Kết quả nghiên cứu xây dựng các mô hình rừng trồng sản xuất ở tỉnh Sơn La

Võ Đại Hải, Tân Văn Phong

Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam

Tóm tắt

Phát triển trồng rừng sản xuất ở các tỉnh vùng Tây Bắc là chủ trương của Nhà nước ta hiện nay. Nghiên cứu này được thực hiện trong đề tài Nghiên cứu phát triển trồng rừng sản xuất có hiệu quả kinh tế và bền vững vùng miền núi phía Bắc thuộc chương trình nghiên cứu KHCN phục vụ phát triển nông thôn miền núi phía Bắc. Kết quả đề tài đã xây dựng được 19ha mô hình rừng trồng sản xuất, trong đó có 8ha rừng trồng cung cấp gỗ lớn, 7ha rừng trồng cung cấp gỗ nhỏ và 4ha rừng trồng cung cấp lâm sản ngoài gỗ. Các mô hình được triển khai xây dựng trong năm 2003 và 2004 tại xã Chiềng Mung huyện Mai Sơn và Chiềng Bôm huyện Thuận Châu tỉnh Sơn La. Đánh giá bước đầu cho thấy cây trồng trong các mô hình đều có tỷ lệ sống cao, sinh trưởng và chất lượng cây trồng tốt. Mô hình mang lại những hiệu quả rất thiết thực về mặt kinh tế và xã hội.

Từ khoá: Mô hình rừng trồng, rừng sản xuất

Mở đầu

Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng đặt ra nhiệm vụ phải trồng 3 triệu ha rừng sản xuất giai đoạn 1998-2010, tuy nhiên cho đến năm 2005 chúng ta mới đạt 49% kế hoạch, so với nhiệm vụ đến năm 2010 chỉ đạt 34%. Chính vì vậy, tại Hội nghị sơ kết Dự án Chính phủ đã chỉ đạo trong thời gian tới cần tập trung đẩy mạnh phát triển trồng rừng sản xuất.

Trong chiến lược phát triển trồng rừng sản xuất, đối tượng hộ gia đình miền núi được đặc biệt quan tâm vì tầm quan trọng và ý nghĩa xã hội của nó. Tuy nhiên, đây cũng là đối tượng còn gặp nhiều khó khăn về tiềm lực kinh tế, hiểu biết khả năng tiếp cận các tiến bộ kỹ thuật. Đối với các xã vùng cao như xã Chiềng Mung huyện Mai Sơn và xã Chiềng Bôm huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La thì trồng rừng vẫn còn là một hoạt động khá mới mẻ, ít được thực hiện. Diện tích đất lâm nghiệp chiếm tỷ trọng khá lớn ở hai xã này, cụ thể là 44,2% ở xã Chiềng Mung và 95% ở xã Chiềng Bôm, phần lớn các diện tích này hiện tại vẫn chưa được sử dụng có hiệu quả. Việc tham gia xây dựng mô hình rừng trồng sản xuất ở đây có một ý nghĩa quan trọng, giúp cho đồng bào nâng cao nhận thức về vai trò của trồng rừng trong việc phát triển kinh tế – xã hội cũng như bảo vệ môi trường ở địa phương.

Nghiên cứu này được thực hiện từ năm 2002 đến 2005 trong đề tài “Nghiên cứu phát triển trồng rừng sản xuất có hiệu quả kinh tế và bền vững vùng miền núi phía Bắc” thuộc chương trình nghiên cứu KHCN phục vụ phát triển nông thôn miền núi phía Bắc.

Mục tiêu, nộidung và phương pháp nghiên cứu

Mục tiêu

– Xây dựng mô hình trình diễn để người dân tham quan học tập, phát động phong trào trồng rừng sản xuất tại địa phương.

– Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trồng rừng một số loài cây chủ yếu, trong đó có các loài cây lâm sản ngoài gỗ và cây đa tác dụng.

– Góp phần nâng cao nhận thức và thu nhập của người dân thông qua các hoạt động trồng rừng, đặc biệt là qua xây dựng mô hình trồng rừng nông lâm kết hợp và cung cấp lâm sản ngoài gỗ.

Nội dung

Xây dựng 19ha rừng sản xuất, trong đó có:

-8ha rừng trồng sản xuất cung cấp gỗ lớn.

-7ha rừng trồng sản xuất cung cấp gỗ nhỏ.

-4ha rừng trồng sản xuất cung cấp lâm sản ngoài gỗ.

Phương pháp nghiên cứu

Kế thừa tất cả các kết quả nghiên cứu đã có về giống và kỹ thuật gây trồng, chỉ nghiên cứu bổ sung một số khía cạnh hoặc áp dụng để triển khai trên địa bàn tỉnh Sơn La. Các mô hình được xây dựng với sự tham gia của người dân địa phương từ khâu khảo sát lựa chọn địa điểm, loài cây cho tới trồng và chăm sóc, bảo vệ mô hình. Người dân thực hiện xây dựng mô hình và được hưởng những thành quả mà họ tạo ra. Các cán bộ nghiên cứu chỉ đóng vai trò tư vấn, trợ giúp kỹ thuật. Năm 2002 triển khai khảo sát lựa chọn địa điểm xây dựng mô hình và chuẩn bị cây giống, năm 2003 và 2004 triển khai xây dựng mô hình (dữ liệu được thu thập tháng 10 năm 2005).

Kết quả nghiên cứu và thảo luận

Một số nét khái quát chung về điều kiện khu vực xây dựng mô hình

Xã Chiềng Mung huyện Mai Sơn

Điều kiện tự nhiên

Xã Chiềng Mung nằm trên cao nguyên Nà Sản, cách trung tâm huyện Mai Sơn 14km về phía Tây Bắc. Tổng diện tích đất tự nhiên là 3.479ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm 33,8% (1.179ha), đất lâm nghiệp chiếm 44,2% (1.539ha), còn lại là đất chuyên dùng và đất khác. Địa hình đồi đất thấp, độ dốc trung bình trên 15-200, độ cao trung bình 600-700m. Đất feralit màu nâu vàng phát triển trên đá phiến thạch sét. Khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, mùa đông thường xuất hiện sương mù, đôi khi có sương muối. Tổng lượng mưa cả năm là 1.330mm, nhiệt độ không khí bình quân 21,20C, mùa khô thường thiếu nước và khô hạn.

Điều kiện kinh tế-xã hội

Trong xã có 1.781 hộ gia đình với 8.113 nhân khẩu, toàn bộ người dân trong xã là dân tộc Thái. Nguồn thu nhập chủ yếu là từ sản xuất nông nghiệp như đậu tương, lúa, ngô, sắn; một số ít trồng mía, cà phê,… Lâm nghiệp chủ yếu là bảo vệ rừng phục hồi, rừng trồng có rất ít chỉ ở quy mô thử nghiệm.

Xã Chiềng Bôm huyện Thuận Châu

Điều kiện tự nhiên

Xã Chiềng Bôm nằm về phía Tây Bắc huyện Thuận Châu, cách thị trấn Thuận Châu 8km về phía Đông. Độ cao tuyệt đối so với mực nước biển từ 800-1.000m, độ dốc trung bình 250C. Nhiệt độ trung bình năm là 21,40C. Lượng mưa trung bình khá thấp 1.378mm. Mùa đông thường có sương mù và đôi khi có sương muối. Tổng diện tích đất tự nhiên là 9.519ha, trong đó đất lâm nghiệp là 9.057ha (chiếm 95%), diện tích đất nông nghiệp là 262ha (chiếm 2,7%), còn lại là đất khác chiếm khoảng 2,3%. Rừng trồng trong xã chưa phát triển. Đất chủ yếu thuộc đất Feralit phát triển trên đá phiến thạch sét, độ dày tầng đất từ 0,5-1m, thành phần cơ giới từ thịt trung bình đến thịt nhẹ, đất còn tốt.

Điều kiện kinh tế-xã hội

Chiềng Bôm có 30 bản với 700 hộ gia đình và 4.400 nhân khẩu. Toàn xã có 200 hộ nghèo, chiếm 28,6%. Thành phần dân tộc chủ yếu là người Thái. Thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào canh tác nông nghiệp và chăn nuôi với mức bình quân đạt 350kg lương thực/năm/người.

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]