xuất gỗ lớn Keo tai tượng (4,8 ha) và Keo lai (4,8 ha) ở 2 cấp tuổi (3 tuổi và 5 tuổi), các mô hình được thiết kế tỉa thưa và bón phân theo đúng kỹ thuật, hiện trường mô hình đảm bảo được yêu cầu đặt ra trong năm đầu tiên thực hiện dự án.
Mô hình chuyển hóa rừng keo tại huyện Yên bình, tỉnh Yên Bái (Ảnh Quốc Huy)
8. Đề tài “Khảo nghiệm mở rộng một số loài có triển vọng và biện pháp kỹ thuật trồng rừng ở vùng núi cao miền Bắc Việt Nam” do ThS. Bùi Trọng Thủy, Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Đông Bắc Bộ chủ trì. Năm 2013 đề tài đã xây dựng 04 ha mô hình khảo nghiệm và 03 ha mô hình nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật trồng rừng các loài Thông Caribe, Bạch đàn urophylla, Bạch đàn E.microcorys, Keo mearnsii, Keo melanoxylon, Keo lai, Cáng lò, Xoan nhừ tại xã Quang Hán, huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng. Hiện tại cây trồng trong các thí nghiệm sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ sống trung bình đạt 85%.
Nhìn chung các đề tài, dự án tại khu vực các tỉnh phía Bắc đã tổ chức triển khai tốt các nội dung tại hiện trường nghiên cứu. Các mô hình thí nghiệm đều được bố trí các thí nghiệm đúng phương pháp, bảo vệ tốt, chăm sóc đúng kỹ thuật. Đoàn kiểm tra đã đánh giá cao trách nhiệm của các chủ nhiệm đề tài/dự án đã tổ chức tốt các nội dung hiện trường theo kế hoạch, đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng.
Tin mới nhất
- Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và phương hướng triển khai nhiệm vụ năm 2025
- Viện Nghiên cứu Công nghiệp rừng nhận cờ thi đua nhân kỷ niệm 50 năm thành lập
- VFCS được công bố tại website của Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản
- Lễ ký ký biên bản ghi nhớ về việc trao các mẫu vật liệu mới từ gỗ của Đại sứ quán (ĐSQ) Phần Lan để phục vụ trưng bày tại Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam
- Hội đồng nghiệm thu sản phẩm và tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ cấp tỉnh "Nghiên cứu hoàn thiện kỹ thuật nhân giống và xây dựng mô hình trồng thâm canh Vù hương (Cinnamomum balansae H.Lec) cung cấp gỗ lớn kết hợp lấy tinh dầu tại tỉnh Lào Cai"
Các tin khác
- Tọa đàm về khoa học công nghệ và giao lưu văn nghệ, thể thao nhân dịp Kỷ Niệm 85 năm ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam (20/10/1930-20/10/2015).
- Thông báo về việc phát sóng 2 phóng sự truyền hình giới thiệu các kết quả nghiên cứu của Viện về lĩnh vực Giống + Lâm sinh và Công nghiệp rừng
- Kiểm tra hiện trường nghiên cứu của Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Bộ
- Quyết định số: 3869/QĐ-BNN-KHCN ngày 28/9/2015 của Bộ NN & PTNT về việc "Quy định một số nội dung, định mức xây dựng dự toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ sử dụng ngân sách nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn"
- Hội thảo khoa học đánh giá kết quả nghiên cứu của dự án: “Nghiên cứu quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn dựa vào cộng đồng người dân tộc Mường tại huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, Việt Nam”