Phạm Đình Tam
Trung tâm ứng dụng KHKT Lâm nghiệp
Trám trắng là cây bản địa, đa mục đích, được nhân dân ta ưa chuộng. Là cây gỗ lớn. Trám trắng có thể cao 25 đến 30m, đường kính ngang ngực 70 – 80cm, thân tròn thẳng, tán lá gọn và xanh quanh năm .
Gỗ Trám trắng mềm, nhẹ (tỷ trọng 0,44), thớ mịn, dễ bóc thường dùng làm nguyên liệu gỗ dán, đóng đồ thông thường, dùng trong xây dựng nhà cửa…vv…
Nhựa Trám trắng dùng trong công nghệ chế biến xà phòng, sơn tổng hợp, nước hoa và si đánh giầy.
Quả Trám ăn được, thường làm thực phẩm, chế biến ô mai, làm thuốc chữa bệnh, giải rượu và giải độc .
A – Kỹ thuật hạt giống cây con :
1. Giống:
– Giống phải thu hái từ những cây đã có 2 mùa quả trở lên (9 – 10 tuổi), cây mẹ sinh trưởng tốt, phát triển cân đối, không bị sâu bệnh, cong queo .
– Quả Trám trắng chín vào tháng 9 – 10. Khi thấy quả chuyển từ màu xanh sang màu vàng mơ, ăn có vị chua ngọt, nhân hạt màu trắng mới thu hái. Không thu hái non ảnh hưởng đến chất lượng cây con.
– Sau khi thu hái về, cần loại bỏ những quả kém phẩm chất, sau đó vun thành đống ủ trong 2 – 3 ngày cho chín đều. Ngâm quả vào nước nóng khoảng 600C (2 sôi 3 lạnh) trong thùng có nắp đậy kín, sau 2 – 3 giờ vớt ra và tách lấy hạt, có thể đem gieo ngay hoặc bảo quản ẩm .
– Hạt chế biến xong cần bảo quản trong cát ẩm từ 5 – 8% (phương pháp đánh giá cát ẩm bằng cách nắm chặt 1 nắm cát trong tay thấy nước rỉ qua kẽ ngón tay và bỏ tay ra cát vẫn định hình sau đó mới rời ra) hoặc bảo quản trong tủ lạnh có nhiệt độ ổn định 50C .
2.Vườn ươm :
Vườn ươm nên gần nơi trồng rừng và thuận tiện cho việc vận chuyển cây con. Mặt vườn cần bằng phẳng, thoát nước, rọi nắng và gần nguồn nước. Vườn phải đặt xa nguồn bệnh và tách rời khu canh tác nông nghiệp .
3. Tạo bầu:
– Vỏ bầu được làm bằng PE màu trắng đục hay đen, bảo đảm độ bền để khi đóng bầu và vận chuyển không bị rách . Kích thước bầu 9 x 14cm, không đáy đục lỗ xung quanh để ươm cây 6 – 7 tháng và 12 x 18cm có đáy nhưng cắt góc đục lỗ xung quanh cho cây ươm trong vườn 15 – 16 tháng .
– Thành phần ruột bầu gồm đất tầng A dưới tán rừng 90%, phân chuồng hoại 9% và Supe lân Lâm Thao 1%. Ba thành phần được trộn đều nhau.
– Bầu được đóng đầy, chặt sau đó xếp thành luống rộng 0,8 – 1m, dài 5 – 10m, mặt bầu bằng phẳng. Các luống bầu đặt cách nhau 50 – 60cm để thuận tiện việc đi lại chăm sóc cây con. Xung quanh luống bầu lấp đất cao bằng 2/3 bầu, rải đất bột vào khe hở giữa các bầu .
4. Gieo ươm :
– Xử lý hạt : Ngâm hạt vào nước lã từ 10 – 12 giờ sau đó tiến hành ủ hạt. Chọn nền xi măng hoặc nền đất cứng ngoài trời, đổ 1 lớp cát xuống dưới dày 5cm, tiếp đó rải 1 – 2 lớp hạt ở giữa (3 – 5cm), sau đó đổ cát và san đều để cát lấp kín hết khe hở giữa các hạt Trám, trên cùng rải l lớp cát dày 3 – 5cm và tưới đẫm nước, dùng rơm rạ phủ lên trên để giữ ẩm. Sau 20 ngày hạt bắt đầu nảy mầm .
– Thời vụ gieo ươm thích hợp nhất là tháng 10 – 11 ngay sau khi thu hái và chế biến xong .
– Khi hạt đã nảy mầm áp dụng 1 trong 2 cách cấy cây như sau : để cho cây mọc khỏi mặt luống, khi lá đã xoè hết và màu lá đã chuyển từ vàng sang xanh thì nhổ lên đem cấy vào bầu, hoặc chọn những hạt đã nứt nanh đem cấy vào bầu, lấp kín đất dày 1cm và tưới nước cho đủ ẩm ngay sau khi cấy xong.
5. Chăm sóc cây :
– Giai đoạn cây con ở vườn ươm cần có dàn che bóng, mức độ che giảm dần theo tháng tuổi, 20 ngày đầu che bóng 100% sau đó giảm xuống 50%, khi cây mầm đã có 1 – 2 lá thật (khoảng 40 ngày) thì giảm xuống 25%. Giỡ bỏ dàn trước lúc trồng khoảng 1 – 1,5 tháng.
– Thường xuyên phải tưới nước đủ ẩm và định kỳ 20 ngày 1 lần làm cỏ phá váng cho cây con .
– Định kỳ bón thúc 1 tháng 1 lần bằng phân NPK tỷ lệ 2% (0,2kg/10 lít nước), tưới 3 lít/1m2, phải tưới rửa lá ngay sau khi tưới phân. Tuyệt đối không dùng đạm Urê để tưới thúc cho cây .
– Thường xuyên quan sát để đề phòng nấm bệnh và sâu hại cây con. Nếu bị lở cổ rễ thì dùng Benlat nồng độ 0,03 – 0,05% phun đều lên luống và ngừng tưới nước. Nếu bị sâu ăn lá thì bắt bằng thủ công hoặc dùng thuốc Malathion nồng độ 0,1% phun 1 lít nước/5m2 .
– Trong quá trình chăm sóc cây con ở vườn ươm cần tiến hành đảo bầu 2 lần, lần 1 sau khi cấy 2 tháng và lần 2 trước lúc trồng 1 – 1,5 tháng .
B – Trồng rừng :
6. Vùng trồng:
– Trám có thể trồng được cả 3 miền Bắc Trung Nam nơi đất còn tính chất đất rừng, độ dày tầng đất trên 0,5m, thoát nước và nơi ít bị khô hạn .
7. Phương thức trồng :
– Trám trắng có thể trồng, hỗn giao với các loài cây bản địa khác và có sử dụng cây họ đậu che bóng 3 – 4 năm đầu. Kỹ thuật xử lý thực bì trong phương thức này là phát trắng lớp thực bì cũ, dọn sạch trên mặt đất (nơi có điều kiện có thể đốt) sau đó thiết kế đào hố trồng rừng. Giữa 2 hàng cây chính gieo hoặc trồng 1 hàng cây phù trợ (Cốt khí, Đậu Tràm, Keo…). Mật độ trồng là 1200 – 1600 c/ha, trong đó Trám trắng 50% .
– Trồng kết hợp với cây nông nghiệp (Sắn, Lúa, Đậu) trong 2 – 3 năm đầu .
– Trồng theo rạch ở những nơi thực bì là cây bui, cây tái sinh có chiều cao bình quân dưới 3m. Kỹ thuật xử lý thực bì là mở các rạch rộng 2m, trên rạch phát trắng, thiết kế trồng 1 hàng cây ở giữa. Mật độ 550 – 600 cây/ha .
8. Thời vụ trồng:
– Tuỳ theo từng vùng sinh thái khác nhau, nhưng Trám trắng có thể trồng được cả vụ Xuân hè từ tháng 2 – tháng 4 và Hè thu từ tháng 5 – tháng 8 .
9. Hố trồng:
Kích thước hố 40 x 40 x 40cm, hố phải cuốc trước khi trồng 1 -1,5 tháng, lấp hố sau khi cuốc 15 ngày. Hố lấp phải đầy, ở giữa cao hơn hố 3 – 5cm .
10. Trồng cây:
Trồng bằng cây có bầu được ươm tại vườn có tuổi từ 7 – 9 tháng hoặc 15 – 16 tháng. Tiêu chuẩn cây con loại 7 – 9 tháng có chiều cao 40 – 60cm, đường kính cổ rễ lớn hơn 0,45cm, loại cây 15 – 16 tháng có chiều cao bình quân 70 – 100cm và đường kính cổ rễ lớn hơn 0,7cm, cây sinh trưởng bình thường không sâu bệnh hoặc cụt ngọn .
C – Chăm sóc và bảo vệ rừng non :
11. Sau khi trồng cần chăm sóc tiếp 4 năm liền (không kể năm trồng), kỹ thuật cụ thể như sau :
– Năm thứ nhất, thứ hai và thứ ba mỗi năm chăm sóc 3 lần : 2 lần phát và xới quanh gốc, 1 lần phát quang cỏ dại và cây bụi chèn ép cây trồng, kết hợp điều chỉnh cây phù trợ không cho cây phù trợ che bóng ngọn Trám trắng.
– Năm thứ tư : Chăm sóc 2 lần gồm 1 lần phát, xới quanh gốc và l lần phát quang .
– Trong phương thức nông lâm kết hợp việc chăm sóc chủ yếu là kết hợp lúc chăm sóc cây nông nghiệp .
12. Bảo vệ và phòng trừ sâu bệnh :
– Rừng trồng cần được bảo vệ nghiêm ngặt, không chăn thả trâu, bò, dê trong khu vực rừng trồng . – Khi phát hiện có sâu bệnh cần báo với cơ quan chuyên môn để có biện pháp phòng trừ kịp thời .
Tin mới nhất
- Tạp chí Khoa học Lâm nghiệp
- Ảnh hưởng của mật độ và phân bón đến năng suất rừng trồng Keo lai 9,5 năm tuổi ở Quảng Trị
- Nghiên cứu đặc điểm đất đai tại khu vực loài Trúc đen (Phyllostachys nigra Munro) phân bố tại Sa Pa, Lào Cai
- Phân tích chỉ số đa dạng sinh học của thực vật thân gỗ trong Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà - Tp. Đà Nẵng
- Nghiên cứu đa dạng di truyền cây Dầu rái (Dipterocarpus alatus Roxb.) bằng kỹ thuật RAPD
Các tin khác
- Vài nét về Vấn đề cơ giớI hoá phục vụ trồng rừng trên vùng đất phèn Đồng bằng sông Cửu Long
- Hiệu lực bảo quản tre của thuốc PBB và CMM
- Đa dạng hoá sản xuất trong phát triển kinh tế nông thôn ở Việt Nam
- Một số giải pháp LNXH nhằm đáp ứng nhu cầu gỗ củi
- một số Giải pháp về cơ chế chính sách ván nhân tạo và đặc sản rừng