Hội thảo “Xác định ưu tiên nghiên cứu các lĩnh vực Giống & công nghệ sinh học lâm nghiệp và Lâm sinh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”

Ngày 18/12/2019, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đã tổ chức các Hội thảo “Xác định ưu tiên nghiên cứu lĩnh vực Giống & công nghệ sinh học lâm nghiệp và Lâm sinh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” nhằm đánh giá những kết quả đã đạt được, những tồn tại hạn chế để từ đó xây dựng các định hướng nghiên cứu cho giai tiếp theo, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất trong lĩnh vực Giống & công nghệ sinh học lâm nghiệp và Lâm sinh.

Tham dự và điều hành Hội thảo có các chuyên gia đến từ Hội khoa học kỹ thuật Lâm nghiệp VN: GS.TS Nguyễn Ngọc Lung, GS.TS Phạm Đình Sâm, GS.TS Lê Đình Khả, PGS.TS Nguyễn Hoàng Nghĩa, PGS.TS Triệu Văn Hùng, PGS.TS. Trần Văn Con, PGS.TS Ngô Đình Quế, TS. Hà Huy Thịnh. Về phía Viện KHLNVN có GS.TS. Võ Đại Hải – Giám đốc Viện, GS.TS Phạm Quang Thu – Chủ tịch hội đồng khoa học công nghệ Viện, Ban Giám đốc Viện, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Viện và các cán bộ khoa học thuộc lĩnh vực Giống & công nghệ sinh học lâm nghiệp và Lâm sinh của Viện.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe TS. Nguyễn Đức Kiên báo cáo kết quả nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ lĩnh vực Giống và công nghệ sinh học lâm nghiệp và TS. Trần Lâm Đồng báo cáo kết quả nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ lĩnh vực Lâm sinh giai đoạn 2010-2019 và định hướng nghiên cứu trong giai đoạn 2021-2030.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe TS. Nguyễn Đức Kiên báo cáo kết quả nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ lĩnh vực Giống và công nghệ sinh học lâm nghiệp và TS. Trần Lâm Đồng báo cáo kết quả nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ lĩnh vực Lâm sinh giai đoạn 2010-2019 và định hướng nghiên cứu trong giai đoạn 2021-2030.

Về lĩnh vực Giống và CNSHLN: Trong giai đoạn 2010 – 2019, thông qua các đề tài nghiên cứu đã chọn tạo và công nhận được tổng cộng 80 giống cây lấy gỗ mọc nhanh, bao gồm 19 giống quốc gia và 61 giống tiến bộ kỹ thuật. Nhiều giống đã được phát triển rộng rãi vào sản xuất như các giống keo lai AH1, AH7, BV71, BV73, giống Keo lá tràm AA1, AA9, giống bạch đàn lai UP35, UP54, UP72, UP99, DH32-29, qua đó góp phần nâng cao năng suất và chất lượng rừng trồng trên cả nước. Bên cạnh đó, đã công nhận được 42 ha vườn giống và rừng giống các loài Keo, Bạch đàn và Thông caribaea góp phần đáp ứng nhu cầu giống của sản xuất. Về giống cây LSNG đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng. Tổng cộng đã có 34 giống của 5 loài được công nhận. Trong đó, Mắc ca 13 dòng vô tính, Tràm năm gân 12 dòng vô tính, Tràm trà 6 dòng vô tính và 2 gia đình, Sa nhân tím 1 xuất xứ. Ngoài ra cũng đã được Bộ công nhận các TBKT về nhân giống Mắc ca, Ươi, Sơn tra.

Về lĩnh vực Lâm sinh: Đã được Bộ NN&PTNT công nhận 06 TBKT về quản lý lập địa kết hợp bón phân cho các loài Keo tai tượng và bạch đàn; Kỹ thuật tỉa thưa để chuyển hóa rừng sản xuất gỗ nhỏ thành rừng sản xuất gỗ lớn Keo tai tượng và keo lai; TBKT về quy trình sản xuất và ứng dụng chế phẩm vi sinh vật hỗn hợp dạng viên nén MF1 áp dụng cho cây Thông và MF2 áp dụng cho cây Bạch đàn vùng đất nghèo dinh dưỡng; Qui trình công nghệ nhân sinh khối invitro và sản xuất chế phẩm AM; Qui trình sản xuất chế phẩm nấm rễ nội cộng sinh AM (A.mycorrhiza) invitro dạng bột cho cây lâm nghiệp nhằm góp phần tăng năng suất và chất lượng rừng cho một số loài cây và đã đăng ký 2 giải pháp hữu ích cho các lĩnh vực trồng rừng. Ngoài ra, trong giai đoạn vừa qua Viện đã xây dựng được các Hướng dẫn kỹ thuật gây trồng cho các loài cây trồng rừng chủ lực, hướng dẫn phòng trừ tổng hợp bệnh chết héo cho các loài Keo tai tượng, keo lai, Keo lá tràm; Hướng dẫn kỹ thuật quản lý Mọt đục thân và bệnh chết héo hại Keo tai tượng, keo lai; Hướng dẫn kỹ thuật phòng trừ loài Sâu róm xanh hại quế và kỹ thuật phòng trừ bệnh chết héo tại Yên Bái; Quy trình kỹ thuật phòng trừ tổng hợp loài Sâu róm 4 túm lông ở các vùng sinh thái; xác định được các biện pháp kỹ thuật thâm canh gây trồng các loài cây gỗ chủ lực và cây LSNG như Mắc ca, Sâm lai châu, Tam thất hoang, Sở, Sơn tra, Óc chó, Xoay, Vù hương, Quế, Hồi, Thảo quả, Trà hoa vàng, Tơm T’rưng, Huyết đằng lông, Bương lông, Tre ngọt, Lùng… Với các đối tượng rừng ngập mặn đã xác định được các giải pháp phục hồi rừng ngập mặn, nghiên cứu kỹ thuật gây trồng cho các loài cây ngập mặn chính ở các vùng sinh thái ven biển nước ta.

Các ý kiến tại Hội thảo đã đề cập đến một số định hướng lớn cho các lĩnh vực trong giai đoạn sắp tới. Về lĩnh vực Giống và CNSHLN: Cần ứng dụng CNSH nhiều hơn trong chọn tạo giống mới, tập trung phát triển về ưu thế lai để tạo ra giống lai có năng suất, chất lượng cao; cần tập trung nghiên cứu chọn tạo giống cho các loài cây bản địa chủ lực, cây LSNG và cây ngập mặn. Các nhiệm vụ KHCN cần được thực hiện trong thời gian dài, có tính kế thừa để có các sản phẩm nổi bật. Đặc biệt là các loài cây bản địa cần được xây dựng ở các khu vực lưu giữ được lâu dài để có đủ thời gian nghiên cứu, đánh giá.

Về lĩnh vực Lâm sinh cần tập trung nghiên cứu, hoàn thiện các biện pháp kỹ thuật trồng rừng thâm canh cung cấp gỗ nguyên liệu và cung cấp gỗ lớn chất lượng cao cho các loài cây lấy gỗ và LSNG chính ở các vùng sinh thái. Nghiên cứu phục hồi, nâng cao năng suất và chất lượng rừng tự nhiên là rừng sản xuất bằng các loài cây gỗ lớn bản địa và cây LSNG có giá trị cao, kết hợp bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu ở một số vùng sinh thái trọng điểm. Tiếp tục nghiên cứu phòng trừ sâu bệnh hại chính cho các loài cây trồng rừng chủ lực, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng rừng ở nước ta.

Một số hình ảnh tại Hội nghị:

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]