Kết quả nghiên cứu kỹ thuật nhân giống, trồng cây Thanh thất (Ailanthus triphysa (Dennst) alston tại Bình Phước

Phạm Văn Bốn

Phân viện Nghiên cứu Khoa học Lâm nghiệp Nam Bộ

TÓM TẮT

Kết quả nghiên cứu cho thấy, hạt Thanh thất rất dễ xử lý nảy mầm, chỉ cần ngâm hạt trong nước lạnh thông thường hoặc nước ấm (2 sôi + 3 lạnh) trong thời gian 8 giờ rồi đem ủ trong cát ẩm là được. Ở giai đoạn vườn ươm 6 tháng tuổi, độ che sáng từ 25%-50% là phù hợp. Hỗn hợp ruột bầu dùng để ươm Thanh thất có thể dùng là: 90% đất + 10% phân bò hoai hoặc 89% đất + 10% phân bò hoai + 1% phân vi sinh sông Gianh. Công thức bón lót cho kết quả tốt nhất là 100g NPK + 2kg phân bò. Công thức bón thúc cho kết quả tốt nhất là 200g NPK + 300g super lân. Chăm sóc bằng phương pháp hóa học cho kết quả vượt trội so với phương pháp chăm sóc thủ công. Sinh trưởng về đường kính và chiều cao khi chăm sóc bằng phương pháp hóa học, lần lượt gấp 1,34 và 1,27 lần so với chăm sóc bằng phương pháp thủ công. Trong giai đoạn 27 tháng tuổi, mật độ trồng rừng chưa ảnh hưởng nhiều đến sinh trưởng của Thanh thất. Công thức mật độ 1666 cây/ha cho kết quả tốt hơn các công thức còn lại. Xuất xứ có ảnh hưởng đáng kể đến sinh trưởng của Thanh thất. Sinh trưởng đường kính và chiều cao của xuất xứ Sơn Dương – Tuyên Quang gấp 1,34 lần về đường kính và 1,27 lần về chiều cao, so với xuất xứ Tuy An – Phú Yên.

Từ khóa: Kỹ thuật nhân giống, trồng rừng, Thanh thất.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Thanh thất là cây gỗ lớn, mọc nhanh, phân bố rộng ngoài tự nhiên từ Bắc tới Nam, tập trung nhiều ở khu vực Nam Trung Bộ. Gỗ mềm, thớ thẳng, mịn, dễ bóc, sử dụng làm gỗ dán, bao bì, sản xuất diêm,… thích hợp cho việc trồng rừng cung cấp nguyên liệu gỗ lớn phục vụ công nghiệp chế biến gỗ ở Việt Nam. Theo Phạm Đình Tam và các cộng sự thì Thanh thất là một trong những cây sẽ được thị trường thế giới ưa chuộng trong tương lai. Tuy nhiên, kỹ thuật gây trồng Thanh thất còn nhiều hạn chế, mới chỉ một số đơn vị, địa phương trồng thử nghiệm mang tính thăm dò, thiếu tính hệ thống. Để khắc phục những vấn đề trên, chúng tôi thực hiện đề tài “Nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật gây trồng cây Thanh thất (Ailanthus triphysa (Dennst) Alston)phục vụ kinh doanh gỗ lớn. Trong khuôn khổ của đề tài đã tiến hành nghiên cứu kỹ thuật nhân giống và trồng rừng thí nghiệm tại Bình Phước thu được một số kết quả dưới đây.

(Kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ giai đoạn 2006-2010, trang 187-195)

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]