Kết quả nghiên cứu tình hình săn bắt và buôn bán động vật hoang dã tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Luông và các vùng rừng lân cận

Kết quả nghiên cứu tình hình săn bắt và buôn bán động vật hoang dã tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Luông và các vùng rừng lân cận

 

Hoàng Liên Sơn

Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam

 

 

Khu Bảo Tồn Thiên Nhiên Pù Luông (KBTTNPL) là một điển hình quan trọng mang tính toàn cầu, với những hệ sinh thái rừng núi đá vôi duy nhất còn lại trên vùng đất thấp miền Bắc, Việt Nam, và được xác định như một khu vực ưu tiên cho việc bảo tồn tính đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi. Nhưng sự gia tăng dân số, mở rộng diện tích đất canh tác nương rẫy đã làm suy giảm nơi sống và tác động tiêu cực đến khu hệ động vật rừng của KBT. Bên cạnh đó là giá cả thị trường các loại sản phẩm động vật hoang dã cũng thúc đẩy các thợ săn thực hiện các cuộc đi săn cá nhân hoặc nhóm nhỏ, và các loại động vật hoang dã chủ yếu được bán cho những người buôn bán động vật hoang dã. Để hiểu rõ hơn những vấn đề nêu trên, Dự án Bảo tồn Pù Luông — Cúc Phương đã tàI trợ để thu thập những thông tin hữu ích về tình hình buôn bán động vật hoang dã và lâm sản ngoài gỗ, đặc biệt là các loài Phong lan nhằm tăng cường năng lực cho những cơ quan có trách nhiệm trong việc quản lý và bảo vệ động vật hoang dã và các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ khác, đồng thời đề xuất những khuyến nghị để cải thiện đời sống cho nhân dân sống trong KBT Pù Luông và các vùng rừng kề cận nó.

Phương pháp nghiên cứu

Để thu thập và phân tích thông tin về tình hình săn bắt và buôn bán động vật hoang dã đội nghiên cứu đã sử dụng một số phương pháp như sau:

a.Thu thập và phân tích số liệu thứ cấp

b.Phỏng vấn bán định h­ướng và linh hoạt

c.Phỏng vấn theo nhóm và Ma trận phân tích có sự tham gia

d.Phỏng vấn chủ hộ gia đình hoặc thợ săn địa ph­ương bằng những bộ câu hỏi có sẵn kết hợp với kỹ năng phỏng vấn linh hoạt

e.Điều tra phân tích và phát triển thị trư­ờng. Bằng cách lần theo dấu vết những con đường săn bắt và buôn bán động vật hoang dã và lâm sản phụ, nghiên cứu đã thiết kế mô phỏng kênh thị trường tiêu thụ đang diễn ra trên khu vực điều tra đồng thời phân tích những mắt xích quan trọng trong hệ thống này.

f.ứng dụng phần mềm Excel và SPSS (Bộ công cụ phân tích thống kê dùng trong khoa học xã hội) để tổng hợp và phân tích số liệu điều tra.

Đội nghiên cứu đã tiến hành điều tra 130 chủ hộ gia đình tại 8 thôn, thuộc 6 xã của 5 huyện và các nhà hàng tại các thị trấn huyện lỵ. Các cá nhân, tổ chức có trách nhiệm trong việc bảo vệ và quản lý săn bắt, buôn bán động vật hoang dã.

 

Mục tiêu nghiên cứu

a. Đề xuất những khuyến nghị nhằm hỗ trợ để tăng cường năng lực của những cơ quan có trách nhiệm liên quan tới việc quản lý, bảo vệ động vật hoang dã và loài cây lâm sản ngoài gỗ.

b. Đề xuất những khuyến nghị góp phần cải thiện và phát triển kinh tế xã hội cũng như sinh kế cho cộng đồng địa phương trong khu bảo tồn và vùng đệm.

2. Những phát hiện của nghiên cứu

a.Sự phân công lao động theo giới giữa các thành viên trong hộ gia đình tương đối rõ ràng. Phụ nữ thường làm những công việc về nương rẫy và thu hái lâm sản phụ. Còn nam giới thường làm những công việc vất vả hơn như săn bắt và khai thác gỗ với mục đích tạo ra thu nhập bằng tiền cho gia đình.

b.Hầu hết các hộ gia đình đều có những dụng cụ để săn bắt và nuôi nhốt động vật hoang dã.

c.Khả năng săn bắt và sử dụng công cụ săn bắt phụ thuộc vào độ tuổi của các thành viên trong hộ gia đình.

d.Trình độ văn hoá của chủ hộ rất thấp, phần lớn trong số họ chỉ học hết cấp 1 và 2, (43 hoặc 31,1%) và (67 hoặc 51,5%) tương ứng với mỗi cấp. Đây là một cản trở lớn trong nhận thức của dân làng về công tác bảo vệ và phát triển rừng.

e.Thu nhập bình quân đầu người thấp 1,815 triệu đồng/năm. Trong đó, thu nhập từ nông nghiệp chiếm 74,1%; thu nhập từ sản xuất lâm nghiệp chiếm 3,7%; thu nhập từ săn bắt và thu hái lâm sản phụ chiếm 7%; và các nguồn khác chiếm 15,2%.

f.Thay vì săn bắt để bảo vệ nương rẫy, cung cấp thức ăn và được xem như là một sở thích của nam giới trong làng thì hiện nay săn bắt đã trở thành mục đích thương mại, một phương kế tạo nguồn thu nhập bẳng tiền của các hộ gia đình. Kết quả điều tra nghiên cứu phân tích phát triển thị trường, một kênh lưu thông phân phối tiêu thụ động vật hoang dã đã được mô phỏng như sơ đồ 1 dưới đây:

Người thu gom hoặc môi giới trung gian tại các thôn bản, xã

Người bán buôn và phân phối

Nhà hàng đặc sản rừng trên Q. lộ 6

Nhà hàng đặc sản tại các thị trấn

Nhà hàng Thị xã Hoà Bình

Nhà hàng thành phố Thanh Hoá

Thợ săn và dân làng

Lào

 

Sơ đồ 1. Kênh lưu thông phân phối tiêu thụ động vật hoang dã

g.Hầu hết các hộ gia đình đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (sổ đỏ) đất nông nghiệp và đất lâm nghiệp. Bước đầu, công tác này đã tạo nên sự yên tâm cho các chủ hộ đầu tư cho sản xuất nông, lâm nghiệp.

h.Số tiền nhận được từ giao và khoán bảo vệ rừng được dân làng chia đều theo nhân khẩu trong thôn vì theo họ công tác bảo vệ tài nguyên rừng là trách nhiệm và nghĩa vụ của tất cả dân làng. Rừng vẫn được coi là tài sản chung và tất cả dân làng có quyền được khai thác và sử dụng để cải thiện sự thiếu hụt về thực phẩm và tăng thu nhập.

i.Theo đánh giá của dân làng, mức độ phong phú của các loài khỉ, vượn và voọc trong KBT ngày càng trở nên nghèo hơn, một số loài đã bị tuyệt chủng bởi nhiều áp lực khác nhau, trong đó có tác động của việc buôn bán trái phép động vật hoang dã. Đối với những loài khác còn ở mức độ còn nhiều và khá nhiều như: Don, chồn và cầy cũng bị săn bắt với số lượng vài trăm cá thể hàng năm. Vì thế, những loài này cần được ưu tiên bảo tồn.

j.Tổng số khối lượng thú bị săn bắt hàng năm khoảng 5586 kg, trong đó 75,2% được tiêu thụ ra thị trường, 24,4% tiêu dùng trong dân làng và chỉ duy nhất 0,4% bị thu giữ và xử phạt hành chính.

k.Buôn bán động vật hoang dã hầu như không kiểm soát được mà nguyên nhân chủ yếu là thiếu sự phối hợp liên ngành trong khi động vật hoang dã chỉ trở thành hàng hoá tại các nhà hàng đặc sản của thị trấn, thị xã và các thành phố lớn.

l.Tính chất mùa vụ săn bắt động vật hoang dã trong các thôn lựa chọn điều tra không thể hiện rõ ràng. Cường độ và tần suất săn bắt phụ thuộc vào nhu cầu chi tiêu tiền mặt trong những dịp lễ tết và những tháng “giáp hạt”.

3. Một số khuyến nghị

a. Nâng cao công tác kiểm soát và thực thi pháp luật việc săn bắt và buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã.

§Lực lượng kiểm lâm sở tại, khu bảo tồn Pù luông và dự án bảo tồn cần tổ chức những lớp tập huấn tuyên truyền về tầm quan trọng, mối nguy hại của việc săn bắt, buôn bán động vật hoang dã và vai trò của động vật rừng đối với đa dạng sinh học của vùng cũng như trên phạm vi cả nước nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng trong công tác bảo tồn tài nguyên động thực vật rừng.

§Một chiến lược giáo dục cần được thiết lập thông qua hệ thống giáo dục tiểu học và trung học cơ sở tại địa phương nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của động vật hoang dã đối với đa dang sinh học, tính bền vững của môi trường sinh thái và cuộc sống của dân làng.

§Đối với công tác quản lý các loại súng: Một khẩu súng kíp cần có hai loại giấy: (1) giấy đăng ký súng và (2) giấy phép sử dụng súng. Mặt khác, ngừng cấp giấy đăng ký và giấy sử dụng súng kíp mới và nghiêm khắc xử lý những trường hợp sử dụng súng quân dụng để săn bắt thú rừng. Đồng thời, dự án và KBT nên thoả thuận với dân làng và những người có trách nhiệm để thu đổi súng kíp. Bên cạnh đó, cần rà soát và nghiên cứu sửa đổi lại những văn bản pháp luật về quản lý súng săn một cách thống nhất.

§Tăng cường năng lực kiểm tra, kiểm soát của lực lượng kiểm lâm bằng việc phối hợp chặt chẽ (đội liên ngành) với lực lượng công án, quản lý thị trường và chính quyền địa phương thường xuyên giám sát và thi hành luật pháp đối với các nhà hàng đặc sản thịt thú rừng, vận chuyển và buôn bán những loài động vật hoang dã “ngoài luồng” hoặc đã bị nghiêm cấm như sách đỏ đã quy định. Nghiên cứu ban hành thêm một số chính sách để xử phạt thật nghiêm minh những hành vi cố tình vi phạm. Ngoài những mức phạt như quy định, cần cộng thêm phí vận chuyển động vật hoang dã trả về vùng rừng có điều kiện sinh thái phù hợp.

§Dựa vào nhận thức của cộng đồng về vai trò và nghĩa vụ của họ trong công tác giao và khoán bảo vệ, bảo vệ tài nguyên rừng là trách nhiệm và nghĩa vụ của tất cả dân làng. Vì thế, lực lượng kiểm lâm cần kết hợp với chính quyền địa phương ký cam kết bảo vệ rừng cấp thôn bản.

§Hướng dẫn tiêu dùng đối với những khách hàng có nhu cầu tiêu dùng động vật hoang dã để họ thay đổi thói quen và sử dụng những háng hóa thay thế khác.

§Tăng cương nhân lực, trang thiết bị để kiểm soát và giám sát săn bắt, vận chuyển và buôn bán động vật hoang dã.

b. Nâng cao đời sống của dân làng nhằm giảm bớt những tác động tiêu cực tới tài nguyên rừng của KBT

§Ngoài những cây sản xuất lương thực nhằm đảm bảo an ninh lương thực thì cần phải đẩy mạnh trồng những loài cây dược liệu gối vụ, cây ăn quả và cây lâm sản phụ như măng bát độ để tăng thêm thu nhập bằng tiền cho các hộ.

§Phát triển sản xuất chăn nuôi trâu bò, lợn và gia cầm, đặc biệt chú ý tới thế mạnh nuôi nhưng giống lợn địa phương trong điều kiện bán chăn thả.

§Hoạt động khuyến nông lâm cần phải được làm thường xuyên tại các thôn bản để lựa chọn những giống cây trồng nông nghiệp có năng suất cao phù hợp với điều kiện của từng vùng như các giống ngô: VN 10, Ngô lai BIOXIT và giống ngô mới khác. Mặt khác, cần xây dựng những mô hình trình diễn chăn nuôi lợn địa phương bán chăn thả và nông lâm kết hợp hoặc canh tác trên đất dốc.

§Tất cả các xã đã có đường ôtô tới trung tâm xã nhưng đi lại rất khó vào mùa mưa. Vì thế, nâng cấp hạ tầng cơ sở giao thông cho các xã này cần đặt ra ưu tiên hàng đầu để phát huy lợi thế so sánh về tiềm năng đất đai, cây trồng và vật nuôi trong sản xuất nông lâm nghiệp, đồng thời tạo nên sự thuận lợi cho trao đổi, buôn bán các hàng hoá nông sản, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống văn hoá tinh thần của dân làng.

§Giáo dục cũng cần được quan tâm đầu tư hơn nữa, đặc biệt những thôn bản chưa có đường ôtô, để nâng cao trình độ văn hoá vốn đã thấp của hầu hết dân làng. Làm tốt công tác này sẽ góp phần cải thiện đáng kể nhận thức của cộng đồng về công tác bảo tồn tài nguyên động vật rừng trong một chiến lược dài hạn.

§Phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng cần được tiến triển mà sự tham gia của dân làng vào hoạt động này được xem như một yếu tố trung tâm. Dân làng sẽ được hưởng những lợi ích từ hoạt động này và họ cần được tuyên truyền để hiểu rằng chính những những nỗ lực của họ trong việc bảo vệ tài nguyên rừng là nguồn thu nhập cho họ.

 

Tài liệu tham khảo

1.Đỗ Kim Chung và đồng sự, 2003. Những giải pháp kinh tế nhằm tăng cường kiểm soát buôn bán động thực vật hoang dã ở Việt Nam. Báo cáo chuyên đề (chưa xuất bản). Chương trình hành động quốc gia nhằm tăng cường kiểm soát hoạt động buôn bán động thực vật hoang dã – TRAFFIC quốc tế tại Đông dương — Việt nam.

2.Lê Xuân Cảnh và các cộng sự, 2003. Chương trình nghiên cứu về buôn bán động thực vật hoang dã ở Việt Nam đến năm 2010. Trung tâm khoa học tự nhiên và công nghệ quốc gia — Viện sinh thái tài nguyên sinh vật. Hà Nội, 2003.

3.Nguyen Van Song , 2002. Illigal trading of wildlife species and cost of enforcement and monitoring in Vietnam. Unpublished PhD. Dissertation, UPLB, College, Laguna.

4.Puri R. K and Maxwell O. C , 2002. Quản lý tài nguyên thiên nhiên và sử dụng rừng tại hai bản liền kề KBT Pù Luông và VQG Cúc Phương, Việt Nam. Chiến lược hợp tác quản lý tài nguyên thiên nhiên cộng đồng đối với Rừng đặc dụng ở Việt Nam. Hà Nội, tháng 6, 2002.

5.Scott Roberton, Tran Chi Trung and Frank Momberg , 2003. Trading Livelihoods. An investigation into the extration trade of wildlife in and around the Pu Mat National Park, Nghe An province, Vietnam. Fauna & Flora International: Vietnam Programme. Birdlife International in Indochina.

Summary

The research is designed to propose the recommendations, supporting and reinforcing the capacity of those authorities responsible for management and protection of wild animals and other non-timber forest products. At the same time, the recommendations are proposed to improve social-economic lives of the people in the Pu Luong Natural Conservation and neighboring forest areas.A market channel is designed, demonstrating consuming activities in the studied areas and analyzing important chains in the system.

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]