Từ chỗ phải nhập khẩu giống cây lâm nghiệp, nhập khẩu nguyên liệu lâm sản, những chiến lược phát triển, những nghiên cứu khoa học đang đưa Việt Nam trở thành “trung tâm chế biến, xuất khẩu gỗ của thế giới”.
Đó là nhận xét của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn về ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản năm 2018 – thành công và bài học kinh nghiệm, giải pháp bứt phá trong năm 2019 vừa tổ chức mới đây…
Từ cuộc cách mạng về giống
Chỉ trong vòng một tháng, 2 đoàn cán bộ cấp cao Malaysia đã đến Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam (Vafs) để học tập về vấn đề nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng rừng bởi trước đó, có một tổ chức của Úc đánh giá, chương trình chọn giống keo của Việt Nam là một trong những chương trình chọn giống cây trồng rừng thành công nhất thế giới.
Báo cáo kết quả ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ lâm sản năm 2018 cũng cho biết kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản Việt Nam đạt 9,3 tỷ USD, chiếm trên 23% kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp, giá trị xuất siêu đạt trên 7,1 tỷ USD và Việt Nam đã trở thành quốc gia đứng thứ 5 trên thế giới, thứ 2 Châu Á, thứ nhất Đông Nam Á về xuất khẩu gỗ và lâm sản. Thị trường xuất khẩu gỗ, lâm sản ngày càng được mở rộng, đến hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ…
Còn số liệu thống kê mới nhất thể hiện, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đang chiếm đến 197/230 giống cây lâm nghiệp đã được Bộ NN-PTNT công nhận.
Những câu chuyện, những số liệu này không phải để kể công, bởi từ trước đến này giới khoa học lâm nghiệp vẫn quen với sự cống hiến âm thầm. Nhưng có lẽ, cần phải khẳng định rằng, trong những thành tựu của ngành lâm nghiệp như ngày hôm nay không thể phủ nhận vai trò đóng góp và cũng là sở trường mạnh nhất của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam: Công tác nghiên cứu chọn, tạo giống, những kỹ thuật về nhân giống cây trồng rừng.
GS.TS Võ Đại Hải, Giám đốc Vafs phân tích, chính những chiến lược đầu tư để thay đổi công nghệ giống đã thay đổi bộ mặt của ngành lâm nghiệp, góp phần tạo nên những thành tựu nổi bật hôm nay.
GSTS Võ Đại Hải – Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam. (Ảnh: Trung Hiếu) |
“Với lĩnh vực lâm nghiệp thì đó là cả một chặng đường dài. Từ những thời điểm khó khăn, chúng ta đã đi và hoàn thiện từng chặng được vạch ra hết sức rõ rệt. Đi từ mục tiêu năng suất đến mục tiêu chất lượng trong từng giai đoạn mà bước ngoặt của mỗi chặng đường đều gắn với những khúc cua về công nghệ giống. Đi từ những hình thức trồng rừng quảng canh bằng công nghệ gieo hạt, hình thức trồng rừng mà tăng trưởng mỗi năm chỉ từ 7 – 10 m3/ha, cả một chu kỳ 10 năm chỉ được 70 m3 “gỗ vớ vẩn” cho đến công nghệ sản xuất giống bằng nuôi cấy mô tế bào, từ năng suất đến chất lượng đều tăng rất nhiều lần, nếu không gọi là một cuộc cách mạng thì là gì?”.
Sự thay đổi “cách mạng” mà Giáo sư Hải nói bao gồm năng suất, sản lượng, chất lượng rừng và chu kỳ canh tác.
Trước đây, suốt một quá trình dài, người trồng rừng lay lắt trong mức tăng trưởng 10 m3/ha/năm “gỗ vớ vẩn”, leo lét, bé bằng cổ tay, từ gốc đến ngọn thót như đuôi trâu… nếu đem so sánh với những loại hình sản xuất khác luôn nhận phần thua thiệt. Người ta trồng rừng cũng không dám mong mỏi đến chuyện làm giàu. Chính nhờ khoa học nghiên cứu giống, nhờ chiến lược phát triển mà mọi thứ đổi thay.
Hiện nay các giống được Vafs chọn lọc và lai tạo đều đạt trên 25 khối trở lên, trung bình là 25 – 30 khối, có giống trồng trên đất ngập mặn, trồng trên đất cao rửa phèn năng suất lên đến 40 khối/ha/năm. Chu kỳ trồng rừng trước đây phải mất đến 10 năm thì bây giờ chỉ còn 6 năm, thậm chí là 4 – 5 năm.
Đặc biệt, chất lượng rừng đã có sự thay đổi rõ nét, tăng lên rất nhiều. Các loài cây tốt hơn, đều hơn vì các giống được chọn lọc đều là các giống hom, giống nuôi cấy mô tế bào. Chất lượng gỗ theo đó cũng đã tăng về năng suất, các thân cây thẳng hơn, tăng chiều cao dưới cành, tăng chất lượng rừng, tăng độ đồng đều các sản phẩm về gỗ… Tổng giá trị tăng trưởng từ 5 – 7 lần so với thời gian trước.
“Bây giờ, ở nhiều địa phương cây lâm nghiệp đang thắng thế, có những mô hình trồng keo lá tràm bán 250 triệu/ha, không nhiều cây công nghiệp có thể đạt được hiệu quả kinh tế như vậy. Số doanh nghiệp, hộ dân giàu lên nhờ kinh tế rừng nhiều vô kể”, GS Hải chia sẻ.
Một vườn ươm giống cây keo lá tràm |
Theo các nhà khoa học của Vafs, công nghệ nhân giống cực kì quan trọng, gần như là yếu tố quyết định đến sự thay đổi cây trồng. Chặng đường từ công nghệ giống bằng hạt đến bằng hom, bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào đích thị là một cuộc cách mạng: “Trước đây, khi chúng ta nhân giống bằng hạt, cây con sẽ bị phân ly, chất lượng sẽ không đồng đều. Chuyển sang nhân giống bằng hom, năng suất thay đổi rất rõ rệt, đáp ứng được yêu cầu về mặt sản lượng, tuy nhiên mức độ đồng đều và mặt sinh lý của giống sẽ không được khỏe. Việc nghiên cứu công nghệ nhân giống bằng mô tế bào sẽ khắc phục hoàn toàn những yếu điểm này. Năng suất cao hơn, chất lượng cao hơn, kháng được sâu bệnh và thích ứng được với cả biến đổi khí hậu”.
Đã qua thời nghiên cứu giống chỉ tập trung vào sản lượng, hiện tại Vafs tập trung nghiên cứu giống theo 2 hướng, chọn lọc và lai tạo nhằm mục đích lấy được nguyên chủng cây chọn lọc ra, đảm bảo được tính ưu việt của giống cây, sản xuất hàng loạt với quy mô lớn mang đi trồng. Không chỉ chuyển giao công nghệ phục vụ mục tiêu hàng năm 230.000ha rừng trồng mà còn hướng đến xuất khẩu giống ra thị trường nước ngoài.
Điển hình như các giống keo lai, hiện đang chiếm khoảng 300.000ha trên toàn quốc, với nhiều giống rất phổ biến như: BV10, BV16, BV32, BV 73, BV71, BV75… Ưu việt của những giống cây này là vừa mang ưu thế lai của cây bố (keo lá tràm) và mẹ (keo tai tượng). Kể từ thời điểm Vafs nghiên cứu, lai tạo thành công, năng suất keo lai tăng rất cao (25 – 35 m3/ha/năm), cá biệt ở vùng ĐBSCL đạt hơn 40 m3/ha/năm. Đặc biệt, sự đa dạng, thích nghi của các loại giống đã mở rộng vùng trồng khắp cả nước (có thể trồng được ở vùng mà cây bố mẹ không trồng được). Đó cũng là thành quả của nghiên cứu khoa học. Theo GS Hải, nghiên cứu giống cây trồng rừng bây giờ đang thể hiện vai trò cực kỳ quan trọng, bởi chúng ta đang tiếp tục đến một “khúc cua” mới, tầm vóc, quy mô thế giới.
Cuộc cách mạng về tư duy, thay đổi cán cân xuất nhập khẩu
Nếu công nghệ giống là cuộc cách mạng thì những thành tựu của ngành lâm nghiệp đang thể hiện những giá trị cốt lõi đỉnh cao và vẫn sẽ còn tiếp tục.
Báo cáo của Chương trình tái cơ cấu ngành lâm nghiệp thể hiện, đến nay, tỷ trọng nguyên liệu chế biến gỗ trong nước đã đạt 76,4%, nhập khẩu giảm xuống ở tỷ lệ 23,4%. Năm 2018, sản lượng gỗ khai thác nội địa đạt 28,45 triệu m3. Chất lượng nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng đã từng bước được nâng lên, liên kết chuỗi từ công tác chọn tạo giống, trồng, chăm sóc và quản lý bảo vệ rừng để trồng gỗ lớn khoảng 290 nghìn ha. Thực hiện quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng trên 220 nghìn ha… GS.TS Võ Đại Hải cho rằng, những thay đổi về tư duy mang tính chất quyết định đến những thành tựu này.
Việc quan trọng nhất đối với tái cơ cấu ngành là phải làm ra được các sản phẩm cụ thể ứng dụng được trong sản xuất. Hiện Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo Vafs thực hiện các đề tài nghiên cứu theo hướng tổng hợp, khép kín toàn bộ chu kỳ trồng rừng. Tức là một đề tài nghiên cứu sẽ gồm cả nghiên cứu chọn tạo giống, nghiên cứu biện pháp kỹ thuật lâm sinh về trồng và chăm sóc, nghiên cứu về việc bảo quản và chế biến, thậm chí là cả nghiên cứu thị trường…
Khoa học đóng góp giá trị cốt lõi vào thành tựu ngành lâm nghiệp. (Ảnh: Trung Hiếu) |
“Trước đây chúng ta nhập đến 70 – 80% tổng nguyên liệu lâm sản, trong khi đó, trung bình mỗi năm xuất khẩu 6, 5 – 7 triệu tấn dăm và phải mất tới 13 – 14 triệu m3 gỗ. Một sự lãng phí vô cùng lớn. Bắt đầu từ năm 2013, Đề án tái cơ cấu lâm nghiệp được duyệt, chúng ta đã xây dựng định hướng rõ nét cả về mặt khoa học công nghệ lẫn tổ chức chỉ đạo sản xuất.
Từ chỗ kinh doanh gỗ nhỏ chủ yếu là để băm dăm, làm bột giấy, giá trị xuất khẩu thấp chúng ta đã thay đổi tư duy và giải pháp để chuyển đổi sang gỗ lớn để nâng cao giá trị gia tăng cho ngành và đạt thành tựu nhảy vọt. Năng lực chế biến xuất khẩu gỗ, lâm sản có sự tăng trưởng mạnh về quy mô, số lượng, chất lượng và tính thẩm mỹ, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Đến nay, cả nước có 4.500 doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản, trong đó có 95% là doanh nghiệp tư nhân, 3,5% doanh nghiệp có vốn đầu tư trên 50 tỷ đồng. Số doanh nghiệp chế biến sản phẩm xuất khẩu trên 1.800 doanh nghiệp, tăng hơn 300 doanh nghiệp so với năm 2017. Nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư, nghiên cứu và đưa vào ứng dụng sản xuất và cung ứng thiết bị máy móc, sản phẩm phụ trợ thay thế hàng nhập khẩu, nâng cao giá trị gia tăng”, GS Hải phân tích.
Các nhà khoa học Vafs cho rằng, yếu tố cốt lõi để chuyển sang trồng rừng gỗ lớn là giống và biện pháp kỹ thuật lâm sinh.
Về giống, Việt Nam có quá nhiều loài cây “đặc sản”, cây bản địa tiềm năng quá lớn, hoàn toàn có thể phát triển phục vụ xuất khẩu với giá trị kinh tế cao. Xu hướng của thế giới, nhu cầu sử dụng gỗ lớn chắc chắn sẽ còn tăng chính vì vậy, việc đầu tư trồng rừng gỗ lớn, đặc biệt là cây bản địa là hướng đi đúng đắn. Tuy nhiên, Vafs không phát triển quá nhiều loài mà chỉ tập trung một số loài theo quy hoạch điều kiện của từng vùng: Các loại cây đặc sản như mắc ca, cây dược liệu, cây sa nhân tím, cây sến trung, cây huỷnh, cây bời lời đỏ, cây dổi; đối với vùng cao là cây sa mộc và các loài thông; đối với miền Nam là cây sao đen và cây dầu rái; đối với Tây Nguyên là thông ba lá…
Ngoài việc nghiên cứu chuyển giao công nghệ sản xuất giống, phải có các giải pháp kỹ thuật đi kèm, hay còn gọi là chuỗi giải pháp liên hoàn để trồng rừng gỗ lớn. Từ chọn lọc giống, biện pháp kỹ thuật lâm sinh, khai thác, chế biến và bảo quản, cấp chứng chỉ rừng… tất cả đều phải nghiên cứu, phải tuân thủ nghiêm ngặt. Điển hình như việc phân chia các dạng lập địa phù hợp cho các loài cây trồng rừng chủ lực; các biện pháp kỹ thuật trồng rừng thâm canh, quản lý lập địa, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn, kỹ thuật phục hồi rừng tự nhiên nghèo kiệt…
Các giải pháp nghiên cứu của Vafs về kỹ thuật lâm sinh được chuyển giao rộng rãi. Một là mật độ trồng rừng (trồng thưa hơn, hoặc giữ nguyên nhưng phải chặt bớt các cây kém chất lượng để giảm mật độ cây và kéo dài thêm chu kì kinh doanh), chế độ bón phân, chăm sóc, chế độ dinh dưỡng để cây ra được gỗ lớn. Bên cạnh đó cần xử lý những rừng gỗ nhỏ đã tồn tại từ trước đó.
Hai là hướng đến những loài cây bản địa mọc nhanh thành gỗ lớn, giảm tải áp lực nhập khẩu. Viện đã nghiên cứu để chọn các loài cây có giá trị kinh tế, có thể trồng thuần loài trên quy mô rộng để mình phát triển ra và phải mọc nhanh. Tiến hành xác định lập địa phù hợp với các loài cây. Ví dụ loài cây lim sẽ được trồng trên lập địa thế nào, đất nào…
Thứ ba là thay đổi về việc nghiên cứu dinh dưỡng. Trong bối cảnh phân bón cho cây lâm nghiệp quá đa dạng, Vafs đã có đột phá mới là làm ra rất nhiều chế phẩm sinh học vừa thân thiện với môi trường, an toàn với con người; kích thích và thúc đẩy sinh trưởng của cây trồng; thay thế cho phân bón… Những chế phẩm sinh học dùng vi sinh vật phân giải các chất hữu cơ khó tiêu trong đất trở thành dễ tiêu, cây hấp thụ dễ hơn… Đặc thù của lâm nghiệp là đồi núi, khó vận chuyển vật tư nên những nghiên cứu này thực sự là bước đột phá. Chế phẩm sinh học có thể chế ra dạng viên nén hoặc dạng bột, kính thước rất nhỏ và đơn giản, nhiều loại chế phẩm có thể thay luôn phân bón.
Nhằm hoàn thiện quy trình, Vafs cũng đang nghiên cứu việc dùng chế phẩm sinh học này để phân hủy nhanh lớp thảm mục, thảm khô phía dưới vừa để trả lại chất mùn cho rừng vừa là phòng chống cháy rừng. Nghiên cứu và sản xuất thành công các chế phẩm sinh học như AM, MF1, MF2, XM5… đến các nghiên cứu phát triển các loài lâm sản ngoài gỗ đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng rừng Việt Nam.
Về mảng môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, Vafs đang nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật trồng rừng ngập mặn. Trong đó tập trung vào 2 mảng quan trọng. Vùng trồng rừng trên biển, xung quanh các đảo và các dải đất cát ven biển và vùng khô hạn (theo tính toán khoảng 90.000ha).
Được thành lập từ năm 1961, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam là đơn vị nghiên cứu duy nhất và đầu ngành của Bộ NN-PTNT, được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định xếp hạng đặc biệt. Có 13 đơn vị đầu mối ở khắp vùng miền trên cả nước. 13 đơn vị này được sắp xếp thành 2 mảng lớn: Một là các viện và trung tâm nghiên cứu chuyên đề gồm có 7 đơn vị: Viện nghiên cứu giống và công nghệ sinh học Lâm nghiệp, Viện nghiên cứu công nghiệp rừng, Viện nghiên cứu lâm sinh, Viện nghiên cứu sinh thái và môi trường rừng, Trung tâm nghiên cứu bảo vệ rừng, Trung tâm nghiên cứu lâm sản ngoài gỗ, Trung tâm nghiên cứu kinh tế lâm nghiệp. Hai là các viện và trung tâm nghiên cứu vùng nằm ở các vùng sinh thái trên cả nước như Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Nam Bộ… Từ kết quả nghiên cứu, Vafs đã từng bước chuyển giao giống gốc và công nghệ chọn tạo giống cho nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Hiện nay, các giống cây lâm nghiệp mới này đã và đang mang lại nguồn thu nhập lớn và ổn định cho chủ rừng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam. |
HOÀNG ANH – TRUNG HIẾU
Nguồn: https://nongnghiep.vn/khoa-hoc-dong-gop-lon-vao-thanh-tuu-nganh-lam-nghiep-post240088.html
Tin mới nhất
- Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và phương hướng triển khai nhiệm vụ năm 2025
- Viện Nghiên cứu Công nghiệp rừng nhận cờ thi đua nhân kỷ niệm 50 năm thành lập
- VFCS được công bố tại website của Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản
- Lễ ký ký biên bản ghi nhớ về việc trao các mẫu vật liệu mới từ gỗ của Đại sứ quán (ĐSQ) Phần Lan để phục vụ trưng bày tại Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam
- Hội đồng nghiệm thu sản phẩm và tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ cấp tỉnh "Nghiên cứu hoàn thiện kỹ thuật nhân giống và xây dựng mô hình trồng thâm canh Vù hương (Cinnamomum balansae H.Lec) cung cấp gỗ lớn kết hợp lấy tinh dầu tại tỉnh Lào Cai"
Các tin khác
- Hội nghị Giống cây trồng lâm nghiệp
- Hội thảo tham vấn Chương trình đào tạo về Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng
- Diễn đàn “Ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản năm 2018 - Thành công, bài học kinh nghiệm; giải pháp bứt phá năm 2019”.
- Đón tiếp Đoàn sinh viên lâm nghiệp Đại học Quốc gia Chonnam, Hàn Quốc
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết cấp cơ sở dự án sản xuất thử nghiệm cấp Bộ: Chuyển hóa rừng cung cấp gỗ nhỏ thành rừng gỗ lớn các loài Keo lai và Keo tai tượng.